Thứ Sáu, 27/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho học viên Ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

Xác định rõ đạo đức nghề nghiệp là hệ thống các quan điểm, quy tắc, chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội đòi hỏi phải tuân theo trong hoạt động nghề nghiệp, có tính đặc trưng của nghề nghiệp. Trong xã hội hiện nay bên cạnh mặt tích cực của quá trình hội nhập thì mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tạo ra hệ lụy làm suy thoái đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng đạo đức nghề nghiệp luôn được Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói chung, Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự nói riêng quan tâm và đặt lên hàng đầu trong quá trình đào tạo học viên. Xây dựng đạo đức nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách nghề nghiệp, hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ trong hoạt động nghề nghiệp.

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp tình trạng tái phạm tội vẫn còn cao, nhiệm vụ quản lý, giáo dục cải tạo người phạm tội gặp nhiều khó khăn, thách thức khi ý thức chấp hành pháp luật của những người phạm tội còn hạn chế; cơ sở vật chất tuy đã được nâng cấp cải tạo nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong việc tổ chức giam giữ, quản lý, giáo dục người chấp hành án; các loại tệ nạn xã hội, tình hình thiên tai, dịch bệnh kéo dài… đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất an trong xã hội, gây ra những khó khăn, áp lực cho lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc thù của công tác Thi hành án hình sự phải thường xuyên tiếp xúc với đối tượng phạm tội, với phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam.

Đồng chí Thượng tá Phạm Ngọc Toản, Phó Trưởng khoa, giảng bài cho học viên chuyên Ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. 

Do đó, cùng với việc nâng cao bản lĩnh chính trị cần trang bị những kiến thức về bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH cho học viên Ngành Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, qua đó giúp học viên nâng nhận thức về đối tượng, về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, đồng thời hiểu về các biện pháp công tác công an trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đồng chí Trung tá Nguyễn Thị Lương, Phó Trưởng khoa, giảng bài cho học viên Ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

 Khắc ghi lời Bác dạy cũng như xuất phát từ đặc thù của công tác Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, giai đoạn 2020-2023, Tập thể lãnh đạo, giáo viên Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp tiếp cận để chuyển tải kiến thức cho học viên Ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp lòng yêu ngành, mến nghề, không ngại khó, không ngại khổ theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.

Năm học vừa qua, học viên Ngành thi hành án hình sự luôn phấn đấu, tu dưỡng học tập, rèn luyện trên mọi phương diện, tích cực tìm tòi, học hỏi, trau dồi đạo đức, tự khẳng định mình trong các hoạt động, phong trào, hội thi của Nhà trường. Các em học viên luôn có nhận thức đúng đắn về những giá trị xã hội chân chính, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng XHCN; hăng hái hưởng ứng Ngày hội hiến máu tình nguyện “Tuổi trẻ trường Cao đẳng CSND I”, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện thăm hỏi tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn do Đoàn thanh niên Nhà trường tổ chức, chung tay góp sức giúp đỡ các đồng chí học viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, chính những hoạt động ý nghĩa trên đã góp phần làm lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương trợ, năng động sáng tạo trong tập thể cán bộ, học viên Nhà trường. Bên cạnh đó thông qua đợt thực hành chính trị - xã hội tại địa phương, trong 3 tuần “cùng ăn ở, cùng lao động sản xuất, cùng sinh hoạt giúp đỡ nhân dân” đã cụ thể hóa công tác dân vận góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.

Học viên Khóa K58S, Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự tham gia đợt thực tế chính trị-xã hội tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, Tỉnh Ninh Bình. 

Có thể khẳng định, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã thể hiện sâu sắc về phẩm chất; chuẩn mực đạo đức; giá trị nhân văn; ý thức trách nhiệm; giác ngộ lý tưởng; lòng yêu nước; quan điểm quần chúng; sách lược đấu tranh với địch; tài năng, năng lực làm việc…

Để góp phần định hướng và xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho học viên Ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp theo Sáu điều Bác Hồ dạy, cần tập trung vào những nội dung sau:

Một là, cấp ủy, lãnh đạo, giáo viên Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác hồ dạy, coi đây việc làm thường xuyên, phải trở thành ý thức tự giác đi vào nếp sống của từng giáo viên tránh hình thức, quan liêu, chiếu lệ. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để cụ thể hóa Sáu điều Bác Hồ dạy thành chương trình hành động; tránh bệnh phong trào, qua loa, hình thức, hiểu những điều Bác dạy nhưng lại hành động ngược lại. Các đồng chí Lãnh đạo, giáo viên trong Khoa phải gương mẫu, đi đầu, lời nói đi đôi với việc làm và luôn là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho các em học viên học tập, noi theo. Trên giảng đường cùng với nhiệm vụ giảng dạy, giáo viên chủ động tuyên truyền nhân rộng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; rèn luyện đạo đức, lối sống và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học viên Ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong công tác quản lý giáo dục học viên. Để làm tốt công tác này, Khoa Cảnh sát Thi hành án hình và hỗ trợ tư pháp cần chủ động phối hợp với Phòng chính trị, Phòng Quản lý học viên,  thường xuyên quán triệt toàn thể đảng viên, học viên tích cực học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Ngành; xây dựng cho học viên bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm phấn đấu học tập, rèn luyện. Mặt khác, phải chú trọng làm tốt công tác nắm tình hình diễn biến tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của học viên. Tổ chức gặp mặt đối thoại giữa Ban Giám hiệu, đơn vị chức năng trong Nhà trường với học viên để nghe phản ánh tình hình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của học viên trong quá trình tham gia học tập, sinh hoạt tại Nhà trường.

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của lực lượng CAND và Nhà trường bằng việc tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, “ Tuổi trẻ Trường Cao đẳng CSND I học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “ Tìm hiểu 58 năm xây dựng, phát triển Trường Cao đẳng CSND I”…Thông qua các buổi báo cáo thực tế, tọa đàm trao đổi với chuyên gia, sinh hoạt theo chuyên đề... Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy và các phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc... Qua đó giúp học viên có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, năm vững mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH và mục tiêu phân đấu đến năm 2030 xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trên cơ sở đó, xác định rõ mục tiêu đào tạo học viên có ý chí cách mạng, tinh thần trách nhiệm cao, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, chấp hành nghiêm kỷ luật, đoàn kết thống nhất, luôn cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống những tư tưởng sai trái, lệch lạc, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, xứng đáng với truyền thống của lực lượng CAND; trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Bốn là, bản thân mỗi giáo viên, học viên Ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp dù ở bất kỳ cương vị nào, hoàn cảnh công tác nào cũng cần phải khắc ghi lời dạy của Bác, lấy đó làm chuẩn mực đạo đức, phương châm hành động và thái độ ứng xử của mình, thường xuyên tự sửa, tự trau dồi, tự tu dưỡng, tự giáo dục, tự rèn luyện coi đây là việc làm thường xuyên, trở thành tiềm thức trong trái tim, khối óc và hành động; thường xuyên bồi đắp ý chí khắc phục khó khăn, gian khổ, đề cao tinh thần trách nhiệm; say mê, năng động, sáng tạo, nhạy bén, mưu trí, dũng cảm trong học tập, công tác và chiến đấu, nắm chắc vai trò, trách nhiệm của mình trong khi thi hành nhiệm vụ. Thực hiện tư thế, lễ tiết, tác phong, ứng xử văn hoá, văn minh, kiên quyết nhưng phải linh hoạt trong từng tình huống cụ thể, đáp ứng yêu cầu công tác trong thực tiễn.

 

Bài, ảnh: Lê Duy Cường, Khoa Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp

Biên tập: Bích Vân, Phòng HCTH


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi