Thứ Hai, 2/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đẩy mạnh phổ biến sâu rộng Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh trong giai đoạn hiện nay

Trong những năm gần đây, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (sau đây gọi tắt QP-AN) cho các cơ quan, tổ chức, công dân Việt nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ta rất coi trọng. Các cơ quan chức năng của Chính phủ, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Giáo dục- Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục QP-AN; lập quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục QP-AN trong phạm vi cả nước; xây dựng chương trình, giáo trình giáo dục QP-AN trong hệ thống các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị- xã hội, doanh nghiệp … phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng với tình hình thực tế yêu cầu của đất nước.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII (từ 20/5-21/6/2013), Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Giáo dục QP-AN (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014); Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2014/NĐ-CP  ngày 25/02/2014 quy định chi tiết và biện pháp thi hành, hướng dẫn thi hành (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/4/2014). Tác giả xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Giáo dục QP-AN để qua đó góp phần nâng cao về nhận thức và thống nhất trong tổ chức thực hiện, cụ thể như sau:

Luật Giáo dục QP-QN gồm 8 chương 47 điều, trong đó có quy định rõ:

1.  Về đối tượng áp dụng (Điều 2) của Luật bao gồm: Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, Luật này không loại trừ quốc tịch, miễn là cơ quan, tổ chức, cá nhân đó cư trú và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

2.  Về nguyên tắc giáo dục QP-AN (Điều 5). Trong điều này, cần chú ý: Khoản 1 “Phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước”. Đây là nguyên tắc đầu tiên và cơ bản nhất, nhằm định hướng cho công tác giáo dục QP-AN là phải làm cho mọi người thấy được bản chất dân chủ, tiến bộ  của Nhà nước và chế độ ta, về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phải phản ánh được truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, những mốc lịch sử quan trọng, những thành quả cách mạng to lớn của nước ta đã đạt được qua các thời kỳ. Phải khẳng định được nước ta là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Khoản 2 cũng chỉ rõ “Giáo dục QP-AN là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Nguyên tắc này cho thấy công tác giáo dục QP-AN không phải chỉ giao cho một hay hai cơ quan nhà nước đảm nhiệm. Muốn đạt được kết quả tốt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, toàn dân, các cấp chính quyền chung tay góp sức gánh vác có trách nhiệm; đồng thời công tác giáo dục QP-AN cũng phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Tại khoản 5 điểm này cũng nhấn mạnh “Chương trình, nội dung giáo dục QP-AN phải phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng kịp thời tình hình thực tế”. Để phù hợp với từng đối tượng, việc xây dựng chương trình, nội dung giáo dục phải hết sức thiết thực phù hợp, như: Đối với lứa tuổi trong các Trường tiểu học, Trung học cơ sở, thì được thực hiện lồng ghép với các môn học trong chương trình, chủ yếu giúp cho học sinh hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, lồng ghép với “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng”; đối với các trường Trung học phổ thông, Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp nghề, giáo dục QP-AN là môn học chính khóa, thì nội dung, chương trình cần truyền đạt cho người học hiểu biết thêm kỹ năng quân sự và thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc; đối với các trường Cao đẳng, Đại học, các trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, giáo dục QP-AN là môn học chính khóa, thì nội dung, chương trình truyền đạt cho người học kiến thức cơ bản về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QP-AN và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới, khu vực, Biển Đông có những diễn biến khó lường, thì công tác giáo dục QP-AN lại càng hết sức quan trọng và cần thiết; nội dung, chương trình giáo dục phải nhằm khơi dậy lòng yêu nước của mỗi người dân (kể cả ở nước ngoài) sẵn sàng cống hiến sức mình để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác này nhằm trang bị cho mọi người về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QP-AN; truyền thống dựng nước và giữ nước của ông, cha ta; lòng tự hào, tự tôn dân tộc; từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN; góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3. Về nội dung (Điều 19), hình thức  phổ biến kiến thức QP-AN (Điều 20) đã nêu rõ là phải được tiến hành phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế người học, ở từng địa phương và cộng đồng dân cư. Trong đó chú trọng các hình thức phổ biến là: Thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trực tiếp truyền đạt; bằng các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng như truyền hình, phát thanh, truyền thanh, pa nô, áp phích, bản tin; thông qua các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của cơ quan, đoàn thể, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư; các hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, “thắp nến tri ân”, tham quan nhà truyền thống, bảo tàng lịch sử v.v.. Việc phổ biến kiến thức QP-AN cho người học cụ thể cũng cần được chú ý, cân nhắc kỹ nội dung, hình thức truyền đạt (Học sinh, sinh viên, trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, trong cơ quan, tổ chức Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị- xã hội, khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa v.v..).

Tóm lại, để Luật Giáo dục QP-AN thực sự đi vào cuộc sống các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp … căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn (quy định tại Chương VII) tổ chức triển khai thi hành nghiêm túc./.

Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Trang thông tin điện tử Lực lượng CSQLHC về TTXH

Gửi cho bạn bè