Thứ Bảy, 27/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguồn ảnh: TTXVN

Thứ nhất, bản Tuyên ngôn độc lập là sự kết tinh truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Trong công cuộc dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam sớm hình thành và hun đúc truyền thống yêu nước nồng nàn. Yêu nước là chuẩn mực cao nhất trong giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Truyền thống quý báu này luôn gắn kết chặt chẽ với khát vọng được sống trong độc lập, tự do của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, mỗi khi Tổ quốc đứng trước sự đe dọa của giặc ngoại xâm, nhân dân ta lại đứng lên, kiên cường, bất khuất đánh đuổi bọn xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập ở thế kỷ XX với lời khẳng định đanh thép: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[1]. Có thể thấy, lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm của toàn thể dân tộc, ý thức rất rõ mối hiểm nguy, thách thức đang chờ, và vì vậy, sự sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát, có thể là rất to lớn để bảo vệ bằng được thành quả quý giá, lớn lao nhất vừa giành được: quyền độc lập, tự do, quyền tồn tại cả một quốc gia, dân tộc. Bản Tuyên ngôn độc lập chính là văn kiện khẳng định và kết đọng giá trị truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời khẳng định quyết tâm sắt đá của dân tộc Việt Nam. Tác giả Trần Dân Tiên hoàn toàn có lý, khi viết: “Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu tính mệnh đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường”. 

Bản "Tuyên ngôn độc lập" ngày 2/9/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.

Nguồn ảnh: hochiminh.vn

Thứ hai, bản Tuyên ngôn độc lập là văn bản pháp lý, nền tảng của Hiến pháp - đạo luật cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “Bản Tuyên ngôn độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên dân chủ cộng hòa”[2].

Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hơn thế nữa, Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.

Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.

Thứ ba, Tuyên ngôn độc lập đã đóng góp vào phạm trù dân tộc của luật pháp quốc tế.

Nếu như trong các bản Tuyên ngôn của Mỹ, của Pháp chỉ đơn thuần nói đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng sự nhạy cảm, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ, phủ nhận, đó là quyền của các dân tộc.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến hai văn kiện lịch sử ấy với lòng trân trọng đặc biệt của một trí tuệ lớn đối với sự phát triển của văn minh nhân loại mà Cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Cách mạng tư sản Pháp 1789 đã giành được. Đó là "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” … “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”… Đây là những tư tưởng rất tiến bộ đã được khẳng định trong hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp. Dẫn dắt từ sự kiện này để Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến kết luận nhằm tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của quốc tế đối với cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Trên nền tảng và tiền đề đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chính cuộc cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã giành được vào tháng Tám năm 1945 là bước đi tiếp trong sự phát triển của nhân loại, đồng thời cũng là cột mốc cho sự phát triển của lịch sử giải phóng con người thuộc các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nhỏ yếu thoát khỏi ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới mà cách mạng Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã giương cao.

Từ việc bổ sung, phát triển tư tưởng về quyền con người, bản Tuyên ngôn độc lập đã tiến tới xác lập quyền của cả dân tộc, của tất cả các dân tộc được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc - đó là quyền thiêng liêng của tất cả mọi người, cũng như tất cả các dân tộc. Bởi vì, “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”[3]. Đó là chân lý, là lẽ phải và chính nghĩa không ai chối cãi được. Đây là một đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự phát triển tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc.

 Viện dẫn lại những văn bản pháp lý về nhân quyền của Liên hiệp quốc để thấy rõ giá trị có ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam, càng thấy được đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng sáng tạo tư tưởng quyền con người, quyền dân tộc vào xây dựng những chuẩn mực pháp lý về nhân quyền của nhân loại không chỉ trong thế kỷ XX mà còn cho cả tương lai. Đó chính là sự đóng góp về lý luận và thực tiễn về quyền con người, đem lại những tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của nhân loại.

Thứ tư, bản Tuyên ngôn độc lập là ngọn cờ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) là dấu mốc vĩ đại đánh dấu sự phát triển nhảy vọt của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đánh giá về Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người”[4]. Người cho rằng, cuộc cách mạng đó không chỉ có ý nghĩa vạch thời đại, mà còn cả ý nghĩa là ngọn cờ tiên phong cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam mới được khẳng định trong bản Tuyên ngôn độc lập đã góp phần thức tỉnh và cổ vũ, động viên to lớn các dân tộc đang bị áp bức ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ La-tinh, trước hết là các dân tộc trên bán đảo Đông Dương đang bị thực dân Pháp cai trị, vùng dậy đấu tranh giành độc lập, tự do với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có ý nghĩa vượt thời đại khi những tư tưởng, quan điểm của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là sự thống nhất biện chứng giữa quyền độc lập dân tộc và quyền sống của mỗi con người, đó là sự thể hiện giữa khát vọng sống trong hòa bình, tự do với tinh thần kiên quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền độc lập tự do.

Gần tám thập kỷ đã trôi qua, mỗi lần đọc lại, chúng ta vẫn thấy rõ sức sống và vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bài: Minh Phương - Khoa LLCT, KHXHNV và Tâm lý

Biên tập: Minh Quyết - Phòng HCTH



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.3

[2] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, H.1970, tr.110.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 4, tr. 1.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, Tập 15, tr.387.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi