Thứ Sáu, 27/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Một số giải pháp tạo động lực học tập, rèn luyện đúng đắn chống tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong học viên

Học tập và rèn luyện là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nội dung chủ yếu, cốt lõi, xuyên suốt của học viên trong quá trình học tập tại Nhà trường. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình học tập, rèn luyện của học viên, trong đó mục đích, động cơ thái độ học tập là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp nhất. Vì vậy, trong những năm qua Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng, trong đó Phòng Quản lý học viên là đơn vị chủ trì tập trung giáo dục động cơ, mục đích, thái độ học tập đúng đắn để học viên nắm được những yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ học tập, chú trọng giáo dục nhận thức, định hướng giá trị nghề nghiệp; tổ chức cho học viên học tập quy chế, hướng dẫn giúp học viên có phương pháp học tập đúng đắn, nắm vững kiến thức về lý thuyết, kỹ năng thực hành các tình huống; xây dựng lòng nhiệt tình, yêu ngành yêu nghề trong mỗi học viên để sau khi tốt nghiệp ra trường có đủ khả năng sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đào tạo Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy; tổ chức các buổi tọa đàm khoa học nhằm đánh giá chất lượng dạy và học, đồng thời có giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo của Nhà trường.

Đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng nhà trường Chủ trì buổi Tọa đàm khoa học “Đánh giá chất lượng dạy và học tại trường Cao đẳng CSND I”.

          Nhà trường đã tập trung tổ chức giảng dạy, quản lý chặt chẽ quá trình học tập của học viên, siết chặt kỷ luật phòng thi, tăng cường biện pháp quản lý, giáo dục đối với học viên có biểu hiện trung bình chủ nghĩa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế thi, kiểm tra… kịp thời phát hiện, giáo dục học viên có biểu hiện, thái độ không đúng đắn trong quá trình học tập.

          Bên cạnh nhiệm vụ học tập, học viên được chú trọng giáo dục ý thức chấp hành các quy chế, quy định về học tập, rèn luyện. Trong đó tập trung quan tâm rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong, ý thức chấp hành nội quy, quy định cho học viên, tổ chức cho học viên nghiên cứu, học tập, thực hiện nghiêm túc các Thông tư quy định về công tác quản lý, giáo dục học viên, Chỉ thị 03/CT-BCA ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Nâng cao chất lượng công tác quản lý giáo dục học viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; tổ chức quán triệt, học tập các quy định về điều lệnh Công an nhân dân, các cuộc vận động, các phong trào “Công an nhân dân học tập, làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy” nhằm rèn luyện cho học viên có nếp sống kỷ luật, kỷ cương, trật tự nội vụ ngăn nắp, chấp hành nghiêm các quy định của Ngành, giảm thiểu tình trạng vi phạm kỷ luật trong học viên.

Đồng chí Đại tá, TS Hà Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường quán triệt Chỉ thị số 03/CT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an.

Trong những năm qua phong trào thi đua học tập, rèn luyện trong khối học viên đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ học viên Khá, Giỏi tăng theo các năm học, trật tự kỷ cương đơn vị, ý thức tự giác, tự rèn của học viên ngày càng được nâng cao, học viên tốt nghiệp ra trường luôn được Công an các đơn vị địa phương đánh giá cao. Có được kết quả trên trước hết sự quan tâm lãnh đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, sự vào cuộc, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng trong Nhà trường và không thể không kể đến ý thức phấn đấu, tinh thần tự giác trong học tập, rèn luyện của đại bộ phận học viên nhà trường.

Đồng chí Đại tá, TS Đồng Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn.

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Đình Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý học viên phát biểu tại diễn đàn.

Học viên Huỳnh Văn Linh, Lớp B1C8AK58S phát biểu tại diễn đàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn một bộ phận học viên chưa có động lực học tập, rèn luyện đúng đắn, có tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong học tập, rèn luyện biểu hiện ở một số nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất là, một số học viên chưa có ý thức phấn đấu, chưa tích cực tự học, tự nghiên cứu để đạt kết quả cao trong quá trình học tập, rèn luyện bằng lòng với điểm trung bình, học tập và rèn luyện một cách cầm chừng.

Thứ hai là, một số học viên chưa xác định được động cơ, mục đích học tập, rèn luyện của bản thân, chưa nêu cao vai trò trách nhiệm, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ, ngại va chạm, ngại khó, ngại khổ, không có chính kiến rõ ràng, không có tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình.

Thứ ba là, số lượng học viên tham gia thi học sinh giỏi các cuộc thi tìm hiểu và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do Nhà trường và cấp trên phát động tuy đảm bảo về số lượng nhưng chất lượng chưa cao. Học viên còn tham gia một cách chiếu lệ, không có sự đầu tư về thời gian và nhiệt huyết, dẫn tới kết quả phong trào chưa đạt như mong muốn.

Hiện tượng trung bình chủ nghĩa trong học viên xuất phát từ một số nguyên nhân sau: (1) Một bộ phận học viên chưa xác định được động cơ, mục đích học tập, rèn luyện đúng đắn; cảm thấy lạc quan vì bản thân đã được chuyển chuyên nghiệp trong CAND hoặc là đảng viên chính thức. (2) Một số quy định mới của Bộ Công an có sự thay đổi chưa khuyến khích được học viên tích cực tham gia các hoạt động phong trào. (3) Phong trào thi đua về học tập, rèn luyện, hoạt động của các Câu lạc bộ còn mang tính hình thức, chưa thiết thực, chưa thu hút và lôi cuốn học viên tham gia, chưa phát huy được hiệu quả trong việc thúc đẩy học viên học tập, rèn luyện.

Trong thời gian tới, để tạo động lực học tập, rèn luyện đúng đắn chống tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong học viên, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác nắm tình hình diễn biến tư tưởng, có biện pháp tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với học viên; trong đó chú trọng giáo mục tiêu, động cơ phấn đấu học tập, rèn luyện tránh tư tưởng lệch lạc dẫn đến thiếu động lực phấn đấu. Nâng cao nhận thức của học viên về ý thức học tập, rèn luyện; sống có lý tưởng, hoài bão, phấn đấu vươn lên, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến cho tập thể, khát vọng hoàn thiện bản thân, có tinh thần tự giác, tích cực trong học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ bản thân.

Hai là, tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Phòng QLHV và các đơn vị chức năng, các tổ chức quần chúng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với học viên. Trong đó cần tăng cường mối quan hệ phối hợp trong việc nắm tình hình, trao đổi thông tin, thống nhất về nội dung, biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin, rèn luyện về lập trường tư tưởng và đạo đức lối sống, khơi dậy niềm tự hào và ý chí phấn đấu vươn lên trong quá trình học tập và rèn luyện của học viên.

Ba là, đội ngũ chủ nhiệm trung đội phải luôn nêu cao vai trò trách nhiệm, gương mẫu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thật sự chuyên tâm, chú trọng đến chất lượng công tác, nhiệm vụ chuyên môn. Thường xuyên làm tốt công tác nắm tình hình, đặc biệt là những yếu tố tác động đến quá trình học tập và rèn luyện. Chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết tốt các vấn đề tư tưởng, chế độ chính sách, thi đua khen thưởng. Thường xuyên quan tâm động viên học viên, giúp học viên yên tâm học tập, rèn luyện. Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng những học viên đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện, tham gia các phong trào hoặc có những việc làm ý nghĩa có sức lan tỏa. Đồng thời, phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm đối với học viên có biểu hiện, thái độ trung bình chủ nghĩa, vi phạm nội quy, quy định, quy chế quản lý giáo dục học viên.

Bốn là, các Khoa giảng dạy cùng đội ngũ giáo viên cần thường xuyên nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, huấn luyện, tổ chức tốt các tác động sư phạm nhằm truyền cảm hứng say mê, tin tưởng của học viên đối với các nội dung, kiến thức được truyền thụ. Không chỉ chú trọng dạy lý thuyết mà nên kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy vào quá trình dạy học như: phương pháp thảo luận nhóm, xem tư liệu, báo cáo thực tế, giao nhiệm vụ tự nghiên cứu… Chú trọng quan tâm, phát hiện những học viên có sở trường, khả năng để tập trung bồi dưỡng nâng cao kết quả học tập, tạo nhân tố nhân rộng điển hình trong phong trào thi đua học tập, rèn luyện.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, các tổ chức quần chúng của Nhà trường duy trì các hoạt động của các Câu lạc bộ học tập chuyên ngành, Câu lạc bộ Tiếng anh, Tin học, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao một cách thường xuyên, có hiệu quả, thiết thực, trong đó tập trung phát huy hiệu quả các hoạt động thiện nguyện, chung sức vì cộng đồng, hiến máu nhân đạo… để học viên bổ sung kiến thức thực tế trong công tác dân vận, có trách nhiệm với cộng đồng, với nhân dân, có nhận thức đúng đắn trong quá trình học tập, rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp ra trường.

                                                                    Bài: Phòng QLHV

Biên tập: Bích Vân - Phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi