Thứ Năm, 31/10/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
File đời dự thảo

Trong ngắn ngủi dằng dặc của một cuộc người, thử hỏi bao nhiêu suy tính dự định được hiện thực hóa, hay chính cái cuộc người kia sau cuối vẫn cứ là một file có tên dự thảo treo ở desktop cuộc đời?

Mỗi lần đi trên đường Giải Phóng (Hà Nội), ngang qua Bệnh viện Bạch Mai, tôi lặng đi khi nghĩ về ba tôi, vì đây là điểm đến duy nhất, trong chuyến trở lại Hà Nội đầu tiên cũng là cuối cùng của ba, sau 35 năm xa Hà Nội.

Đến bây giờ, tôi vẫn rất khó hình dung, một cậu bé 13 tuổi, là con thứ 10 (con út) trong một gia đình nông dân nghèo, ở một làng Công giáo nghèo đất Quảng Bình, lại có thể một mình khăn gói quả mướp ra tận Hà Nội, để học cấp ba, rồi học tiếp Đại học Sư phạm vật lý, sau đó trở về quê nhà dạy học.

Tôi nhớ như in, vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tức là khoảng 20 năm sau khi ba tôi xa Hà Nội, một hôm các anh chị bảo sắp được nghỉ hè, ba từ trường đạp chiếc xe Thống Nhất về, hoan hỉ như một đứa trẻ, báo tin cho cả nhà, rằng ba được trên duyệt suất đi nghỉ mát ở Hà Nội. Trong cái list địa chỉ nhất định sẽ thăm lại mà ba phấn chấn liệt ra không giấu giếm niềm tự hào (vì cả nhà, trừ ba ra, lúc đó đã ai biết Hà Nội ngang dọc, tròn dẹt thế nào), một cậu bé chưa đầy 5 tuổi là tôi chỉ nhập tâm được ba tiếng cầu-Long-Biên, và cứ đinh ninh đi nghỉ mát ở Hà Nội tức là ra ngồi vắt vẻo nghỉ ở thành cầu để hóng gió cho mát. Sau đó cả nhà xúm tay vào sửa soạn cho chuyến đi của ba. Nào là hái đào sau hồi nhà. Những quả đào rụng lông quặp mỏ căng mọng, rướm lên những vệt đỏ hồng. Tôi chộp lấy quả nào bị nứt, nứt từ dưới cuống nứt lên, phần vì nghĩ nứt thì không nên mang đi đường xa, phần thì vì quả nứt là quả chín, cắn phập ngọt giòn, thơm nức.

Nào là rang ngô rồi cho vào cối đá quay đều quay đều. Chị xay, tôi ngồi bên, thi thoảng lại chọc tay tùa đống bột ngô dồn ứ ở cửa máng cối xuống cái thau hứng, phải thật nhanh và thật khéo kẻo chẳng may cối xay luôn cả tay, hoặc đụng tay chị mà chị dừng lại phát cho một phát vào mông vì cái tội không ai khiến mà làm. Ngô chị xay xong, mẹ đem trộn đường rồi cho vào những cái vỏ hộp sữa Liên Xô tem phiếu, chừa một phần thừa để cả nhà xúm lại chung một cái thìa lần lượt xúc ăn. Món này chẳng biết tiếng phổ thông gọi là món gì, còn nhà tôi gọi là món lớ. Mấy chị em chúng tôi vừa ăn lớ vừa lớ phớ cười, lớ cứ thế phần thì đi xuống người, phần thì nghẹn lại cuống họng, phần thì phì ra cả đằng mồm lẫn đằng mũi. Ăn vào là khát nước ngay, uống nước xong lại thèm ăn tiếp…

Khi tư trang hành lý của ba tôi đã đâu vào đấy thì đùng cái, trên lại thông báo hoãn chuyến đi. Ba thở dài, không ngăn được cái sự tiếc rẻ khi cơ hội gặp lại tháng ngày trai trẻ đã bị vuột mất. Rồi cuộc sống khó khăn chật vật cứ thế cuốn đi. Một hôm ba xoa đầu tôi và bảo, khi nào thằng cu này học xong cấp ba thì hai cha con ta ra Hà Nội, ba vừa đi chơi vừa đưa con đi thi đại học.

Khỏi phải nói, vào cấp một, tôi mê mẩn tiếng tàu điện leng keng Hà Nội trong những bài văn mẫu cũ; lên cấp hai, tôi bị thôi miên bởi những gánh hàng hoa sớm mai ra rực nở trên đường xuống chợ trong bài thơ “Tiếng chổi tre” của Tố Hữu; rồi đặc biệt là lên cấp ba, tôi lặng hồn cùng chị em Liên và An mơ tưởng thèm thuồng về một Hà Nội xa xăm sáng rực vui vẻ và huyên náo trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam… Những ngày nghỉ hè nhớ lớp nhớ trường buồn so, tôi lại lò dò bò lên cây khế đầu hồi, phóng tầm mắt qua mấy cánh đồng để chờ nhìn đoàn tàu như con rắn từ-Hà-Nội-về trườn vào ga Minh Lệ, và nôn nao mong chóng xong lớp 12, để cùng ba lên ga mua vé mà ra Hà Nội.

Khi tôi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp PTTH thì ba tôi ngã bệnh. Thay vì đi Hà Nội thi đại học như bao năm dự tính, tôi vào Huế thi. Ở Huế có anh tôi, chứ ba trọng bệnh thì tôi không tự tin một mình xoay xở 4 năm nếu đỗ ở Hà Nội. Như đã nói, đến bây giờ tôi vẫn không hình dung ra cuối những năm 1950, ba tôi 13 tuổi một thân một mình tự bươn chải ăn học suốt 7 năm sau đó ở Hà Nội.

Ngày tôi vào Huế nhập học, ba tôi bệnh trở nặng và bệnh viện tỉnh phải chuyển tuyến điều trị ra Bệnh viện Bạch Mai. Và, có ai ngờ, đây là chuyến trở lại Hà Nội, đầu tiên cũng là cuối cùng, của ba, sau 35 năm xa Hà Nội.

Tôi lan man có vẻ lạc đề, nhưng thực ra vẫn đang về câu chuyện đời người thì ngắn mà dãy dự tính thì dài, đa phần trong dãy này là chủ nhân không thực hiện hoặc mất cơ hội thực hiện.

Đời người vừa dằng dặc vừa ngắn ngủi. Dằng dặc vì cơ bản là buồn. Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dọn lại một ngày dài ghê. Ngắn ngủi vì thời gian cứ trôi, nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng, mặc kệ con người buồn hay vui, sốt ruột vì ngày dài hay tiếc ngẩn ngơ vì ngày ngắn. Tóc, râu, móng tay, móng chân cứ cắt cạo rồi lại mọc. Vừa rửa mặt buổi sáng lại đã đánh răng buổi tối. Vừa tân niên lại đã tất niên.

Vì muốn vui nên con người ta mới có nhiều dự tính, ấp ủ hứa hẹn một ngày sớm nhất sẽ thực hiện để mua vui. Nhưng, vì buồn nên họ lại buông xuôi bỏ mặc, chẳng buồn hiện thực hóa những đề án khả dĩ vui kia.

Nơi desktop máy tính bàn của tôi có một file lớn tên là DỰ THẢO, trong đó gồm rất nhiều file nhỏ như "Thơ dự thảo", "Truyện ngắn dự thảo", "Phê bình dự thảo", "Tiểu luận dự thảo", "Tản văn dự thảo", "Tự truyện dự thảo"… Tôi chờ cảm hứng đến, bởi nghĩ, ý tưởng nào đã găm vào hồn mình thì sẽ tự đầy dần lên, một khi đã sắp tràn thì khó mà cưỡng lại, không thể không gõ phím; ý tưởng nào một khi đã chết lâm sàng ngay sau khi khởi sinh, nếu cố đấm ăn xôi thì chữ cũng chỉ được một nhúm rạc rời như cơm nguội đáy nồi mà thôi. Rồi trong đầu tôi là bao nhiêu dự định, sẽ đưa vợ con du lịch chỗ này, đưa mẹ đi thăm thú người kia chỗ nọ. Nhưng khi thì lực thể và tâm thế bản thân không sẵn sàng, khi thì mẹ già, vợ yếu con thơ vướng điều này bận điều khác. Rồi tôi nghĩ tốt nghĩ đẹp về ai đó, dự tính sẽ làm điều abc cho/vì họ, tưởng tượng khi gặp sẽ tay bắt thế này mặt mừng thế kia, nhưng ngày đó đến thì không như là mơ, người ta nhìn mình với ánh mắt trống trơ vô cảm, thậm chí ác cảm. Thì thôi, không phải duyên nhau tận kiếp sau chẳng thể thắm lại, cũng hơi đâu mà chủ động gần cận minh giải chuộc lòng.

Gần đây, tôi đọc được trong một bài trả lời phỏng vấn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: "Tôi sợ nhất là tuổi tác thời gian. Anh có thể có cấu trúc tiểu thuyết rất lớn, có tư tưởng đồ sộ nhưng lúc mệt mỏi già nua sẽ không còn thực hiện được. Chỉ còn phác thảo. Sợ nhất là đến một lúc tất cả mọi thứ đều trở thành phác thảo. Kể cả tình yêu cũng trở thành phác thảo, văn chương cũng trở thành phác thảo, mọi dự định đều trở thành phác thảo… Phác thảo là một sự thất bại rất lớn. Phác thảo với tư cách là khởi đầu thì nó tuyệt vời. Nhưng nếu không thành cái gì thì nó là sự thất bại".

Kể từ khi đặt chân lên phố phường Hà Nội năm 13 tuổi cho đến khi đặt lưng lên giường Bệnh viện Bạch Mai năm 60 tuổi, ba tôi thành công hay thất bại? Tôi không biết. Chỉ biết là, như một sự quy hồi huyền nhiệm, tôi đang nối dài giấc-mơ-Hà-Nội của ba tôi. Và dẫu tôi có sống gấp đôi con số 60 đi chăng nữa, có tận tụy bao nhiêu đi chăng nữa, thì file dự thảo lớn đời tôi vẫn cứ dang dở. Như đa phần giấc mơ mà con người vẫn mơ.

Nhà thơ Quang Huy từng kết lại thi phẩm “Hư vô” giàu sức phản tỉnh như sau: Gắng ngồi viết cạn bài thơ/ Bài thơ rồi cũng hư vô như mình. Có thật không, con người và các thành phẩm lao động sáng tạo vật chất lẫn phi vật chất của mình rốt cục đều là hư vô, giữa lễ hội đời có tên là vô nghĩa? Nếu là thật, thì ta nên nuông chiều thả lỏng bản thân trong từng thời khắc hiện tại, tôn trọng dự định, cũng tôn trọng luôn cả cái sự trễ nải chưa sẵn sàng cảm hứng để thực hiện dự định; hay là ta phải thi triển ngay và luôn những dự đồ của đời ta, việc hôm nay chớ để ngày mai, bằng cách nỗ lực kích gọi cảm hứng?

Suy cho cùng, đời chẳng ngắn chẳng dài, chẳng vô nghĩa, chẳng có nghĩa, mà đời là đời thôi. Trong lúc con người lẩn thẩn ngồi tự vấn thì đời cứ bình thản minh triết chảy trôi về phía trước. Không hề ngoái lại.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi