Thứ Năm, 21/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hà Nội kiến nghị đẩy nhanh tiến độ di dời các trường đại học ra khỏi nội đô

Thường trực Thành uỷ Hà Nội làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về lộ trình cho học sinh trở lại học trực tiếp tại trường và tình hình công tác GD&ĐT của Thủ đô năm 2022, những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của TP Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng trình bày, đối với lộ trình cho học sinh quay lại trường học, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã cho học sinh một số cấp học trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, hiện nay học sinh một số khối lớp thuộc 30 quận, huyện, thị xã đã chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Tính đến ngày 6/3, cấp tiểu học và khối lớp 6 cấp THCS tiếp tục dạy và học trực tuyến. Cấp THCS (từ lớp 7 - 9), số học sinh đến trường học trực tiếp chiếm 46,07% và còn lại 53,93% học sinh học trực tuyến. Cấp THPT, số học sinh đến trường học trực tiếp chiếm 58,45% và còn lại 41,55% học sinh học trực tuyến…

Với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến giúp cho hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh không bị gián đoạn.

Hà Nội kiến nghị đẩy nhanh tiến độ di dời các trường đại học ra khỏi nội đô -0
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, TP phấn đấu nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia lên 80-85%. Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi tại các cơ sở giáo dục đạt 99,8%; mũi 2 đạt 99,5%. Các trường học, cơ sở giáo dục được tổ chức học trực tiếp dựa trên nguyên tắc: Thực hiện theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2...

Tại buổi làm việc, Hà Nội nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ban ngành liên quan, trong đó nhấn mạnh 4 kiến nghị đặc thù với giáo dục Thủ đô như: Cho phép Trường Đại học Thủ đô phát triển các mã ngành đào tạo giáo viên; ban hành văn bản hướng dẫn mô hình quản lý các loại hình trường học liên quan đến một số trường, cơ sở giáo dục đặc thù.

Đặc biệt, cho phép các cơ sở giáo dục công lập được phép liên kết, liên danh, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài; học sinh tham gia và hoàn thành chương trình được cấp song bằng Việt Nam và bằng quốc tế tại các trường phổ thông Hà Nội có đủ điều kiện (hình thức du học tại chỗ)…

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội đô; cần có quy chế, quy chuẩn đặc thù đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội để phát triển giáo dục…

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, Hà Nội là khu vực có chất lượng giáo dục hàng đầu cả nước và có tầm quan trọng đặc biệt, dẫn dắt sự phát triển của hệ thống giáo dục cả nước. Vì thế, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị, Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn giáo dục cao hơn cả nước, nhất là vấn đề chất lượng trong giáo dục. Ngoài ra, cần có kế hoạch, chiến lược để giải quyết từng vấn đề cụ thể trong giáo dục và có giải pháp thực hiện chiến lược phát triển cho từng khối, từng khu vực.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi