Có thể thấy trong những năm gần đây, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng các chất hướng thần mới. Trong đó, ma túy tổng hợp, đặc biệt dạng “đá” đã thay thế các loại ma túy truyền thống. Tại Việt Nam, với chính sách mở cửa, thông thương tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng các tổ chức tội phạm quốc tế đã lợi dụng chính sách này để vận chuyển ma túy đến nước thứ ba. Tội phạm ma túy hình thành các băng nhóm có tổ chức, xuyên quốc gia, có sự móc nối giữa đối tượng trong nước và quốc tế; một số trường hợp núp bóng doanh nghiệp để vận chuyển, sản xuất ma túy.
Điển hình, khoảng tháng 4/2019, qua đường dây nóng phối hợp với Bộ Công an Trung Quốc nhận được thông tin nhóm đối tượng Trung Quốc chuẩn bị sang Việt Nam, ngay lập tức Lãnh đạo Bộ Công an và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSĐTTP về MT) đã chỉ đạo sát sao, khẩn trương xác minh mọi nguồn tin có liên quan. Bước đầu xác định các đối tượng đã đến Việt Nam và tới nhà xưởng của Công ty TNHH Hoàng Ngân Phát, ở TP.Quy Nhơn (Bình Định). Nhà xưởng này đã được các đối tượng thuê từ trước đó ngụy trang với danh nghĩa để khai thác, chế biến đá xây dựng, thực chất là sản xuất trái phép chất ma túy. Tháng 5/2019, các đối tượng trên đã thu dọn nhà xưởng và vận chuyển máy móc thiết bị sản xuất, hóa chất vào địa điểm khác nhau tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương để cất giấu, còn các đối tượng chia nhau về Trung Quốc bằng các con đường khác nhau.
Tháng 6/2019, các đối tượng trên quay trở lại Việt Nam sau khi đã tìm được địa điểm sản xuất mới tại Công ty TNHH XNK Đồng An Viên, địa chỉ: thị trấn Đắk Hà – tỉnh Kon Tum, sau đó các đối tượng đã vận chuyển toàn bộ máy móc thiết bị, hóa chất về Công ty Đồng An Viên để tiến hành sản xuất trái phép chất ma túy.
Tại đây, các đối tượng trong đường dây này sử dụng thủ đoạn vô cùng tinh vi và xảo quyệt là dưới danh nghĩa doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, muốn hợp tác sản xuất phân bón hóa học và thuốc trừ sâu với các công ty tại Việt Nam, các đối tượng đang cần mặt bằng nhà xưởng để sản xuất, còn công nghệ, máy móc, hóa chất thì toàn bộ do phía Trung Quốc đảm nhận. Để tạo lòng tin của các chủ doanh nghiệp người Việt Nam, các đối tượng đã cho các công ty Việt Nam xem các mẫu thành phẩm phân bón và thuốc trừ sâu, đồng thời lập tức rót hàng trăm triệu để các công ty lo cải tạo mặt bằng nhà xưởng phục vụ sản xuất, lo thủ tục lưu trú và các thủ tục khác với cơ quan chức năng. Khi đã lắp đặt xong máy móc và chuyển hóa chất về kho xưởng, các đối tượng chỉ tiến hành sản xuất vào ban đêm còn ban ngày thì làm những công việc thông thường để tránh sự chú ý cũng như nghi ngờ của người dân xung quanh. Ngoài ra, do hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất ma túy là hóa chất thông thường mua trong nước và mùi phát ra lại rất giống mùi của thuốc trừ sâu, nên không có bất cứ sự nghi ngờ nào từ phía đối tác làm Việt Nam.
Sau một thời gian dài áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, ngày 6/8/2019 đã phá thành công chuyên án, bắt quả tang 7 đối tượng người Trung Quốc đang sản xuất trái phép chất ma túy: Cai Zi Li (tức Thái Tự Lực), SN 1963 - đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đã có tiền án chung thân về tội sản xuất trái phép chất ma túy tại Trung Quốc; Song Jian Huang (tức Tống Kiến Hoàng), SN 1963 - đối tượng chuyên gia hóa học chịu trách nhiệm công nghệ sản xuất; Lyu Yu Zhong (tức Lữ Dư Trọng), SN 1975; Zhang Qin Shu (tức Trương Cần Thư), SN 1961; Yang Yuan De (tức Dương Viễn Đức), SN 1964; Huang Shan Yuan (tức Hoàng Sơn Nguyên), SN 1990; Cai Si Yuan (tức Thái Tư Nguyên). Ngoài ra, áp dụng biện pháp tố tụng với 10 đối tượng khác người Việt Nam và Trung Quốc.
Trong khi đó, theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), lực lượng chức năng Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức kép tại các khu vực cửa khẩu biên giới, đó là cơ chế phối hợp điều tra tội phạm xuyên quốc gia chưa hoàn thiện và năng lực chuyên môn của lực lượng thực thi pháp luật còn hạn chế. Điều này dẫn đến nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới không được phát hiện hoặc các cuộc điều tra thường chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia. Nhiều đường dây, mạng lưới tội phạm lớn trong khu vực chưa được triệt phá...
Cụ thể, trong 5 thập kỷ qua, ước tính sản lượng ma túy hàng năm tại khu vực “Tam giác vàng” đạt 650 tấn thuốc phiện, số lượng này có thể sản xuất ra 60 tấn heroin, 1 tỉ viên ma túy tổng hợp và 20 tấn ma túy đá. Tuy nhiên, số lượng ma tuý thu giữ được trong khu vực còn hạn chế và phần lớn được vận chuyển đến các khu vực khác trên thế giới.
Đó là chưa kể những thách thức mới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, xu hướng mua bán, vận chuyền trái phép các chất ma tuý qua đườnghàng không, đường biển, bưu điện trong khu vực đang gia tăng, đặc biệt tình trạng mua bán ma tuý qua các trang mạng trực tuyến cũng đang dần trở nên phổ biến, nhất là các đối tượng phạm tội trẻ tuổi có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, điển hình là các đối tượng phạm tội có quốc tịch ở các nước: Singapore, Malaysia, Thái Lan...
Tích cực chủ động hợp tác quốc tế
Trước diễn biến phức tạp của tình hình ma túy thế giới và khu vực, Cục CSĐTTP về MT luôn tích cực, chủ động tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy với các nước ký kết hiệp định, thỏa thuận các nước có chung đường biên giới, các tổ chức quốc tế và các nước đối tác tài trợ trên các diễn đàn song phương và đa phương, góp phần tăng cường sự gắn kết, thúc đẩy hiệu quả thực thi pháp luật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng, chống ma túy ở trong nước.
Cụ thể, trên diễn đàn đa phương về phòng, chống ma tuý, Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, từ ngày 9 đến 13/9/2019 tại Hà Nội. Đây là hội nghị bất thường, được tổ chức nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế; kêu gọi các quốc gia trong khu vực cùng chia sẻ trách nhiệm chung trong nỗ lực phòng, chống ma tuý; thảo luận, đưa ra giải pháp nhằm kịp thời ứng phó với tình hình ma tuý thế giới.
Mặt khác, Việt Nam cũng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương đi vào chiều sâu, hiệu quả đặc biệt là các nước có chung đường biên giới, các cơ quan, đối tác tài trợ tích cực cho công tác đầu tranh phòng, chống ma tuý của Việt Nam, với phương châm hợp tác đi vào thực chất, lực lượng chức năng của Việt Nam đã phối hợp với các nước triệt phá các vụ ma túy lớn, đặc biệt là các đường dây tôi phạm ma túy xuyên quốc gia. Riêng với Lào, Bộ Công an Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng ở 4 cấp Công an của hai nước đã được thiết lập để cùng phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin về các đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ An ninh Lào và Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia triển khai nhiều sáng kiến nhằm kịp thời ứng phó với tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới ba nước trong đó nổi bật là việc triển khai kế hoạch cao điểm về tuyên truyền tấn công, trấn áp tội phạm ma tuý trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Ngoài ra, Cục CSĐTTP về MT cũng đã tăng cường hợp tác công tác phòng, chống ma túy với các nước trong khu vực và các nước có tiềm lực theo chiều sâu, trên cơ sở những thông tin chia sẻ của các nước đối tác, các nước có chung đường biên giới, Bộ Công an Việt Nam đã tiến hành phối hợp, triệt phá thu giữ hàng tấn ma túy tổng hợp, phần lớn trong số đó được xác định sẽ tiếp tục chuyển ra nước ngoài; bắt giữ hàng chục đối tượng chủ mưu, cầm đầu các băng nhóm tội phạm ma túy lớn.
Tuy vậy, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐTTP về MT dự báo tình hình ma tuý trong khu vực và trên thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Mặc dù, việc trao đổi thông tin liên tục theo thời gian thực hiện với các đối tác, Cục CSĐTTP về MT đang tham mưu, đề xuất thành lập đường dây “nóng” với một số nước Châu Âu (do trong thời gian qua, đã phát hiện một số đối tượng thiết lập đường dây từ các nước này vận chuyển ma túy về Việt Nam), để phục vụ hiệu quả cho công tác đấu tranh với tội phạm ma túy. Song để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống ma tuý trong nước, Cục CSĐTTP về MT sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các nước và đối tác triển khai các giải pháp hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý thực sự đi vào chiều sâu, tập trung, trọng điểm.
Nguồn: Báo CAND