Mọi người đều nghĩ bếp bẩn là do dầu mỡ cáu lại trên bếp nấu, trên hút mùi, thức ăn thừa vương vãi, rác nhà bếp và các loại mùi thập cẩm trong nhà bếp... không được dọn sạch. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ lại cho thấy, bếp được làm sạch quá mức với những hóa chất tẩy rửa cũng có thể coi là “bẩn”, bởi nguy cơ ô nhiễm hóa chất.
Chắc rằng không ít người sẽ rất ngạc nhiên và bối rối khi biết số lượng các chất gây ô nhiễm được phát hiện trong gia đình lại chính từ những hóa chất tẩy rửa để vệ sinh nhà cửa. Đừng quá lạm dụng các hóa chất tẩy rửa để giữ cho không gian sống của chính mình bớt ô nhiễm.
Càng thơm, sạch.... càng độc.
Nhiều người có thói quen tốt là luôn giữ vệ sinh nhà bếp, đặc biệt là khu bếp nấu. Tuy nhiên, việc luôn chú ý lau chùi và khử mùi cho bếp sạch bóng, thơm tho đôi khi lại không phải ý kiến hay nếu bạn lạm dụng các chất tẩy rửa, khử mùi. Nghiên cứu của TS Rebecca Gasior Alman thuộc Đại học Brown (Hoa Kỳ) được công bố trên Tạp chí sức khỏe và hành vi xã hội đã chỉ ra rằng, chính những sản phẩm tẩy rửa hữu dụng trong nhà bếp lại là nguồn tiếp xúc hóa chất mà mỗi người phải đối mặt hàng ngày. Theo đó, các sản phẩm tẩy rửa trong nhà bếp như nước rửa tay, các chất tẩy rửa dạng kem hay dung dịch, các sản phẩm khử mùi, tạo mùi thơm... có thể chứa hóa chất độc hại như axits sunfuric, kiềm, chlorine, các chất có vòng thơm như phthalates.. Những hành vi đơn giản như rửa bát đũa, tẩy rửa các vết bẩn trên bếp, xịt cửa kính, xịt khử mùi nhà bếp... có thể dễ dàng dẫn việc bạn tiếp xúc với các sản phẩm có thể gây hại cho sức khỏe của mình.
TS Peter Boyle, Giám đốc cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), thuộc tổ chức ý tế thế giới (WHO) cho biết, chorine trong các hóa chất tẩy rửa cũng là chất gây độc nếu nhiễm vào bên trong cơ thể liều lượng lớn. Dioxin- một sản phẩm phụ của chlorine đã được cơ quan môi trường Mỹ (US-EPA) xác định là một chất có khả năng gây ung thư. Đặc biệt, những chất tạo mùi hương có mặt trong các sản phẩm như xịt khử mùi, tạo mùi thơm, nước rửa tay có mùi.... chủ yếu được tạo thành từ những vòng benzen (vòng thơm) khi phát tán trong không khí có thể theo đường hô hấp vào cơ thể gây khó thở, viêm đường hô hấp, kích thích cơn hen, gây rối loạn nội tiết.
Đồng quan điểm, TS.BS Trần Bá Thoại, chuyên khoa nội tiết, sinh hóa y học, Bệnh viện Hoàng Mỹ Đà Nẵng cho hay, phthalate (được dùng trong sản xuất các sản phẩm tạo mùi thơm) là một chất có các vòng thơm nên rất độc hại, các dẫn xuất phthalate được xác định là các xenoestrogen – những chất có cấu trúc tương tự, có tác dụng giống như oestrogen – những chất có cấu trúc tương tự, có tác dụng giống như oestrogen (hormon sinh dục nữ) được đưa từ bên ngoài đưa vào cơ thể. Các xenoestrogen ngoại lại xâm nhập vào cơ thể làm rối loạn hệ thống hormon giới tính và gây ra dậy thì trước tuổi cả bé gái lẫn bé trai. Nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc cho thấy, các phthalate làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung cũng như ung thư vú ở phụ nữ.
Lựa chọn chất tẩy rửa tự nhiên:
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Bộ y tế khẳng định, các loại hóa chất đều có mức độ độc hại nhất định, gây tổn hại cho sức khỏe người sử dụng. Trong các hoạt động hằng ngày nên chú ý để có thể hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, tốt nhất nên đi găng tay khi tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa nhà bếp. Xà phòng rửa tay cũng nên chọn những loại có độ pH trung tính để đỡ hại da tay. Tốt nhất nên hạn chế sử dụng hóa chất tẩy rửa dạng dung dịch phun sương, vì các hóa chất độc hại ở dạng phân tử vô cùng nhỏ bé sẽ dễ dàng bám trên da, hít thở vào qua đường hô hấp, tiếp xúc với niêm mạc mắt... Điều đáng chú ý là hóa chất độc hại này không gây hại tức thì khiến chúng ta dễ dàng nhận thấy và cảnh giác hơn khi sử dụng, mà chúng có thể tích tụ vào trong cơ thể và gây ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe về lâu dài.
Tốt nhất nên lựa chọn những cách vệ sinh bằng các chất tẩy rửa có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường như chanh, giấm hay bột baking soda có sẵn trong nhà bếp. Ví dụ, thay vì dùng hóa chất khử mùi tanh trong bếp, có thể bóp vài vỏ chanh trong nước ấm cho ra tinh dầu, bỏ vào bình xịt phun trong nhà bếp có cửa mở ra ngoài để tận dụng năng lượng gió và ánh sáng mặt trời giúp thông thoáng khí, làm loãng không khí ô nhiễm và giảm các nguy cơ bệnh tật.
Trích nguồn: Báo Khoa học & đời sống – Số 56 ra ngày 11/5/2015 Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK