Thị trường Hà Nội đang “sốt” quả thanh mai hay còn gọi là dâu rừng, một loại quả có vị chua nhẹ. Qua nhiều đồn thổi, giá loại quả rừng này đã được đẩy lên 100.000-200.000 đồng/kg, trong khi đó theo nhận định, phần lớn từ Trung Quốc nhập về.
Quả rừng thành “hot”
Có mặt trên thị trường Hà Nội từ vài năm nay, nhưng hè này, quả thanh mai (quả nhỏ như quả sung, nhưng có màu đỏ đậm như quả mận hậu, bên ngoài có gai mềm) bỗng được người tiêu dùng săn lùng như “quả rừng quý”. Bởi vậy, giá loại quả rừng này đang được đẩy lên rất cao, đắt như nho Mỹ nhập khẩu. Quả thanh mai về phố từ khoảng đầu tháng 4 với giá chỉ khoảng 75.000 đồng/kg. Hiện đang là cuối mùa, giá bán dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/kg do có nhiều người hỏi mua loại quả này.
Khảo sát trên một số tuyến phố như Tôn Thất Tùng, Xã Đàn, Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa), Giải Phóng, Nguyễn Xiển (Hoàng Mai)... quả thanh mai được bán khá nhiều, giá dao động từ 60.000-150.000 đồng/kg, tùy loại to nhỏ. Còn trên các trang mạng xã hội, giá loại quả này từ 100.000-130.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Nga, bán rong hoa quả khu vực chợ Hồ Đắc Di cho hay, từ tờ mờ sáng chị đã phải lên chợ Long Biên để lấy hoa quả về bán, trong đó có quả thanh mai. “Những ngày nắng nóng, chị em rất thích ăn loại quả này nên bán cũng khá chạy. Mỗi ngày tôi bán khoảng 20-30kg, giá thì tùy từng ngày. Có ngày chỉ 60.000 đồng/kg, nhưng có ngày lên tới 80.000 đồng/kg, tùy thuộc hàng về chợ Long Biên nhiều hay ít”, chị Nga chia sẻ.
Do mới xuất hiện, lại được cho là quả rừng nên phần lớn người tiêu dùng cũng mù mờ về nguồn gốc, tác dụng của loại quả này, chủ yếu mua và ăn theo phong trào. Chị Trần Thị Thúy Hạnh công tác tại một cơ quan trên đường Hoàng Cầu, vừa mặc cả vừa nhanh tay chọn những quả thanh mai ưng ý để mua. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc cũng như tác dụng của loại quả này thì chị Hạnh gần như không hay.
“Gọi là quả dâu rừng thì đúng hơn”
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, mấy ngày qua khi thấy quả thanh mai bày bán nhiều tại Hà Nội, ông cũng mua về ăn thử. Tuy nhiên, qua quan sát thì quả thanh mai đang bày bán tràn ngập ở Hà Nội không giống quả thanh mai làm vị thuốc trong đông y xưa nay mà giống quả dâu rừng hơn. “Theo các tài liệu trong đông y, quả thanh mai có vị chua, ngọt, tính bình, có tác dụng lý khí, tán ứ, thanh thấp nhiệt. Còn với loại quả được gọi là thanh mai đang bày bán ở Hà Nội tôi cũng không biết rõ có xuất xứ từ đâu. Tuy nhiên qua ăn thử thì thấy quả này rất mát, ngọt, có tác dụng giải nhiệt tốt” - lương y Vũ Quốc Trung nói.
Được biết, tại Trung Quốc, quả thanh mai để chữa ho, đau dạ dày, tiêu chảy, lỵ. Hạt được dùng chữa mồ hôi chân. Vỏ thân, rễ dùng dưới dạng sắc để điều trị vết loét ngoài da hoặc ngộ độc thạch tín.
“Cũng không rõ quả có tác dụng gì. Ăn thấy có vị chua nhè nhẹ, ngòn ngọt nên mua một ít về ăn. Hỏi thì người bán đều bảo quả mọc trên rừng, ở mấy tỉnh như Lào Cai, Quảng Ninh”, chị Hạnh bộc bạch. Bên cạnh đó, một số ít người còn mua thanh mai về ngâm đường làm siro để giải nhiệt vào ngày hè. Trên các diễn đàn mạng, công dụng của quả thanh mai cũng được “thần kỳ” hóa như tốt cho máu và não, tăng khả năng miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, tốt cho mắt và da, nhiều vitamin C…
Toàn hàng thanh mai từ Trung Quốc
Nhiều người cho rằng thanh mai được trồng phổ biến trên đồi tại một số vùng phía Bắc như Quảng Ninh, Lào Cai. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai khẳng định, trên địa bàn Lào Cai không trồng loại cây thanh mai hay còn gọi là dâu rừng. “Thanh mai từ Lào Cai về toàn bộ nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các thương lái cũng không nhập qua chính ngạch mà toàn bộ là do bà con cư dân biên giới vận chuyển qua đường biên mậu. Thương lái sẽ thu gom, tập kết lại và đưa về xuôi”.
Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh Chu Văn Tuyển cũng khá bất ngờ khi được hỏi về quả thanh mai được trồng và thu hoạch đưa lên thị trường Hà Nội tiêu thụ. “Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chỉ có khoảng 200 cây được trồng ở Vân Đồn, nhưng cũng đã hết mùa từ tháng 4. Sản lượng mỗi năm chỉ được chừng 6-7 tạ, còn lại không nơi nào trên địa bàn tỉnh có loại cây này. Thông tin khu vực Yên Tử có trồng loại cây này là không đúng” - ông Chu Văn Tuyển cho biết. Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh thông tin thêm, trong rừng hiện nay cũng không còn cây thanh mai, vì cây này khó trồng, khó phát triển, quả lại dễ bị sâu, giòi xâm hại.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Chi Cục trưởng Chi Cục kiểm dịch thực vật vùng Lào Cai cho biết, quả thanh mai được Trung Quốc trồng hàng hóa, nên có nhiều để xuất khẩu. Còn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chỉ có một số ít mọc trong rừng, người dân cũng không trồng. “Quả thanh mai được nhập khẩu từ Trung Quốc đưa về Lào Cai qua đường tiểu ngạch. Nhưng số lượng nhập cũng không nhiều vì tiêu thụ chủ yếu ở mấy tỉnh dưới xuôi như Hà Nội, Hải Phòng… Còn trên địa bàn tỉnh Lào Cai thì gần như người dân không có nhu cầu sử dụng”.
Trích nguồn: Báo điện tử ANTĐ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK