Thứ Bảy, 21/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hoàn cảnh ra đời, nội dung, ý nghĩa của Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

Sinh thời, Người luôn quan tâm đến việc tổ chức xây dựng lực lượng CAND trở thành công cụ tin cậy của Đảng, vũ khí sắc bén của Nhà nước và là con em yêu quý của Nhân dân. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng cho lực lượng Công an nhân dân, bởi vì “đạo đức là gốc”, là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho lực lượng Công an làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong di sản người để lại cho lực lượng Công an nhân dân, “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” là một di sản quý báu, có ý nghĩa sâu sắc và đã trở thành kim chỉ nam cho quá trình học tập, công tác và rèn luyện của toàn lực lượng từ ngày ra đời cho đến nay. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ra đời của Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (11/3/1948-11/3/2024), tác giả giới thiệu về hoàn cảnh ra đời, nội dung, ý nghĩa của Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và học viên qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, khơi dậy ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyên, học tập góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

1. Hoàn cảnh ra đời

Từ ngày 25 đến ngày 29/01/1948, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Tuyên Quang. Hội nghị đã phát động phong trào thi đua “Rèn cán bộ, lập chiến công” trong toàn lực lượng CAND. Cùng với tờ Nội san “Rèn luyện” của Nha Công an Trung ương, nhiều khu, sở, ty Công an cũng ra nội san nhằm tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện nghiệp vụ và hướng dẫn công tác cho cán bộ, chiến sĩ Công an như: Công an Nam Định ra tờ “Luyện tiến”, Công an Tuyên Quang ra tờ “Trau dồi”… trong đó tờ Nội san “Bạn dân” của Công an Khu XII là một trong những nội san tiêu biểu trong công tác tuyên truyền về phong trào “Rèn cán bộ, lập chiến công”. Sau khi dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II, đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII đã viết thư kính gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và biếu Người tờ Nội san “Bạn dân” số Tết Mậu Tý (1948). Trong thư, đồng chí báo cáo với Bác về niềm tin, niềm tự hào, phấn khởi của quân và dân ta sau chiến thắng Thu - Đông năm 1947; đồng thời có nguyện vọng xin ý kiến chỉ đạo của Bác về nhiệm vụ, biện pháp công tác, nội dung giáo dục đạo đức, tác phong cho cán bộ, chiến sĩ Công an; tôn chỉ, mục đích và những việc phải làm của báo chí Công an. Nhận được số báo tết do Công an Khu XII gửi tặng, ngày 11/03/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai Giám đốc Công an Khu XII. Trong thư, Bác viết: “Trên tờ báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc.

Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong. Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người Công an cách mệnh là:

                             Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

                             Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

                             Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

                             Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

                             Đối với công việc, phải tận tụy.

                             Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Nói tóm lại, là những đạo đức và tư cách mà người Công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng”.

Trong thư, Người căn dặn: “Đạo đức, tư cách mà người công an cách mạng phải giữ cho được. Những điều đó chẳng những nêu trên báo mà viết thành ca dao cho mọi người công an thuộc, nên viết thành khẩu hiệu dán tại những nơi anh em thường đến”.

Từ đó về sau, sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là phương hướng, mục tiêu phấn đấu, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam. Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân có ý nghĩa to lớn trong quá trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân.

2. Nội dung 6 điều Bác Hồ dạy

Lời dạy đầu tiên: “Đối với tự mình phải, cần, kiệm, liêm, chính”.

Đức tính cần, kiệm, liêm, chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là cái gốc, là nền tảng của con người mới xã hội chủ nghĩa nói chung, đối với cán bộ, đảng viên nói riêng, đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân thì đó phải là đức tính đầu tiên làm nên tư cách người Công an cách mệnh. Nội dung cần, kiệm, liêm, chính đối với lực lượng Công an nhân dân có những nét đặc trưng riêng, đòi hỏi chuẩn mực cao hơn so với xã hội. “Cần” đối với lực lượng Công an là sự siêng năng chăm chỉ, cố gắng, chủ động và hiệu quả trong công tác, phải khắc phục mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Kiệm” là tiết kiệm về thời gian, tài sản của mình và của Nhân dân, không lãng phí, xa hoa, phô trương trong mọi lĩnh vực công tác, chiến đấu chống tội phạm; là điều kiện quan trọng để thực hiện liêm, chính. “Liêm” đối với lực lượng Công an là phải làm việc tuân thủ nguyên tắc và theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không tham ô, nhận hối lộ, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và tài sản của Nhân dân, không xâm phạm đến lợi ích chính đáng dù là nhỏ nhất của Nhân dân. “Chính” là không tà, là thẳng thắn. Người cán bộ Công an có chính nghĩa phải là người “Việc phải dù nhỏ mấy cũng làm, việc trái dù nhỏ mấy cũng tránh”, đồng thời phải có thái độ và trách nhiệm đấu tranh quyết liệt để bảo vệ chân lý, chính nghĩa, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh; phải trung thực, dũng cảm nhận rõ khuyết điểm của bản thân, chân thành học hỏi, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, vững vàng xử lý các tình huống. Cần, kiệm, liêm, chính phải được thể hiện cụ thể trong thực tiễn công tác, chiến đấu, trong đời sống xã hội và trong phong cách của từng cán bộ, chiến sỹ, đòi hỏi phải được tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì mới có được.

Lời dạy thứ hai: “Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ”.

Trong hàng ngũ những người cách mạng, tình đồng chí, đồng đội là rất thiêng liêng, chung thủy, keo sơn, gắn bó với nhau thành sức mạnh của tổ chức. Bác cũng nhiều lần chỉ rõ: Công an “lề lối làm việc phải dân chủ. Cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên. Giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình nhau theo tinh thần thân ái và lập trường cách mệnh”. Đối với đồng chí, đồng đội, cán bộ Công an phải có tinh thần thân ái với tấm lòng chân thành, thiết tha mong muốn cho đồng sự của mình tiến bộ và hạnh phúc, đồng cam, cộng khổ, chia sẻ vui, buồn trên cơ sở nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân trong tập thể; thân ái là giúp đỡ nhau trong công tác, chiến đấu, trong cuộc sống, học tập, rèn luyện và xây dựng lực lượng; thân ái là để xây dựng và giữ gìn đoàn kết nội bộ.

Lời dạy thứ ba: “Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”.

Ngày 11/11/1945 đồng chí Trường Chinh - Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương ra tuyên bố “Tự giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương, lập Hội những người nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin ở Đông Dương. Từ đó Bác không nói về Đảng (thực chất Đảng đi vào hoạt động bí mật) mà chỉ nói về Chính Phủ và đoàn thể. Vậy bản chất lời dạy của Bác là đối với Đảng phải tuyệt đối trung thành. Bác chỉ rõ: “Công an nhân dân muốn hoàn thành nhiệm vụ thì trước hết phải tuyệt đối trung thành với Đảng”. Theo Người, tuyệt đối trung thành với Đảng phải là bản chất chính trị và nguyên tắc rèn luyện cao nhất của Công an nhân dân. Người khẳng định: “Đảng lãnh đạo Công an nhân dân là một nguyên tắc, không thể nào thay đổi”. Phẩm chất trung thành của Công an đối với Đảng xuất phát từ tính chất, nhiệm vụ đặc biệt của Công an được Đảng giao cho đó là bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Lòng trung thành tuyệt đối của Công an với Đảng thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và chiến đấu; Công an phải quán triệt và hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng giao trong từng thời kỳ cách mạng, làm tốt chức năng tham mưu và vai trò xung kích, nòng cốt trên mặt trận an ninh - trật tự; phải đảm bảo thực hiện đúng đường lối chính trị, nguyên tắc, sách lược trong đấu tranh với các thế thế lực thù địch. Từng cán bộ, chiến sĩ Công an phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của Công an cách mạng, xứng đáng với lòng tin của Đảng, Chính phủNhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân tháng 2/1961 (Ảnh tư liệu).

Lời dạy thứ tư: “Đối với Nhân dân, phải kính trọng lễ phép”.

Công an là một cơ quan của Đảng, của Chính phủ, vì vậy thái độ kính trọng, lễ phép đối với Nhân dân không chỉ là phẩm chất đạo đức cao đẹp mà còn là một nguyên tắc làm việc, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ không ngừng trau dồi, rèn luyện. Kính trọng, lễ phép với Nhân dân vừa là phẩm chất chính trị, vừa là yêu cầu trong công tác và chiến đấu của Công an, là sự kế thừa những tinh hoa trong đạo lý của dân tộc Việt Nam. Thái độ kính trọng Nhân dân thể hiện ở việc bảo vệ những quyền lợi chính đáng của Nhân dân, “phải làm thế nào để được lòng dân, phải thật sự giúp đỡ dân trong mọi việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như vậy người dân mới tích cực trở lại giúp đỡ Công an”. Bác dạy, trong Nhân dân có những người lạc hậu, sai phạm cần phải xử phạt theo quy tắc, nhưng vẫn lấy giáo dục là chính. Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, Công an phải không được để lọt tội phạm nhưng cũng không được để người vô tội chịu oan. Thái độ tôn trọng Nhân dân còn thể hiện ở sự tôn trọng phong tục, tập quán của Nhân dân, tôn trọng các quyền tự do, dân chủ đã được Hiến pháp, pháp luật quy định. Thái độ lễ phép với Nhân dân có nhiều cách biểu hiện khác nhau tùy theo hoàn cảnh tiếp xúc của từng lực lượng Công an khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân. Đó là sự vui vẻ, hòa nhã, niềm nở, lắng nghe ý kiến trình bày, chủ động giúp đỡ, giải quyết những việc mà người dân yêu cầu nhanh gọn, đúng thủ tục, tận tình hướng dẫn, giải thích cho từng người dân; kiên quyết không có thái độ hách dịch, cửa quyền, thái độ cục cằn khi giao tiếp với nhân dân. Thái độ kính trọng, lễ phép với Nhân dân là biểu hiện tốt đẹp trong phẩm chất của người Công an nhân dân, là nếp sống văn minh của con người mới xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ Công an phải không ngừng trau dồi, rèn luyện, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Lời dạy thứ năm: “Đối với công việc phải tận tụy”.

Theo Bác, tận tụy là đức hy sinh dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh. Tận tụy trong công việc thể hiện ở đức tính bền bỉ, khắc phục khó khăn, phát huy tính năng động chủ quan, tự lực tự cường để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Thước đo của tính tận tụy là hiệu quả trong công việc, sản xuất, chiến đấu và trong công tác. Học tập theo lời dạy của Bác, 76 năm qua lực lượng Công an luôn ngày đêm tận tụy với sự nghiệp cách mạng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khó khăn, phức tạp mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho. Đối với lực lượng Công an nhân dân, để rèn luyện sự tận tụy trong công việc đòi hỏi phải xây dựng lý tưởng cao đẹp của người cán bộ, chiến sỹ Công an, sẵn sàng chịu đựng và vượt qua mọi thử thách, gian lao, nguy hiểm để chiến thắng mọi kẻ địch, phải rèn luyện phẩm chất, nâng cao bản lĩnh chiến đấu để phát huy đức tính tận tụy thành hiệu quả thực tế. Nhờ tận tụy trong công việc mà lực lượng Công an nhân dân đã góp phần đắc lực của mình trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, đồng thời qua đó mà lực lượng Công an có những bước trưởng thành tiến bộ về mọi mặt.

Lời dạy thứ sáu: “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Lực lượng Công an cần nắm được nội dung cơ bản trong lời dạy của Bác, đó là: Trước hết phải nắm vững mối quan hệ giữa cương quyết và khôn khéo. Đó là hai nội dung riêng song có mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời. Cùng một vụ án có lúc cần đưa ra chủ trương kiên quyết song có lúc cần khôn khéo, mưu trí, sáng tạo. Ngược lại, một chủ trương, đối sách khéo léo, linh hoạt lại phải được hình thành trên cơ sở cương quyết tiêu diệt địch. Phải thống nhất giữa bảo vệ mình nghiêm ngặt với tiến công địch triệt để, muốn vậy, lực lượng công an phải chủ động, tích cực đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, triệt tiêu các điều kiện nảy sinh tội phạm, các hoàn cảnh mà các thế lực thù địch và bọn tội phạm có thể lợi dụng để hoạt động; phải chủ động tiến công địch triệt để với tinh thần “đã phạm tội thì không thoát khỏi bị trừng phạt... không một tội phạm nào không bị phát hiện”, không để lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội. Phải xác định được đúng đắn đối tượng đấu tranh trong từng giai đoạn cách mạng, phân hóa nội bộ từng loại, nắm chắc đặc điểm kẻ địch, tìm ra chỗ mạnh, chỗ yếu của địch để đề ra chủ trương, đối sách, biện pháp đấu tranh thích hợp với từng loại đối tượng cụ thể. Để quán triệt tư tưởng “cương quyết, khôn khéo” đối với địch, lực lượng Công an cần phải không ngừng nâng cao nhận thức về đối tượng, đối tác; nắm vững đường lối, quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác trong thực hiện nhiệm vụ; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.

3. Ý nghĩa của Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

Những lời dạy của Bác Hồ với Công an nhân dân giản dị, ân cần mà hàm chứa những giá trị tư tưởng đạo đức nhân văn cao quý, thể hiện sự nhất quán giữa li nói và việc làm, giữa giáo dục đạo đức và tự mình nêu gương thực hành đạo đức. Là kim chỉ nam để xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Những lời dạy đó có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện là chuẩn mực đạo đức, phong cách, phương châm hành động, thái độ ứng xử, là mục tiêu phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện trong suốt cuộc đời hoạt động của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an, dù ở bất kỳ cương vị, hoàn cảnh công tác nào. Những phẩm chất đó là nhân tố quyết định để lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc mọi yêu cầu, nhiệm vụ.

Những lời dạy của Bác giúp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhận thức đúng đắn, sâu sắc tầm quan trọng và giá trị to lớn của việc tu dưỡng tư cách, đạo đức, bản chất cách mạng, tiến bộ của lực lượng CAND, mối quan hệ mật thiết giữa Công an với Nhân dân. Qua đó, mỗi người cán bộ, chiến sĩ cần có những hành động cụ thể, thiết thực, tu dưỡng đạo đức lối sống, xứng đáng là người Công an cách mệnh.

Từ ý nghĩa quan trọng đó, trong quá trình công tác, chiến đấu, lực lượng Công an nhân dân luôn nghiên cứu, học tập nghiêm túc và vận dụng sáng tạo Sáu điều Bác Hồ dạy, coi đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động và trở thành phong trào thi đua rộng lớn, bền bỉ, hiệu quả của lực lượng Công an nhân dân trong suốt hơn 76 năm qua để luôn xứng đáng với lời dạy của Bác “vừa hồng vừa chuyên”, xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Đảng, là lực lượng chỉ biết còn Đảng, còn mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho.

 Bài: Đỗ Thị Hà - Khoa Lý luận chính trị, KHXHNV và Tâm lý



[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H,1995, t.3, tr.406-407

[2] Văn kiện Đảng toàn tập - Tập 8 (1945-1947)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi