I. Sự cần thiết ban hành Luật
Luật Thi đua, Khen thưởng đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003 tại kỳ họp thứ 4 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/ 2004; hai năm sau đó, tại kỳ họp thứ 7 (ngày 14/6/2005), Quốc hội khóa XI đã sửa đổi Điều 58 và bổ sung Điều 58a về danh hiệu vinh dự Nhà nước: “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng” và tiêu chuẩn được tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước: “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng”.
Qua 8 năm triển khai thực hiện, Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 đã phát huy tác dụng tích cực, tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; công tác khen thưởng ngày càng đi vào nề nếp, chặt chẽ và đạt được những kết quả quan trọng trên các mặt như: khen thưởng thành tích trong hai cuộc kháng chiến, khen thưởng niên hạn, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề, khen thưởng thường xuyên và khen thưởng đối ngoại, động viên, cổ vũ kịp thời cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân cả nước góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn như:
1. Việc tổ chức chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua chưa đồng đều ở các vùng miền và các thành phần kinh tế, đặc biệt đối với vùng nông thôn, địa bàn dân cư, khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Nhiều nơi, phong trào thi đua còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng Nhân dân; hiệu quả, tác dụng của các phong trào thi đua chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu.
2. Trong quá trình thực hiện, công tác khen thưởng còn có biểu hiện tràn lan; ý nghĩa tôn vinh, giáo dục trong khen thưởng còn hạn chế, có trường hợp được khen thưởng nhưng tính tiêu biểu, nêu gương chưa cao; quy trình, hồ sơ, thủ tục khen thưởng còn phức tạp, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
3. Một số quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 có đối tượng điều chỉnh khá rộng nhưng tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng lại mang tính khái quát, chưa được cụ thể hóa. Vì vậy, trong tổ chức thực hiện còn lúng túng, vướng mắc, đặc biệt chưa quy định rõ tiêu chuẩn khen thưởng đối với người lao động nói chung, công nhân, nông dân; khen thưởng mới chủ yếu tập trung trong khu vực nhà nước và các cấp lãnh đạo, quản lý.
4. Về điều kiện, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng trong quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 còn mang tính định tính, chưa rõ ràng như phải có danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp thấp mới được đề nghị khen thưởng ở cấp cao hơn. Vì vậy, khi triển khai, thực hiện đã gây ra tình trạng khen thưởng trùng lắp, khen thưởng theo tích lũy thành tích, không khuyến khích được những tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, hoặc sáng tạo trong thi đua lao động, sản xuất và công tác, nhất là những người lao động trực tiếp.
Mối quan hệ về thẩm quyền khen thưởng giữa quản lý theo ngành và lĩnh vực với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ còn chồng chéo, trùng lắp, dẫn đến tình trạng một đối tượng có cùng một thành tích, cùng một thời điểm nhưng có thể được khen thưởng cả ở ngành, lĩnh vực và cả ở Trung ương và cấp tỉnh.
5. Một số quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác như Bộ luật Lao động, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Di sản văn hoá, Luật Bình đẳng giới v.v…
Vì những lý do nêu trên, tại kỳ họp thứ 6, ngày 16/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2014.
II. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng đã quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau đây:
1. Kế thừa các quan điểm xây dựng Luật Thi đua, Khen thưởng đã được báo cáo tại các kỳ họp của Quốc hội (khóa XI); việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng lần này tiếp tục khẳng định mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Mọi cá nhân, tổ chức tham gia thi đua đều được xem xét, tặng thưởng các danh hiệu thi đua nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định; cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc, có công trạng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sẽ được ghi nhận biểu dương, khen thưởng.
2. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, tồn tại, tập trung vào các quy định về nâng cao tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng để tránh khen thưởng theo tích lũy thành tích, trùng lắp, tràn lan, dồn khen thưởng lên cấp trên và để nâng cao giá trị tôn vinh của các hình thức khen thưởng; quy định thống nhất các hình thức khen thưởng cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; làm rõ thẩm quyền khen thưởng và đề nghị khen thưởng của cơ quan Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng ở Trung ương, Kiểm toán Nhà nước.
3. Bảo đảm tính kịp thời, chính xác trong thi đua, khen thưởng nhằm huy động được sức mạnh và tính sáng tạo từ cơ sở và từ quần chúng Nhân dân; luật hoá một số quy định phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy định chi tiết của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 vào Luật sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và nâng cao tính pháp lý.
4. Nội dung Luật sửa đổi, bổ sung lần này phải phù hợp với yêu cầu của tiến trình cải cách hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình xem xét, quyết định khen thưởng.
III. Những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng
1. Trong tổng số 103 điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung lần này sửa đổi, bổ sung 47 điều và bổ sung Điều 91a, sửa đổi tên Chương IV, Chương V cho phù hợp với các nội dung đã được điều chỉnh; trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, bảo đảm chặt chẽ hơn, không lấy danh hiệu thi đua để làm căn cứ xét khen thưởng nhằm tránh việc tích lũy thành tích trong khen thưởng; đặc biệt xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể đối với các hình thức khen thưởng Huân chương, Bằng khen, Giấy khen cho nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp; bổ sung quy định về Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định chung, nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành danh hiệu thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
2. Về nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể:
a) Sửa đổi, bổ sung Điều 4, Điều 5, Điều 6 Chương I của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003
- Về Điều 4, Luật sửa đổi, bổ sung đã thay cụm từ “khen thưởng thường xuyên và đột xuất; khen thưởng theo niên hạn công tác” bằng cụm từ “khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, khen thưởng quá trình cống hiến”. Theo đó, hình thức khen thưởng theo Luật sửa đổi, bổ sung lần này gồm 4 loại cụ thể sau:
+ Khen thưởng qua tổng kết thành tích các giai đoạn cách mạng;
+ Khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được;
+ Khen thưởng quá trình cống hiến;
+ Khen thưởng đối ngoại.
- Về Điều 5, để phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã chuyển cụm từ “dân chủ” lên trước cụm từ “công bằng”, cụ thể như sau:
Mục tiêu của thi đua nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
- Về Điều 6, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã bổ sung nội dung: “không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được” vào điểm b khoản 2 Điều 6 và bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng vào khoản 3 Điều 6, cụ thể như sau:
“2. Nguyên tắc khen thưởng gồm:
a) Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời;
b) Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được;
c) Bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng;
d) Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.
3. Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng”.
b) Sửa đổi, bổ sung Điều 21, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 31 của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003
- Về Điều 21, để bảo đảm giá trị danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã bổ sung tiêu chuẩn lựa chọn những cá nhân xuất sắc nhất trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương, cụ thể như sau:
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất được lựa chọn trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương”.
- Về khoản 2 Điều 23, để bảo đảm việc công nhận “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được chính xác, tiêu biểu, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã bổ sung quy định được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho cá nhân có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận, cụ thể như sau:
“2. Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận”.
- Về Điều 24, bên cạnh việc bỏ cụm từ “công nhân” ở khoản 1, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã sửa đổi khoản 3 theo hướng quy định rõ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” cho công nhân, nông dân, người lao động không thuộc đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ Quân đội Nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an Nhân dân, cụ thể như sau:
“3. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” xét tặng cho công nhân, nông dân, người lao động không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Lao động sản xuất có hiệu quả, tích cực tham gia phong trào thi đua và hoạt động xã hội;
b) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có đạo đức, lối sống lành mạnh, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng”.
- Về khoản 2 Điều 25, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã bổ sung đối tượng được xét tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” là tập thể tiêu biểu xuất sắc nhất trong phong trào thi đua của cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương, cụ thể như sau:
“2. Là tập thể tiêu biểu xuất sắc nhất trong phong trào thi đua của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương”.
- Về Điều 31, cùng với việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 theo hướng: “Danh hiệu, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua đối với cá nhân, tập thể những người đang học tập tại nhà trường, cơ sở giáo dục khác theo quy định của pháp luật về giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc bộ, ngành, tổ chức quản lý nhà trường, cơ sở giáo dục quy định”, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã bổ sung quy định về các hình thức khen thưởng Cờ thi đua cấp quân khu, quân chủng, binh đoàn, tổng cục và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định nhằm kịp thời khen thưởng, động viên trực tiếp tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện phong trào thi đua, cụ thể như sau:
“2. Danh hiệu, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua đối với cá nhân, tập thể những người đang học tập tại nhà trường, cơ sở giáo dục khác theo quy định của pháp luật về giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc bộ, ngành, tổ chức quản lý nhà trường, cơ sở giáo dục quy định.
3. Cờ thi đua cấp quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng, tổng cục và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định”.
c) Về hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã sửa đổi, bổ sung 35 điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 (từ Điều 32 đến Điều 76) theo hướng nâng cao tiêu chuẩn xét tặng Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bổ sung tiêu chuẩn được khen thưởng “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Quân công”, “Huân chương Lao động”, “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” các hạng và Bằng khen; quy định đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ hơn các tiêu chí đối với khen thưởng theo công trạng, thành tích và rà soát, sửa đổi các quy định để hạn chế những trùng lặp về tiêu chuẩn giữa các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; quy định tiêu chuẩn cụ thể hơn các hình thức khen thưởng đối với công nhân, nông dân và người lao động trực tiếp; luật hóa một số quy định trong các văn bản quy định chi tiết của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003. Tuy nhiên, do đối tượng áp dụng của Luật này là cá nhân, tập thể, các nhóm đối tượng có tính chất, vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm hoạt động khác nhau nên không thể quy định điều kiện, tiêu chuẩn một cách đầy đủ, cụ thể ngay trong Luật. Trên cơ sở quy định của Luật, cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn cho từng nhóm đối tượng, từng lĩnh vực để bảo đảm tính khả thi và bao quát trong thực tiễn đời sống xã hội.
- Về Huân chương
+ Để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã bổ sung quy định: “Huân chương Sao vàng để tặng cho nguyên thủ quốc gia nước ngoài có công lao to lớn đối với đất nước Việt Nam” vào Điều 34 Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003.
+ Bổ sung quy định xét tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần thứ hai cho tập thể có quá trình phấn đấu lâu dài, liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 15 năm tiếp theo sau khi được tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần thứ nhất.
+ Sửa đổi, bổ sung các hình thức khen thưởng Huân chương (từ Điều 34 đến Điều 48 Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003) theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, không lấy danh hiệu thi đua làm điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể để xét các hình thức khen thưởng, mà căn cứ vào các thành tích đạt được và phạm vi ảnh hưởng để xét các hình thức khen thưởng cao hơn, khen thưởng tương xứng với thành tích đạt được, đồng thời quy định tiêu chuẩn để những người là công nhân, nông dân, người lao động, nếu có thành tích sẽ được khen thưởng.
+ Quy định thời gian xét khen thưởng từ “Huân chương Lao động” lên “Huân chương Độc lập” là 10 năm (trước đây là 5 năm); quy định thời gian xét khen thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh” và “Huân chương Sao vàng” là 25 năm (trước đây là 10 năm) nhằm thể hiện tính tôn vinh, cao quý của các hình thức khen thưởng này.
- Về Huy chương
+ Sửa đổi, bổ sung các điều 52, 54, 55, 56 Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 theo hướng quy định các cá nhân trong lực lượng vũ trang để tặng, xét tặng hoặc truy tặng các hình thức Huy chương và bổ sung đối tượng là công chức, viên chức, công nhân làm việc trong lực lượng vũ trang, các đối tượng có thời gian làm nhiệm vụ ở vùng biển, đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
+ Về “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang”, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã sửa đổi quy định chung đối với chiến sĩ có thời gian làm nhiệm vụ ở vùng biển, đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để bao quát được hết các đối tượng và giao Chính phủ quy định cụ thể địa bàn được ưu tiên; đây là quy định đối với chiến sĩ làm nghĩa vụ có thời gian công tác không dài và chỉ áp dụng đối với “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” hạng ba. Bên cạnh đó, việc nâng thời gian xét tặng “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” các hạng là để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quá trình cống hiến của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị khen thưởng, khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan.
+ Về “Huy chương Hữu nghị”, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã chỉnh sửa Điều 57 theo hướng “Huy chương Hữu nghị” để tặng cho người nước ngoài có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
- Về danh hiệu vinh dự Nhà nước
+ Sửa đổi các điều 60, 61 Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2003 nhằm nâng cao tiêu chuẩn và quy định về thời điểm xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động) theo hướng 5 năm xét tặng một lần vào dịp Đại hội thi đua yêu nước các cấp thay cho xét tặng hàng năm như hiện nay cho phù hợp với việc tổng kết, đánh giá kết quả 05 năm thực hiện kế hoạch kinh tế, xã hội của đất nước, trừ những trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.
+Nâng cao tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu: “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú”, danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” và quy định thời điểm xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước như “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú”, Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân:, “Nhà giáo ưu tú” theo hướng 03 năm xét tặng một lần thay cho 02 năm như hiện nay.
+ Sửa đổi, bổ sung Điều 65 Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2003 để bảo đảm thống nhất giữa Luật Thi đua - Khen thưởng với Luật Di sản văn hóa về đối tượng phong tặng danh hiệu: “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, theo hướng danh hiệu này dùng để tặng cho cá nhân có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa bao gồm cả di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể.
+ Sửa đổi Điều 68 Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2003 về thời điểm xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” theo hướng 05 năm xét một lần thay cho 02 năm một lần như hiện nay để bảo đảm tính thống nhất với việc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”.
- Về Kỷ niệm chương, Huy hiệu
Bổ sung vào Điều 69 Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2003 thẩm quyền ban hành Huy hiệu cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tặng cho cá nhân, tập thể có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ lao động, sản xuất, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Về Bằng khen
Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã sửa đổi, bổ sung các điều 71, 72, 73 của Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2003 theo hướng:
+ Nâng cao tiêu chuẩn được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương;
+ Phân cấp thẩm quyền ban hành hình thức Bằng khen của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đặc thù để bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng như bổ sung quy định về thẩm quyền ban hành hình thức Bằng khen cấp quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng, tổng cục và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; bổ sung hình thức Bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh; quy định khen thưởng bằng hình thức Bằng khen đối với gia đình có thành tích.
- Về Giấy khen
+ Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 74 Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2003 về phân cấp thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua và tặng Giấy khen của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã để đảm bảo tính thống nhất trong việc khen thưởng đối với các thành phần kinh tế; nâng cao tiêu chuẩn của hình thức Giấy khen và bổ sung quy định việc áp dụng khen thưởng bằng hình thức Bằng khen đối với gia đình.
d) Sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền quyết định, trao tặng, thủ tục, hồ sơ đề nghị danh hiệu thi đua tại các điều 77, 79, 80, 83 và 84 của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003
- Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã thay tên Chương IV “Thẩm quyền quyết định trao tặng, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng” Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2003 bằng tên “Thẩm quyền quyết định, trao tặng, thủ tục, hồ sơ xét đề nghị danh hiệu thi đua và khen thưởng” cho phù hợp với nội dung đã được sửa đổi, bổ sung.
- Bổ sung các quy định cụ thể về thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền đề nghị khen thưởng Huân chương, Huy chương, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu vinh dự Nhà nước, Cờ thi đua của Chính phủ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” đối với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở Trung ương, Tổng Kiểm toán nhà nước, lãnh đạo cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.
- Bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền công nhận danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, “Tập thể lao động xuất sắc” trong Quân đội Nhân dân Việt Nam do Chính phủ quy định.
- Quy định cụ thể về việc khen thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương (do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình).
- Sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ khi đề nghị phong tặng danh hiệu thi đua theo hướng phải có văn bản của cấp đề nghị; trong hồ sơ đề nghị khen thưởng phải có biên bản xét khen thưởng để bảo đảm tính chặt chẽ trong việc xét, phong tặng danh hiệu thi đua và đề nghị khen thưởng.
đ) Về tên Chương V
Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã thay tên Chương V “Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được khen thưởng” Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2003 bằng tên “Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng” cho phù hợp với nội dung của Chương này.
e) Về quản lý Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng
Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã bổ sung 01 điều (Điều 91a) quy định về Hội đồng thi đua - khen thưởng Trung ương; Hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp nhằm nâng cao vai trò, vị trí của Hội đồng thi đua - khen thưởng Trung ương; Hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp.
g) Về hiệu lực thi hành của Luật
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2014.
Trước ngày 01/6/2014, các cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về niên hạn để xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2003 mà chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn về niên hạn theo quy định của Luật này sẽ được xem xét, quyết định khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2003. Việc xem xét, quyết định khen thưởng cho các đối tượng này được thực hiện trước ngày 31/12/2014. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
Biên tập : Đào Minh - Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an