Thứ Hai, 2/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu

Trước kia, mật gấu (Hùng đởm) được dùng trong nhiều bài thuốc Đông y. Tuy nhiên để bảo vệ loài gấu khỏi nguy cơ tuyệt chủng, chúng ta hãy chữa bệnh bằng những cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu.

Cuốn sách “Những cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu” do Tổ chức Động vật châu Á phối hợp cùng Trung ương Hội Đông Y Việt Nam phát hành, nhằm khuyến khích việc bảo tồn các loài gấu Việt Nam và chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, khai thác, buôn bán và sử dụng mật gấu. Báo Sức khỏe&Đời sống, xin giới thiệu với bà con một số cây thuốc quý này.

Cỏ mật gấu

Cỏ mật gấu,  là loại cây thảo có thân biến thiên, dày thì mọc đứng, thưa thì mọc bò, có 4 góc rõ rệt ít hay nhiều, có lông, cao 15cm – 1m, phân nhánh ít hay nhiều. Lá mọc đối, phiến lá hình trứng, mép khía răng cưa, gân phụ 5 – 6 cặp, cuống 1,5cm. Cụm hoa hình chùy thưa ở ngọn, dài 10 – 20cm, lá bắc rất nhỏ, rụng sớm. Hoa có cuống dài, rất nhỏ; đài hình chuông, 5 răng; tràng dài gấp đôi đài, màu trắng có chấm hồng, ống hình trụ, phiến hai môi, môi trên 4 thùy, môi dưới nguyên; nhị 4, thò ra ngoài; vòi nhụy chẻ đôi ít. Quả bế nhỏ, tù, nhẵn. Hoa tháng 8 – 11. Bộ phận dùng: Toàn cây.

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, lọc máu và tán ứ.

Cỏ mật gấu.

Hồng hoa

Cây nhỏ, sống hàng năm, cao 0,6 – 1m hay hơn. Thân đứng, nhẵn, có vạch dọc, phân cành ở ngọn. Lá mọc so le, gần như không cuống, gốc tròn ôm lấy thân. Phiến hình bầu dục hay hình trứng dài 4 – 9cm, rộng 1 – 3cm, chóp nhọn sắc, mép có răng cưa nhọn không đều, mặt lá nhẵn, màu xanh lục sẫm, gân chính giữa lồi cao. Cụm hoa đầu ở ngọn thân; bao chung gồm nhiều vòng lá bắc có hình dạng và kích thước khác nhau, có gai ở mép hay ở chóp, hoa nhỏ, màu đỏ cam, đẹp, đính trên đế hoa dẹt. Quả bế, hình trứng, có 4 vạch lồi.  Mùa hoa tháng 5 – 7; quả tháng 7 – 9.

Hồng hoa.

Bộ phận dùng: Hoa gọi là hồng hoa.

Nơi sống và thu hái: Cây có nguồn gốc ở Ả Rập, nay được trồng nhiều ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và ở nhiều nước khác trên thế giới. Ở nước ta, trước đây có trồng nhiều ở Hà Giang, sau đó ít thấy trồng, đến năm 1970, ta lại nhập giống đem trồng ở nhiều nơi, từ Hà Nội cho tới Đà Lạt. Thường trồng bằng hạt vào mùa xuân. Thu hái hoa đang nở có màu hồng đỏ, phơi ở nắng nhẹ, trong râm cho khô. Để tiện bảo quản, sau khi hái, lấy cánh hoa giã thành bánh rồi phơi khô.

Thành phần hóa học: Trong hoa có sắc tố màu đỏ là carthamin (0,3 – 0,6%) không tan trong nước và một số sắc tố màu vàng tan trong nước. Còn có isocarthamin sẽ chuyển dần thành carthami, luteolin 7-glucosid và 3 – rhamnoglucosid của kaempferol. Hạt chứa 20-30% dầu, 12 – 15% protein. Dầu này giàu về các glycerid của các axit béo không trung hòa, có hàm lượng đến 90%.

Tính vị, tác dụng: Hồng hoa có vị cay, tính ấm; vào kinh Can tác dụng hoạt huyết, phá ứ huyết, sinh tân huyết và thông kinh.

Công dụng: Hồng hoa được dùng chữa bế kinh, đau kinh, ứ huyết sau khi đẻ, khí hư, viêm tử cung, viêm buồng trứng, chữa chấn thương ứ huyết sưng đau.

Huyết dụ

Cây nhỏ cao cỡ 1 – 2m. Thân mảnh to bằng ngón tay cái, mang nhiều vết sẹo của những lá đã rụng. Lá mọc tập trung ở ngọn, dài 20 – 35cm, rộng 1,2 – 2,4cm, màu đỏ tía; có thứ lá mặt trên màu đỏ, mặt dưới màu xanh. Hoa màu trắng pha tím, mọc thành chùy dài ở ngọn thân. Quả mọng chứa 1 – 2 hạt.

Huyết dụ.

Bộ phận dùng: Hoa, lá và rễ.

Nơi sống và thu hái: Cây trồng làm cảnh phổ biến ở nhiều nơi. Thu hái hoa vào mùa hè. Khi trời khô ráo, cắt lá, loại bỏ lá sâu, đem phơi hay sấy nhẹ đến khô. Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, phơi khô.

Tính vị, tác dụng: Huyết dụ có vị hơi ngọt, tính bình; có tác dụng làm mát huyết, cầm máu, tán ứ định thống.

Tác dụng: Tán ứ định thống, lương huyết:

Công dụng: Chữa chấn thương huyết ứ sưng tấy, thổ huyết, khái huyết, niệu huyết, rong huyết, băng huyết, lậu huyết, kinh nguyệt ra máu quá nhiều.

Lưu ý: Ở  nước ta, đã có một số trường hợp tử vong có liên quan đến uống mật gấu  và tự ý sử dụng thuốc y học cổ truyền. Chính vì vậy, tuyệt đối không được tự ý sử dụng  khi chưa có ý kiến của các nhà chuyên môn. Ngoài ra, uống mật gấu còn có thể gây ra một số triệu chứng nhiễm độc như tổn thương gan và thận, vàng da, chán ăn, mệt mỏi, mắt đỏ, cơ thể đau nhức, hồng cầu trong nước tiểu…

Trích nguồn: Báo sức khỏe
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè