Chủ Nhật, 6/10/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Định hướng phát triển khoa Cảnh sát giao thông góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Trong mỗi giai đoạn phát triển, khoa CSGT đã khắc phục mọi khó khăn, không ngừng chủ động, sáng tạo, đổi mới toàn diện các mặt công tác, đáp ứng tốt nhất cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lực lượng CSND trong đó có lực lượng CSGT. Qua đó, đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Tính đến nay, khoa CSGT cùng với các đơn vị của nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 8.000 cán bộ, chiến sĩ CSGT cho Công an các đơn vị địa phương; kết quả đào tạo luôn giữ vững và từng bước được nâng cao. Theo khảo sát số học viên sau khi ra trường, hầu hết phát huy và vận dụng tốt kiến thức được học tập tại trường, nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo các đơn vị, có đồng chí đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSGT nói riêng luôn gắn bó máu thịt với nhân dân vì nhân dân phục vụ, không quản ngại hiểm nguy, gian khổ để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên những tuyến đường, đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Để đạt được những kết quả trên, khoa CSGT bên cạnh nhận được sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, còn có sự phối hợp rất trách nhiệm của các đơn vị chức năng trong nhà trường; đã khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành mượn địa điểm, mua sắm, thiết bị đảm bảo yêu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học; sự phối hợp chặt chẽ với các Cục nghiệp vụ, Công an các địa phương trong công tác báo cáo thực tế, tham quan kiến tập về công tác chỉ huy điều khiển giao thông, tuần tra kiểm soát giao thông, sử dụng các thiết bị kỹ thuật như: máy bắn tốc độ, camera theo dõi tình hình TTATGT, máy đo nồng độ cồn, cân trọng tải…

Khoa Cảnh sát giao thông xác định mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021 - 2030 đó là: “Hoàn thiện lý luận nghiệp vụ chuyên ngành quản lý trật tự an toàn giao thông; xây dựng đội ngũ giáo viên có cơ cấu hợp lý, trình độ chuyên sâu; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ dạy học; nâng cao năng lực thực hành và bảo đảm học viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng được ngay công việc theo từng vị trí công tác; thường xuyên trao đổi thông tin, hợp tác trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội”.

Để thực hiện được mục tiêu tổng quát trên, khoa CSGT đã đề ra một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên của Khoa CSGT đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng giảng dạy, nhất là số giáo viên giảng dạy lý thuyết. Xây dựng chỉ tiêu biên chế của Khoa khi Bộ Công an duyệt quy mô đào tạo; tăng cường bổ sung thêm giáo viên là học viên chính quy chuyên ngành CSGT, trình độ đại học tại Học viện CSND, Đại học CSND hoặc học viên chính quy chuyên ngành về ô tô, cầu đường, trình độ đại học tốt nghiệp tại các Trường có uy tín. Đối với các giáo viên giảng dạy thực hành (lái xe ô tô, mô tô, xuồng máy) cần có quy hoạch, kế hoạch cử đi đào tạo một số chuyên ngành của các trường có uy tín đào tạo phù hợp với một số môn đặc thù trong chương trình đào tạo học viên chuyên ngành CSGT. Chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đối với đội ngũ giáo viên như: tăng cường đi công tác thực tế, quy hoạch cụ thể để luân chuyển giáo viên nghiệp vụ về Công an các đơn vị địa phương...

Hai là, rà soát xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành quản lý trật tự, an toàn giao thông phù hợp với nhu cầu sử dụng cán bộ của Công an các địa phương. Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học; rà soát chỉnh lý, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, bài tập tình huống nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.

Ba là, kết hợp hài hòa giữa tinh giản biên chế và chỉ tiêu đào tạo cán bộ, trong đó có chỉ tiêu đào tạo học viên chuyên ngành CSGT. Chỉ tiêu đào tạo học viên chuyên ngành CSGT của các năm học, bảo đảm các khóa học đều có chỉ tiêu, tránh nhiều năm học không đào tạo học viên chuyên ngành CSGT như hiện nay. Từ đó, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên chất lượng, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch định kỳ, đột xuất của Bộ Công an, của nhà trường đặc biệt là góp phần nâng cao chất lượng dạy học đối với học viên chuyên ngành CSGT.

Bốn là, tăng cường phương tiện, thiết bị dạy và học chuyên ngành CSGT. Đồng thời có quy hoạch, kế hoạch xây dựng sân tập để học viên thực hành như: Chỉ huy điều khiển giao thông; triển khai đội hình tuần tra kiểm soát giao thông; thực hành kiểm định an toàn xe cơ giới; thực hành khám nghiệm hiện trường TNGT; tập lái xe ô tô, mô tô trong sân sát hạch… bảo đảm cho học viên chuyên ngành được tiếp cận và sử dụng thành thạo các loại thiết bị, phương tiện để khi tốt nghiệp ra trường học viên có thể tiếp cận và thực hiện được tốt công tác chuyên môn khi được phân công thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, đổi mới cơ chế chính sách đối với công tác đào tạo CSGT. Thể hiện ở một số nội dung như: Cần xây dựng chiến lược dài hạn về quy mô, hình thức, chỉ tiêu đào tạo CSGT để các đơn vị chức năng chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo và trách nhiệm phối hợp trong tổ chức đào tạo; kế hoạch ưu tiên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tế trong công tác bảo đảm TTATGT; tăng cường quan hệ phối hợp và hợp tác quốc tế trong vấn đề phát triển giáo dục đào tạo CSGT; xây dựng kế hoạch tài chính ngắn hạn, dài hạn trong đó cần ưu tiên đối với công tác đào tạo lực lượng CSGT như đào tạo mới; các lớp bồi dưỡng đối với số cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng CSGT nhưng chưa qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành CSGT; các lớp bổ sung, cập nhật kiến thức mới cho lực lượng CSGT…

Sáu là, đẩy mạnh công tác phối hợp với Cục CSGT để các học viện, trường CAND có đào tạo học viên chuyên ngành CSGT nói chung, Trường Cao đẳng CSND I nói riêng được thường xuyên tiếp nhận, cập nhật các văn bản, tài liệu nghiệp vụ có liên quan nhằm bảo đảm các Khoa CSGT của các học viện, trường CAND có tài liệu kịp thời để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy của đội ngũ giáo viên và kiến thức thực tế cho học viên chuyên ngành. Tăng cường phối hợp với Phòng CSGT Công an các đơn vị địa phương, đặc biệt là Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên giảng dạy nghiệp vụ tham gia các hội nghị tập huấn nghiệp vụ CSGT, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác năm, tổng kết các chuyên đề, chuyên án có sự phối hợp của lực lượng CSGT để giúp giáo viên có điều kiện học hỏi, cập nhật thêm kiến thức nghiệp vụ và kiến thức thực tế để phục vụ tốt trong quá trình giảng dạy của giáo viên. Mở rộng giao lưu, hợp tác với các nước đối tác trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.

Bài: Khoa Cảnh sát giao thông; Loan Trần

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi