Thứ Năm, 21/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Còn nhiều vướng mắc khi cho học sinh trở lại trường

Để học sinh đảm bảo an toàn quay trở lại trường, nhiều Sở Y tế tỉnh, thành phố cho rằng Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần thống nhất hướng dẫn kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học. Tại hội nghị trực tuyến đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho các cơ sở giáo dục với 63 điểm cầu trên cả nước do Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 8/11 đã bàn vấn đề này.

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước hiện có 28 tỉnh, thành phố đang cho học sinh học trực tiếp, 35 tỉnh với 337 huyện, thị đang cho học sinh học trực tuyến và học trên truyền hình; gần 7 triệu học sinh đang học trực tuyến. Trong hơn 1 tuần gần đây, một số địa phương đã phải chuyển sang học trực tuyến do địa bàn đổi màu cấp độ dịch từ vùng xanh sang vùng vàng.

Hiện có hơn 10.000 cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế chuyên trách tại trường học. Theo ông Nho, một số địa phương chưa thống nhất kịch bản xử trí khi phát hiện F0 trong lớp học, trong trường học, cũng như phương án cách ly, phong tỏa, đã ảnh hưởng đến việc dạy học của nhà trường.

Tại hội nghị, đại diện nhiều Sở GD&ĐT các địa phương đã nêu ra những khó khăn khi triển khai cho học sinh trở lại trường. Bà Châu Hoài Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh giữ vùng xanh hơn 120 ngày không có ca F0, tỉnh đã triển khai cho học sinh học trực tiếp từ năm học mới.

Tuy nhiên, từ ngày 5/11, Quảng Ninh xuất hiện F0, có 2 địa phương là Đông Triều và Uông Bí phải dạy trực tuyến khi hai địa phương này có 16 học sinh là F0. Riêng học sinh mầm non của 2 địa phương này phải nghỉ học chờ đến khi có thông báo mới.

Bà Thu cũng cho biết, đến nay Quảng Ninh đã tiêm vaccine mũi 1 được cho  97,03% trẻ em, số học sinh còn lại sẽ tiêm vét vào thời gian tới. Giáo viên, nhân viên trong ngành Giáo dục cũng đã tiêm vaccine được 93,53%.

Các trường đã xây dựng được phương án phòng, chống COVID-19 theo các cấp độ, bố trí phòng cách ly tạm thời để xử trí sự cố khi có F0 xảy ra. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là học sinh thực hiện quy định 5K trong môi trường trường học.

"Học sinh đeo khẩu trang liên tục, nhất là học sinh tiểu học còn nhỏ, ngày học 2 buổi rất khó khăn. Tỉnh có hơn 1.000 mắt camera theo dõi giám sát các trường học, qua đó phát hiện có học sinh lúc đeo, lúc không. Chúng tôi rất muốn ngành Y tế có hướng dẫn cụ thể trong trường học đeo khẩu trang như thế nào cho phù hợp với tình hình hiện nay", bà Thu nói.

Bà Thu cũng nêu khó khăn nữa về giãn cách trong lớp học. Theo bà, đây là khó khăn lớn nhất khi các lớp đông, sĩ số một số nơi vượt quy định cho phép. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cũng nêu những khó khăn tương tự khi tỉnh đang có kế hoạch triển khai cho học sinh trở lại trường.

Còn theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, qua khảo sát cho học sinh đi học trực tiếp vào đầu tháng 11 và tháng 12, có 1/3 phụ huynh đồng ý, nhiều người còn ngần ngại. Ông Tăng cũng nêu đề nghị Bộ Y tế sớm phân bổ vaccine để tiêm cho các em, trên cơ sở đó các tỉnh có phương án cho học sinh quay trở lại trường.

Một số ý kiến của đại diện Sở GD&ĐT địa phương cho biết, một bộ phận phụ huynh chưa sẵn sàng cho con em tiêm chủng, trong thời gian tới các em này đến trường như thế nào, có ràng buộc và quy định gì với các em này không? Đặc biệt Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể khi trong lớp có 1 F0 thì tất cả lớp có là F1 hay không và có phải đóng cửa cả trường học?

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, thời gian qua, học trực tuyến dài ngày đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của học sinh và sinh viên. Khi học sinh trở lại trường, thích ứng và chung sống an toàn với dịch, cần có các buổi tập huấn cho phụ huynh, giáo viên kỹ năng khi xảy ra trường hợp F0 thì xử trí như thế nào. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị, mỗi cơ sở giáo dục cần phải bố trí nhân viên y tế để xử lý khi có F0, làm sao để các em không sang chấn tâm lý.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Các nhà trường phải có 2 kế hoạch: Kế hoạch chung về phòng, chống dịch và kế hoạch xử lý F0. Khi có F0, trước tiên khoanh vùng, sàng lọc, truy vết, xét nghiệm, đưa F0 đi điều trị. Có phong tỏa nhưng chỉ phong tỏa lớp học, tầng học đó hoặc tòa nhà đó chứ không phong tỏa cả trường học. Chúng ta không nên quá hoang mang.

Sau khi nghe ý kiến và những kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo nhận định của WHO, tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022 còn diễn biến phức tạp, chưa thể kết thúc, chưa thể dự báo thời gian tới có xuất hiện biến chủng mới không. Các nước trên thế giới đã thay đổi biện pháp chống dịch trong tình hình mới. Việt Nam cũng phải có giải pháp để thích ứng, vừa chống dịch vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội.

"Hiện nay, trên thế giới đã có 105/134 quốc gia đã mở cửa các trường học trở lại. Chính phủ đã căn cứ vào diễn biến dịch ở thế giới, trong nước, tiêm vaccine để ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế đã bàn hành QĐ 4800. Sở Y tế và Sở GD&ĐT các địa phương rà soát lại và yêu cầu các trường phải xây dựng tình hình chống dịch thích ứng trong tình hình hiện nay; căn cứ vào cấp độ dịch để cho học sinh đi học trực tiếp hay trực tuyến. Chúng ta phải rất linh hoạt trong vấn đề này", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Về việc đeo khẩu trang khi đi học, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ GD&ĐT đã có Công văn 1583 ngày 7/5/2020 hướng dẫn rất rõ học sinh có phải đeo khẩu trang hay không. Công văn cũng hướng dẫn không giãn cách trong lớp học nhưng phải hạn chế học sinh tiếp xúc với nhau trong lớp học. Đề nghị các trường xem lại công văn để thực hiện.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị Sở GD&ĐT và Sở Y tế phải tham mưu cho UBND tỉnh có cán bộ y tế học đường. Trong điều kiện dịch hiện nay, tùy theo từng địa phương, từng cấp độ dịch báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh có thể ký hợp đồng thời vụ với cán bộ y tế để họ tham gia y tế học đường. Với học sinh đã tiêm và chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã có hướng dẫn căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương để quyết định cho trẻ đi học hay không.

"Theo hướng dẫn đó, các địa phương ở cấp độ 1 có thể cho học sinh chưa tiêm và đã tiêm đến trường học trực tiếp. Đối với cấp độ 2 trẻ vẫn có thể đến trường học nhưng phải giảm tải và giữ khoảng cách, kết hợp với học trực tuyến", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi