Ruđaki Apu Apđala - Nhà thơ, Nhà soạn nhạc Ba Tư đã nói:
“Không kho báu nào quý bằng học thức
Hãy tích lũy nó, khi bạn còn đủ sức”
Để tích lũy được kho báu học thức, không cách gì hay hơn là chúng ta phải không ngừng học tập, nghiên cứu và một trong các biện pháp quan trọng là thông qua việc đọc sách. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì việc học tập các kỹ năng đọc nhằm giúp hoạt động tự học đạt kết quả cao là một việc vô cùng quan trọng, đặc biệt khi bạn cảm thấy có nhiều tài liệu, giáo trình, sách tham khảo cần phải đọc nhưng quỹ thời gian lại quá eo hẹp bởi nhiều hoạt động phong trào khác như văn nghệ, thể thao, võ thuật, điều lệnh…Sau đây là một số gợi ý hữu ích giúp độc giả nâng cao kỹ năng đọc của mình. Tác giả Mai Thị Hương, Trung tâm TTKH và TLGK Trường Cao đẳng CSND I trân trọng giới thiệu cùng độc giả một số kỹ năng đọc sách nhanh và hiệu quả:
I. Phải có mục đích đọc sách rõ ràng
X. I. Povarlin đã nói: “Phương pháp đọc tùy thuộc vào mục đích và hoàn toàn do mục đích qui định”
Khi đọc sách bạn hãy trả lời câu hỏi: Đọc để làm gì? Muốn tìm kiếm thông tin gì trong cuốn sách đó? Đọc sách gì, đọc ở đâu, đọc như thế nào?
Mục đích đọc sẽ chi phối toàn bộ quá trình đọc sách, vì thế xác định mục đích đọc là điều quan trọng đầu tiên sẽ giúp bạn tránh đọc tràn lan, tốn công sức và thời gian.
II. Phải chọn sách đọc hợp lý
Mỗi người chúng ta không thể có đủ thời gian đọc tất cả, thậm chí ngay trong lĩnh vực chuyên môn của mình, trong khi nguồn sách rất đa dạng, phong phú.Vì vậy chúng ta không chỉ cần chọn cuốn sách phù hợp mà còn phải chọn ra các phần cần đọc trong cuốn sách đó. Có 3 căn cứ chọn sách các bạn có thể tham khảo sau đây:
1.Từ yêu cầu của giảng viên
Nhằm giúp các bạn nắm vững nội dung môn học, trong mỗi bài giảng, mỗi phần của kế hoạch dạy học, giảng viên thường chỉ ra cho các bạn những vấn đề cần giải quyết, cần suy nghĩ tìm hiểu sâu thêm và những giáo trình, tài liệu bạn cần tham khảo. Tiếp cận các sách mà giảng viên yêu cầu phải đọc là sự bảo đảm tính hệ thống và sâu sắc của môn học, của bài giảng đã trình bày.
2. Từ nhu cầu của bản thân
Mỗi người có những hứng thú và sở trường đọc trong các lĩnh vực khác nhau, khi đọc với niềm đam mê và hứng thú bạn sẽ thu được những kết quả đáng ngờ và không ngừng nâng cao hiểu biết của mình trong lĩnh vực đó. Vì vậy ngoài những giáo trình, tài liệu giáo viên yêu cầu tìm đọc, bạn hãy tích cực tìm sách báo và các tài liệu khác đáp ứng hứng thú hiểu biết của bản thân.
3. Từ nguồn tài liệu thư viện có thể cung cấp cho các bạn
Nhu cầu đọc của các bạn chỉ có thể được thỏa mãn khi tìm được sách báo và tài liệu bạn mong muốn. Do đó khi cần đọc, bạn phải nắm được điều kiện, nguồn sách của thư viện để việc đọc được thuận tiện và thỏa mãn nhu cầu đọc.
Với thư viện trường Cao đẳng CSNDI, nguồn sách phục vụ học tập, nghiên cứu, tham khảo giúp nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, sách giải trí, khai thác, cung cấp thông tin trên các lĩnh vực của đời sống xã hội… luôn được trang bị đầy đủ, cập nhật nhanh chóng và được tổ chức cho bạn đọc mượn với hình thức và thời gian linh hoạt. Các loại sách luôn được bổ sung , phân loại chi tiết, rõ ràng để phục vụ hiệu quả việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cán bộ, giảng viên, học viên. Với phương pháp phân loại sách khoa học sẽ giúp bạn đọc dễ dàng tìm được sách phù hợp, phục vụ tốt yêu cầu học tập, nghiên cứu.
III. Kỹ năng đọc sách nhanh và hiệu quả
1.Tạo sự tập trung cho chính mình bằng cách xem lướt qua cuốn sách trước khi bạn thật sự ngồi đọc
-Tìm hiểu địa chỉ cuốn sách
Các bạn hãy đọc hai trang đầu của cuốn sách để biết tên cuốn sách, tác giả, nhà xuất bản, năm và lần xuất bản. Đọc lời giới thiệu hay lời tựa để biết cuốn sách đề cập vấn đề gì, đối tượng nào sử dụng cuốn sách có ích hơn cả, từ đó có phương pháp đọc hiệu quả.
-Xem mục lục
Mục lục cuốn sách phản ánh dàn ý chung và đơn giản của nội dung, đôi khi còn phản ánh cả dàn ý lôgic của nó. Bước này giúp bạn đọc giải đáp được câu hỏi “ Cuốn sách có những nội dung gì? Theo trật tự nào”
-Xem lời mở đầu
Lời mở đầu là do tác giả viết, đôi khi là những ý kiến đánh giá của các bạn đọc hoặc nhà phê bình nào đó. Vì vậy qua lời mở đầu sẽ giúp các bạn dễ dàng hiểu được ý đồ của tác giả, hình dung được một cách khái quát vấn đề cơ bản được đề cập và tác dụng, mục đích của cuốn sách mà tác giả mong muốn; biết được vấn đề quan trọng nhất cuốn sách sẽ trình bày. Đôi khi, qua lời mở đầu bạn còn thu lượm được lời khuyên của tác giả nên khai thác cuốn sách như thế nào cho hiệu quả nhất.
- Xem kết luận và tóm tắt ở cuối sách
Điều này giúp bạn thấy những nội dung cô đọng nhất, những kết luận chính và sự khẳng định của tác giả đối với những vấn đề đã trình bày. Đồng thời qua đó cũng nắm được những vấn đề chưa được giải quyết đầy đủ, phương hướng phát triển tiếp tục của chúng.
- Đọc một vài đoạn
Sau khi đã có được thông tin về nội dung và mục đích cuốn sách, hãy trực tiếp tìm hiểu vào nội dung chính bằng cách đọc qua một số đoạn, phát hiện những đoạn lí thú, có giá trị. Nhờ đọc qua một vài đoạn như vậy mà những nhận định về nội dung cuốn sách sẽ dần được chính xác hóa, tạo điều kiện cho các bước đọc sau.
Sau khi thực hiện các bước trên, gấp sách lại và tự hỏi: Nội dung của cuốn sách là gì? Văn phong ra sao và mục đích của tác giả là gì? Trả lời được những câu hỏi này sẽ phần nào giúp ta các bạn có được một ý tưởng khái quát về nội dung cuốn sách, từ đó dễ tập trung hơn và việc đọc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Học viên Trường Cao đẳng CSND I nghiên cứu tại Thư viện.
2.Tích cực tư duy khi đọc
Đọc sách mà không tích cực tư duy thì chỉ làm tổn phí thời gian vô ích.Tích cực tư duy khi đọc là luôn hình dung những ý tưởng trong sách thành những biểu tượng, hình ảnh trong đầu, đối chiếu, so sánh chúng với nhau và với những hiểu biết đã có của bạn. Từ đó mà phát hiện được cái chủ yếu, cái không chủ yếu; cái bản chất và không bản chất, rút ra được kết luận cho bản thân mình. Đọc có tư duy tích cực là qua đó phải rút ra được điều gì từ nội dung cuốn sách, bổ sung hiểu biết gì, kinh nghiệm gì cho bản thân. Nếu các bạn luôn tích cực tư duy khi đọc thì các bạn sẽ thực sự “lớn lên” qua mỗi trang sách và chắc chắn lượng kiến thức bạn thu lượm được sẽ ngày càng dày thêm.
3. Rèn luyện để có kĩ thuật đọc hợp lí
Cần rèn luyện kĩ thuật đọc để thích ứng với độ khó và cách viết trong bài đọc. Người đọc kém luôn có tốc độ đọc chậm. Người đọc hiệu quả thường đọc nhanh phần dễ và chậm lại ở phần khó. Kĩ thuật đọc sách bao gồm từ khâu tổ chức, xác định phương pháp đọc và các thao tác đọc. Khâu tổ chức đọc sách trước hết là sự bố trí, sắp xếp và bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho việc đọc có kết quả. Nơi đọc sách hãy cố gắng chọn nơi có thể tập trung tư tưởng cao và liên tục. Tránh những nơi ồn ào, ánh sáng luôn thay đổi hoặc quá tối tăm. Nơi đọc sách cũng cần thoáng mát, sạch sẽ và gọn gàng. Không nên đọc sách trong tư thế nằm, dễ ảnh hưởng đến trí nhớ. Tốt nhất là đọc tại bàn viết, ngồi thoải mái, để sách vừa tầm mắt.
Tập đọc nhanh nghĩa là cần nắm và thâu tóm nhanh cái chủ yếu, cái cơ bản của vấn đề trình bày trong sách. Các bạn phải rèn luyện thường xuyên, nâng dần tới tốc độ đọc hợp lí. Chúng ta phải cố gắng từng bước để có thể đưa mắt lên trang sách và chụp ngay được “cái hồn” của cả một đoạn. Đọc nhanh là tóm lấy thật nhanh, thật đúng và đủ nội dung chứ không phải đưa mắt nhanh trên những chữ. Khi đã có tốc độ đọc vừa ý, phải thường xuyên rèn luyện, thường xuyên đọc sách để kĩ năng đã rèn luyện được không bị mai một đi.
4. Ghi chép khoa học những gì đã đọc được
D.I.Mendeleev đã nói:
“ Ý nghĩ không được ghi chép lại thì chỉ là một kho báu bị giấu biệt”
Để ghi nhớ lâu những kiến thức đọc được, cách tốt nhất là hãy ghi chép có chọn lọc và khoa học những gì đã đọc được. Luôn chuẩn bị sổ tay bên cạnh để ghi chép, chắt lọc kiến thức quan trọng là điều cần thiết. Đọc sách không thể thiếu ghi chép và ghi chép trong khi đọc sẽ động viên được sự chú ý, giảm mệt mỏi và giúp các bạn kiểm tra mức độ lĩnh hội tài liệu, tạo cơ sở để ghi nhớ những kiến thức đã tiếp thu.
5. Xóa bỏ thói quen đọc không tốt
- Đọc từng chữ một
Người đọc từng chữ một nắm được ít hơn người đọc nhanh và đọc từng cụm từ một. Dừng nhiều lần không chỉ làm cho ta đọc chậm mà còn cản trở khả năng nắm bắt vấn đề, do ý nghĩa thường đi theo cả câu hay cụm từ thay vì từng chữ một. Hãy cố đọc theo những nhóm từ, đặc biệt đọc hết những câu hoàn chỉnh và những câu có tính bổ nghĩa. Hãy luyện tập bằng cách từ từ mở rộng số lượng chữ đọc một lúc. Giơ quyển sách ra xa hơn sẽ giúp bạn đọc được nhiều chữ hơn. Bạn đọc được càng nhiều chữ một lúc, tốc độ đọc của bạn càng nhanh.
- Đọc thầm trong đầu
Khi bạn đọc thầm bạn nghe thấy các từ được phát âm lên trong trí óc mình. Việc này tốn thời gian hơn cần thiết vì bạn hiểu được một từ nào đó nhanh hơn việc bạn nói ra chúng. Đọc một nhóm chữ cùng lúc sẽ giúp bạn nói không với việc đọc thầm. Loại bỏ đọc thầm sẽ giúp bạn tăng tốc độ đọc một cách đáng ngạc nhiên. Còn nếu không, bạn sẽ bị hạn chế khi chỉ đọc với tốc độ 250-300 từ một phút. Nếu bạn là người đọc lướt xuất sắc, bạn có thể tăng tốc độ đó lên đến 400 và 500 từ một phút.
- Đọc thành tiếng
Kiểu đọc này sẽ khiến bạn đọc chậm. Cố gắng xem việc đọc sách như đang ngắm một cảnh đẹp, hình dung một ý tưởng bao quát trong tâm trí thay vì chú ý đến từng viên đá dưới chân.
- Đọc một câu nhiều lần
Thói quen này thường làm tăng gấp đôi hoặc gấp ba thời gian đọc và cũng không cải thiện mức độ thông đạt. Tốt nhất là cố tập trung ngay từ lần đầu tiên.
- Không tập trung
Nếu bạn cố gắng đọc khi đang xem TV, hay khi có nhiều thứ diễn ra xung quanh, bạn sẽ thấy rất khó để tập trung vào một từ. Trong một môi trường có nhiều sự sao nhãng sẽ làm bạn đọc chậm hơn.Vì vậy hãy ngừng làm nhiều việc cùng một lúc khi đang đọc sách. Nếu bạn nhớ lại cuộc thảo luân sôi nổi lúc trước, hoặc nghĩ xem mình sẽ đi đâu vào cuối tuần… đây sẽ là điều hạn chế bạn tiếp nhận thông tin.
Đọc nhanh không phải là một phép lạ. Nó là kỹ năng có thể học và chủ yếu là phải xóa bỏ thói quen đọc không tốt mà bạn vô tình tạo ra cho mình. Chỉ đọc nhanh hơn cũng không phải là điều quan trọng, quan trọng là bạn muốn đọc hiệu quả hơn. Khi được áp dụng đúng cách và luyện tập chăm chỉ, đọc nhanh có thể cải thiện tốc độ và hiệu suất của bạn đáng kể, giúp bạn có thể trang bị cho mình lượng kiến thức to lớn hơn với cùng một quỹ thời gian, đồng thời giúp cho bạn có thêm những khoảng thời gian quý báu để làm thêm những việc khác. Với mỗi loại sách chúng ta có cách tiếp cận và cách đọc khác nhau sao cho hiệu quả nhất và với mỗi cá nhân cũng vậy, không phải áp dụng cách đọc của người khác vào cho mình sẽ phù hợp, do vậy dựa trên hoàn cảnh sống, sở thích, tâm sinh lý… mà rút ra cho mình một kinh nghiệm thực tiễn trong việc đọc sách để mỗi trang sách đều mang đến cho bạn một kho báu tri thức lý thú và bổ ích.
Mai Thị Hương, Trung tâm TTKH và TLGK