Thứ Hai, 2/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Châu Á-Thái Bình Dương đang trở nên bất ổn

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong bài phát biểu đề dẫn tại Đối thoại Shangri-La (Singapore) ngày 30/5, không ngần ngại chỉ trích: “Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và đe dọa trong những tranh chấp chủ quyền là hành động không thể biện hộ. Không thể dựa vào bạo lực vào áp bức mà phải dùng những biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột”.

Sau khi nhấn mạnh: “Lặp đi lặp lại những việc đã rồi, dùng sức mạnh để biến đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho mình là hành vi đáng lên án”, Thủ tướng Abe chính thức tuyên bố: “Nhật Bản không ngần ngại và luôn sẵn sàng hỗ trợ, viện trợ các nước ASEAN bao gồm Việt Nam và Philipines trong những nỗ lực nhằm bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không”.

Ông Abe còn chỉ ra: “Hiện nay, nhiều của cải, vật chất, tiền bạc, trí tuệ tại khu vực châu Á được dùng để mua bán vũ khí, tăng cường quân bị. Mối đe dọa từ vũ khí giết người hàng loạt và việc sử dụng vũ lực nhằm thay đổi nguyên trạng vẫn đang tồn tại” và lên án: “Chính những hành động này và những nước có hành động này đang gây bất ổn cho khu vực và toàn thế giới”.

Theo giới phân tích, lời tuyên bố này của lãnh đạo một nước vốn theo đường lối ôn hòa như Nhật Bản có thể được coi là “lời tuyên chiến đối với những hành động chính trị, ngoại giao cường quyền”. Bởi, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản tham dự Đối thoại Shangri La và ngay trong lần đầu tiên này đã thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với “chính sách nước lớn”.

*"Trong những tháng gần đây, Trung Quốc tiến hành những hành động đơn phương, gây bất ổn nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông” Đó là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La.

Ông Hagel tố cáo Trung Quốc ngăn chặn Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough, gây áp lực lên sự hiện diện của Manila trên bãi cạn Second Thomas (Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), có hành động triển khai trái phép giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Ông Hagel nhấn mạnh: "Chúng tôi phản đối việc sử dụng bất kỳ hình thức hăm dọa, ép buộc hoặc dọa dùng vũ lực để khẳng định những yêu sách chủ quyền này”, và "Mỹ sẽ không làm ngơ khi các trật tự cơ bản của luật pháp quốc tế đang bị thách thức”.

* "Sức mạnh quân sự đang được dùng để gây sức ép lên ngoại giao. Đó không phải là một kết quả tích cực. Đó là con đường sẽ dẫn đến sự bất ổn, và khiến giải pháp ngoại giao trở nên phức tạp hơn nhiều", Đại tướng Martin E. Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ trả lời phỏng vấn kênh NHK của Nhật, khi ông đang ở Singapore, tham dự hội nghị an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La.

Vị tướng Mỹ cho biết châu Á đang bất ổn hơn chủ yếu vì hành động của một số nước và sự cưỡng ép, khiêu khích của họ nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ. "Các hành vi này là sự khiêu khích và gây lo ngại cho các đồng minh của Mỹ ở khu vực”, Tướng Dempsey nói.

Tướng Dempsey cho biết khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở nên bất ổn bởi vì những hành động khiêu khích và đe dọa của Trung Quốc. Ông một lần nữa khẳng định Washington sẽ phản ứng lại những chiến thuật ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

* Một nhà nghiên cứu Trung Quốc học và châu Á học từ Đại học Chính trị Paris, (Sciences-Po, Paris), Giáo sư David Camroux cho rằng đối thoại là một cơ hội hữu ích để các bên nhìn nhận và tìm giải pháp cho xung đột.

Giáo sư David Camroux hôm 30/5 nói với BBC: "Tôi nghĩ đây là thời điểm hữu ích để nhìn nhận và cân nhắc một sự kiện hệ trọng liên quan tới một cuộc xung đột nghiêm trọng xảy ra, do đó Đối thoại Shangri-La đã diễn ra vào một thời điểm rất đúng lúc để tất cả các bên cùng ngồi xuống bình tĩnh. Tôi không cho rằng Đối thoại Shangri-La diễn ra cuối tuần này tại Singapore sẽ đưa ra một giải pháp thật lớn lao cho một cuộc xung đột như vậy, thế nhưng như người ta vẫn nói “hòa bình vẫn tốt hơn là chiến tranh” và do đó điều tốt hơn vẫn là đối thoại, đàm phán, để hiểu lập trường của nhau rõ ràng hơn, hơn là để cho một cuộc xung đột xảy ra rồi lên cao".

Theo nhà nghiên cứu từ Pháp, Trung Quốc sẽ bị chỉ trích mạnh mẽ bởi nhiều quốc gia tham dự Đối thoại Shangri-La như Nhật Bản, Hoa Kỳ, một số quốc gia trong khu vực, tại ASEAN, đương nhiên là bởi Việt Nam, tuy nhiên "Đây có thể là một bài tập hữu ích để hy vọng sẽ mang lại tiến bộ, đưa tới tìm ra một giải pháp nào đó dưới dạng quốc tế ở Biển Đông, một giải pháp thường xuyên và lâu dài".

Biên tập: Mai Loan - Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo điện tử Chính Phủ

Gửi cho bạn bè