Thứ Hai, 2/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thất bại của Trung Quốc ở Biển Đông là bị thế giới cô lập

Hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông của Trung Quốc vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận quốc tế, và thái độ bất hợp tác của Bắc Kinh đã bị dư luận thế giới chỉ trích và ngày càng khiến quốc gia này rơi vào thế bị cô lập.

Gần nhất, lãnh đạo nhóm nước G-7 gồm 7 cường quốc hàng đầu thế giới đang nhóm họp ở tại Brussels, Bỉ, đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước châu Á khác trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. G7 cũng đã ngầm cảnh báo Trung Quốc: "Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương của bất kỳ nước nào nhằm tranh giành chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thông qua việc sử dụng sự dọa dẫm, bắt nạt, ép buộc hay dùng vũ lực".

Trung Quốc sợ ra tòa

Tại Hội nghị đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngoài việc bóc trần các hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian qua, ông Abe còn có một nước cờ khiến Trung Quốc phải “tái mặt” khi  đưa ra lời “tuyên chiến pháp lý” với Trung Quốc rằng Senkaku là một "phần lãnh thổ của Nhật Bản", và có lẽ Trung Quốc nên nộp đơn khiếu nại lên tòa án nếu họ tin theo cách khác. Người đứng đầu Chính phủ Nhật thách Trung Quốc theo đuổi một biện pháp mang tính pháp lý để giải quyết vấn đề trong khu vực. Trong khi Trung Quốc từ xưa đến giờ luôn tuyên bố lãnh thổ, lãnh hải theo kiểu tùy ngôn, bất chấp luật pháp quốc tế và quyền lợi của láng giềng thì lại chưa bao giờ dám theo đuổi những biện pháp mang tính tôn trọng pháp lý như đưa ra tòa án quốc tế. Trong vụ kiện của Philippines, Trung Quốc tìm những cách để từ chối biện pháp này, đơn giản vì Trung Quốc đuối lý. Song việc từ chối ra tòa của Trung Quốc cũng đã cho thế giới nhận ra rằng Trung Quốc không có những chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền, mà thường tự khẳng định theo cách riêng của mình.

Tuần qua, Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) thụ lý vụ kiện do Philippines khởi xướng đã yêu cầu Trung Quốc đưa ra phản biện trước ngày 15-12-2014, dù Bắc Kinh chối bỏ vụ kiện mà muốn hai bên tự giải quyết tranh chấp. Trung Quốc luôn đề xuất giải quyết bất đồng thông qua đàm phán "song phương” để “bẻ từng chiếc đũa một”,  tìm mọi cách để chia rẽ ASEAN, ngăn cản tình đoàn kết, sự hợp tác, liên kết quốc tế, chia rẽ dư luận trong nước và quốc tế bằng những thủ đoạn vu cáo trắng trợn, đổi trắng thay đen. Bình luận viên Andrew Browne của tờ Wall Street Journal nhận định rằng cách hành xử thô bạo của Trung Quốc với Việt Nam trong khi hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc Bắc Kinh thuyết phục các nước khác trong khu vực từ bỏ cơ chế đa phương trong giải quyết tranh chấp.

Vụ kiện bắt nguồn từ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông, trong đó có cả những vùng thuộc đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Mong muốn của Manila là ngay cả khi từ chối tham gia vụ kiện, uy tín quốc tế của Bắc Kinh cũng sẽ chịu tổn hại lớn, đặc biệt khi phán quyết của tòa có lợi cho Philippines. Nước này cũng hy vọng một số nước tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia, tham gia cùng Manila hoặc mở một vụ kiện khác. Khi đó, địa vị quốc tế mà Trung Quốc nỗ lực xây dựng trong những năm qua sẽ bị tổn hại hơn nữa. Đây sẽ là điều tệ hại mà Trung Quốc rất sợ.

Sau nhiều lần kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng Trung Quốc tỏ ý bất hợp tác, Việt Nam đang xem xét khả năng đưa vụ việc ra tòa án quốc tế để làm rõ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Trong tương lai gần, nếu Nhật Bản và các nước ASEAN đồng khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế mà Bắc Kinh vẫn không dám ra tòa thì sẽ khiến cho nước này phải trả một cái giá đắt đó là khó ngẩng mặt trên trường quốc tế.

Từ “liên minh pháp lý” tới “liên minh an ninh nan quạt”

Diễn biến những ngày qua cho thấy, luật pháp quốc tế và dư luận quốc tế dường như ủng hộ các nước láng giềng đang bị Trung Quốc bắt nạt. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng điều Bắc Kinh không muốn nhất là quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Nhưng trái với tính toán của Bắc Kinh, ASEAN đã tỏ rõ sức mạnh đoàn kết của cả khối trong việc đồng thuận đưa tình hình Biển Đông vào các văn kiện của Hội nghị cấp cao (tuyên bố Nay Pyi daw và Tuyên bố Chủ tịch) tháng 5-2014. Tới đây, một khi Trung Quốc từ bỏ phương thức giải quyết bất đồng bằng con đường luật pháp quốc tế, các nước trong khu vực chắc chắn phải liên kết pháp lý với nhau để đối phó với thái độ hung hăng của Bắc Kinh. Nhật Bản đang bước đầu hình thành “liên minh pháp lý” để chống lại thái độ hung hăng bất chấp luật pháp của Bắc Kinh trên biển. Không phải ngẫu nhiên mà ông Abe tuyên bố Nhật đồng ý viện trợ cho Philippines 10 tàu tuần tra phục vụ ở biển Đông, cho Indonesia 3 tàu và thúc đẩy việc cung cấp cho Việt Nam tàu tuần tra.

Cũng tại tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng, các tranh chấp về tài nguyên thiên nhiên, chủ quyền lãnh thổ và bối cảnh tăng trưởng kinh tế bất ổn như hiện nay đặt an ninh châu Á trước thách thức mới, đặc biệt với các diễn biến mới đây tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Chính vì vậy, châu Á cần phải xây dựng được một cơ chế có sức kháng cự lớn, nhằm tạo được các đồng thuận và niềm tin chính trị.

Theo tờ The Diplomat, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục không tuân thủ luật pháp quốc tế khi gây hấn và ép buộc các nước láng giềng trong các tranh chấp lãnh thổ thì mục đích của “liên minh NATO châu Á” là nhằm chống lại sự hung hăng và hiếu chiến ngày một tăng của Trung Quốc là điều dễ xảy ra. Tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đang âm thầm thiết lập một “cấu trúc an ninh” bao gồm các đối tác chiến lược và đồng minh của mình. Mỹ đang trong quá trình xây dựng một “kiến trúc an ninh mới” cùng một số nước ở châu Á - Thái Bình Dương để đối phó sự khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Tờ The Star của Philippines còn cho biết thêm, hiện tại các “nan quạt” của cấu trúc an ninh này ngoài Philippines còn có Australia, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan.

Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo An ninh Thủ Đô

Gửi cho bạn bè