Thứ Tư, 4/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Photoshop và một thiên đường đã mất

Năm 1984, trong chuyến công tác tới một trại tị nạn dành cho người Afghanistan ở Pakistan, Steve McCurry bắt được tấm ảnh về một cô bé người Pashtun 12 tuổi với đôi mắt màu xanh lá cây đầy ám ảnh và sợ hãi. Tấm ảnh mang tên “Cô bé Afghan” chụp bằng phim Kodak lên bìa tạp chí National Geographic và nhanh chóng trở thành một trong những tấm ảnh chân dung nổi tiếng nhất, thậm chí giới nhiếp ảnh báo chí còn tán tụng như  “Nàng Mona Lisa của Thế giới thứ ba”. Thế nhưng, ít ai biết rằng, tấm ảnh được đăng trên tờ tạp chí của Mỹ có một vài khác biệt so với tấm ảnh gốc. Trong tấm ảnh đăng báo, phần ghèn mắt của cô bé đã bị loại bỏ.

Một chi tiết chỉnh sửa rất nhỏ, có lẽ sẽ chẳng đáng nói ra nếu như không phải nhiều năm sau, Steve McCurry, người được ví như ngôi đền pantheon của nghề nhiếp ảnh vướng phải vô số scandal, không chỉ là cố tình dàn xếp cảnh - điều cấm kỵ trong nhiếp ảnh đường phố - mà còn sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để can thiệp vào tác phẩm của mình. Có những bức ảnh ông chụp trên đường phố Delhi bị can thiệp mạnh tới mức ông còn xóa bớt những người xuất hiện trong ảnh để tạo hiệu ứng mong muốn.

Ảnh gốc (phía trên) và tác phẩm đã qua chỉnh sửa (dưới) của Steve McCurry.

Giờ đây, ta thường nghĩ về “chỉnh sửa ảnh” đồng nghĩa với “photoshop”. Điều đó không chính xác. Vào năm 1984, năm “Cô bé Afghan” được đăng tải, Photoshop vẫn chưa ra đời nhưng từ thời ấy đã có rất nhiều phương pháp để chỉnh ảnh sơ khai khác. Máy ảnh ra đời lần đầu vào năm 1839 và chỉ vài chục năm sau, ngay từ cuối thế kỷ 19, tấm ảnh huyền thoại về chân dung Tổng thống Lincoln thực chất là ghép đầu Lincoln với thân hình chính trị gia John Calhoun.

Hay năm 1942, Benito Mussolini cũng đã cho xóa đi người nài ngựa trong tấm hình chụp nhà độc tài cưỡi ngựa. Mục đích ư? Để làm hình ảnh ông trở nên dũng mãnh hơn, oai phong hơn và hùng bá hơn. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan ở New York từng tổ chức triển lãm về cách người ta chỉnh sửa trước thời kỳ kỹ thuật số. Quả thực, lịch sử nhiếp ảnh gần như song song với lịch sử “thao túng hình ảnh” (photo manipulation).

Nhưng, sự ra đời của Photoshop vào năm 1987 vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt. Năm ấy, Thomas Knoll, khi đó đang là một nghiên cứu sinh, đã mua một chiếc máy tính Apple Macintosh Plus để phục vụ cho việc làm luận văn tiến sĩ của mình nhưng anh tá hỏa khi máy tính không thể hiển thị những bức ảnh đơn sắc của anh và để giải quyết vấn đề đó, anh làm một chương trình nho nhỏ có khả năng hiệu chỉnh hình ảnh, rồi tiếp tục nâng cấp nó lên thành chương trình mà anh gọi là Display. Đây chính là tiền thân của Photoshop, phần mềm thần thánh đã thay đổi cách chúng ta tri nhận thực tại.

“Những tấm ảnh là một cách để cầm tù thực tại... Một con người không thể sở hữu thực tại nhưng một con người có thể sở hữu những hình ảnh - họ không thể sở hữu hiện tại nhưng họ có thể sở hữu quá khứ”, triết gia Susan Sontag từng viết trong cuốn sách nổi tiếng “Bàn về nhiếp ảnh” của bà. Vào thời của Sontag, việc thao túng hình ảnh vẫn chưa phổ biến và cũng không hề dễ dàng. Ngày nay, những gì Sontag nói có lẽ không thật hoàn toàn chính xác nữa. Sự phổ biến của Photoshop khiến mọi bức ảnh mà bạn nhìn thấy trên báo chí, trên mạng xã hội, trên những biển quảng cáo gần như không có bức ảnh nào không có sự nhúng tay của nó, chỉ là nhiều hay ít. Ít thì là chỉnh màu, chỉnh bố cục. Nhiều thì không thể đong đếm. Và với Photoshop, con người hoàn toàn có thể sở hữu thực tại. Cái mà chúng ta nghĩ là thực tại đôi khi chỉ là thực tại mà người khác muốn ta trông thấy.

Vào thời kỳ đầu của nhiếp ảnh, theo Mia Fineman, một trợ lý giám tuyển tại bảo tàng Metropolitan, nhiếp ảnh gia phải can thiệp vào hình ảnh chủ yếu bởi vì máy ảnh khi ấy còn rất thô sơ và chưa nắm bắt trọn vẹn được thế giới như nó là. Chẳng hạn, nhiếp ảnh gia phải dùng nhiều thủ thuật để thêm màu sắc cho bức hình. Oái oăm thay, khi ống kính máy ảnh đời mới có khả năng ghi lại những chi tiết nhỏ bé từ khoảng cách xa hàng chục mét hay thu lấy từng lỗ chân lông trên gương mặt, tức là khi nó nắm bắt quá tốt hiện thực, thì người ta vẫn có nhu cầu phải chỉnh sửa nó.

Về bản chất, sự chỉnh sửa cũng là một phần trong nghệ thuật nhiếp ảnh ngày nay. Photoshop thậm chí mở rộng những khả thể của nhiếp ảnh. Thỏa ước đạo đức ở lĩnh vực này là rất mong manh. Bởi không ai có thể xác quyết, khi sử dụng Photoshop để xâm phạm thực tại đến ngưỡng nào thì một tấm ảnh đáng bị lên án. Chưa kể, tiêu chuẩn đạo đức là khác nhau đối với các tiểu loại nhiếp ảnh, ví như nhiếp ảnh thời trang thì khác với nhiếp ảnh đường phố, nhiếp ảnh thời sự thì khác với nhiếp ảnh nghệ thuật. Vì thế, thay vì phân tách rạch ròi sự đúng sai của “kỹ xảo” Photoshop, ta hãy chỉ nhìn vào những kết quả mà nó tạo ra.

Năm 2011, những hình ảnh quảng cáo của nữ minh tinh Julia Roberts cho một trong những tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất thế giới bị buộc phải gỡ xuống ở Anh. Đó là poster quảng cáo cho một dòng sản phẩm chống lão hóa và trong bức hình, “người đàn bà đẹp” được chỉnh sửa để có một làn da không tì vết. Tấm ảnh bị cáo buộc là “quá mức hoàn hảo và không thực tế”.

Chúng ta có lẽ sẽ bất ngờ vì câu chuyện này. Chẳng phải đó là chuyện rất bình thường hay sao? Ngày ngày, chúng ta bị đập vào mắt biết bao hình ảnh quảng cáo được Photoshop đẹp đến mỹ mãn của các người mẫu và ngôi sao. Không một khuyết điểm hình thể nào được phép phô bày và Photoshop có khả năng thần kỳ biến mọi làn da thành trắng hồng, mọi đôi chân trở nên thon gọn, mọi vết sẹo đều biến mất.

Hình ảnh đẹp hoàn mỹ nhờ Photoshop của Julia Roberts.

Công nghệ Photoshop đặt ra một tiêu chuẩn không tưởng đối với vẻ ngoài của con người, nó khiến cho con người cảm thấy thèm muốn vẻ đẹp phi thực như những minh tinh trên trang bìa các tạp chí và ngành công nghiệp làm đẹp nhiều tỉ USD trên thế giới đã hưởng lợi nhờ điều đó. Photoshop làm ta sợ hãi hình ảnh thật của chính mình và không phải ai cũng có đủ can đảm và tình yêu vô điều kiện đối với bản thân như nữ diễn viên nổi tiếng Kate Winslet, người đã công khai phản đối tạp chí GQ vì cố tình chỉnh sửa khiến thân hình mũm mĩm của cô trở nên gầy hơn trong bộ ảnh mà cô chụp cho họ.

“Tôi trông không giống như thế và quan trọng hơn, tôi không khao khát trông mình như thế. Tôi kiêu hãnh, bạn biết đấy”, Winslet nói.

Quyền năng bóp méo hiện thực của Photoshop cũng được tận dụng như một kho đạn dược của những kẻ làm tin giả. Michael Bennet, một vận động viên bóng bầu dục người Mỹ gốc Phi từng trở thành nạn nhân của bạo lực mạng bởi một hình ảnh giả mạo, trong đó anh bị Photoshop đang đốt lá cờ tổ quốc và phía sau anh, những đồng đội cổ vũ nhiệt tình. Thế là, một vận động viên vô tội bỗng dưng bị biến thành quân cờ chính trị và phải giơ đầu chịu báng trước lời cay nghiệt từ những người cánh hữu. Tấm ảnh được chia sẻ hàng ngàn lượt trước khi chân tướng của sự việc bị bại lộ.

Hoặc, như câu chuyện của Steve McCurry, người đã khiến chúng ta nhìn Thế giới thứ ba theo cách áp đặt mà phương Tây muốn chúng ta nhìn. Nhưng, đó có hoàn toàn là lỗi của McCurry hay không, hay ông cũng chỉ là một người phương Tây tiếp theo tìm cách tích lũy những thiên kiến, có khác chăng là ông sử dụng ống kính thay vì ngôn từ, vả chăng, ông cũng chỉ là một Joseph Conrad của thời đại hình ảnh mà thôi.

*

Một người phụ nữ bán khỏa thân ngồi trên bãi biển. Cô quay lưng lại ống kính và nhìn ra hòn đảo phía xa xa. Tấm ảnh được chụp bởi John Knoll vào năm 1987. Người phụ nữ là Jennifer, vợ tương lai của anh. Anh đặt tên cho bức ảnh là “Jennifer nơi thiên đường”.

Khi ấy, John Knoll đang làm việc cho một công ty chuyên về hiệu ứng hình ảnh và anh đã tiếp cận với Pixar Image Computer, một phần cứng có khả năng chỉnh sửa ảnh có giá khoảng vài trăm ngàn USD và chỉ những người có chuyên môn cao mới dùng được.

Bởi vậy mà sau đó, khi John Knoll đến thăm cậu em Thomas Knoll, một nghiên cứu sinh về tầm nhìn máy tính tại Đại học Michigan, anh ngỡ ngàng khi thấy em trai đang phát triển một chương trình có công dụng tương tự nhưng đơn giản hơn nhiều và có thể sử dụng ngay trên chiếc máy tính Apple Macintosh giá rẻ hơn nhiều. Anh đã thôi thúc em trai thêm thật nhiều tính năng cho nó, cho đến khi, John biết là hai anh em có thể bán phát minh này.

Và để kiểm tra hiệu quả của chương trình, John lấy tấm ảnh anh chụp Jennifer cho mọi người thử nghiệm. Jennifer được nhân đôi lên trong ảnh. Bạn có thể nói, “Jennifer nơi thiên đường” chính là tấm ảnh đầu tiên được chỉnh sửa bằng Photoshop, còn Jennifer, cô là người cuối cùng trên thế gian này sống trong thế giới nơi chiếc máy ảnh hoàn toàn chân thật.

Thế giới ấy có thật là thiên đường đã mất hay không? Ta không biết. Cứ coi nó là thiên đường đã mất đi chăng nữa, thì nói cho cùng, chúng ta có thể Photoshop mọi thứ, kể cả là Photoshop một thiên đường. 

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi