Chủ Nhật, 19/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Phát triển kỹ năng và phương pháp đọc sách của học viên

Thực hiện các chương trình, kế hoạch, hoạt động của Bộ Công an, trong những năm qua, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I rất quan tâm, triển khai nhiều hoạt động phong phú nhằm mục đích phát triển kỹ năng, phương pháp đọc sách của học viên như: Tổ chức thành lập và duy trì hoạt động của Câu lạc bộ bạn đọc; Tổ chức trưng bày triển lãm sách, giao lưu, tọa đàm về sách, giới thiệu sách, tham gia các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc... Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học viên về tầm quan trọng của việc đọc sách; khẳng định được thư viện là một trong những yếu tố có vị trí quan trọng trong Nhà trường, là nơi thể hiện tốt nhất, đầy đủ nhất, tinh hoa nhất của văn hóa đọc.

Hiện Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đã và đang là đầu mối liên kết cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học và đào tạo của Nhà trường với tổng diện tích sử dụng là 1232,2m2. Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã phục vụ cán bộ, giáo viên, học viên với khối lượng kho tài liệu phong phú lên đến hơn 12.000 đầu sách = hơn 300.000 cuốn. Bên cạnh đó, Trung tâm đã ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác chuyên môn và công tác thông tin khoa học; đồng thời, Trung tâm tổ chức, xây dựng, quản lý, khai thác kho dữ liệu số và triển khai các ứng dụng trên mạng nội bộ, mạng Internet để giới thiệu những thông tin khoa học của Nhà trường. Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, đầu năm học Trung tâm định kỳ tổ chức hướng dẫn học viên khóa mới cách thức tra cứu, khai thác, sử dụng tài liệu.

Trong thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tư liệu, thư viện nhằm không ngừng nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thái độ phục vụ tốt, không ngừng đổi mới, cải tiến phương thức phục vụ từ thụ động sang chủ động, tích cực giới thiệu những cuốn sách hay đến bạn đọc.

Để phát triển kỹ năng, phương pháp đọc sách cho học viên Nhà trường trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kết nối học viên đến thư viện. Học viên (Người dùng tin) là nhân tố quan trọng cấu thành hệ thống thư viện - thông tin, là người sử dụng và đánh giá chất lượng, hiệu quả của các sản phẩm và dịch vụ thư viện - thông tin. Vì vậy, Thư viện cần chương trình, nội dung cụ thể để hướng dẫn, giúp học viên nắm được nguyên tắc tiếp cận và khai thác nguồn lực thông tin trong thư viện, hiểu được tầm quan trọng của hoạt động thông tin - thư viện, nắm vững kỹ năng tìm tin, xử lý thông tin. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động nhằm thu hút học viên đến thư viện thông qua các hình thức tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh của Thư viện cũng như các sản phẩm, dịch vụ thông tin mà thư viện cung cấp.

Hai là, hướng dẫn kỹ năng đọc giáo trình, tài liệu, sách tham khảo (gọi chung là đọc sách) cho học viên. Trong quá trình  học tập của học viên, đọc sách được coi là khâu quan trọng giúp học viên tiếp cận tri thức và phát triển phương pháp tự học hiệu quả. Vì thế, cần hướng dẫn học viên xác định mục tiêu cho mình như đọc sách gì, liên quan đến chuyên ngành của mình như thế nào, tiếp thu được kiến thức gì, chúng có giúp giải quyết vấn đề mình đang tìm kiếm hay không?

Kĩ năng đọc sách có thể chia nhỏ thành nhiều thao tác cụ thể gồm:

- Tra cứu tài liệu: Để tìm được tài liệu theo yêu cầu, học viên phải biết cách tra cứu tài liệu ở thư viện lẫn các kho tài liệu trực tuyến. Có nhiều cách tra cứu như: tra cứu theo từ khoá, theo tên tác giả, theo tên sách, theo chủ đề... học viên thành thạo thao tác này sẽ tiết kiệm được thời gian khi đọc sách và đọc được những tài liệu sát với nội dung mà mình muốn tìm kiếm.

- Chọn sách: Việc lựa chọn được nguồn tài liệu khoa học, đáng tin cậy và chính xác nhất là điều học viên nên lưu ý. Hiện nay nguồn tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số rất dồi dào, chứa đựng thông tin phong phú, với nhiều quan điểm khác nhau thậm chí trái chiều. Vì thế, trước khi đọc một cuốn sách, một tập tài liệu, học viên cần nắm rõ các nhà xuất bản uy tín, các tác giả là chuyên gia đầu ngành, có những nghiên cứu giá tri, thời điểm xuất bản, số lần tái bản để đảm bảo thông tin có sự cập nhật.

- Đọc sách: Học viên cần phải có phương pháp đọc sách khoa học để tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao khi đọc sách. Muốn vậy, học viên cần tham khảo, vận dụng và thực hiện thứ tự theo các bước sau: đọc nhanh, đọc kỹ, tìm kiếm và khai thác tài liệu khi đọc.

Trong công tác phục vụ bạn đọc, cán bộ thư viện cần định hướng, tư vấn và giới thiệu những tài liệu, thông tin phù hợp với nội dung, yêu cầu của học viên. Để giúp học viên tiếp thu được kiến thức đã được đọc, bồi dưỡng niềm đam mê đọc sách. Cán bộ thư viện cần khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động đọc nhằm phát huy tính tự giác, sáng tạo trong quá trình đọc sách của học viên.

Ba, khơi dậy niềm đam mê, hứng thú đọc sách trong học viên. Để thực hiện tốt nội dung này Thư viện cần:

- Xây dựng mô hình thư viện thân thiện, vừa là nơi đọc sách, vừa là nơi  chia sẻ tri thức, kết nối học viên với học viên, học viên với giáo viên. Đồng thời cần có các khu vực dành riêng cho thảo luận nhóm, hội thảo, khu thư giãn,... tạo điều kiện cho học viên tự học, tự nghiên cứu.

- Xây dựng chính sách bổ sung tài liệu phù hợp. Trung tâm Lưu trữ và Thư viện cần duy trì tốt sự phối hợp với các Khoa trong rà soát, bổ sung nguồn giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo…, đặc biệt là hệ thống các báo cáo tổng kết chuyên đề và các văn bản hướng dẫn về công tác nghiệp vụ để bổ sung tài liệu có chất lượng cao với nhu cầu tin của bạn đọc; phù hợp, cân đối giữa các loại hình và nội dung tài liệu.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ thư viện. Cán bộ Trung tâm Lưu trữ và Thư viện cần hướng tới đảm bảo các kỹ năng sau: (1) Nhận dạng đúng các yêu cầu khai thác thông tin; (2) Truy cập thông tin có hiệu quả và đúng quy định; (3) Đánh giá chính xác thông tin và nguồn tin; (4) Có kỹ năng giao tiếp hiệu quả với bạn đọc; (5) Có khả năng tra cứu thông tin trên mạng, sử dụng thành thạo các công cụ tham khảo, bao quát được các nguồn tin; (6) Giải quyết hợp lý các tình huống trong quá trình phục vụ người đọc.

- Tăng cường khai thác cơ sở vật chất kĩ thuật hiện có, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tinvà đẩy mạnh các sáng kiến cải tiến trong việc quản lý hoạt động thư viện và lưu trữ. Triển khai thực hiện Kế hoạch 1123/KH-T09-T1 ngày 26/5/2021 “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong Trường Cao đẳng CSND I, nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển công tác thư viện Nhà trường chuẩn hóa, hiện đại hóa và tạo môi trường học tập suốt đời cho cán bộ, giáo viên và học viên.

- Thường xuyên nghiên cứu nhu cầu tin, hứng thú đọc sách của học viên để đạt hiệu quả cao trong công tác phục vụ bạn đọc. Khi nắm bắt được nhu cầu tin của học viên, Thư viện sẽ có chiến lược và xu hướng phát triển nguồn tin hợp lý, điều chỉnh diện bổ sung tài liệu cho sát với nhu cầu của học viên, cân đối tỷ lệ giữa các lĩnh vực tri thức được đào tạo trong Nhà trường.

- Tăng cường mối quan hệ phối hợp với Thư viện Bộ Công an, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện của các học viện, trường CAND, các viện nghiên cứu, Công an các đơn vị, địa phương trong việc cung cấp tài liệu, kết nối thư viện điện tử, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.Tranh thủ sự ủng hộ, tặng sách, tài liệu tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển và làm phong phú thêm kho sách của Nhà trường.

Phát triển kỹ năng và các phương pháp tiếp cận việc đọc sách cho người đọc là việc Trung tâm Lưu trữ và Thư viện Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I không ngừng hướng tới. Với quan niệm tất cả lấy người đọc làm trung tâm, Thư viện sẽ là người bạn đồng hành, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp và hình thức nhằm giúp người đọc nâng cao nhận thức và có cái nhìn đúng đắn hơn trong việc đọc sách để văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ.

Bài: Trung tâm Lưu trữ và Thư viện

Biên tập: Bùi Bích Vân - Phòng HCTH

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi