Thứ Năm, 21/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo Cảnh sát đặc nhiệm ở Việt Nam. Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và giải pháp”

Thừa ủy quyền của TS, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.  PGS.TS, Thiếu tướng Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng CSND I, Trưởng Ban tổ chức hội thảo và TS, Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và Lịch sử Công an đồng chủ trì hội thảo.

Các đại biểu dự Hội thảo quốc tế.

Dự hội thảo, về phía khách mời có đại diện Đại sứ quán Nga tại Việt Nam; Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam; Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam lãnh đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Quốc phòng. Về phía Bộ Công an có lãnh đạo các Cục, đơn vị chức năng trực thuộc Bộ và Công an các đơn vị, địa phương; các trường Công an nhân dân.

Đồng chí PGS.TS, Thiếu tướng Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng, Trưởng Ban Tổ chức, đồng chủ trì Hội thảo phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí PGS.TS, Thiếu tướng Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng, Trưởng Ban Tổ chức, đồng chủ trì Hội thảo nhấn mạnh: Cảnh sát đặc nhiệm Việt Nam là một bộ phận của lực lượng Cảnh sát cơ động, được xác định là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò "lá chắn thép" trong thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là một chủ trương lớn, mang tầm chiến lược của Nhà nước và Bộ Công an Việt Nam. Trên tinh thần khách quan và khoa học, đồng chí PGS.TS, Thiếu tướng Lê Hoài Nam trân trọng đề nghị các đại biểu phát biểu, tham luận tại 02 phiên thảo luận, tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận về công tác đào tạo Cảnh sát đặc nhiệm ở Việt Nam; thực trạng công tác bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) và những vấn đề đặt ra trong đào tạo, bồi dưỡng Cảnh sát đặc nhiệm; kinh nghiệm thực tế đào tạo Cảnh sát đặc nhiệm ở một số Quốc gia trên thế giới; đề xuất các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo Cảnh sát đặc nhiệm ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Đồng chí, TS Đại tá Phạm Tuấn Hiệp, Phó Hiệu trưởng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Đồng chí TS, Đại tá Phạm Tuấn Hiệp xác định: Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Các thế lực thù địch, đối tượng phản động vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, phá hoại, khủng bố tác động sâu sắc đến an ninh quốc gia và nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Tình hình và bối cảnh trên, đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát đặc nhiệm nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy giao phó, luôn xứng đáng là “lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”; “lá chắn thép” bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí PGS.TS, Thiếu tướng Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND I và đồng chí TS, Thiếu tướng  Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và Lịch sử Công an, đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí TS, Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh nhấn mạnh: Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm luôn được lãnh đạo Bộ Công an quan tâm xây dựng và phát triển. Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát đặc nhiệm luôn giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, vượt qua khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, dũng cảm, chiến đấu hy sinh, lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời ngăn chặn, dập tắt các vụ gây rối, biểu tình, bạo loạn, tham gia đấu tranh triệt phá các chuyên án hình sự, ma túy đặc biệt nguy hiểm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Hiện nay các thế lực thù địch, đối tượng phản động vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, phá hoại, khủng bố tác động đến ANQG và nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ ANQG và trật tự an toàn xã hội. Tình hình trên đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề đòi hỏi lực lượng CAND nói chung, Cảnh sát đặc nhiệm nói riêng trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó…

Đồng chí TS, Đại tá  Triệu Văn Minh, Giám đốc Trung tâm huấn luyện Quốc gia về phòng chống khủng bố - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phát biểu tại Hội thảo.

Trong buổi Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã tham gia nhiều ý kiến, tập trung đánh giá về các vấn đề có liên quan đến xây dựng lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm. Các ý kiến của các nhà khoa học đều thống nhất làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng lực lượng Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát cơ động và Cảnh sát đặc nhiệm nói riêng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới, trên một số nội dung: Xây dựng Đảng; xây dựng về chính trị, tư tưởng; tổ chức, bộ máy; đội ngũ cán bộ; bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang bị phương tiện; quan hệ phối hợp và hợp tác quốc tế…. Các báo cáo tham luận đã đánh giá thực tiễn công tác bảo đảm ANTT, chỉ ra những vấn đề đặt ra, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong đào tạo Cảnh sát đặc nhiệm thời gian qua và đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lực lượng đặc nhiệm trong thời gian tới.

Kết luận buổi Hội thảo, đồng chí PTS.TS, Thiếu tướng Lê Hoài Nam, Trưởng Ban tổ chức, đồng chủ trì đã ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học trong việc phát hiện những bất cập, gợi mở, khuyến nghị các giải pháp, để xây dựng lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị Ban tổ chức Hội thảo tiếp thu các ý kiến phát biểu, tham luận và tổng kết Hội thảo, tổng hợp kết quả Hội thảo báo cáo đồng chí Bộ trưởng và Hội đồng lý luận Bộ Công an phục vụ công tác nghiên cứu, bổ sung luận cứ để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Công an các đơn vị, địa phương trên cơ sở kết quả Hội thảo, phối hợp với các cơ sở đào tạo trong CAND nghiên cứu những luận cứ khoa học cần thiết và kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị, địa phương khác để tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, huấn luyện lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, các học viện, trường CAND, với vai trò là các cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện trực tiếp Cảnh sát đặc nhiệm cần phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm những “khoảng trống” về lý luận và “điểm nghẽn” thực tiễn đặt ra, từ đó nghiên cứu, đẩy mạnh, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, huấn luyện, theo hướng đồng bộ, chuyên sâu, phục vụ hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện Cảnh sát đặc nhiệm, góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài: Dương Văn Quân - Khoa lý luận chính trị, KHXH và TL.  

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi