Thứ Năm, 21/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Internet có thể đáng sợ như thế nào?

Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt chương trình bảo vệ và hỗ trợ cho trẻ em trên môi trường mạng. Một mẩu tin có thể sẽ trôi tuột khỏi bảng tin Facebook của bạn đọc trong thời đại suy giảm sức chú ý nhưng nó thật sự có ý nghĩa. Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng 2021-2025” đặt mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật, đời sống riêng tư của trẻ em, cũng như trang bị kiến thức và kỹ năng số cho trẻ em theo độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng.

Chứng nghiện internet

Vào những năm 2000, người dùng đã đặt biệt danh cho chiếc điện thoại thông minh phổ thông đầu tiên là crackberry, kết hợp giữa cocaine (gây nghiện) và Blackberry. Trong các cuộc trò chuyện cho đến tận bây giờ, chúng ta mô tả việc lạm dụng các ứng dụng được cho là cơ bản như Facebook, email, Twitter hay Netflix bằng từ “nghiện”, vốn thường được dùng cho ma túy đá và những máy đánh bạc ở sòng bài.

Chứng nghiện internet, sau nhiều năm mơ hồ, đã trở thành một nguy cơ hiện hữu. Nguồn ảnh: Getty.

Thực tế thì các nhà tâm lý học đã thảo luận về chứng nghiện Internet từ năm 1996 (thời đó họ chỉ đặt ra vấn đề này như một khả năng), chỉ 3 năm sau khi trình duyệt web đầu tiên ra đời. Nhưng, giới khoa học cũng không thể nhất trí được xem liệu nghiện mạng có phải là chuyện thật hay không. Bởi không giống như heroin hay ma túy đá, internet không trực tiếp giết người và nó có tính ứng dụng rõ ràng. Thêm vào đó, thật khó có thể tách phương tiện (internet) khỏi các trải nghiệm gây nghiện (phim khiêu dâm hay cờ bạc trực tuyến).

Đối với hàng triệu người, internet được hiểu như một nhu cầu bắt buộc: đã có người mạnh dạn thêm nó vào một phần trong tháp nhu cầu Maslow. Các chỉ trích liên quan đến hậu quả của lạm dụng internet thường nhắm vào đổ lỗi cho người dùng. Internet không giống như một trải nghiệm được xác định trước, mà đơn giản chỉ là giao thức kết nối. Ít người nghĩ về nó như một thứ gây nghiện thuần túy.

Chúng ta có nên đổ lỗi cho những cá nhân thiếu sự tự kiểm soát? Có thể, dù ít dù nhiều. Nhưng, càng ngày, sự tự chủ này càng mờ nhạt, bởi nhiều trang web hay các công cụ kỹ thuật số đã được thiết kế đặc biệt tinh vi để kích thích hành vi cưỡng chế.

Một số rất ít các công ty đã xác định nên hình dạng cơ bản của trang web mà chúng ta truy cập hằng ngày và phần nhiều trong số đó kiếm tiền bằng cách lôi kéo sức chú ý của người dùng và chuyển hóa nó thành các lượt xem trang và nhấp chuột. Họ đã định hình tương lai của mình bằng các phương pháp xây dựng thói quen người dùng, để giành càng nhiều sức chú ý càng tốt. Các tập đoàn thành công xây dựng những nhóm chuyên biệt thu thập hàng loạt dữ liệu được cá nhân hóa, tất cả đều nhằm mục đích thu hút người dùng chìm đắm vào thế giới họ vẽ ra.

“Người dùng có lẽ cần phải rèn luyện ý chí, trách nhiệm và sự tự chủ, điều đó rất tuyệt nhưng chúng tôi cũng phải thừa nhận mặt khác của vấn đề” - Tristan Harris, một trong những chuyên gia về vấn đề thiết kế đạo đức làm việc ở Google, cho biết. “Các tập đoàn công nghệ lớn có 100 nhà thống kê và khoa học máy tính thông minh nhất, những người đã theo học ở các ngôi trường danh giá nhất và công việc của họ là bẻ gãy ý chí của các bạn”. Tóm lại, đó là một cuộc chiến không cân sức.

Năm 2014, Nir Eyal, một nhà tư vấn cho các công ty khởi nghiệp ở thung lũng Silicon đã gây chấn động khi viết và xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Gây nghiện”, dạy các nhà thiết kế web “tạo ra sự thèm muốn” ở người dùng. Cuốn sách này ngay lập tức lọt vào danh sách những ấn phẩm bán chạy nhất bấy giờ, được các cây viết công nghệ ca ngợi không ngớt và Eyal thậm chí đã tổ chức được cả một buổi nói chuyện ở Đại học Stanford về “nghệ thuật” lôi kéo sức chú ý này.

Eyal đã hướng dẫn các công ty khởi nghiệp bắt chước những gì mà ông gọi là “đặc tính giống chất gây nghiện” của các trang web kiểu Facebook hay Pinterest. Mục tiêu của ông, như Eyal nói với từ Business Insider, là khiến người dùng đi theo một vòng lặp cơ bản. Mãi mãi. Trong cuốn “Gây nghiện”, Eyal đã tìm ra câu trả lời cho một băn khoăn đơn giản: “Làm thế nào mà những công ty này, chỉ sản xuất nhiều hơn một chút dòng mã (code) hiển thị trên màn hình, dường như có thể kiểm soát tâm trí người dùng?”.

Ông cho rằng đó là một mô hình thiết kế bao gồm 4 bước. Hãy nghĩ về bảng tin của Facebook. Hai bước đầu tiên rất đơn giản: bạn gặp phải một trình kích hoạt (là bất cứ điều gì nhắc bạn phải cuộn chuột lên xuống) và một cơ hội để hành động (làm bạn thực sự kéo chuột lên xuống). Điểm mấu chốt là tính bất khả dự đoán của hành động này: nó phải đưa ra những “phần thưởng” khác nhau cho mỗi lần nhấp chuột, sao cho người dùng không bao giờ chắc chắn về những gì mình có thể nhận được. Trên Facebook, đó có thể là một clip dễ thương về chó mèo, hoặc một bài đăng chán ghét từ người quen.

Cuối cùng, theo Eyal, quá trình này cho bạn cơ hội thực hiện một số hành vi “đầu tư” niềm tin, chẳng hạn như nhấp vào nút Like (Thích) hoặc để lại comment (bình luận). Khoản “tạm ứng” này tăng dần, cho đến khi người dùng cảm thấy rằng họ ngày càng đầu tư nhiều hơn vào chu kỳ kích hoạt - hành động - phần thưởng này. Rốt cục, họ bị cuốn vào nó hoàn toàn.

Mô hình “những cánh cửa”

Hãy tưởng tượng internet như một thư viện vô hạn, với mỗi bài báo, tiện ích, trang web, các trò chơi và trang đích (domain) tạo thành các phòng trong thư viện. Mỗi khi bạn sử dụng một liên kết trên truy cập các trang mới, bạn phải đi qua một cánh cửa.

Lúc đầu, nếu muốn kiếm tiền, bạn bán bất cứ thứ gì có trong phòng. Có thể là tác phẩm báo chí xuất sắc. Có thể là một trò chơi tuyệt vời, hay một dịch vụ chuyển hàng trực tuyến tiện lợi. Trong mô hình này, internet cung cấp trải nghiệp hữu ích và nhanh gọn trên không gian kỹ thuật số.

Một trong những kênh YouTube bị phạt thời gian qua vì việc đưa các thông tin có thể gây tổn hại đến trẻ em. Nguồn ảnh: VTV.

Theo thời gian, thay vì kiếm tiền từ những thứ có trong phòng, các công ty bắt đầu kiếm tiền từ những cánh cửa. Họ trang bị cho chúng các cảm biến. Mỗi lần bạn mở một cánh cửa, ai đó sẽ được trả tiền. Ngay khi ngửi thấy mùi tiền, một số người sẽ bắt đầu thêm rất nhiều cánh cửa mới, dẫn vào những căn phòng giờ phần lớn để trống trơn nhưng lại có rất nhiều lối đi nữa, được thiết kế để người dùng mở cửa mãi mãi.

Hãy thử lấy một mô hình kinh điển đã bị nhiễm rất sâu tư duy cánh cửa này: báo chí điện tử. Slate.com, một tạp chí điện tử khá nổi tiếng, từng thu hút rất nhiều người đọc nhờ các căn phòng đầy ắp nội dung chất lượng, cho đến khi nó được trả tiền hậu hĩnh nhờ các “cánh cửa”, trong trường hợp này là quảng cáo. Kết quả là dù ban đầu trang web được thiết kế để người đọc tiêu thụ thông tin, trang báo đã chuyển sang “tiêu thụ” độc giả bằng cách thu hút mọi người và nhanh chóng gửi họ sang các trang web của nhà quảng cáo hoặc những bài viết khác.

Năm 2013, Farhad Manjoo, một cây bút công nghệ, đã hợp tác với một công ty dữ liệu để theo dõi thời gian thực sự mà độc giả của trang Slate ở lại trên một bài báo bất kỳ. Họ nhận thấy rằng 38% đã mở bài báo và hoàn toàn không đọc nó. Trong số những người bắt đầu đọc, có dưới 25% đã đọc đến dòng cuối và 5% dường như chỉ nhìn vào tiêu đề rồi bỏ đi.

Đến một thời điểm nào đó, bạn không còn kiếm tiền bằng cách xây dựng những căn phòng tuyệt vời nữa, mà bằng cách khiến mọi người qua nhiều cửa nhất có thể: những người dùng rơi vào một mô hình kinh doanh tiết ra dopamine (chất dẫn truyền thần kinh tạo ra cảm giác phấn chấn), nhấp chuột điên cuồng hết lần này đến lần khác.

3 tháng trước, một kênh YouTube ở Việt Nam lấy danh nghĩa dành cho trẻ em để kể những câu chuyện phản cảm đã bị phạt. Cuối năm ngoái, các vụ trẻ em tự tử vì bắt chước từ mạng xã hội liên tiếp xảy ra. Tại Nghệ An, một nam sinh lớp 11 bất ngờ gây ra cái chết cho một bé trai 5 tuổi vì muốn mô phỏng trò giải cứu trong game: cậu ta đưa bé trai vào rừng, trói tay rồi bỏ lại, để khi có tin bé mất tích, cậu sẽ đi cứu.

Nhưng, những làn sóng nội dung kiểu này vẫn tồn tại âm ỉ, như để lắp vừa vào guồng máy kiếm tiền kiểu ấy. Thật khó khăn khi phải diễn đạt ý tưởng rằng trẻ em đang phải lớn lên trong một môi trường nguy hiểm khi từ lúc sinh ra, các em đã quen với công nghệ và internet như điều hiển nhiên. Thực tế, chúng đang được thiết kế và vận hành không phải vì lợi ích của chúng ta và trẻ em là đối tượng dễ tổn thương nhất.

“Luật hóa” điều chỉnh các hành vi trên internet có vẻ là một từ đáng sợ, đặc biệt đối với những người đã quen với chủ nghĩa tự do chi phối sự phát triển của internet trong vài thập niên qua. Chúng ta vẫn thường nghĩ về các hành vi cưỡng chế trên môi trường mạng như là lỗi của các cá nhân, thay vì quan niệm nó như một trải nghiệm được thiết kế tinh vi.

Tháng 6-2021 có lẽ sẽ đi vào lịch sử, với một chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng được phê duyệt. Bản thân ý tưởng này nói lên rằng chúng ta đã thay đổi: internet bị lạm dụng cũng có thể nguy hiểm không kém các chất gây nghiện mạnh bậc nhất của thời đại chúng ta.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi