Thứ Năm, 25/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Quản lí dân cư bằng công nghệ 4.0 – nhiều lợi ích với người dân và doanh nghiệp

Đúng 8h30 sáng 21/8, các vị khách mời đã có mặt tại Báo CAND để tham gia buổi Giao lưu trực tuyến.

Khách mời Giao lưu trực tuyến gồm:

Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính vê trật tự xã hội; Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an; bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH.

Về phía Báo CAND có Đại tá Phạm Khải, Tổng biên tập; Đại tá Trần Thanh Phong, Phó tổng biên tập; lãnh đạo các ban chuyên môn Báo CAND và phóng viên một số cơ quan báo chí trong và ngoài CAND. 

Đại tá Phạm Khải, Tổng biên tập Báo CAND tặng hoa các vị khách mời.

Đại tá Phạm Khải, Tổng biên tập Báo CAND phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến: 

Theo quy định của pháp luật, cư trú được hiểu là “việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú”. Điều 23 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.  

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa giúp công dân tự do cư trú và làm việc, vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng, do Bộ Công an chủ trì, khẩn trương xây dựng dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Trong đó, đưa các nội dung đăng ký cư trú bằng nền tảng công nghệ số, quản lý thông qua mã số định danh cá nhân và được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa giúp người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính nêu trên, cũng như tạo ra sự chuyển biến căn bản trong việc giải quyết các thủ tục đó giữa cơ quan nhà nước và người dân.

Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về những quy định mới trong Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đồng thời chuyển tải quan điểm, nguyện vọng của công dân tới cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng luật, được sự đồng ý của Bộ Công an, Báo Công an nhân dân tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Quản lí dân cư bằng công nghệ 4.0 – nhiều lợi ích với người dân và doanh nghiệp”.

Thay mặt Ban biên tập Báo CAND, tôi xin trân trọng cảm ơn các vị diễn giả; cảm ơn Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội), Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã tích cực phối hợp với Báo CAND tổ chức buổi giao lưu hôm nay.

Tôi xin trân trọng cảm ơn Tập đoàn Trung Nam đã nhiều năm đồng hành cùng Báo CAND trong công tác XHTT và cũng là nhà tài trợ cho cuộc giao lưu ý nghĩa này. 

Báo CAND cũng trân trọng cảm ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi, gửi câu hỏi tới buổi giao lưu; cảm ơn sự quý mến, tin yêu của các đồng chí và các bạn đã dành cho Báo CAND trong nhiều năm qua.

Kính chúc quý độc giả cùng các vị đại biểu luôn mạnh khỏe và thành công.

Tôi xin trân trọng cảm ơn!



- Thực tế là chúng ta đã có Luật cư trú được áp dụng từ năm 2006, nhưng vì sao lại cần sửa đổi?

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an: Sổ hộ khẩu và tạm trú đã có tuổi thọ gần 70 năm, mang theo nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong khi đó, điện thoại thông minh gần đây trở thành bộ mặt của thời đại số. 

Luật Cư trú sửa đổi Luật cư trú lần này mang “sứ mệnh” rất quan trọng là tạo cơ sở pháp lý nhằm thay đổi phương thức quản lý dân cư từ thủ công, lỗi thời, lạc hậu, sang phương thức quản lý điện tử qua mã định danh cá nhân. Mỗi người theo đó sẽ được cấp mã định danh cá nhân 12 chữ số, mã hoá thông tin cần thiết về cá nhân đó, phục vụ công tác quản lý xã hội và quản lý dân cư. Chưa đầy một năm nữa, tất cả công dân Việt Nam chỉ cần một nút chạm trên điện thoại thông minh sẽ được hưởng những thành quả hữu ích từ sự nỗ lực và quyết tâm của Bộ Công an, Chính phủ, Quốc hội... trong quá trình xây dựng Luật Cư trú (sửa đổi) và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Trước lần sửa đổi bổ sung này, chúng ta đã có lần sửa đổi bổ sung năm 2013. Vậy sự khác biệt giữa hai lần sửa đổi bổ sung này được cụ thể hóa như thế nào?

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an trả lời: Việc đánh giá sự khác nhau giữa hai lần sửa đổi bổ sung này là rất khó, do một lần sửa đổi bổ sung toàn diện tạo ra "cuộc cách mạng" trong công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư của Việt Nam; còn một cuộc sửa đổi bổ sung trước vào năm 2013 nhằm giải quyết tạm thời những bất cập trong quá trình thực hiện công tác quản lý hành chính. 

Tuy nhiên nội dung của phần sửa đổi năm 2013 để bảo đảm chặt chẽ hơn về quản lý nhà nước về cư trú, giải quyết một số khó khăn vướng mắc cũng như bổ sung quy định nghiêm cấm đối với trường hợp người người đã đăng ký thường trú cho người khác đăng ký hợp pháp vào chỗ ở của mình để trục lợi và trường hợp có hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú, bổ sung quy định về diện tích nhà ở bình quân, người ở nhờ, cho thuê, mượn… Luật cư trú sửa đổi lần này sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để thay đổi toàn bộ phương thức quản lý sổ hộ khẩu, đăng ký thường trú, tạm trú từ rất thủ công sang công nghệ 4.0.

 Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an

- Một trong những chính sách cơ bản của dự án Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân trên nền tảng online. Mã số định danh cá nhân là gì, chứa đựng những thông tin gì về người sở hữu mã số đó?

Việc chuyển đổi sang quản lý bằng mã số định danh có đồng nghĩa rằng sẽ đặt dấu chấm hết cho các loại hồ sơ trên giấy?

- Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: Mã số định danh là một dãy số tự nhiên do Bộ Công an thống nhất quản lý, được quy định trong Luật Căn cước công dân và những quy định do Bộ Công an hướng dẫn. 

Hiện nay, Bộ Công an sẽ thống nhất quản lý toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam không trùng lặp. Theo Nghị định 137 ngày 31-12-2015, mã số định danh là dãy số tự nhiên gồm 12 số, trong đó chứa đựng các thông tin về mã tỉnh, giới tính, năm sinh, và đuôi là dãy số tự nhiên cấp cho từng công dân. 

Theo dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), hồ sơ đăng ký thường trú, tạm trú rất đơn giản, người dân chỉ cần nêu lý do thay đổi trong tờ khai thay đổi cư trú. Cơ quan đăng ký điều tra, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sẽ cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu và sẽ thông báo cho người dân biết tình trạng cư trú đã được cập nhật trên cơ sở dữ liệu dân cư.

- Thảo luận về dự thảo luật cư trú sửa đổi trước Quốc hội vào ngày 10/8, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an có đề cập rằng “Thẻ CCCD hiện đang có khoảng mấy chục trường dữ liệu quản lý và đang bỏ trống một số trường để có thể bổ sung các dữ liệu này. Vậy người thay đổi giới tính thì có được thay đổi mã số định danh cá nhân ko hay thông tin này sẽ được điền vào một trường mới để tiện quản lý”? 

- Trong luật căn cước công dân, thông tin về giới tính có quy định rất rõ ràng, trong đó có số định danh cá nhân. Khi luật có hiệu lực chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an.

- Cũng liên quan tới luật cư trú sửa đổi, thì các thông tin cá nhân sẽ được truy cập và cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Vậy, phải chăng việc sửa đổi Luật Cư trú nên được thực hiện sau khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện? 

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an: Đề xuất sửa đổi Luật Cư trú và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) là hai chủ trương lớn của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an mà trực tiếp là đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Hai nhiệm vụ này được tiến hành song song với nhau: Xây dựng CSDLQGDC là để thay đổi phương thức quản lý cư trú đã lỗi thời, lạc hậu sang quản lý bằng công nghệ số; còn sửa đổi luật Cư trú là để tạo ra cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, hai việc này được tiến hành song song, đồng thời. 

Dự kiến, ngày 1/7/2021, khi luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực thi hành thì cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng được đưa vào vận hành. 

Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hiện được quy định trong luật Cư trú hiện hành. Nếu ta muốn bỏ sổ hộ khẩu để chuyển sang quản lý theo phương thức mới qua mã định danh cá nhân thì rõ ràng phải sửa đổi luật Cư trú. Hiện nay, dự án xây dựng CSDLQGDC đang "chạy song song" với tiến độ xây dựng luật Cư trú sửa đổi. Khi bỏ cái cũ, ta phải có cái mới để triển khai ngay. Như vậy, khi luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực thi hành vào tháng 7/2021 thì CSDLQGDC của Bộ Công an cũng đi vào vận hành.

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH.

- Dự kiến ngày 1/7/2021 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đi vào vận hành chính thức. Theo tôi biết thì Bộ LĐTBXH có nhiều CSDL chuyên ngành phục vụ nhân dân, nhất là về lực lượng lao động, về BHXH, về các diện nghèo, người Việt Nam lao động ở nước ngoài, liệt sĩ, mộ liệt sĩ , CSDL về trẻ em... và các CSDL này sẽ phải kết nối với CSDLQG về dân cư. Vậy xin bà cho biết Bộ LĐ-TB&XH đã chuẩn bị cho việc kết nối này như thế nào? 

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH: Không chỉ Bộ LĐ-TB&XH mà tôi được biết, các bộ khác đều có hệ dữ liệu về chuyên ngành, như đất đai…. Đối với LĐ-TB&XH, trong quá trình xây dựng Luật, chúng tôi có đi khảo sát, nghe báo cáo về tình hình về xây dựng các hệ dữ liệu của Bộ. 

Vì Bộ LĐ-TB&XH có có nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính của người dân, trong đó có những thủ tục liên quan đến hộ khẩu, thẻ căn cước. Tôi được biết, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang sẵn sàng kết nối với Hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi kết nối với hệ thống dữ liệu quốc, khi bạn đi khắp nơi trên thế giới, có thể click chuột để biết về chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam. Khi đó, chúng ta đều có thể sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để tiếp cận vấn đề này một cách thuận lợi.

 

- Bỏ sổ hộ khẩu nghĩa là chúng tôi không cần đăng ký sổ hộ khẩu nữa đúng không? 

- Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: Nhận định trên là không đúng, bỏ sổ hộ khẩu tức là chúng ta thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử, còn việc quản lý dân cư, quản lý cư trú thì bất cứ Nhà nước nào cũng phải thực hiện. Hiện nay, theo quy định của Luật Cư trú sửa đổi, công dân sẽ có các hình thức: đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thông báo cư trú, đặc biệt trong dự thảo luật mới bổ sung thêm trường hợp khai báo thời gian cư trú đối với công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú và tạm trú. Riêng Luật Cư trú có điểm đổi mới nổi bật nhất là sẽ bỏ điều kiện thường trú, tạm trú ở thành phố trực thuộc Trung ương để áp dụng thống nhất một điều kiện là công dân có chỗ ở hợp pháp ở chỗ nào thì đăng ký thường trú ở chỗ đó.

 

- Sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch hợp đồng mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại. Khi không còn sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch này sẽ được áp dụng như thế nào? 

Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: Thông tin trong sổ hộ khẩu giấy hiện nay sẽ được chuyển sang thu thập, cập nhật trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc sử dụng thông tin thì luật hiện hành đã quy định là công dân được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vấn đề thứ hai là, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình. Thời gian tới, chính phủ, Bộ Công an sẽ có hướng dẫn khai thác, chia sẻ để công dân được thông suốt, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong việc khai thác dữ liệu.

Toàn cảnh buổi Giao lưu trực tuyến.

- Theo như tôi hiểu, luật cư trú sửa đổi sẽ quản lý dựa trên hệ thống mạng, vậy khi tôi muốn đăng ký tạm trú có cần phải ra cơ quan công an nữa không? Hay chỉ cần khai báo trên hệ thống là đủ rồi? 

- Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: Theo dự thảo luật Cư trú sửa đổi, công dân có nhu cầu đăng ký tạm trú, thường trú thì nộp hồ sơ tại cơ quan Công an nơi mình cư trú. Khi CSDLQGDC được vận hành, công dân có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan công an hoặc qua mạng theo hướng dẫn của Bộ Công an. Hiện nay Bộ Công an đang chỉ đạo hoàn thiện phần mềm đăng kí cư trú để rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình. Khi luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, chúng tôi sẽ có hướng dẫn để công dân thuận lợi khi đăng kí thường trú, tạm trú.

 

 

- Gia đình tôi ở Hà Nội, hiện nay có 1 đứa cháu họ ở quê, sống cùng gia đình tôi đã lâu, hiện muốn xin nhập khẩu vào gia đình tôi. Vậy tôi có nhập khẩu được cho cháu tôi không? Thủ tục gồm những gì? Sau này có rắc rối về thừa kế hoặc nếu cháu tôi không muốn cắt khẩu đi sau khi không còn ở gia đình tôi nữa thì tôi có tự cắt cho cháu được không?

- Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: Do độc giả nêu chưa rõ tuổi của cháu họ, do vậy việc đăng ký hộ khẩu ở Thủ đô hiện căn cứ vào Luật Cư trú và Luật Thủ đô. Tôi xin đưa thông tin cho bạn đọc tham khảo: 

Theo khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú, các trường hợp được đăng ký với người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào hộ khẩu của mình đối với các trường hợp sau đây: 

Trường hợp 1: Người chưa thành niên, không còn cha mẹ, hoặc còn cha mẹ nhưng cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, về với ông bà nội, ông bà ngoại, cô dì, chú bác. 

Trường hợp 2: Người thành niên độc thân ở với ông bà nội, ngoại, cô dì, chú bác. Độc giả có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan Công an cấp quận nơi có thẩm quyền đăng ký thường trú hoặc tra thông tin trên bảng điện tử để biết trường hợp cụ thể và áp dụng. Còn vấn đề thừa kế và hộ khẩu là hai vấn đề khác nhau, không liên quan gì nhau.

 

 

 

- Theo quy định của Luật cư trú hiện hành, thời hạn tạm trú là 24 tháng, hết thời gian trên công dân phải đến cơ sở quản lý cư trú để đăng ký lại tạm trú. Tôi được biết, dự thảo Luật cư trú sửa đổi dự kiến thời hạn đăng ký tạm trú là không quá 48 tháng, lấy mốc thời gian học đại học của sinh viên. Vậy ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này. Có nhân văn không hay nên để theo mốc 36 tháng theo Luật lao động?

 

- Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: Đầu tiên, chúng tôi đánh giá sự thay đổi kéo dài thời gian công dân thay đổi thời hạn cư trú rất tích cực, giảm bớt việc đi lại cho công dân. Thế nên, việc thay đổi từ 36 tháng thành 48 tháng là hợp lý. Đối với các giấy tờ đi làm việc nước ngoài hoặc trong nước mà địa phương cấp có thời hạn sử dụng không quá 12 tháng được tăng từ 24 tháng, rồi 48 tháng là chuyển biến cho người lao động, thuận lợi cho người lao động làm hồ sơ đi lao động trong nước và nước ngoài.

 

 

 

 

- Theo quy định dự thảo Luật thì tôi sẽ đến CA xã, phường, thị trấn để khai báo và đăng ký cư trú, nhưng tôi là công dân huyện đảo Cồn Cỏ thì tôi phải đến đâu đăng ký vì ở đây không có đơn vị hành chính cấp xã? 

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an: Tại nước ta có 5 huyện đảo mà chưa bố trí cơ quan hành chính cấp xã là huyện đảo Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Côn Đảo và Hoàng Sa. Theo quy định, nếu các địa phương không bố trí đơn vị hành chính cấp xã chúng ta có thể đến cơ quan Công an cấp huyện để đăng ký tạm trú, thường trú như bình thường.

Biên tập viên đang chuyển câu hỏi của độc giả tới các vị khách mời.

- Tôi và vợ cũ ly hôn đã 3 năm, hiện tôi sắp cưới vợ mới nhưng vợ cũ không chịu chuyển hộ khẩu đi vì cô ấy chưa có nơi nào để nhập khẩu. Vậy, tôi làm thế nào để cắt được hộ khẩu của vợ cũ ra khỏi nhà tôi? Tôi có được nhập khẩu cho vợ mới khi vợ cũ chưa chuyển khẩu hay không? Nếu Luật Cư trú (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì có buộc vợ cũ tôi chuyển khẩu đi khi không sống cùng địa chỉ với tôi nữa hay không?

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an: Sau khi ly hôn, bạn hoàn toàn có khả năng tách vợ cũ ra khỏi hộ khẩu và nhập hộ khẩu cho vợ mới với điều kiện bạn phải cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan như: Quyết định giải quyết ly hôn của Tòa án và đăng ký kết hôn với vợ mới để cơ quan Công an biết và giải quyết việc đăng ký thường trú cho vợ mới của bạn. 

Khi vợ cũ của bạn không còn sống tại địa chỉ đăng ký thường trú với bạn nữa thì theo khoản 1 Điều 26 Luật Cư trú sửa đổi, người đã đăng ký thường trú mà chuyển chỗ ở đến chỗ ở hợp pháp khác trong thời hạn 12 tháng có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định tại Điều 22 của Luật này. Do vậy, vợ cũ phải có trách nhiệm thực hiện đăng ký thường trú ở chỗ ở mới nếu đủ điều kiện, còn trường hợp vợ cũ của bạn không đủ điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở mới thì cô ấy vẫn được giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở cũ. 

Trừ trường hợp theo quy định tại điểm d, điểm đ, khoản 1 Điều 25 Luật Cư trú sửa đổi, cô ấy sẽ bị xóa đăng ký thường trú nếu cô ấy vắng mặt tại nơi cư trú trên 12 tháng liên tục mà không khai báo tạm trú ở nơi nào, hoặc không khai báo tạm vắng với cơ quan Công an xã, phường, thị trấn; trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài. Hoặc trường hợp thứ hai, chỗ đăng ký thường trú là tài sản riêng của bạn và bạn không cho cô ấy ở nữa.

 

- Tôi ly hôn chồng đã 5 năm nhưng vì mâu thuẫn trước đó, mẹ chồng tôi không cho tôi chuyển hộ khẩu đi với các lý do như bận, không có thời gian, bà cũng không cho tôi mượn hộ khẩu để làm các thủ tục hành chính. Vậy, tôi phải làm thế nào để chuyển được hộ khẩu? Luật Cư trú (sửa đổi) có xử lý được người cố tình gây khó khăn về hộ khẩu cho người khác hay không? 

- Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an trả lời: Theo quy định của Luật Cư trú, thủ tục đăng ký thường trú bao gồm phiếu báo thay đổi hộ khẩu và giấy chuyển hộ khẩu. Cũng theo Luật Cư trú, để được giấy chuyển hộ khẩu, công dân phải viết phiếu báo và xuất trình sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, vì không có sổ hộ khẩu nên không làm được giấy chuyển hộ khẩu. Đây là một trong những tồn đọng, vướng mắc của Luật Cư trú. 

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, bạn cần kiến nghị với cơ quan công an nơi cư trú để đề nghị cơ quan công an giúp đỡ, yêu cầu người giữ sổ hộ khẩu phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cung cấp sổ để bạn làm thủ tục hành chính. Trường hợp cố tình thì sẽ đề nghị cơ quan công an xử lý vi phạm hành chính. Để giải quyết vướng mắc trên, Luật Cư trú sửa đổi hoàn toàn xử lý được vấn đề này, bởi luật đã bỏ sổ hộ khẩu nên trong thủ tục đăng ký cư trú sẽ không yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu nữa, công dân chỉ cần khai tờ khai thay đổi nơi cư trú. Cơ quan công an sẽ cập nhật thông tin thay đổi trên cơ sở dữ liệu, đồng thời báo lại cho công dân biết.

Câu hỏi được chuyển tới các vị khách mời.

Một độc giả ở Hà Nội: Tôi theo dõi trên Báo CAND thì thấy Quốc hội đang bàn về Luật Cư trú (sửa đổi), trong đó, Bộ Công an đề nghị bỏ sổ hộ khẩu giấy; bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô... Tôi băn khoăn nếu bỏ điều kiện nhập khẩu vào các thành phố lớn, nhất là Hà Nội thì sẽ tạo “làn sóng” nhập cư vào Hà Nội, gây khó khăn, quá tải cho hạ tầng, vậy, Bộ Công an đã tính toán đến điều này chưa và có giải pháp gì để khắc phục? 

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu: Chúng tôi đã tiến hành khảo sát ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu tài liệu về thành phố Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng. 3 thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ chưa đủ dân số để bảo đảm quy định của Chính phủ là thành phố trực thuộc Trung ương. Áp lực về dân số hiện chỉ có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Việc tăng dân số cơ học của 2 thành phố này không phải do quản lý dân cư mà còn phụ thuộc các yếu tố khác như việc làm, y tế, giáo dục, môi trường sống… Do vậy, điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ Công an đề xuất bỏ. Trách nhiệm này còn là của cả hệ thống, như Chính phủ và cả các địa phương. Tới đây, Hà Nội thành phố Hồ Chí Mình phải có chiến lược quy hoạch, kinh tế, các yếu tố việc làm… 

Hiện nay, nhiều người tư duy, việc quản lý cư trú là đầu vào dân cư nhưng thực tế, việc quản lý dân số đã có đầu vào rồi, nên chúng ta tuỳ thuộc vào từng địa phương như vấn đề việc làm, hoặc y tế …(có thể di chuyển bệnh viện lớn ra khỏi thành phố trực thuộc Trung ương chẳng hạn…) để quản lý. Việc bỏ điều kiện riêng để thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân. Quy định hiện hành, hiện đang tạo ra sự bất bất bình đẳng về tự do cư trú của cd, nhất là người dân ở các thành phố lớn. Quay lại câu hỏi của bạn Thanh Thư về việc con thứ hai 4 tuổi, bỏ đăng ký hộ khẩu thường trú có được học tại trường công không, tôi cho rằng, chính việc này đòi hỏi chính quyền của những thành phố trực thuộc Trung ương phải điều chỉnh quy hoạch, để đảm bảo tốt hơn quyền của người. Khi đó, việc học của con bạn sẽ được đảm bảo sau khi bỏ điều kiện này.

- Đại tá Ngô Như Cường: Vấn đề di chuyển lao động từ nông thôn ra đô thị không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Qua tổng kết theo dõi, chúng tôi thấy điều kiện đăng ký thường trú ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh chỉ hạn được người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được dân số. Ví dụ quận Thanh Xuân, Hà Nội tăng 40% người tạm trú, hay huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh cũng có số lượng tăng tương tự. Giải pháp căn cơ về vấn đề dân cư là quy hoạch, xây dựng và các yếu tố khác, chứ Luật Cư trú không ảnh hưởng nhiều. 

- Bà Trần Thị Vân Hà: Việc bỏ điều kiện cư trú không liên quan đến việc làm, việc người lao động di chuyển từ nông thôn ra đô thị hay ra nước ngoài không ảnh hưởng gì. Việc tìm việc làm chỉ ảnh hưởng đến lý lịch tư pháp, độ tuổi, bằng cấp, không liên quan đến tạm trú hay thường trú, không có hộ khẩu Hà Nội không ảnh hưởng đến việc xin việc làm. Hồ sơ xin việc có bộ sơ yếu lý lịch và các điều kiện về bằng cấp nên việc giảm bớt các thủ tục về cư trú không ảnh hưởng đến nhu cầu tìm việc của người lao động. Về vấn đề gây quá tải hạ tầng, thì tôi thấy rằng, trước đây chúng ta đã có quy hoạch các khu Công nghiệp ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… nên những nơi này mới tập trung đông người lao động, còn Hà Nội chỉ tập trung các cơ quan hành chính, do đó không chịu áp lực nặng nề về hạ tầng, trong đó có giao thông.

Các vị khách mời đang trả lời câu hỏi của độc giả.

- Cá nhân tôi cho rằng Luật Cư trú sửa đổi sẽ hạn chế việc di dân từ nông thôn lên thành phố, điều này có phải đang hạn chế cơ hội làm giàu của người dân không, khi không họ vô hình trung bị hạn chế lên thành phố sống, lập nghiệp?

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH: Việc sửa đổi Luật Cư trú không ảnh hưởng gì đến cơ hội việc làm. Luật Cư trú sửa đổi không ảnh hưởng gì đến người lao động cả trong và ngoài nước. Hiện nay, bạn không có hộ khẩu tại các đô thị lớn thì vẫn có thể tìm kiếm được việc làm nếu đáp ứng được điều kiện tiêu chuẩn về bằng cấp, kỹ năng và nhân thân. 

Về việc làm ở nước ngoài, liên quan đến một số quy định về địa phương của người lao động, thì người lao động chỉ cần cư trú tại một địa phương trên 12 tháng là đã được xem là người của địa phương đó rồi. Khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, văn kiện này sẽ bỏ bớt điều kiện nhập hộ khẩu và chắc chắn không ảnh hưởng gì đến người lao động. Hiện nay, đúng là có hộ khẩu tại các đô thị lớn thì người ta yên tâm hơn trong một số việc như đăng ký phương tiện giao thông.... Thế nhưng không có thì cũng không sao, bạn vẫn đi lại bình thường, mua nhà bình thường. Bên cạnh đó, khi có công việc tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, chỉ cần người lao động có thu nhập đủ trang trải sinh hoạt phí, cho con cái đi học, thuê nhà... thì đã có thể tạm trú rồi. Việc có hộ khẩu hay tạm trú không ảnh hưởng gì. Về luồng di cư, vấn đề này phụ thuộc vào quy hoạch của các đô thị, các đô thị cần tính toán giãn cách dân cư để nhà ở không tập trung quá đông, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng, giao thông. Đây là một bước đi lâu dài. 

Theo tôi, ví dụ, ở Hà Nội thì chỉ nên có các cơ quan, doanh nghiệp tập trung không quá đông người lao động để tránh gây quá tải cho hạ tầng, nhà ở... Tại các tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, nơi có nhiều khu công nghiệp và tập trung lượng lớn lao động thì cần tính toán đến quy hoạch để phù hợp.

 

- Dự luật cư trú sinh ra để đảm bảo quyền tự do cư trú, nhưng lại có ý kiến cho rằng dự luật đang kiểm soát mềm người dân. Các khách mời nghĩ sao về vấn đề này? 

- Đại tá Ngô Như Cường: Trong nhiều năm qua, công tác quản lý dân cư tại nơi cư trú thì được triển khai theo phương pháp thủ công. Việc quản lý thủ công nảy sinh rất nhiều bất cập, chính vì vậy chúng ta cần phải sửa đổi Luật Cư trú. Hiện nay, Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do cư trú. Dự thảo Luật Cư trú quy định, công dân có điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú. Công dân không có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì thực hiện khai báo thông tin về nơi đang thực tế sinh sống để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Như vậy, văn bản dự thảo Luật so với Luật hiện hành đã bổ sung việc xác nhận cư trú khi không đủ điều kiện tạm trú và thường trú. Điều này thể hiện việc nhà nước tôn trọng và ghi nhận đầy đủ tình trạng cư trú của công dân để đáp ứng quyền và nghĩa vụ của công dân. 

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu: Tôi cho rằng nhà nước và công dân là hai khái niệm không thể tách rời, nhà nước phải chăm lo cho công dân của mình và bảo đảm tốt nhất các quyền của người dân, công dân cũng phải dựa vào và có trách nhiệm lại với nhà nước. Do vậy việc quản lý dân cư ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều được thực hiện, nhưng mỗi một quốc gia khác nhau có phương thức quản lý dân cư khác nhau và ở Việt Nam cũng vậy. Việc theo dõi các di biến động của bất cứ người dân nào liên quan đến cư trú, liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú là để đảm bảo tốt hơn các quyền tự do cư trú của người dân cũng như thực hiện tốt hơn các chính sách và quyền con người mà nhà nước bảo đảm cho công dân. Do vậy, theo tôi, quan điểm dự luật kiểm soát mềm người dân chắc chắn là không đúng. 

- Bà Trần Thị Vân Hà: Tôi không có quan điểm kiểm soát mà thực ra là tạo điều kiện để cho người lao động bảo đảm quyền tự do riêng tư khi tìm kiếm việc làm. Thực ra người ở được tạo điều kiện về giấy tờ ổn định hơn trước. Vì vậy, theo tôi đây không phải kiểm soát mà tạo điều kiện tốt hơn.

- Việc bỏ sổ hộ khẩu, áp dụng thẻ căn cước công dân và quản lý online chỉ nắm được nguồn gốc công dân chứ không thể kiểm soát được sự dịch chuyển của công dân trong quá trình sinh sống. Không kiểm soát được sự dịch chuyển nghĩa là bất cập trong quản lý dân cư vẫn sẽ nảy sinh. Các nhà làm luật đã có giải pháp gì liên quan đến điều này chưa? 

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an: Tôi nghĩ, trái lại, việc quản lý bằng công nghệ 4.0 sẽ tạo cho các cơ quan quản lý thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của mình trong quá trình cập nhật các thay đổi thông tin cá nhân liên quan đến cư trú. Bạn có thể tưởng tượng, dù ở bất cứ nơi đâu bạn cũng có quyền đến Công an xã, phường, thị trấn nơi đó yêu cầu cấp 1 giấy chứng minh tôi là tôi, chứ bạn không cần phải quay trở về nơi bạn đăng ký thường trú. Tôi nghĩ rằng sẽ tạo điều kiện tốt hơn, trong quá trình thực hiện quyền tự do cư trú của mình bạn có thể thực hiện những đăng ký tạm trú, tạm vắng khác và những quy định cần thiết khác...

Biên tập viên đang chuyển câu hỏi của độc giả tới các vị khách mời.

- Chiều 9/6, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Sóc Trăng cho rằng, đến thời điểm này mới chỉ có 18 nghìn công dân được cấp số định danh cá nhân là chậm; đề nghị Chính phủ bảo đảm hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra. Vậy sẽ phải mất bao nhiêu lâu để mọi người dân có mã số định danh? Những người dân đang làm thủ tục như tách sổ hộ khẩu thì có phải chờ đợi đến khi có mã số mới được làm tiếp hay không?

- Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an trả lời: Như bạn biết, dự thảo Luật cư trú có điểm mới căn bản là thay đổi cấp số định danh trên cơ sở dữ liệu về dân cư. Tháng 7/2021, toàn quốc trên 19 triệu số định danh cá nhân, gồm trẻ mới sinh, người trong độ tuổi được cấp số định danh. Bộ Công an đang trình Chính phủ cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân Nếu được Quốc hội, Chính phủ ủng hộ, tháng 7/2021 sẽ cấp cho các tỉnh hiện nay chưa được cấp

Khi Luật cư trú có hiệu lực 1/7/2021, Chính phủ, Bộ Công an sẽ có hướng dẫn chi tiết trình tự thủ tục làm sổ hộ khẩu.

 


- Người dân trước đây thường phàn nàn rằng thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà, muốn đơn giản hóa. Tuy nhiên khi có vấn đề nảy sinh thì người dân vẫn mong muốn đến tận cơ quan giải quyết cho yên tâm. Đó là chưa kể đến việc nhiều khu vực vùng sâu vùng xa, trình độ dân trí còn thấp, chưa tiếp cận công nghệ thông tin. Vậy làm thế nào để người dân có thể chủ động áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các quyền lợi cư trú? 

Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: Có nhiều cách để người dân chủ động áp dụng công nghệ thông tin, theo quan điểm cá nhân tôi, trước hết phải làm cho người dân thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen, cách làm truyền thống. Muốn vậy phải tuyên truyền cho người dân thấy rõ tác dụng của việc áp dụng công nghệ thông tin, đó là tiết kiệm chi phí, giảm thời gian, giảm các thủ tục, tránh nhũng nhiễu, phiền hà khi giải quyết các thủ tục hành chính. 

Thứ hai, các ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến cư trú phải dễ làm, dễ hiểu, dễ thực hiện. Người dân chưa tin, chưa hiểu lợi ích thì cơ quan Nhà nước phải làm thử để người dân thấy rõ kết quả, tiện ích của công nghệ thông tin, từ đó người dân chủ động tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ cho mính mình và tạo điều kiện cho cơ quan Nhà nước thực hiện các giao dịch hành chính cũng như quản lý theo ngành, lĩnh vực.

- Cũng trong lần bàn về dự thảo luật cư trú sửa đổi trước Quốc hội vào ngày 10/8, Đại Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cư trú có nhiều khái niệm như cư trú hợp pháp và bất hợp pháp. Để đăng ký thường trú hoặc tạm trú thì cần có chỗ ở hợp pháp. Vậy cho tôi được hỏi chỗ ở hợp pháp được định nghĩa như thế nào và vấn đề quản lý cư trú được đề cập đến mức nào trong Luật cư trú sửa đổi?

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an: Khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật Cư trú sửa đổi quy định, chỗ ở hợp pháp là nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện và nhà khác được sử dụng để cư trú, thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc tổ chức, cơ quan, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Việc quản lý cư trú trong dự thảo Luật Cư trú sửa đổi quy định rất cụ thể về cư trú với công dân trong đăng kí thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú. Nội dung trong dự thảo luật cũng nêu rất chi tiết, có thể áp dụng ngay, không cần văn bản quy phạm pháp luật khác hướng dẫn thêm. 

Luật Cư trú sửa đổi cũng quy định về người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú để bảo đảm bao quát đối với mọi đối tượng công dân. Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước cũng như để đảm bảo quyền lợi cho mọi đối tượng công dân, nhất là bộ phận những người yếu thế như người nghèo không có chỗ ở hợp pháp, người di cư, người sinh sống lang thang không nơi nương tựa. Quy định này là cơ sở để các địa phương có thể xây dựng, áp dụng các chính sách về kinh tế, xã hội cho nhóm người này, đảm bảo công tác quản lý dân cư, quản lý cư trú, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh nước ta chuyển sang quản lý bằng mã định danh thông qua CSDLQGDC.

- Luật Cư trú còn liên quan đến nhiều Luật khác như Luật Đất đai và liên quan đến nhiều loại thủ tục hành chính khác nhau. Vậy đơn vị làm luật có đưa ra thống kê xem việc sửa đổi và cải cách quản lý cư trú sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu bộ luật, hay ảnh hưởng đến bao nhiêu thủ tục hành chính hay không?

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an: Cải cách thủ tục hành chính là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như trong bất cứ quá trình xây dựng một luật nào chúng tôi cũng rà soát các thủ tục hành chính để báo cáo xem việc xây dựng, ban hành ra các quy định mới sẽ giảm bao nhiêu thủ tục hành chính. Luật Cư trú sửa đổi lần này, quá trình rà soát chúng tôi thấy có nhiều quy định pháp luật liên quan, trong đó 3 Luật, 22 Nghị định, 54 Thông tư có liên quan đến sổ hộ khẩu và sổ tạm trú, chúng tôi đã đề xuất với Quốc hội để chỉnh lý, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này. Số văn bản quy định về cư trú không đề cập đến sổ hộ khẩu không cần thiết phải sửa đổi.

Các vị khách mời đang trả lời câu hỏi của độc giả.

- Bạn đọc Nguyễn Dũng (Hà Nội): Đổi CMND, thẻ căn cước tới đây, vì sao lại phải đổi? Việc gắn chip có ảnh hưởng đến quyền riêng tư không?

- Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: Trước đây, khi chúng ta xây dựng Luật Căn cước công dân đã tính toán đến việc gắn chip, nhưng khi đó chi phí chip cao, ngân sách chưa đáp ứng được và trong nước chưa sử dụng được một số công nghệ liên quan đến chip. Hiện nay, nhiều những khó khăn, vướng mắc trước đây đã được giải quyết. Bên cạnh đó, hiện Bộ Công an đang triển khai Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đang đề xuất phê duyệt Dự án sản xuất, cấp, quản lý thẻ căn cước công dân thì tận dụng hạ tầng, thiết bị của hai dự án sẽ tiết kiệm được chi phí. 

Về ưu điểm của thẻ chip: Độ bảo mật cao hơn; thứ hai trên thế giới nhiều nước sử dụng; thứ ba, lưu giữ nhiều thông tin hơn, có thể bổ sung thêm các trường thông tin của nhiều ngành, lĩnh vực như y tế, bằng lái xe, thuế... Về bảo mặt, chip sẽ được thiết kế chống làm giả và chống cài đặt trái phép. Do đó, nếu có bị trộm cắp cũng không dùng được, chỉ người chủ sở hữu mới có thể sử dụng được. Vì ngoài số định danh cá nhân còn có thông tin cá nhân, sinh trắc học, nhận dạng... Liên quan sử dụng thẻ căn cước có mã vạch hiện nay vẫn sử dụng bình thường vì số căn cước vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi lưu trữ thông tin. Nếu thẻ còn hạn thì vẫn tiếp tục sử dụng, không bị xáo trộn, ảnh hưởng gì. 

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an: Theo số liệu tôi đọc trên báo, hiện đã có khoảng 70 quốc gia trên thế giới sử dụng thẻ căn cước có gắn chip, trong đó nhiều quốc gia châu Âu đề cao quyền cá nhân lên trên hết, có những quốc gia sử dụng từ những năm 1990. Quá trình nghiên cứu việc sử dụng chip cho thấy, rất nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina khi gắn chip và tích hợp thông tin liên quan đến bằng lái xe với thẻ căn cước thì tình trạng TNGT giảm hẳn. Do đó bảo đảm tốt hơn quyền được sống, các quyền cơ bản nhất của người dân. Như anh Cường đã chia sẻ, tính bảo mật rất cao, người dân hoàn toàn có thể yên tâm.

- Hiện nay, theo Quy định, việc đăng ký thường trú vào các thành phố lớn, ngoài quy định về nơi ở ổn định, thời gian cư trú tối thiểu thì người dân còn phải đáp ứng yêu cầu về diện tích bình quân tối thiểu. Luật Cư trú (sửa đổi) có quy định điều kiện đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ cần bảo đảm yêu cầu về diện tích bình quân tối thiểu nữa hay không?

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an: Luật Cư trú sửa đổi lần này quy định, với trường hợp đăng ký thường trú trên toàn quốc, thì chỉ cần có chỗ ở hợp pháp là đủ, trong trường hợp bạn là chủ sở hữu. Trong trường hợp thuê, mượn, ở nhờ, thì cơ quan soạn thảo đang đề xuất phương án giao cho HĐND cấp tỉnh quy định diện tích bình quân tối thiểu của người có nhu cầu đăng ký thường trú, song không quá 8m2/người.

- Gia đình tôi là người dân tộc Mông, từ Lai Châu đã di cư vào Đắk Lắk sinh sống được 5 năm nay. Chúng tôi vỡ đất rừng để sinh sống ổn định. Tuy nhiên, do nguồn gốc đất không hợp pháp (tự khai hoang) nên chúng tôi và nhiều người dân từ phía Bắc di cư vào không đăng ký thường trú được. Vậy, theo Luật Cư trú sửa đổi, chúng tôi có được đăng ký thường trú ở Đắk Lắk hay không? Thủ tục sẽ phải làm những gì? 

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an: Đối với trường hợp chỗ ở của bạn xây dựng trên đất khai hoang, chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận thì chưa phải là chỗ ở hợp pháp. Để được đăng ký thường trú bạn cần phải thực hiện và hoàn thành các thủ tục về đất đai, nhà ở để được công nhận quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp đối với nhà đất của mình. Về thủ tục đăng ký thường trú, dự thảo Luật Cư trú sửa đổi quy định rất đơn giản gồm: tờ khai thông tin cư trú, giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, và thời gian hoàn thành thủ tục là 7 ngày, nhanh hơn Luật hiện hành là 15 ngày, song tối thiểu phải bảo đảm 8m2/ người.

- Cư trú và quản lý cư trú là một nội dung cơ bản và trọng yếu trong quản lý nhà nước của mỗi quốc gia trên thế giới. Bất kỳ một thể chế nhà nước nào cũng đều coi đây là công cụ quan trọng để thực hiện quản lý xã hội, nắm bắt và kiểm soát mọi vấn đề liên quan đến tình hình dân số, tình hình sinh sống, di chuyển của người dân, tình hình ANTT, ATXH. Trong quá trình sửa đổi Luật, Bộ Công an có tham khảo các mô hình quản lý cư trú khác trên thế giới không?

 

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu: Chúng tôi có tham khảo nhiều mô hình nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc đang quản lý bằng sổ hộ khẩu giống Việt Nam, còn họ có thay đổi bằng công nghệ số hay không chúng tôi chưa cập nhật. Hàn Quốc hiện quản lý bằng mã cấp cho người dân, dãy 13 chữ số, về cơ bản đây là cách quản lý theo nơi ở tích hợp công nghệ thông tin. Nhật Bản cấp cho mỗi công dân cấp giấy chứng nhận cư trú hay gọi là thẻ cư trú. 

Mỹ không có hệ thống cấp cấp thẻ cư trú cho người dân, chính phủ liên bang và cấp bang đều thực hiện việc này. Thay vào đó có hệ thống quản lý dữ liệu bằng danh tính cá nhân, có thể dùng quản lý cư trú của công dân Mỹ, điển hình là hệ thống cơ sở dữ liệu cấp giấy phép lái xe. Nga quản lý cấp sổ hộ chiếu nội địa, chứa thông tin về nơi cư trú của công dân Nga. Indonesia quản lý thông qua hộ gia đình, mỗi hộ cấp 1 thẻ gia đình, kể cả gia đình có 1 thành viên. Mỗi hộ gia đình được cấp 1 thẻ, mỗi công dân chỉ có tên trên 1 thẻ duy nhất.

 

- Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: 
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới về có cách khác nhau về quản lý dân cư, trong đó chủ yếu chia thành 2 nhóm: Quản lý theo hộ; Quản lý theo nơi ở (cá nhân). Đa số các quốc gia đều ứng dụng CNNT thông qua thẻ căn cước, số định danh, mỗi công dân đều cấp số khác nhau, Việt Nam 12 chữ số, Hàn Quốc chữ số 13, Tây Ban Nha 8 chữ số, Áo 12 chữ số… Quản lý bằng số định danh mang lại người tiện ích, ví dụ Australia có cổng thông tin quốc gia cung cấp rất nhiều tiện ích cho người dân; Ấn Độ có số định danh giúp chi trả lương, an sinh xã hội rất tốt.

 

- Rủi ro lớn nhất khi quản lý thông tin dân cư trên nền tảng online là gì? Bộ Công an đã đưa ra cơ chế nào để giảm thiểu tối đa rủi ro này?

 

- Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: Rủi ro quản lý trên mạng không chỉ là hành vi vô tình, cố tình mà còn do quá trình xây dựng, thiết kế để xây dựng cơ sở dữ liệu. Dự án dữ liệu quốc gia về dân cư, là dự án CNTT nhóm A, có nhiều hạng mục, phạm vi triển khai rộng, khi Bộ Công an đề xuất và triển khai đã rất coi trọng vấn đề bảo mật. Các đơn vị viễn thông, cơ yếu, CNTT, khoa học của Bộ đã tích cực vào cuộc để tìm ra giải pháp tối ưu bảo mật trên không gian mạng, trong đó lưu ý vấn đề thiết kế máy chủ, hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu.

Các vị khách mời trả lời câu hỏi của độc giả.

 

 

- Tôi nhận thấy tại Liên minh châu Âu, người dân có thể đi lại tự do trong khối nhờ cơ chế quản lý dân cư quy mô lớn rất hiệu quả. Chúng ta có thể học hỏi gì từ mô hình quản lý đa quốc gia này không?

 

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH trả lời: Liên minh châu Âu (EU) là khu vực có cách quản lý đa quốc gia khổng lồ và hiệu quả. Tại EU, cứ là công dân của các nước thuộc liên minh này thì có quyền tự do di chuyển qua biên giới các nước mà không cần kiểm soát, công dân có quyền tự do tìm kiếm việc làm ở nước khác. Điều này giúp tạo ra luồng di chuyển cân bằng đối với thị trường lao động giữa các nước, như từ nước nghèo hơn sẽ có luồng di chuyển lao động phổ thông sang nước giàu hơn, và ngược lại nguồn lao động kỹ thuật cao từ nước giàu hơn di chuyển sang nước nghèo hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt nhất có thể.

 

Điểm có thể học hỏi ở đây chính là hệ thống cơ sở dữ liệu mà họ kết nối được với nhau, như là từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia mỗi nước đến hệ thống cơ sở của cả khối được kết nối như một cổng thông tin liên quan đến việc di chuyển cũng như các cơ hội việc làm, kể cả từ chỗ làm việc trống cũng có thể đưa lên cổng thông tin này, cũng như là việc cập nhật sử dụng lao động ở đâu được chủ lao động cập nhật lên cổng này theo quy định của khối và được quản lý bởi các cơ quan lao động. Nhằm vào các chế tài, nếu có chủ sử dụng lao động không tuân thủ quy định này thì sẽ có những chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng lao động không khai báo cũng như không đảm bảo quyền của người lao động. Đặc biệt ở đây là EU nhấn mạnh việc đảm bảo tiền lương, đặc biệt là tiền lương tối thiểu cho người lao động để họ có thể sinh sống tại nơi đó.

 

Tại những nơi đó, việc đảm bảo thu nhập giúp tránh vấn đề phát sinh do người lao động không đủ thu nhập để trang trải chi phí ở nước sở tại. Nhưng hiện nay EU đang gặp vấn đề về lao động nhập cư, nhất là lao động nhập cư bất hợp pháp từ các nước ngoài khối. EU đã đưa ra rất nhiều biện pháp để hạn chế luồng di cư bất hợp pháp.

 

Đối với lao động Việt Nam muốn nhập cảnh vào các nước trong khối EU phải có giấy phép lao động như những nước khác ngoài khối. Công dân trong khối có thể tự do đi lại, tự do tìm kiếm việc làm không cần phải giấy phép lao động miễn là có hợp đồng lao động và các cam kết quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sử dụng lao động cũng như người lao động, đảm bảo đúng pháp luật của nước sở tại.

 

Điều mà chúng ta học hỏi ở đây chính là tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Đặc biệt, ví dụ như với ngành lao động chúng tôi, riêng mảng quản lý lao động nước ngoài đã gia nhập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống cổng thông tin quốc gia từ tháng 3 vừa qua. Đây là điều mà dần dần chúng ta sẽ phải hoàn thiện và sửa đổi các luật để nhằm vào việc kiểm soát lao động hoặc di cư bất hợp pháp. Tôi cho rằng, trong thời gian tới với việc điều chỉnh các luật sẽ tạo hành lang pháp lý, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, thì chúng ta có thể dần dần quản lí trên cơ sở tạo điều kiện tự do hơn cho công dân trong quá trình cư trú.

 

 

 

 

 

- Mục đích của Bộ Công an khi sửa đổi Luật cư trú là tạo điều kiện tối đa cho người dân về cư trú, tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người thuê, mượn nhà để nhập khẩu nhưng thực tế không sinh sống tại nơi đó mà chỉ nhập nhờ để đi học, đi làm, nhập vào khu chuẩn bị giải phóng mặt bằng để được đền bù, nhập vào các xã khó khăn để lấy tiêu chuẩn đi xuất khẩu lao động…Vậy, Bộ Công an đã có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

 

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an: Về vấn đề này, khi xây dựng Luật Cư trú sửa đổi, Bộ Công an đã đề xuất xoá đăng ký thường trú nếu cá nhân đó đã đăng ký thường trú tại một địa phương nhưng vắng mặt từ 12 tháng trở nên mà không đăng ký tạm trú ở đâu và không khai báo với cơ quan Công an xã, phường thị trấn, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài. Ngoài ra, với các trường hợp thuê, mượn, ở nhờ thì cần đảm bảo yếu tố diện tích tối thiểu 8m2/ người như tôi đề cập. Các quy định này được kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng lợi dụng việc cho đăng ký thường trú nhiều người vào một chỗ hay cho thuê, cho mượn.

 

- Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ LĐTBXH: Nhà nước ta có chương trình quốc gia để ưu tiên với đối tượng người nghèo khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động như hỗ trợ chi phí đào tạo, hỗ trợ xuất cảnh.... Để đạt được những tiêu chuẩn tham gia chương trình ưu đãi, một số người muốn đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, dù không có hộ khẩu tại các xã, tỉnh khó khăn, nhưng đã đăng ký thường trú nhờ tại các tỉnh khác để đăng ký hưởng hữu đãi từ chương trình. Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi đã làm việc và thống nhất với Bộ Công an và phía Hàn Quốc rằng, với các công dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động và hưởng ưu đãi từ chương trình nói trên, thì ngoài điều kiện là có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo thì cần phải chứng minh được, có chứng nhận đã cư trú hợp pháp ở địa phương đó ít nhất 12 tháng. Một số giải pháp được đưa ra 3 năm gần đây xung quanh vấn đề này đã chứng minh được hiệu quả.

 

 

 

- Chúng ta sẽ tuyên truyền và đưa bộ luật này vào thực tế như thế nào để người dân hiểu sâu sắc nhất quyền và trách nhiệm của họ?

 

- Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an: Tuyên truyền các quy định của pháp luật là việc làm thường xuyên của Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan có liên quan. Luật Cư trú sửa đổi giúp thay đổi phương thức quản lý cũ, tồn tại trong đời sống xã hội gần 70 năm nay, sang một phương thức hoàn toàn mới bằng công nghệ số có nhiều vấn đề liên quan đến người dân, nên việc tuyên truyền các quy định của luật cần cụ thể hơn, sát sườn hơn, đi vào thực tiễn, giải quyết các tình huống cụ thể, đảm bảo người dân không bỡ ngỡ trong quá trình thay đổi từ phương thức cũ sang phương thức quản lý ứng dụng công nghệ số.

 

- Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: Theo tôi, chúng ta cần đa dạng hóa các nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền để phù hợp vùng miền, trình độ dân trí. Trong tuyên truyền cần chú trọng các điểm mới của luật: Bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để áp dụng chung thống nhất cho các địa phương trên toàn quốc; bỏ cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để quản lý theo số định danh theo dữ liệu dân cư; thứ ba, chuyển thẩm quyền cấp đăng ký thường trú, tạm trú là Công an xã, phường, thị trấn. Hướng tuyên truyền chú ý nhấn mạnh việc người dân phải có trách nhiệm sống và làm việc theo pháp luật.

 

- Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH: Từ góc nhìn truyền thông, tôi cho rằng đây là vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức, dù luật cũ hay luật mới cũng cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân. Trong vấn đề tuyên truyền phải để công dân hiểu đầy đủ từ lợi ích đến quyền và trách nhiệm, chứ không chỉ trách nhiệm không. Cần nhấn mạnh lợi ích người dân đạt được là gì? Tôi cũng đồng tình việc đa dạng hình thức tuyên truyền, đặc biệt nhấn mạnh những bước ngoặt lớn, những lợi ích khi luật mới được áp dụng. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan: Làm luật, thực thi và truyền thông; có chiến dịch mạnh mẽ thông qua các kênh. Ngoài tuyên truyền gián tiếp qua truyền thông cần tuyên truyền, đối thoại trực tiếp tại cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật... Việc đưa lên loa phường, xã ở vùng sâu, vùng xa cũng khá hiệu quả, để tuyên truyền sâu hơn, rộng hơn để người dân nhận thức đầy đủ, tuân thủ tốt nhất khi luật ban hành.

 

 

 

 

 

 

Sau hơn 3 giờ giao lưu, hơn 30 câu hỏi trong nhóm hàng trăm câu hỏi của độc giả gửi tới Báo CAND đã được 3 vị khách mời giải đáp. Báo CAND trân trọng cảm ơn các độc giả theo dõi buổi giao lưu và đặt câu hỏi.

Thừa ủy quyền của Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND, Thượng tá Trần Duy Hiển, Trưởng Ban Điện tử Báo CAND đã phát biểu bế mạc buổi giao lưu trực tuyến; trân trọng cảm ơn 3 vị khách mời; đồng thời bày tỏ mong muốn trong các chương trình công tác tới đây các cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp với Báo CAND trong công tác thông tin, tuyên truyền.

 

 

Trích nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi