Thứ Năm, 9/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về đổi mới phương pháp dạy - học các môn nghiệp vụ cơ bản

Các đại biểu và giáo viên tham gia Hội thi giáo viện dạy giỏi cấp trường năm học 2022 - 2023.

Đổi mới phương pháp dạy - học các môn NVCB ở Nhà trường hiện nay trước hết xuất phát từ thực tiễn tình hình bảo vệ an ninh, trật tự đang đặt ra đối với công tác đào tạo đội ngũ cán bộ công an, nhất là cán bộ công an cơ sở; từ yêu cầu công tác giáo dục đào tạo của Nhà trường. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, bởi lẽ việc đổi mới phương pháp dạy học các môn NVCB có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dạy học các môn NVCB, thông qua đổi mới phương pháp dạy học, trước hết giáo viên có nhiều cách thức truyền tải các nội dung, tạo ra sự hứng thú, lôi cuốn hơn đối với học viên; giáo viên đánh giá được mục tiêu đề ra đối với từng môn học, cách thức lựa chọn, sử dụng phương pháp và kết quả dạy học cụ thể để có các biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, qua đó giúp học viên tiếp thu nhanh nhất kiến thức nghiệp vụ ngành. Đối với học viên, đổi mới phương pháp dạy học sẽ phát huy được tính tích cực, chủ động, tự giác, tìm tòi, suy nghĩ và sáng tạo trong quá trình lĩnh hội kiến thức và lĩnh hội cả cách thức để có được hệ thống kiến thức NVCB nhằm phát triển và hoàn thiện nhân cách người cán bộ. Từng bước hình thành cho học viên năng lực tự học, tự nghiên cứu, phân tích, tạo sự hứng thú đối với từng môn học và khả năng tiếp thu, vận dụng các kiến thức thu nhận được vào học tập và công tác công an.

Thực tiễn dạy học các môn NVCB trong những năm qua cho thấy không được tuyệt đối hóa một phương pháp dạy học nào. Bởi lẽ, mỗi phương pháp dạy học đều hàm chứa trong nó những ưu điểm, khuyết điểm nhất định, vấn đề là người giáo viên phải biết phát huy được những ưu điểm, hạn chế được những khuyết điểm khi vận dụng các phương pháp dạy - học, cụ thể là:

Phương pháp thuyết trình hiện vẫn đang được sử dụng phổ biến trong các học viện, nhà trường, trong đó có Trường Cao đẳng CSND I; phương pháp này nếu sử dụng đúng, phát huy tối đa các kỹ năng sư phạm người dạy thì mang ý nghĩa tích cực. Nó đảm bảo tính chuẩn hóa của hệ thống tri thức cần chuyển tải tới người học, phù hợp với những trường có số lượng học viên đông và đối tượng đào tạo không đồng đều. Đặc biệt với phương pháp thuyết trình áp dụng trong giảng dạy các môn NVCB có giá trị giúp cho học viên tiếp cận ngay những vấn đề khó, phần nội dung cốt lõi của môn học. Lựa chọn phương pháp này không đòi hỏi nhiều phương tiện, giáo viên “nhàn hơn”, học viên đỡ căng thẳng, vất vả, ít mắc sai lầm. Tuy nhiên, phương pháp này dễ dẫn đến sự xơ cứng, thụ động trong hoạt động của cả người dạy lẫn người học. Mặt hạn chế của phương pháp này là nếu giáo viên không điều khiển tốt quá trình dạy học thì dẫn đến tư duy thụ động một chiều, biểu hiện trong thực tế là giáo viên đọc, học viên ghi, học thuộc lòng, năng lực tư duy dừng lại ở trình độ tái hiện, dạng tư duy tích cực, sáng tạo bị hạn chế. Chính vì vậy, khi học viên ra trường ít có khả năng thích nghi nhanh với cuộc sống luôn biến đổi, phát triển nhanh chóng, nhất là tính biến động phức tạp, mau lẹ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Điều đó cần được đặc biệt lưu ý khi sử dụng phương pháp này. Và để khắc phục hạn chế đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải biết kết hợp giữa thuyết trình với nêu câu hỏi phát vấn, gợi mở, trao đổi với người học, kích thích tính tích cực, chủ động của người học, làm cho hoạt động dạy - học sinh động hơn.

Đ/c Trung tá Nguyễn Thị Minh Hiền - Giáo viên khoa Nghiệp vụ cơ bản thực hiện nội dung bài Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Trường, năm học 2022 - 2023.

Phương pháp dạy học nêu vấn đề: phương pháp này đang là mục tiêu phấn đấu của các học viện, nhà trường trong lực lượng Công an nhân dân nói chung, Trường Cao đẳng CSND I nói riêng trong hoạt động giảng dạy, nhất là trong dạy - học các môn NVCB. Bản chất của phương pháp học này là triển khai việc tìm kiếm, thu lượm tri thức trên cơ sở phối hợp, hợp tác giữa hoạt động hướng dẫn của người dạy và phát huy tối đa tính chủ động, tích cực của người học, thông qua việc tạo ra những tình huống có vấn đề. Kết quả của phương pháp dạy học nêu vấn đề là tri thức được người học lĩnh hội một cách tự giác trên cơ sở giải quyết những mối liên hệ giữa cái đã cho và cái cần biết, giữa điều đã biết và điều chưa biết. Với phương pháp này người học nắm được tri thức một cách vững chắc, tạo được niềm tin sâu sắc cho người học - những tri thức do tự họ khám phá ra. Qua đó, trang bị, rèn luyện cho người học kỹ năng độc lập, sáng tạo và khả năng tự học, tự nghiên cứu, những phẩm chất quyết định đến năng lực trí tuệ mỗi người mà hoạt động giáo dục đào tạo cần trang bị cho họ. Tuy nhiên, phương pháp này khi áp dụng phải có một số điều kiện nhất định như tài liệu tham khảo phong phú, trình độ của đội ngũ giáo viên phải đạt chuẩn hóa một các thực chất…Đây là những điều kiện mà không phải một lúc có thể giải quyết ngay được.

Đối với phương pháp nghiên cứu. Dưới góc độ lí luận thì phương pháp này về cơ bản giống cấu trúc của phương pháp nêu vấn đề, khác nhau ở chỗ tính độc lập, sáng tạo của người học cao hơn. Thực tiễn trong thời gian qua khi áp dụng phương pháp này thông qua các hình thức bài tập, thực hành môn học, tiểu luận, báo cáo các chuyên đề thu hoạch sau các đợt đi thực tế…học viên đã tích cực tham gia và thu được những kết quả đáng khích lệ, khả năng tư duy sáng tạo được bộc lộ phát triển. Đặc biệt rèn luyện cho học viên phương pháp tìm tòi, nghiên cứu, trau dồi những phẩm chất như kiên nhẫn, tự tin, trung thực, dũng cảm; tác phong, phương pháp làm việc khoa học…những phẩm chất của người cán bộ công an trong thời đại của cuộc Cách mạng 4.0. Tuy nhiên, khi triển khai phương pháp này cũng gặp nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu giải quyết như thời điểm nào học viên được tham gia, vấn đề để học viên nghiên cứu thế nào cho vừa sức; khi triển khai không ảnh hưởng đến chương trình đào tạo chung của Nhà trường.

Trong những năm qua, việc đổi mới phương pháp dạy học đã được Cấp ủy, lãnh đạo và giáo viên Khoa Nghiệp vụ cơ bản thường xuyên quan tâm, chú trọng thực hiện. Thông qua công tác giảng dạy trên lớp, các giáo viên đã chủ động sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp dạy học tích cực dựa trên mục tiêu, yêu cầu của công tác đào tạo và các nội dung kiến thức của từng môn học. Việc đổi mới phương pháp dạy học đối với các môn học NVCB đã gắn kết được một cách tương đối thống nhất giữa vai trò chủ đạo của người dạy với vai trò tích cực, chủ động của người học, thông qua sự gắn kết hài hòa các phương pháp dạy học, phù hợp với đối tượng đào tạo. Các giáo viên của Khoa đã sử dụng hài hòa các phương pháp dạy học một cách phù hợp, kết hợp với sử dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học đặc biệt là thông qua thực hiện nội dung dạy giỏi theo từng cấp độ. Các phương pháp dạy học thuyết trình, nêu vấn đề và nghiên cứu được vận dụng phù hợp với từ môn, từng bài và từng nội dung. Kết quả của việc đổi mới phương pháp dạy học đã góp phần nâng cao nhận thức cho học viên về kiến thức nghiệp vụ ngành, trang bị cho học viên một hệ thống tri thức toàn diện về lực lượng Công an nhân dân, về tình hình an ninh, trật tự; hệ thống các quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh, trật tự và các kiến thức nghiệp vụ của ngành; tạo nền tảng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo từng chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự; giúp học viên có lập trường tư tưởng kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc đổi mới phương pháp dạy học các môn NVCB cũng gặp không ít khó khăn như: do đặc thù của các môn NVCB đã rất khô khan, trừu tượng, khó tiếp thu, học viên lại tiếp cận nhiều nội dung sớm khi chưa được học các môn học nền tảng khác. Bên cạnh đó, sự lựa chọn và chắt lọc thông tin để đưa vào bài giảng của giáo viên chưa thật sự hiệu quả, thiếu tính thời sự thực tế, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dạy học còn thiếu thốn, đây là những vấn đề tác động không nhỏ đến việc đổi mới phương pháp dạy học các môn NVCB

Trong thời gian tới, đổi mới phương pháp dạy học các môn NVCB là một yêu cầu khách quan, là đòi hỏi bức thiết của công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt trước diễn biến phức tạp của tình hình an ninh, trật tự và yêu cầu đặt ra đối với công tác giáo dục đào tạo của nhà trường. Từ một số vấn đề lí luận và thực tiễn trên, chúng tôi mạnh dạn đề xuất giải pháp sau đây:

Một là, đổi mới phương pháp dạy học trước hết phải đổi mới từ nhận thức, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ giáo viên. Từng giáo viên phải có ý thức được chính họ là người đi tiên phong trong lĩnh vực này, từ đó đổi mới nếp nghĩ, cách làm, tạo thói quen sư phạm mới, mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học.

Hai là, đổi mới phương pháp dạy học đi đôi với việc nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức liên ngành. Có thể khẳng định rằng người giáo viên không có trình độ chuyên môn sâu rộng thì không thể có phương pháp dạy hay, khi đã làm chủ được một nội dung sẽ chủ động trong việc sử dụng phương pháp dạy học. Chính vì vậy, trách nhiệm của các khoa và từng giáo viên muốn đổi mới phương pháp dạy học thì trước tiên phải bồi dưỡng kiến thức và tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức của mình.

Ba là, trong quá trình dạy - học các môn NVCB phải vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học khác nhau trong từng môn học, từng đơn vị học trình, thậm chí trong từng bài; không tuyệt đối hóa một phương pháp dạy học nào. Điều này rất có ý nghĩa, vì dạy học các môn NVCB đòi hỏi vừa đảm bảo tính định hướng trong lĩnh hội tri thức, nhất là các môn “Lịch sử truyền thống và xây dựng lực lượng Công an nhân dân”, “Những vấn đề cơ bản về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”, “Vận động toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự”…vừa phát huy tính độc lập, sáng tạo của người học, vừa chống được sự giáo điều, xơ cứng trong cả giảng dạy cũng như trong học tập; đồng thời chống được những biểu hiện “chệch hướng” về quan điểm, chủ trương trong công tác công an, ngăn chặn những nhận thức sai trái của học viên trong quá trình sử dụng các kiến thức nghiệp vụ ngành để giải quyết những vấn đề thực tiễn công tác bảo vệ an ninh, trật tự đặt ra.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa tài liệu dạy học và đổi mới phương pháp giảng dạy các môn nghiệp vụ cơ bản.

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, số hóa tài liệu dạy học là một trong những cách thức hữu hiệu để đổi mới phương pháp giảng dạy các môn NVCB. Số hóa giáo trình là việc chuyển đổi những trang sách truyền thống in trên giấy thành các file dữ liệu kĩ thuật số dễ dàng lưu giữ và chia sẻ mọi lúc mọi nơi trên môi trường kết nối internet. Giáo viên và học viên dễ dàng truy cập vào nguồn dữ liệu, vừa tiết kiệm chi phí in ấn, vừa đảm bảo tốc độ truy cập giúp cho người học chủ động trong tìm kiếm tri thức.

Giáo viên cần ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống bài giảng điện tử được lưu giữ dưới dạng video, trong đó bao gồm các thành tố: hình ảnh, audio, text và các liên kết. Bài giảng điện tử là yếu tố thay thế những giờ giảng trực tiếp trong đào tạo truyền thống. Với hình thức này giáo viên kết hợp với trình chiếu powerpoint để bài giảng thêm phong phú; đồng thời các video tham khảo cũng có thể được sử dụng đan xen trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, việc sử dụng công cụ hỗ trợ và phương tiện dạy học là cần thiết, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin nhưng phải hợp lí khoa học, phù hợp với từng môn học, từng nội dung cụ thể, không lạm dụng tràn lan. Đối với các môn học NVCB như “Tham mưu tổng hợp”, “Công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân”…cần phải lựa chọn các phương tiện hỗ trợ, sơ đồ, biểu mẫu sao cho sát với nội dung và sử dụng một cách nhuần nhuyễn, tránh quan niệm đổi mới phương pháp dạy học là phải sử dụng các phương tiện và đồ dùng dạy học vào bài giảng một cách máy móc.

Một số hình ảnh hoạt động dạy học của giáo viên khoa Nghiệp vụ cơ bản;

Hội đồng đánh giá bài dạy giỏi cấp trường chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Nguyễn Xuân Mạnh - Giáo viên khoa Nghiệp vụ cơ bản.

Ban Giám khảo Hội thi dạy giỏi cấp trường năm học 2022 - 2023 chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Lê Thị Phương - Giáo viên khoa Nghiệp vụ cơ bản.

Đ/c Thiếu tá Trịnh Thành Lâm - Giáo viên khoa Nghiệp vụ cơ bản thực hiện nội dung bài dạy giỏi cấp trường, năm học 2022 - 2023.

Bài: Hoàng Văn Thịnh - Khoa Nghiệp vụ cơ bản

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi