Chủ Nhật, 28/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tiếp tục nâng cao chất lượng học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

Cách đây 75 năm, ngày 11/3/1948, tại Chiến khu Việt Bắc, khi đang tập trung lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành sự quan tâm, viết thư trả lời đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII. Trong thư, Người đã động viên, khen ngợi, khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ và đặc biệt, Người chỉ dạy: “Tư cách của người Công an cách mệnh là: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính/ Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ/ Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành/ Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc, phải tận tụy/ Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo. Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người Công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, H.1995; tr 406-407).

Hiện nay, khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước âm mưu “diễn biến hòa bình”  của các thế lực thù địch, tác động của mặt trái  cơ chế thị trường; tác động của tình hình thế giới và khu vực; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên thì nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ngày càng nặng nề hơn với lực lượng Công an nhân dân. Do đó, Sáu điều Bác Hồ dạy càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động, công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân và nhất là trong công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hóa và năng lực cho người cán bộ, chiến sĩ.

Trải qua gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I luôn coi trọng công tác xây dựng lực lượng là nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Những năm qua, phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện đã góp phần thúc đẩy các mặt công tác của Nhà trường, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong các hoạt động thi đua dạy tốt, học tốt, tham mưu, phục vụ tốt, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của lực lượng Công an nhân dân. Cho đến nay, học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã thực sự trở thành một trong những phong trào thi đua trọng điểm được Đảng ủy, Ban Giám hiệu quan tâm, chỉ đạo và đông đảo cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học viên Nhà trường hưởng ứng thực hiện nhằm bồi dưỡng phẩm chất, năng lực của người cán bộ chiến sĩ, Nhà trường luôn quan tâm, chú trọng và triển khai thực hiện trên nhiều phương diện khác nhau, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo xây dựng kế hoạch xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, biện pháp và tổ chức học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy. Chỉ đạo tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung và kế hoạch học tập thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy đến toàn thể cán bộ chiến sĩ trong Nhà trường, giúp cho mỗi cán bộ chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa cách mạng, khoa học cũng như nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy, tự giác tu dưỡng, rèn luyện tư cách, đạo đức, tác phong, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức nghề nghiệp. Chỉ đạo mời báo cáo viên báo cáo chuyên đề chuyên sâu về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những nội dung liên quan đến Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Chỉ đạo thực hiện việc tích hợp nội dung của Sáu điều Bác Hồ dạy vào môn học Giáo dục chính trị và các môn học khác có liên quan đến xây dựng lực lượng Công an nhân dân; đồng thời chú trọng phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên và quản lý giáo dục đảm bảo chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo của Ngành trong tình hình mới.

Đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hoài Nam, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng tại Hội nghị Tổng phong trào “Thanh niên CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” giai đoạn 2019-2023 .

Thứ hai, các đơn vị chức năng đã làm tốt vai trò tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong việc triển khai học tập, thực hiện nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy theo kế hoạch của cấp trên; phát động các phong trào thi đua, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và chủ động đề xuất các biện pháp hữu hiệu để đưa việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy trong giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục của Nhà trường ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, đạt mục đích và yêu cầu đặt ra.

Thứ ba, cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trong Nhà trường chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, nhất là xác định rõ mục tiêu cần đạt được và gắn thực hiện nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy với nhiệm vụ chính trị của đơn vị từng học kỳ, năm học. Đối với khối các đơn vị làm công tác giảng dạy đã đề ra tiêu chí cụ thể về số lượng, chất lượng các bài dạy giỏi, giờ dạy giỏi, số lượng công trình nghiên cứu khoa học trong từng học kỳ, năm học của đơn vị làm mục tiêu phấn đấu. Các đơn vị quản lý giáo dục đề ra tiêu chí về cải tiến các nội dung công việc, tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt công tác trong quản lý giáo dục. Đối với các tổ chức đoàn thể quần chúng đã xây dựng kế hoạch triển khai học tập và thực hiện nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy gắn với tính chất, đặc điểm, phương thức hoạt động của tổ chức mình và phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ chính trị và mục tiêu, yêu cầu phát triển của Nhà trường.

Thứ tư, trên cơ sở những chủ trương, kế hoạch lớn của Nhà trường, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học viên luôn tự giác, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu nâng cao nhận thức về giá trị tư tưởng to lớn và nội dung khoa học sâu sắc của Sáu điều Bác Hồ dạy, nhận thức sâu sắc về bản chất của Công an nhân dân trong thời đại mới về vai trò và sức mạnh to lớn của nhân dân để hình thành ý thức thái độ phục vụ nhân dân, tránh những biểu hiện sách nhiễu, thờ ơ, vô cảm, thiếu tôn trọng nhân dân. Đồng thời không ngừng nỗ lực tu dưỡng đạo đức, rèn luyện lý tưởng cách mạng bản thân, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy, năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tại chương trình Kể chuyện Bác Hồ qua hình ảnh.

Như vậy, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và sự lỗ lực nghiên cứu, học tập của cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giảng viên, việc học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy đã mang lại những kết quả tích cực góp phần nâng cao chất lượng công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Nhà trường trong tình hình mới. Trong thời gian tới, để hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân nói chung và cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói riêng cần nỗ lực phấn đấu, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy với những nhiệm vụ chính sau đây:

Một là, việc học tập sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy cần phải được xem là việc làm thường xuyên, liên tục, phải trở thành ý thức tự giác đi vào nếp sống của từng cán bộ, giáo viên, tránh hình thức, quan liêu, chiếu lệ. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục luôn phải nêu cao vai trò nêu gương trong giáo dục lý tưởng cách mạng và rèn luyện đạo đức lối sống văn hóa theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân như Người đã từng căn dặn: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu”. Do đó, mỗi giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tự giáo dục, tự rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; phải là tấm gương sáng để người học noi theo cả về trình độ, kiến thức lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, lối sống và tác phong; không ngừng tự học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu giảng dạy, luôn vững vàng trước sự tấn công của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, những cám dỗ tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm, tâm huyết và gắn bó với nghề, gương mẫu trong chấp hành điều lệnh.

Hai là, việc học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy phải tiếp tục được gắn kết chặt chẽ với việc tổ chức học tập, quán triệt chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh Công an nhân dân; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ; cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và các phong trào thi đua khác; gắn chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nhiệm kỳ 2020 - 2025 và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; đồng thời đưa các phong trào này lên tầm cao mới nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, tham mưu, phục vụ. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, trong từng cán bộ giáo viên và quản lý giáo dục để phong trào học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy thành việc tự giác, thường xuyên của từng cán bộ giáo viên trong Nhà trường.

Ba là, đối với từng đơn vị, mỗi giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cần tiếp tục đề ra chương trình, hành động cụ thể hóa nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy thành tiêu chí, tiêu chuẩn để thực hiện. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục các biểu hiện ngại khó, ngại khổ, thiếu trách nhiệm trong công tác; đẩy lùi tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong một bộ phận cán bộ chiến sĩ. Đặc biệt, phải tăng cường công tác tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, làm tốt công tác quản lý cán bộ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tạo môi trường để cán bộ chiến sĩ học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tư cách theo Sáu điều Bác Hồ dạy.

Bốn là, để phong trào học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân có sức hấp dẫn, lan tỏa, trong từng thời kỳ cần lựa chọn những nội dung công tác trọng tâm, những vấn đề đang bức xúc nổi cộm trong công tác xây dựng lực lượng của Nhà trường để phát động thành phong trào thi đua để tập trung giải quyết tạo nên khâu đột phá trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; đồng thời phải coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, nhân điển hình tiên tiến trong từng giai đoạn, từng thời kỳ để phong trào luôn có sức sống và duy trì thường xuyên, liên tục.

Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân hàm chứa những giá trị tư tưởng, đạo đức nhân văn cao quý, là di sản tinh thần vô giá để xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, các tổ chức quần chúng, lớp học và từng cán bộ, giáo viên, học viên cần ý thức hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, góp phần thực hiện tốt phương châm "Đoàn kết, kỷ cương, ổn định, phát triển" và mục tiêu “Xây dựng Đảng bộ Trường trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Nhà trường lần thứ I, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Bài: Khoa Lý luận chính trị, khoa học xã hội nhân văn và Tâm lý

Biên tập: Loan Trần

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi