Cách đây 42 năm, Thế giới đã chứng kiến một chiến thắng vĩ đại đánh dấu sự trưởng thành của Chủ nghĩa xã hội, một mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam: Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, đặt dấu chấm hết cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, quân giải phóng tiếp quản miền Nam, tạo cơ sở thống nhất hai miền Nam Bắc.
Sau khi Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết, so sánh tương quan lực lượng có sự thay đổi theo hướng có lợi cho ta, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá tình hình, nắm thời cơ chiến lược và hạ quyết tâm: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”
Từ đầu tháng 4 năm 1975, quân dân ta sống trong những ngày hào hùng và sôi động nhất của lịch sử dân tộc. Cả dân tộc ta ra quân trong một mùa Xuân lịch sử với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” và khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Ngày 8/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau đổi tên thành Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh) được thành lập. Tổng tư lệnh là Đại tướng Văn Tiến Dũng (Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam); Chính uỷ Phạm Hùng (Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam).
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh xác định 5 mục tiêu chủ yếu trong nội thành phải nhanh chóng đánh chiếm là: Bộ Tổng tham mưu Ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng Nha cảnh sát và Dinh Độc Lập, quy định các mũi, các cánh sau khi đánh chiếm các mục tiêu và khu vực được phân công phải nhanh chóng đến hợp điểm ở Dinh Độc Lập.
Từ tháng 4/1975, các binh đoàn chủ lực trên đường hành quân tiến về Sài Gòn đã đánh địch trên đường hành tiến, phá toang các tuyến phòng ngự vòng ngoài từ xa của địch, nhất là cánh quân phía Đông do Trung tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy, giải phóng Phan Rang, Bình Thuận, Bình Tuy, Xuân Lộc, Bà Rịa.
Đúng 17h ngày 26/4, quân ta được lệnh nổ súng mở màn chiến dịch, 5 cánh quân từ các hướng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài tiến vào thành phố Sài Gòn. Ngày 28/4, các trận địa pháo của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Rạng sáng 29/4, tất cả các cánh quân đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.
Sáng 30/4/1975, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất.
10h45p ngày 30/4, 4 xe tăng của ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ chính phủ Ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện và ra lệnh cho quân Ngụy đầu hàng. Vào lúc 11h30 cùng ngày, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 2/5/1975, những địa phương cuối cùng của miền Nam được giải phóng.
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với trận mở màn Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đó là Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã hoàn toàn thắng lợi trong gần 2 tháng liên tục và kiên cường chiến đấu (từ 18/3/1975 đến 2/5/1975). Kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, đồng thời kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của đế quốc Pháp – Mỹ và chế độ phong kiến. Chiến thắng ấy là sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhân dân Sài Gòn nô nức xuống đường mừng chiến thắng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi đánh dấu sự thất bại của Đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cắm cột mốc vinh quang chói lọi trong sự nghiệp xây dựng và trưởng thành của Đảng và quân đội ta, tô thắm truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Chiến thắng 30/4 nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung không chỉ là thắng lợi riêng của dân tộc Việt Nam mà còn là thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới. Thắng lợi đó đã góp phần tăng cường sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, thu hẹp trận địa của chủ nghĩa đế quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân hai miền Nam – Bắc đã sum họp một nhà. Trong cuộc đọ sức giữa ý chí Việt Nam và sức mạnh quân sự Mỹ, mặc dù phải chiến đấu gian khổ, hy sinh nhiều người, nhiều của, nhưng tinh thần và ý chí của nhân dân Việt Nam quyết tâm giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà đã toàn thắng. Chiến thắng oanh liệt đó mãi là niềm tự hào của mỗi thế hệ người dân Việt Nam, là động lực to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã chọn: Độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước, sánh vai với bạn bè thế giới.
Bài: Hoàng Linh