- Chị không chỉ là chủ các "đại siêu thị sách", các "không gian tri thức" ở Hà Nội, mà còn dành nhiều tâm huyết cho việc phát triển văn hóa đọc. Hình như cả cuộc đời chị, quay đi quẩn lại vẫn là sách?
+ Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo, cả cuộc đời thơ ấu cho tới khi bước chân vào đại học, tôi chỉ có một bộ sách duy nhất là sách giáo khoa mà không biết tới sự hiện diện của một thế giới tri thức khác. Có lẽ vì thế, cuộc đời tôi dan díu tới sách để bù lại cái quãng thời gian thiếu hụt đó. Sách là người thầy, người bạn tuyệt vời. Tôi nghĩ, nếu được đọc sách sớm hơn, khả năng tư duy, năng lực quan sát, khả năng suy nghĩ chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều.
- Lần này, vì sao chị lại chọn thiết chế văn hóa các nhà văn hóa cộng đồng tại địa phương để thực hiện ước mơ phổ cập văn hóa đọc của mình?
+ Nhà văn hóa ở các vùng nông thôn nơi nào cũng có nhưng gần như chưa phát huy hết tác dụng của nó. Trừ một số buổi sinh hoạt, đa phần, thiết chế này rơi vào tình trạng cửa đóng then cài nhiều. Hai là, cũng giống như trẻ em nông thôn ngày xưa, trẻ em thời nay cũng chưa có nhiều cơ hội để đọc những cuốn sách hay. Đọc, học không chỉ giới hạn, bó hẹp trong sách giáo khoa mà cần phải mở rộng, phát triển thêm thì kiến thức mới phong phú, đa dạng và hiểu biết hơn được. Ở thành phố chứ chưa nói gì đến nông thôn, không phải gia đình nào cũng có tiền mua sách cho con hoặc tạo điều kiện để trang bị một tủ sách gia đình.
- Trong góc nhìn cũng như trải nghiệm của chị, sách là bạn đường thân thiết của trẻ nhỏ, có giá trị định hình nên tương lai của một đứa trẻ, của một xã hội ra sao?
+ Tôi đã đọc và tìm hiểu một số các đầu sách được viết bởi các giáo sư thần kinh học ở Mĩ, Nhật, Ý, Đức …. Đã chỉ ra rằng: Từ 0-6 tuổi là giai đoạn rất quan trọng trong việc phát triển trí tuệ của trẻ sau này. Khoa học thần kinh đã chứng minh việc đọc sách càng sớm càng tốt bởi khi chúng ta tác động sớm các hoạt động đọc thông qua các giác quan xúc giác, thính giác… thì các tế bào thần kinh càng gia tăng các kết nối thần kinh. Các tế bào thần kinh càng liên liên kết với nhau nhiều khả năng ghi nhớ của trẻ càng tốt, chỉ số thông minh của trẻ càng cao và đặc biệt là khai thác và phát huy được các năng lực vượt trội trong bán cầu não phải của trẻ - bán cầu của mọi sự ý tưởng, mọi sáng tạo. Rất nhiều những câu chuyện người thực việc thực thành công trên thế giới đã chứng minh điều này.
- Chị có thể kể vài câu chuyện mà chị tâm đắc không?
+ Trong bộ sách Duluxe viết về các câu chuyện, về cuộc đời, về những thành tựu của các vĩ nhân trong lịch sử mà Tân Việt Books vừa ra mắt, có một trong những chi tiết mà tôi vô cùng tâm đắc và ấn tượng là về Tổng thống Abraham Lincoln (1809-1865). Ông kể rằng, trình độ văn hoá, ông chưa học hết tiểu học; cha mẹ ông là nông dân ở vùng núi Kentecky. Con đường học vấn của ông chủ yếu bằng con đường tự học. Ông chỉ ra rằng cuộc đời ông được ảnh hưởng và trưởng thành hầu hết từ bốn tác giả lớn lần lượt theo thứ tự: Kinh Thánh của Vua James, nhà toán học Euclid, nhà luật học Blackstone người Anh và nhà văn Shakespeare. Kinh Thánh cho ông có được nguồn tham khảo để cho các tranh luận của mình, thấm nhuần thuyết định mệnh về bản chất và số phận con người; Shakespeare hiểu về sự phức tạp trong bản chất con người; Euclid truyền thụ cho ông những kiến thức về hình học, không gian, tư duy logic; Blackstone dạy cho ông tính chính xác trong lập luận và phân tích pháp lý. Hơn nữa bốn tác giả này còn dạy cho ông nhiều bài học về cách hành văn, lập luận, phân tích… Ông Lincoln còn là người có bức thư nổi tiếng gửi thầy giáo cho con trai mình với một lời hiệu triệu, tha thiết:..." Xin thầy hãy dạy cho cháu biết thế giới diệu kì của sách...". Gần 200 năm qua, điều ông nói vẫn còn nguyên giá trị.
- Nhưng ở ta, hình như việc đó chưa được đặt đúng tầm?
+ Ở Nhật, nếu một người mẹ mới sinh con, trong 2-3 tháng đầu tiên, sẽ có ba chuyên gia đến nhà tư vấn: một chuyên gia dinh dưỡng chỉ cách nuôi con ăn uống khoa học; một chuyên gia y tế chỉ cách chăm sóc sức khỏe; một chuyên gia thư viện dạy mẹ cách truyền cảm hứng cho con, nuôi con, dạy con qua những cuốn sách. Với họ, trẻ em là tài sản quốc gia nên phải được nuôi dưỡng đầy đủ từ nhỏ. Tôi rất thích câu nói của ông Forbes - nhà giáo dục nổi tiếng người Đức đã nói rằng "Vận mệnh của một dân tộc nằm trong tay các bà mẹ".
Hay tôi từng nghe kể về một lễ gọi là lễ chôn sách của người Do Thái. Sách có hỏng, rách nát thì người ta không vứt, không xé, không đốt mà mang đi chôn. Họ rất trân trọng sách, coi sách như một con người, có linh hồn. Người ta đối xử với sách thế đấy. Còn ở nước mình thì… (thở dài). Đó mới là điều đáng tiếc nhất. Văn hóa đọc ở nước ta hiện còn đang thiếu và yếu, thua xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Trong bối cảnh văn hóa đọc đó, việc triển khai Dự án cải tạo và xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng để đưa sách về với nông thôn của chị có nguy cơ rơi vào tình trạng "vườn không nhà trống" không? Để thực hiện dự án đã khó nhưng để vận hành nó trơn tru, hiệu quả và lâu dài là một việc không hề dễ dàng gì . Chị nhận định về điều này như thế nào?
+ Đối với tôi đây là một việc lớn và khó. Khó ở chỗ để đi thuyết phục, kêu gọi các nhà đầu tư, các nhà tài trợ để họ cho kinh phí có nguồn lực triển khai đã là một việc khó nhưng có lẽ việc triển khai, vận hành nó cũng khó không kém phần. Nếu chúng ta chỉ trao cho người dân cơ sở vật chất thôi sau đó bàn giao công trình và rút đi thì chắn chắn chỉ một thời gian nó sẽ bị teo tóp, "vườn không nhà trống". Chúng tôi đã nhìn thấy vấn đề này và đưa ra kế hoạch vận hành, đồng hành cùng với địa phương một thời gian để vừa truyền cảm hứng cho người dân, trao truyền niềm tin, trao truyền kiến thức để người dân thay đổi quan điểm, thay đổi cái nhìn về việc đọc. Chúng tôi đặt tình yêu vào hành động này làm bằng được và quyết tâm đến cùng để người dân hiểu được rằng xây dựng thói quen đọc sách là cần thiết và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của con em mình.
Chúng tôi rất tự tin để làm việc này và việc trao truyền kiến thức, truyền cảm hứng cho bạn đọc là thế mạnh của tôi và các chuyên gia trong Dự án. Chúng tôi dùng cả trái tim cho đôi mắt, cho hành động của mình vào việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng của Dự án này bằng những kế hoạch cụ thể rồi.
- Chị có thể tiết lộ số lượng nhà văn hóa sắp được "khoác áo mới"?
+ Năm nay là năm đầu tiên triển khai Dự án nên chúng tôi đặt ra mục tiêu từ vài chục cái đến hàng trăm cái. Hiện nay, chúng tôi đã có một số nhà tài trợ đã hứa hẹn ủng hộ cấp nguồn kinh phí cá nhân, kinh phí của doanh nghiệp cho việc đầu tư phát triển văn hóa đọc này rồi. Trước mắt, chúng tôi tập trung phát triển Dự án tại khu vực phía Bắc, miền Trung trước, sau đó miền Nam sẽ phát triển sau. Chúng tôi tin tưởng rằng đây là Dự án phát triển văn hóa đọc mang giá trị nhân văn, thiết thực và sâu sắc nên sẽ đón nhận được sự ủng hộ đông đảo của các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ trong thời gian tới.
- Hình như khai xuân năm 2022, Nhà văn hóa đầu tiên trong chuỗi các nhà văn hóa cộng đồng của Dự án sẽ được khánh thành?
+ Đúng rồi. Nhà văn hóa & Không gian văn hóa đọc cộng đồng sẽ chính thức ra mắt trình làng điểm đầu tiên trong Mùa Xuân tháng Hai này tại thôn Như Lân - xã Long Hưng - huyện Văn Giang - tỉnh Hưng Yên. Chúng tôi không chỉ trao tặng cơ sở vật chất mà còn trao tặng kiến thức, trao tặng niềm tin và trao tặng thói quen đọc sách cho người dân. Điều tôi muốn nhắm nhủ với tất cả mọi người đã và đang đồng hành cùng chúng tôi rằng: Những người làm dự án chúng tôi muốn gieo những hạt mầm tri thức để một ngày không xa những hạt mầm ấy sẽ nảy mầm đơm hoa kết trái đem lại nhiều hoa thơm quả ngọt cho đời, cho mọi người, cho mọi nhà và cho đất nước.
Dẫu biết rằng con đường này nhiều gian nan, thử thách, ĐƯỜNG XA GÁNH NẶNG nhưng chúng tôi vẫn cứ đi. Hàng trăm các nhà văn hoá đang chờ đón chúng tôi.
Nguồn: Báo CAND