Thứ Sáu, 26/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những kết quả nổi bật thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

 

Theo báo cáo này, việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết 29 đến từng cơ sở giáo dục, cán bộ và giáo viên; ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam; đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng GD-ĐT; đổi mới công tác quản lý GD-ĐT; tăng cường hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD-ĐT là những kết quả quan trọng được nhắc tới.

Ban hành khung cơ cấu giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau THCS; định hướng nghề nghiệp ở THPT; tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới các cơ sở giáo dục.

Bộ GD&ĐT đang tích cực rà soát, quy hoạch lại các cơ sở GD-ĐT trong cả nước nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư, phù hợp với nhu cầu xã hội.

Khung trình độ quốc gia Việt Nam được ban hành nhằm chuẩn hóa hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần thúc đẩy hợp tác về giáo dục và công nhận trình độ người lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng. Khung trình độ quốc gia của Việt Vam hoàn toàn phù hợp với Khung tham chiếu trình độ khu vực ASEAN, Khung trình độ Châu Âu và tuyệt đại đa số các nước phát triển.

Thực hiện tốt khung trình độ quốc gia sẽ góp phần giúp cho việc hoàn thiện thị trường lao động, làm căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo, công nhận và miễn trừ kinh nghiệm học tập, lao động để thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân.

Đổi mới chương trình giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo

Bộ GD&ĐT đã chủ động hướng dẫn triển khai thực hiện các chuyên đề đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non phù hợp với thực tế của địa phương; quan tâm xây dựng môi trường giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ được vui chơi, trải nghiệm. Trong khi chờ ban hành chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường;

Xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, tổ chức thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học; thí điểm dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương nhằm chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh hệ 10 năm ở các trường phổ thông có đủ điều kiện, đảm bảo học sinh được học tiếng Anh liên thông từ tiểu học đến THPT theo định hướng chuyển từ dạy và học ngữ pháp sang dạy và học toàn diện kỹ năng giao tiếp; ban hành các chuẩn đầu ra của từng cấp học tương ứng theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.

Bộ GD&ĐT cũng đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục ĐH; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo từng ngành đào tạo; tổ chức đào tạo theo cách tiếp cận năng lực; xây dựng dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế; triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến; triển khai rộng rãi đào tạo theo tín chỉ ở các cơ sở giáo dục đại học…; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện phần mềm quản lý dữ liệu đào tạo tiến sĩ trong toàn hệ thống và sẽ được công khai để tăng cường giám sát của xã hội đối với chất lượng đào tạo tiến sĩ; đang tập trung sửa đổi Quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành theo hướng tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo phát huy tính tự chủ trên cơ sở điều kiện đặc thù của từng trường và từng ngành, tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai thông tin minh bạch của cơ sở đào tạo với xã hội; giảm bớt những thủ tục quy định mang tính hình thức, giảm thiểu thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam, trong đó giáo dục phổ thông được phân thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Nhà trường, giáo viên chủ động lựa chọn sách giáo khoa.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể; ban hành quy định tiêu chuẩn chương trình giáo dục phổ thông; tiêu chuẩn người tham gia xây dựng, người tham gia thẩm định chương trình, quy định về tổ chức và hoạt động của Ban xây dựng, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, triển khai thực hiện 28 nhiệm vụ khoa học cấp thiết phục vụ xây dựng, triển khai chương trình, SGK mới; thí điểm triển khai các mô hình, phương pháp dạy học mới nhằm chuẩn bị triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới; hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Tổ chức làm việc với một số nhà khoa học, chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế để trao đổi, tiếp thu các ý kiến góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Hiện, Bộ GD&ĐT đang xây dựng tiêu chí đánh giá SGK và Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đổi mới mạnh mẽ cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực của học sinh; chú trọng kết hợp đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học; hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá và biết nhận xét góp ý lẫn nhau.

Các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi, đề kiểm tra các môn theo ma trận ở các mức độ từ thấp đến cao, trong đó chú trọng mức độ vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn; việc thi, kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ được tập trung ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Tiếp tục triển khai đánh giá các chỉ số trí tuệ (IQ, AQ, EQ…) trong tuyển sinh trường THPT chuyên, trường chất lượng cao ở những nơi có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng; các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có thi thực hành trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm 2 năm đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức để kỳ thi ngày càng nhẹ nhàng, hiệu quả hơn, đảm bảo tính công bằng và độ tin cậy cao.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hiện nay, cả nước có 18 trường đã thực hiện đánh giá ngoài, trong đó có 6 trường được công nhận đạt chất lượng giáo dục (số còn lại đang chờ được công nhận, trừ 1 trường không đạt chuẩn). Kết quả kiểm định các trường sẽ là căn cứ để giao quyền tự chủ ĐH và phân tầng, xếp hạng chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH.

Các cơ sở giáo dục ĐH đã chủ động đăng ký tham gia kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ASEAN (AUN); các địa phương đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tự đánh giá chất lượng trong nhà trường; tổ chức triển khai công tác đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và GDTX đã hoàn thành việc tự đánh giá.

Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng GD-ĐT

Chính phủ đã ban hành Nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Trên cơ sở đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm viên chức giáo dục; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng quy định chuẩn giáo viên dạy nghề bao gồm chuẩn về trình độ chuyên môn, chuẩn về nghiệp vụ sư phạm và chuẩn về kỹ năng nghề; xây dựng quy định chức danh giáo viên dạy nghề...

Bộ GD&ĐT đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Công tác quy hoạch, tuyển dụng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm đội ngũ được thực hiện đúng quy định, nhiều địa phương đã có những phương án bố trí giáo viên, nhân viên trường học một cách linh hoạt để tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả biên chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, phổ thông đã được nhiều địa phương tổ chức thực hiện...

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai. Bộ cũng chỉ đạo tăng cường gắn kết giữa các cơ sở đào tạo sư phạm với các địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng bồi dưỡng thường xuyên ngay tại nhà trường cho đội ngũ giáo viên thông qua sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, trao đổi, tự học.

Về đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục: Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình Quốc hội về miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi là người dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh THCS theo lộ trình đến năm 2020. Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn...

Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học. Thủ tướng Chính phủ đang xem xét để phê duyệt Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2025.

Cơ sở vật chất của một số trường ĐH, CĐ đã được quan tâm đầu tư để có môi trường sư phạm tốt hơn. Bộ GD&ĐT đã giao cho 7 trường ĐH sư phạm lớn nhất cả nước xây dựng dự án đầu tư thiết bị phục vụ đào tạo chuẩn bị cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

 
Đổi mới công tác quản lý GD-ĐT

Công tác quản lý GD-ĐT tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương, phần quyền cho các cơ sở GD-ĐT.

Trong lĩnh vực giáo dục ĐH, đến nay, đã có 14 cơ sở giáo dục ĐH công lập được giao thí điểm tự chủ đổi mới cơ chế hoạt động theo quy định của nghị định này, bước đầu đạt hiệu quả tốt. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Nghị định về cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH công lập theo hướng đẩy mạnh tự chủ gắn với kiểm định đối với tất cả các cơ sở giáo dục ĐH công lập.

Công tác thanh tra giáo dục được đổi mới mạnh mẽ theo hướng kiện toàn tổ chức, nhân sự; tăng cường thanh tra công tác quản lý và trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở GD-ĐT; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và xử lý sau thanh tra; xử lý nghiêm minh các sai phạm và công bố công khai cho xã hội .

Triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ cũng đã thống nhất giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường sư phạm. Quá trình chuyển giao đang được khẩn trương triển khai nhằm duy trì sự ổn định, liên tục và đảm bảo quyền lợi của người đang học.

Tăng cường hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hợp tác và hội nhập quốc tế tiếp tục được hoàn thiện, nhiều Hiệp định, thỏa thuận với nước ngoài về hợp tác giáo dục, công nhận văn bằng, tín chỉ được ký kết, tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục.

Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục theo hướng để thúc đẩy hội nhập. 

Bộ GD&ĐT đã và đang thí điểm một số mô hình giáo dục tiên tiến, chương trình giảng dạy, SGK, kiểm tra, đánh giá học sinh của nước ngoài ở bậc học phổ thông trong cả nước. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình xây dựng, đổi mới chương trình và tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học. Khuyến khích các trường ĐH, CĐ và trung cấp tiếp nhận chuyển giao chương trình tiên tiến của nước ngoài, sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, tăng cường thu hút chuyên gia nước ngoài và đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học…

Theo Lược trích từ báo cáo một số vấn đề thuộc lĩnh vực GD-ĐT của Chính Phủ

Trích nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
Biên tập: Hoàng Lương (T2)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi