Thứ Tư, 4/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giáo dục sớm không phải là bắt trẻ học trước chương trình

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, giáo dục sớm là “kích” trẻ phát triển theo năng lực chứ không phải “đúc” những đứa trẻ trong một khuôn giống nhau hay buộc trẻ phải “chín ép” bằng cách học trước chương trình.

Tại Hội thảo về vai trò của việc giáo dục sớm đối với trẻ trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, sự phát triển trong những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của một con người, là nền tảng cho sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần, cũng như văn hóa và nhận thức trong tương lai của cả cuộc đời. 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với việc triển khai giáo dục cá nhân hóa, phát triển các hệ thống học tập suốt đời thì tri thức, công cụ, phương tiện cho giai đoạn phát triển sớm của trẻ được diễn ra một cách an toàn, lành mạnh và có lợi nhất ngày càng trở nên quan trọng và bức thiết. 

Theo TS Trịnh Thị Xim, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, giáo dục sớm là bước đột phá của khoa học giáo dục. Nó tác động, dẫn dắt, bồi dưỡng, phát triển tiềm năng cho trẻ trong thời kỳ thai nhi đến sáu tuổi. Đây là cơ hội vàng để phát triển tiềm năng con người. 

Quá trình giáo dục được tiến hành sớm trong giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất nên nó mang lại những ảnh hưởng sâu sắc nhất. Đồng hành cùng với trẻ trong giai đoạn này, đòi hỏi cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cần thực sự tận tâm, hiểu trẻ. Mỗi nhà trường cần có sự kết nối chặt chẽ với gia đình trẻ, phụ huynh để tiếp tục đồng hành, quan sát con hàng ngày, theo dõi các biểu hiện và hỗ trợ điều trẻ cần, thúc đẩy trẻ phát triển.

Hiểu về giáo dục sớm không đúng cách có thể dẫn đến tác dụng ngược. Ảnh minh họa.

PGS.TS.Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục cũng cho rằng: Các nhà khoa học thần kinh và các nhà giáo dục học đều nhất trí rằng, bộ não của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến 6 tuổi là linh hoạt nhất, dễ thích ứng nhất với mọi hoạt động trải nghiệm và tương tác với môi trường. 

Giai đoạn này, các kết nối thần kinh của trẻ có nhiều gấp đôi số kết nối thần kinh khi trưởng thành. Và những tương tác với cha mẹ, người lớn khác và bạn đồng trang lứa sẽ “điêu khắc” nên những hệ kết nối làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp học tập sau này. Với ý nghĩa và giá trị của nó, giáo dục sớm luôn được các nhà giáo dục quan tâm, đặc biệt trong thời đại công nghệ số. 

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam cũng lưu ý, hiện nay không ít các bậc phụ huynh còn hiểu chưa đúng về giáo dục sớm. “Tôi đã từng nhiều lần chia sẻ, giáo dục sớm không phải là giáo dục trẻ thành thiên tài hay thần đồng. Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh lại luôn muốn con nổi trội hơn bạn bè đồng lứa, sẵn sàng đẩy con đến các lớp học từ sớm. Điều này khiến đứa trẻ chịu áp lực không nhỏ, thậm chí để lại hậu quả ngược. Giáo dục sớm nên được hiểu, không phải trang bị để đứa trẻ có nhiều kiến thức ngay từ bé, mà là hành trang để trẻ tự tin so với trẻ khác. 

Việc tiếp thu kiến thức là cả một quá trình, suốt cuộc đời một con người chứ không nằm ở những khóa học cấp tốc, học vội, khiến đứa trẻ thành những “trái chín ép, chín non” như thế. Nhiều người ngộ nhận, dạy trước chương trình, học trước, buộc trẻ “chín ép” là giáo dục sớm nhưng đó là quan điểm sai lầm, bởi "trái chín ép sẽ không ngọt". Cha mẹ cần có những tác động và biết cách tác động khoa học để phát huy tối đa tố chất của trẻ” - PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi