Thứ Ba, 12/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khoa Nghiệp vụ cơ bản

Xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác sinh hoạt chi bộ trong việc củng cố xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thời gian qua, chi ủy Chi bộ khoa Nghiệp vụ cơ bản đã thực hiện nghiêm túc quy định về sinh hoạt chi bộ.

Cấp ủy Chi bộ khoa Nghiệp vụ cơ bản hội ý trước khi sinh hoạt chi bộ định kì.

Khoa Nghiệp vụ cơ bản sinh hoạt chi bộ định kì.

Trong những năm qua, Chi bộ khoa Nghiệp vụ cơ bản đã thực hiện nghiêm túc quy định sinh hoạt chi bộ theo kết luận 18-KL/TW ngày 22/ 9/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, có thể đánh giá trên những ưu điểm nổi bật như: (1) Cấp ủy, Chi bộ Khoa luôn duy trì nền nếp sinh hoạt đều đặn, tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Đảng ủy Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I; (2) Nội dung sinh hoạt chi bộ được đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể hơn, sát với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; gắn nội dung sinh hoạt chi bộ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị (nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học); học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khắc phục được tình trạng chung chung tại các buổi sinh hoạt chi bộ trước đây; (3) Chi bộ đã phân công đồng chí Bí thư, Phó Bí thư trực tiếp chuẩn bị nội dung các buổi sinh hoạt chi bộ và xây dựng dự thảo nghị quyết của Chi bộ; thực hiện tốt việc họp cấp ủy để thống nhất nội dung trước khi sinh hoạt chi bộ; đồng chí Bí thư chi bộ chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt, công tác điều hành các buổi sinh hoạt chi bộ theo đúng quy định đề ra; đảng viên dự sinh hoạt chi bộ với tỉ lệ cao, nghiêm túc, trách nhiệm; (4) Trong các buổi sinh hoạt chi bộ các nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc phê và tự phê bình được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, các văn bản công tác Đảng được phổ biến đầy đủ cho đảng viên trong Chi bộ; (5) Việc ghi chép biên bản sinh hoạt chi bộ, sổ sinh hoạt chi bộ cũng dần đi vào nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Nghị quyết của Chi bộ và công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên; (6) Ngoài việc duy trì sinh hoạt định kỳ, Chi bộ đã thực hiện sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về nâng cao năng lực, kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho đảng viên… nội dung sinh hoạt được cấp ủy, Chi bộ và đảng viên được phân công chuẩn bị chu đáo nên trong sinh hoạt cơ bản đã tập trung vào nội dung cần bàn bạc và thống nhất…

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đó, nhiều năm liền, Chi bộ được đánh giá là “Trong sạch, vững mạnh”.

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ của khoa Nghiệp vụ cơ bản vẫn còn những hạn chế: Một số đảng viên chưa nhận thức rõ, đầy đủ về vai trò, vị trí và ý nghĩa của sinh hoạt chi bộ; tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức tổ chức kỷ luật của một số đảng viên chưa cao; một vài thời điểm, nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng chưa nêu rõ vai trò lãnh đạo của Chi bộ, còn liệt kê công việc chuyên môn…

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy ưu điểm, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại Chi bộ khoa NVCB cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đảng viên trong Chi bộ về vai trò, mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ: Chi bộ cần cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, văn bản chỉ đạo để cấp ủy chi bộ nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, triển khai đến đảng viên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng, của Chi bộ, ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ và yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong Chi bộ để đảng viên đóng góp trí tuệ, công sức vào hoạt động của Chi bộ, từ đó nâng cao sức chiến đấu của Chi bộ.

Thứ hai, chi ủy, Chi bộ phải chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt chuyên đề; lựa chọn nội dung, đổi mới hình thức sinh hoạt phù hợp với tình hình, thực tiễn của cơ quan, đơn vị và của Chi bộ: cấp ủy khoa Nghiệp vụ cơ bản cần lựa chọn một số vấn đề phù hợp, sát với tình hình của cơ quan, đơn vị để tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo quy định như: về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về xây dựng củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đoàn thể… nhằm giáo dục, nâng cao ý thức chính trị và bồi dưỡng kiến thức, tập trung trí tuệ tập thể…

Thứ ba, tiếp tục thực hiện chế độ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng, đồng thời phát huy vai trò của người đứng đầu: Người đứng đầu chi ủy phải tiêu biểu cho sự đoàn kết, thống nhất trên cơ sở vì nhiệm vụ chung của đơn vị. Bí thư chi bộ chủ trì, điều hành cuộc họp chi bộ phải thực hiện đầy đủ các nội dung trong chương trình đề ra; nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian sinh hoạt, quán triệt nguyên tắc trong sinh hoạt chi bộ. Nội dung báo cáo trước Chi bộ phải rõ ràng, ngắn gọn để dành nhiều thời gian cho phần thảo luận của các đảng viên.

Thứ tư, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở chân thành để đảng viên bộc lộ tâm tư nguyện vọng của mình: Đồng chí bí thư, lãnh đạo đơn vị phải dân chủ trong giao việc, trong thảo luận, chủ trì các cuộc họp một cách cởi mở, biết động viên, khuyến khích tự phê bình và phê bình, những ý kiến xây dựng, thẳng thắn, trung thực phải được tôn trọng, tiếp thu một cách cầu thị; đồng thời, kịp thời chấn chỉnh, phê phán những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng, bảo thủ trong trao đổi, thảo luận. Đồng thời, Bí thư chi bộ hoặc người chủ trì phải khơi dậy được tiềm năng đó bằng cách nêu vấn đề, chấp nhận sự khác biệt và cả ý kiến trái chiều chứ không nên áp đặt ý chí chủ quan.

Thứ năm, cấp ủy, Chi bộ khoa Nghiệp vụ cơ bản phải chú trọng thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình: Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị cần phải luôn động viên các đảng viên phát huy tính chủ động, mạnh dạn trong đóng góp ý kiến. Đảng viên cần tích cực nghiên cứu, nêu cao tinh thần học tập để hiểu đầy đủ, sâu sắc nội dung ý nghĩa của việc tự phê bình và phê bình đối với từng cán bộ, đảng viên.

Thứ sáu, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và tự giám sát của Chi bộ cũng như hoạt động giám sát phản biện của các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở: tập trung và tăng cường kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình, các chính sách pháp luật của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; về rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, những điều đảng viên không được làm; kiểm tra thẻ Đảng, chế độ sinh hoạt của đảng viên…

Bài: Sỹ Nguyên, khoa Nghiệp vụ cơ bản

Biên tập: Phương Thảo, phòng HCTH

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi