Thứ Hai, 20/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Định hướng phát triển công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Trường Cao đẳng CSND I là một cơ sở đào tạo có bề dày truyền thống, phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp điển hình trong Công an nhân dân. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và sự giúp đỡ của Công an các đơn vị, địa phương, các đơn vị có liên quan, Nhà trường đã tổ chức tốt công tác giáo dục, đào tạo. Học viên nhà trường sau khi tốt nghiệp về Công an đơn vị, địa phương công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo đã được triển khai đồng bộ, toàn diện. Kết quả thực hiện được thể hiện trên một số nội dung như sau:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo được Đảng ủy, Ban Giám hiệu đặc biệt quan tâm, chú trọng; việc quán triệt, triển khai các văn bản của cấp trên và ban hành các văn bản hướng dẫn trong Nhà trường được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn kịp thời nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hoạt động, tạo cơ sở pháp lý cho các đơn vị liên quan thực hiện.

Đồng chí Thượng tá, TS Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo phát biểu tại Hội thảo khoa học Định hướng công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo công tác đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đối với công tác khảo thí, thời gian qua các khoa đã tích cực đổi mới hình thức đánh giá kết quả học tập của học viên, chú trọng việc đa dạng hình thức thi nhằm đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác kết quả học tập của học viên. Trong năm học 2021-2022, nhà trường đã triển khai xây dựng 18 ngân hàng câu hỏi thi theo thang Rubric nhằm đưa ra hệ thống tiêu chí đánh giá thực chất kết quả học tập của học viên.

Hoạt động tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quan tâm đảm bảo đúng quy định. Năm học 2021- 2022, nhà trường đã ban hành báo cáo kết quả tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2019-2021, đạt 9/9 tiêu chí và 95/100 tiêu chuẩn; đã báo cáo Bộ Công an (qua Cục Đào tạo). Nhà trường đã được Đoàn đánh giá ngoài của Bộ Công an thực hiện khảo sát tại trường, đã thống nhất và ký biên bản hoàn thành việc đánh giá ngoài tại trường, kết quả đạt 9/9 tiêu chí và đạt 94/100 tiêu chuẩn. Năm học 2022-2023, Nhà trường đã ban hành báo cáo kết quả tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2022, đạt 9/9 tiêu chí và 94/100 tiêu chuẩn.

Đoàn đánh giá ngoài của Bộ Công an tiến hành khảo sát tại Trường từ ngày 06-10/6/2022 do đồng chí Thượng tá, TS Hoàng Đại Nghĩa, Phó Cục trưởng Đào tạo làm trưởng đoàn.

Công tác xây dựng, vận hành, đánh giá, cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng đã được triển khai đúng quy định, dần đi vào nền nếp, góp phần phục vụ hoạt động tự đánh giá chất lượng, đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thiết lập cơ chế kiểm soát và đảm bảo chất lượng đối với mọi hoạt động trong quá trình đào tạo của Nhà trường.

Cùng với quá trình chuẩn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám hiệu luôn quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học trong nhà trường. Hoạt động kiểm tra cơ sở vật chất tại hội trường, phòng học; kiểm tra cơ sở vật chất tại phòng thực hành, phòng học chuyên ngành, thao trường, bãi tập; kiểm tra hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học; kiểm tra văn bằng, chứng chỉ; thanh tra công tác kiểm tra thường xuyên, định kỳ của các khoa được thực hiện kịp thời, đã đề xuất bổ sung, sửa chữa, khắc phục các vấn đề hạn chế, tồn tại góp phần đảm bảo các điều kiện dạy và học của nhà trường. Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị đảm bảo các điều kiện an toàn trong dạy học, đặc biệt đối với một số môn học có tính đặc thù của nhà trường dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn trong dạy học.

Công tác sơ kết, tổng kết, công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức về công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo cho cán bộ, giáo viên Nhà trường nói chung và cán bộ chuyên trách cũng được chú trọng. Tổ chức nhiều hội nghị sơ kết, hội thảo và lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo. Công tác nghiên cứu sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc cũng được chú trọng góp phần đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong nâng cao chất lượng hiệu quả, thực hiện công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cuộc cách mạng 4.0. Đã triển khai nghiên cứu xây dựng phần mềm Quản lý công việc của Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, phần mềm Quản lý điểm, phần mềm, lấy ý kiến phản hồi qua mạng nội bộ…

Đồng chí Thượng tá Đồng Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng và các đồng chí chụp ảnh lưu niệm tại buổi Tọa đàm.

Quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về xây dựng lực lượng Công an nhân dân và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân; Nhà trường đã xây dựng Đề án “Phát triển Trường Cao đẳng CSND I đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn coi công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo là một giải pháp quan trọng, là một quy trình bắt buộc, có ý nghĩa then chốt để quản lý hiệu quả chất lượng đào tạo. Trước yêu cầu trên, công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo phải có những định hướng, lộ trình phù hợp, trong đó cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

Một là, tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn về công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nói chung và cán bộ chuyên trách thực hiện công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo nói riêng. Mục tiêu đề ra đến năm 2030 có 50-60% cán bộ chuyên trách được tham gia tập huấn và cấp chứng chỉ kiểm định viên giáo dục nghề nghiệp, nhà trường có 2-3 đồng chí được cấp thẻ kiểm định viên giáo dục nghề nghiệp.

Hai là, nghiên cứu hoàn thiện việc xác định hình thức thi kết thúc môn học phù hợp với chuẩn đầu ra môn học. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên, các hình thức thi cần phải chú ý bám sát các mục tiêu, kỹ năng của môn học, đáp ứng mục tiêu của chương trình đào tạo. Trong đó cần tập trung vào các hình thức thi nhằm đánh giá tốt năng lực hành động, khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống xảy ra trong thực tế, tạo điều kiện cho học viên tham gia vào quá trình tự đánh giá, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường. Đẩy mạnh xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống ngân hàng câu hỏi thi đặc biệt là việc xây dựng và sử dụng hệ thống ngân hàng câu hỏi thi theo thang Rubric trong đánh giá kết quả học tập của học viên.

Ba là, tổ chức có hiệu quả, chất lượng hoạt động lấy ý kiến phản hồi về hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường nói chung và đối với một số lớp bồi dưỡng, tập huấn, nhất là các lớp ngoài trường nhằm tạo kênh thông tin quan trọng cho lãnh đạo nhà trường quyết định các chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục, đào tạo. Xây dựng hệ thống thông tin về hoạt động lấy ý kiến phản hồi, đảm bảo phục vụ công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nghiên cứu xây dựng phần mềm lấy ý kiến phản hồi tích hợp vào hệ thống phần mềm “Quản trị nhà trường thông minh” và tổ chức lấy ý kiến phản hồi của cán bộ, giáo viên, học viên về hoạt động giáo dục, đào tạo qua hệ thống mạng nội bộ của nhà trường.

Bốn là, nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng trong thời gian tới phù hợp với xu thế chung của hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong Công an nhân dân nói riêng; nhất quán quan điểm điểm chỉ đạo là hệ thống bảo đảm chất lượng của nhà trường được rà soát, đánh giá và cải tiến liên tục. Chú trọng thiết lập hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng đồng bộ, khoa học, hiệu quả. Xây dựng nhà trường “thông minh”, làm tiền đề cho triển khai xây dựng, vận hành, đánh giá, cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng, nhằm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo.

Năm là, tiếp tục thực hiện thường xuyên và có hiệu quả công tác tự đánh giá chất lượng theo đúng quy định. Chủ động thực hiện hoạt động tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo đúng quy định, mục tiêu trong năm học 2023-2024, thực hiện tự đánh giá chất lượng một số chương trình đào tạo được nhà trường ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện (chương trình đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hình sự, chuyên ngành quản lý hành chính về trật tự xã hội, đặc nhiệm); đến năm 2025, mỗi năm đánh giá ít nhất 01 chương trình đào tạo; đến năm 2030, mỗi năm đánh giá ít nhất 02 chương trình đào tạo và 01 chương trình bồi dưỡng quốc tế. Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý hoạt động tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm quản lý khoa học, bài bản hoạt động này, đồng thời đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà trường “thông minh”.

Bài: Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng

Biên tập: Bích Vân - Phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi