Thứ Sáu, 17/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bắt nhịp vào năm mới

Một trong những hình ảnh mà người viết ấn tượng nhất trong ngày đầu năm mới Nhâm Dần đó là cảnh 500 công nhân khẩn trương dọn tiểu cảnh, linh vật hổ... để trả mặt bằng phố đi bộ Nguyễn Huệ ngay trong đêm mồng 6 Tết (6/2). Dấu ấn của một cái Tết thích ứng an toàn, đầm ấm nhưng cũng mau lẹ chuyển đổi trạng thái để bắt nhịp với guồng quay của năm mới.

Cũng trong sáng ngày 6/2, tại khuôn viên Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ; thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây "Vì một Việt Nam xanh". Con đường hoa rực rỡ sắc xuân đã hoàn thành sứ mệnh của mình để nhường lại con đường của những bàn chân; cây xanh sẽ bắt rễ, đâm chồi vươn lên trong mùa xuân mới để phủ kín đồi trọc.

Thực sự, người dân Việt Nam đã đón mùa xuân này bằng một tâm thế rất đặc biệt. Đại dịch COVID-19 từ một nỗi ám ảnh suy thoái đã trở thành bài học lớn về sự phát triển bền vững. Hay nói cách khác, qua những ngày phải giãn cách xã hội, phải làm việc tại nhà, "độc lập tác chiến" trong công việc đã giúp mỗi người thay đổi cách đón Tết, nghỉ Tết bằng một trạng thái động.

đón học sinh trở lại trường-nguồn ảnh báo đại đoàn kết.jpg -0
Đón học sinh trở lại trường.

Trong những ngày Tết, hai đội tuyển bóng đá nam và nữ quốc gia đã "lĩnh ấn tiên phong" và tạo ra một nguồn cảm hứng cho năm mới. Nhiều người coi đó là điềm lành, là sự may mắn khởi đầu hanh thông. Người viết cho rằng, bên cạnh niềm tin, đó còn là kết quả của chủ trương, của cách vận hành công việc mới mà thể thao nước nhà đã tạo dựng được. Chúng ta đang thật sự chủ động trên mọi mặt trận, tạo nên sự mới mẻ cho năm mới.

Trong bài trả lời phỏng vấn trên Vnexpress, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra tuyên bố: "Việc đưa học sinh trở lại trường học lúc này là cần thiết và phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả bậc học từ mầm non đến đại học, đặc biệt là cấp học mầm non và phổ thông tại các địa phương. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh". Tái thiết một nền giáo dục đủ sức mạnh trước các nguy cơ có thể xảy ra có lẽ là nhiệm vụ khó khăn và quan trong nhất trong thời điểm này. Chưa khi nào, giáo dục đặt ra yêu cầu về sự hợp tác và cũng nhận được sự hợp tác, ủng hộ của toàn xã hội đến thế. Thay vì mau chóng đưa con em đến trường sau những kì nghỉ theo kiểu "giải phóng phụ huynh", thay vì phó mặc thế hệ trẻ cho các "lò" dạy thêm, cho sách giải, văn mẫu là nhiệm vụ được đặt ra: Chúng ta sẽ chuẩn bị cho tương lai thế nào, thay vì nhà trường sẽ dạy con tôi ra sao?

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong dịp Tết vừa qua là chuyến công tác đặc biệt kéo dài 3 ngày, trên cung đường bộ dài gần 1.600km của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Thủ tướng đã phát biểu thẳng thắn: "Các anh cứ làm việc, chúng tôi tới tận nơi công nhân đang làm. Triển khai công việc phải thực chất, nghiêm túc, hiệu quả chứ không phải khi lãnh đạo đến kiểm tra thì mới huy động máy móc, thiết bị hoành tráng đến một chỗ này, dừng công việc lại, lãng phí thời gian". "Thực chất, nghiêm túc, hiệu quả" chính là phương châm hành động hướng đến những giá trị cốt lõi của phát triển mà người đứng đầu Chính phủ muốn nhắc đến. Một chuyến công tác xuyên Tết nói lên một cách đón năm mới chính là thông điệp với mỗi chúng ta: Chỉ có bắt đầu công việc một cách tích cực từ hôm nay mới có thể biến những mong ước, những lời chúc thành hiện thực trong ngày mai.

Qua hai năm đối mặt với đại dịch COVID-19, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã có những biện pháp nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh. Năm mới đã bắt đầu từ bằng các chính sách thiết thực. Theo Báo Thanh niên: "UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành quyết định phê duyệt nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, trong đó dành gần 500.000 m2 diện tích sàn để xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động. Bên cạnh đó, sẽ triển khai đề án đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú cho CN, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao phục vụ CN trong các KCN". Người lao động hôm nay đã không còn là những người làm thuê thời vụ, chớp nhoáng trên đất khách quê người mà từng bước cảm nhận được sự ấm áp của quê hương thứ hai. Một cách an cư, đón xuân mới trong xu thế phát triển.

Với khoảng 420.000 công nhân của thành phố Hồ Chí Minh, 500.000 lao động của Bình Dương, 45.000 lao động của Bắc Ninh, 1.500 lao động của Hà Nội… và ở nhiều nơi khác đã ở lại đón Tết, không khí, nhịp độ công việc vẫn luôn được bảo đảm. Bản thân người lao động được quan tâm, có thêm thu nhập, sản xuất được duy trì nhưng điều quan trọng hơn, chúng ta có một cách đón Tết mới: Không còn nặng nề với việc nhậu nhẹt, lễ bái, đón năm mới bằng cách setup cho một năm với những mục tiêu lớn.

bắt nhịp vào năm mới vì một tương lai xanh-nguồn ảnh báo quân đội nhân dân.jpg -0
Bắt nhịp vào năm mới vì một tương lai xanh.

Mỗi chúng ta nên tự tạo cho mình một nếp sống văn hoá trong cách làm việc, nghỉ ngơi và hưởng thụ - một câu chuyện tưởng như không mới nhưng vẫn là sự nhức nhối nhiều năm qua, đến hôm nay thực sự đã có những chuyển biến. Việc phải gác lại lễ hội là một thiệt thòi cho ngành văn hoá, du lịch nhưng cũng tạo ra khoảng lặng để chúng ta sống chậm, nghĩ về những tháng Giêng chen lấn cướp ấn, dâng lễ, đốt vàng mã một cách phản cảm. Một cái Tết không trở về quê hương do những hoàn cảnh khách quan đủ giúp mỗi người nghĩ lại những bữa nhậu liên miên, rồi lời qua, tiếng lại cãi vã, đâm chém… chưa bao giờ chúng ta có một cơ hội để thay đổi cách sống tốt như thế.

Gần đây, chúng ta nhắc nhiều đến thích ứng và phục hồi nhưng không có nghĩa đó chỉ là cách đặt mục tiêu khôi phục kinh tế và các hoạt động xã hội trước khi có đại dịch, "gắn phục hồi với xu thế mới là phục hồi xanh, phục hồi số và chyển đổi số" (theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh). Dịch bệnh đã tạo ra sự thay đổi, nhưng cách mà chúng ta đang thay đổi lại theo hướng phát triển bền vững, lâu dài, một cách đón năm mới như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp Ban Bí thư đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 11 ngày 08/12/2021: "Từng cơ quan phải có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể trong năm 2022 ghi rõ đầu việc, việc nào cần làm trước, việc nào cần làm sau, việc gì chưa nên làm nếu chưa chín muồi, phân công cụ thể nếu không xong phải chịu trách nhiệm ra sao. Tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Tôi hay nói "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" chính là như vậy".

Bắt nhịp vào năm mới cũng là cách trở lại với những thách thức còn đọng lại với người dân toàn cầu như: Các biến thể mới của virus vẫn đang đe dọa loài người; năng lực sản xuất của các doanh nghiệp bị suy giảm thì nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng đơn hàng bị huỷ, giá xăng, dầu, gas, than… lên cao khiến chi phí sản xuất tăng lên; tình trạng lạm phát gia tăng trên toàn thế giới trong bối cảnh giá cả năng lượng, nhiên liệu, vận tải trên toàn cầu được dự báo còn tiếp tục tăng; tình trạng thiếu hụt lao động tiếp tục lan rộng đang ảnh hưởng tiêu cực cho việc các doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh trở lại… Hơn lúc nào hết, hãy bắt đầu đối diện với thử thách bằng sức mạnh từ truyền thống văn hoá,  bằng niềm vui của những ngày tết trong mỗi con người chúng ta.

Nguồn: Báo CAND


 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi