Thứ Ba, 21/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Chất lượng Đảng viên

LTS: Hạt nhân cốt lõi của công tác xây dựng Đảng là chất lượng Đảng viên. Và để tạo ra một lực lượng Đảng viên chất lượng, phải giải quyết rốt ráo chuyện lợi dụng danh nghĩa Đảng để trục lợi của những người không mang niềm tin, lý tưởng thuần thành.

Tiến sỹ Lê Kiên Thành: “Hãy giữ chất Đảng viên trong chúng ta lâu nhất, nhiều nhất”

+ Thưa Tiến sỹ Lê Kiên Thành, được biết ông “ra riêng” làm doanh nghiệp tư nhân rất sớm, từ năm 1991. Vậy thì ông còn giữ Đảng tịch chứ?

- Tất nhiên (và cả may mắn nữa) là tôi còn Đảng tịch. Mới cách đây mấy ngày tôi được nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.

Tiến sỹ Lê Kiên Thành.

+ Như vậy là có 30 năm ông là một Đảng viên đi làm kinh tế, nôm na là một Đảng viên đứng ngoài bộ máy hành chính. Thực sự ông có cảm thấy 30 năm ấy Đảng tịch còn cần thiết với mình hay không?

- Tôi lại nghĩ hơi khác. Khi chọn lý tưởng của Đảng là mình nguyện phụng sự những lợi ích của nhân dân, của đất nước và chỉ có những lợi ích đó. Thế thì không chỉ có đứng trong bộ máy nhà nước mới xứng đáng là Đảng viên. Đó là điều dễ hiểu mà.

+ Xin đơn cử một ví dụ thế này. Có một người quen chung giữa tôi và ông. Người ấy khi còn làm trong bộ máy nhà nước đã tìm mọi cách để phấn đấu vào Đảng nhưng ngay khi vừa mới rời khỏi bộ máy để ra làm tư nhân, người đó hoàn toàn bỏ tất cả các sinh hoạt Đảng. Thậm chí khi đơn vị cũ liên lạc mấy lần để làm thủ tục chuyển hồ sơ sinh hoạt Đảng về Đảng bộ địa phương, người đó đều không xuất hiện dù chỉ sống cách đơn vị cũ vài bước chân. Ông nghĩ về trường hợp này và nhiều trường hợp tương tự như thế nào?

- Một ví dụ hay. Tôi nghĩ thế này: chắc người đó, cũng giống “một số không nhỏ” - như lời Tổng Bí Thư đã nói - “vào Đảng với mục đích khác”, mục đích thăng tiến là rõ nhất, nên khi thấy không còn cần nữa thì anh ta bỏ Đảng.

+ Như vậy, chúng ta có thể nói rằng đã và đang có một bộ phận lợi dụng danh nghĩa Đảng vì mưu cầu cá nhân, mà cụ thể nhất là kiếm tìm vị trí xã hội?

- Đó là một sự thật đau lòng mà ta phải nhận thấy từ lâu rồi mới đúng. Khi Hội nghị Trung ương 4, khoá 12 đã vạch ra: “Đảng đứng trước nguy cơ tồn vong khi một bộ phận không nhỏ Đảng viên thoái hóa, biến chất” thì đó chính là vấn đề mà bạn đang nói tới.

+ Nhưng phải nói thế này. Kiếm tìm vị trí xã hội cũng là một nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân. Bản thân Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc đến mưu cầu hạnh phúc như một cái quyền cơ bản. Nếu một người thấy việc có được một vị trí xã hội, một chức vụ trong bộ máy chính là hạnh phúc thì có thể hiểu và thông cảm cho mục đích vào Đảng của họ hay không? Vả lại, Đảng là một tổ chức chính trị và việc trở thành một Đảng viên cũng là việc kiếm tìm một vị thế chính trị cho riêng mình mà.

- Mưu cầu hạnh phúc nói chung đúng là rất chính đáng của mọi người, trong đó có cả người Đảng viên. Nhưng người đã tình nguyện đứng vào hàng ngũ đó phải, và bắt buộc phải, chấp nhận hy sinh mưu cầu riêng vì lợi ích chung. Hy sinh trên chiến trường khi đất nước có giặc. Hy sinh một phần lợi ích cá nhân của mình khi xây dựng cuộc sống trong hòa bình. Thiếu tính hy sinh thì sẽ trở thành bình thường như muôn vàn người khác, không còn là Đảng viên nữa. Có lần tôi nói với chú Đỗ Mười: “Chú có bao giờ hình dung các nhà lãnh đạo Cộng sản lại giàu có như ở nước mình không chú. Cháu thì hình dung nếu tự nhận nước mình xây dựng CNXH thì những người lãnh đạo phải là người giàu cuối cùng trong xã hội này!”.

+ Nhân ông nhắc đến đức hy sinh. Đúng là ở thế hệ trước đã có không biết bao nhiêu người đã hy sinh cả bản thân mình vì Đảng. Còn bây giờ, dường như đang có xu hướng ngược lại là họ chỉ vì bản thân mình mà làm tổn hại tới hình ảnh của Đảng cũng như sự cao đẹp của những người Cộng sản chân chính. Nhưng việc phải có Đảng tịch mới có thể có địa vị trong bộ máy lại tạo một môi trường cho những người như thế lạm dụng Đảng. Đó là mâu thuẫn rất lớn cũng như cản trở lớn trong công tác vô cùng quan trọng mà Tổng Bí thư vẫn đang kiên trì theo đuổi là “Xây dựng Đảng”?

-  Ngày xưa, là Đảng viên, bị địch bắt là phải chịu tra tấn, tù đầy. Là Ủy viên Trung ương là bị địch xử bắn. Nghĩa là, Đảng là hàng ngũ của những người ưu tú nhất, dám xả thân nhất. Ngày nay, chúng ta phải tiếp tục đề cao, nhấn mạnh điều này bằng mọi cách, để tất cả đều thấy rõ ràng vào Đảng không phải để hưởng thụ, mà để dấn thân, để hy sinh, để cống hiến cho những  nhiệm vụ của hôm nay. 

+ Thời gian rồi sẽ trôi rất nhanh, thế hệ đi trước rồi cũng sẽ nằm xuống. Ông có sợ rằng khi thế hệ hy sinh vì Đảng đã sang thế giới bên kia rồi thì lực lượng lợi dụng Đảng sẽ không còn những trở lực và họ càng khiến Đảng mất niềm tin trong dân hơn?

- Theo cách tan rã và sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu thì đúng là như vậy. Sự thoái hoá là dễ hiểu trong một môi trường đầy cám dỗ quyền lực và vật chất  đối với những cán bộ vốn dĩ là Đảng viên của một đảng cầm quyền. Nhưng nếu Đảng có thể bảo vệ những đảng viên trung kiên, biết cách thu nạp những người trẻ còn đầy nhiệt huyết và trong sáng, biết dùng quần chúng để gột rửa chính mình, thì khi đó Đảng sẽ còn tồn tại với chính sứ mệnh thiêng liêng của mình.

+ Lúc nãy ông có nhắc tới hai chữ lý tưởng. Ông có tin rằng vẫn còn những người trẻ ở thời đại này vào Đảng vì họ mang lý tưởng Cộng sản?

-  Khi Đảng ra đời, lúc đấy đa phần là Đảng viên trẻ, có nhiều người còn rất trẻ. Lúc đó Đảng chưa có một thành công nào. Bây giờ, không ai có thể phủ nhận Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên giải phóng và thống nhất đất nước trước những kẻ thù vô cùng to lớn và hung bạo. Đội ngũ đấy có đáng tự hào để lớp trẻ đứng vào và tiếp tục không, tôi nghĩ là có. Nhưng nếu tồn tại những người tha hóa biến chất, vì một lý do nào đó, từ một “ bộ phận không nhỏ” lại trở thành một “bộ phận lớn” thì hình ảnh của Đảng sẽ bị ảnh hưởng và dẫn tới lý tưởng của Đảng không còn trở nên cuốn hút nữa. Lý tưởng đầu tiên và duy nhất của Đảng là chống áp bức, bóc lột, xây dựng một cuộc sống hòa bình, ấm no hạnh phúc thì sao ta phải thay đổi. Tôi nghĩ, đúng hơn, ta hãy thực sự quay lại với lý tưởng đó bằng cách thay đổi lực lượng trong Đảng để khai trừ những thành phần lợi dụng danh nghĩa Đảng để họ biến mình thành chính những kẻ áp bức mới.

+ Nếu được góp ý một điều gì cho công tác xây dựng lực lượng Đảng viên mới chất lượng và lành mạnh, ông sẽ đề xuất gì?

- Tôi muốn nhắc lại lời tôi đã phát biểu tại buổi nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng là: “Đảng mạnh không phải chỉ từ 200 đồng chí Ủy viên Trung ương, từ 18 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mà phải là từ 5 triệu Đảng viên mà mỗi người chúng ta là một phần quan trọng. Hãy giữ được chất Đảng viên trong chúng ta lâu nhất, nhiều nhất. Ba tôi, Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, chính vì vậy, đã nhiều lần nói: “Đảng viên chúng ta, mỗi ngày, hãy tự kết nạp mình vào Đảng!”.

+ Xin chân thành cảm ơn ông về buổi trao đổi cởi mở này.

Trích nguồn: Báo CAND

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi