Thứ Hai, 2/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thế giới cần có hành động quyết liệt để ngăn chặn âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc

Những nhận định này được báo chí nước ngoài đăng tải liên tục trong nhiều ngày qua với lời khẳng định rằng, ngoài sự phản đối, thế giới cần phải có hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn âm mưu “thôn tính biển Đông” của Trung Quốc. Hành động sai trái của Trung Quốc trên biển Đông thời gian qua cho thấy, sẽ không có một quốc gia nào trong khu vực nằm ngoài tầm ngắm “khiêu khích” của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

ASEAN phải đóng vai trò trung tâm

Trong bài bình luận đăng trên số báo ra ngày 3/6, tờ The Nation của Thái Lan đã phân tích khá kỹ về tình hình biển Đông hiện nay cũng như những động thái của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong những ngày qua. Theo tờ báo này, Bangkok đang quá bận rộn với vấn đề nội bộ của mình nên khó có thể đóng vai trò hoặc hoàn thành tốt vai trò trung gian giữa ASEAN và Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông.

Tuy nhiên, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2014, Myanmar không có lý do gì để khoanh tay đứng nhìn bởi theo tờ báo này, những lo ngại về các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các bên liên quan có thể dẫn đến nhiều điều không hay. Tờ The Nation đã dẫn chứng cụ thể rằng, chỉ trong thời gian ngắn, trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Nay Pyi Taw (Myanmar) hồi tháng trước, Trung Quốc đã khiến tình hình thêm xấu đi bằng hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng đoàn tàu thuyền hộ tống vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Chưa hết, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục khiến tình hình leo thang căng thẳng khi cho phép tàu thuyền của mình hung hăng đâm chìm tàu cá Việt Nam trên vùng biển gần giàn khoan Hải Dương 981… Những hành động này đã đi ngược lại những tuyên bố và những thỏa thuận mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN nói chung cũng như ký kết với Việt Nam nói riêng.

Vì thế, bài báo khẳng định, đã đến lúc ASEAN cần vào cuộc mạnh mẽ hơn bằng cách đưa tất cả các bên ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra tiếng nói chung. Động thái này có thể không kết thúc được các tranh chấp nhưng nó sẽ giúp ngăn chặn các hành động đơn phương kích động bạo lực. Về phía ASEAN, tổ chức này cần phải thể hiện rõ hơn nữa vai trò đối với an ninh khu vực.

Đồng quan điểm mà bài báo của tờ The Nation đã nêu ra, hôm 2/6, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã mở đầu diễn văn khai mạc một hội nghị an ninh của nước này bằng câu nói: “Những cuộc đàm phán cần được hoàn tất trong tương lai rất gần". Điều đó có nghĩa là ông Najib Razak đang thúc giục ASEAN sớm hoàn tất việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) với ASEAN để tạo ra khung pháp lý ứng xử cho các quốc gia trong vùng biển tranh chấp ở khu vực.

Trên thực tế, yêu cầu về COC đang ngày càng trở nên cấp thiết nhất là khi Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của họ trên biển Đông. Hiện tại, các quan chức ASEAN cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ với đại diện Trung Quốc nhưng chưa nhận thấy dấu hiệu tích cực, cầu thị của chính quyền Bắc Kinh để sớm đi vào thương lượng thực chất về COC.

Trung Quốc là nhân tố gây bất ổn

Có thể thấy rằng, tình hình biển Đông vẫn đang tiếp tục là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận quốc tế. Đặc biệt, sau Diễn đàn đối thoại Shangri-La lần thứ 13, giới truyền thông và các chuyên gia quốc tế càng “mạnh tay” hơn trong việc vạch trần sự hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở biển Đông.

Cụ thể, hôm 2/6, tròn một tháng Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, thư ký Bộ Quốc phòng Australia Dennis Richardson một lần nữa đã cảnh báo về nguy cơ xung đột liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông. Theo lời ông Richardson, động thái nguy hiểm gần nhất là việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Đây là một hành động vô nhân đạo và không thể chấp nhận được.

Về sự kiện này, nhiều tờ báo của Anh, Pháp, Đức, Mỹ cũng đã lên tiếng, cảnh báo sự hung hăng của các tàu Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam. Thậm chí, phóng viên kênh CNN của Mỹ còn thực hiện một cuộc phỏng vấn các thủy thủ tàu cá DNA 90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tác giả Euan McKirdy đã viết: “Lời kể của các ngư dân hoàn toàn khác so với thông tin từ phía Trung Quốc về vụ việc. Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã của chính quyền Trung Quốc, tàu Việt Nam đã “quấy rối” một tàu Trung Quốc đang đánh bắt trong vùng nước gần đảo Hoàng Sa, một khu đảo hầu như không có người ở được Trung Quốc gọi là đảo Tây Sa. Nhưng sự thật không phải vậy”.

Euan McKirdy còn nhấn mạnh: “Khi đánh bắt cá trên những vùng biển bị tranh chấp chủ quyền dữ dội, sẽ có những rủi ro nhất định mà ngư dân phải chấp nhận. Với thủy thủ trên tàu cá DNA 90152 TS của Việt Nam, tình huống tồi tệ nhất đã xảy ra hồi tuần trước, khi tàu của họ bị đâm chìm bởi một tàu được khẳng định của quân đội Trung Quốc”…

Trong khi đó, Asahi Shimbun, nhật báo lớn thứ 2 ở Nhật Bản cũng có bài xã luận mới yêu cầu “Trung Quốc phải dừng hành vi hung hăng” ở biển Đông và “có suy nghĩ nghiêm túc về cách họ nên hành xử như thế nào mới xứng tầm một nước lớn có trách nhiệm”. Còn trang mạng Gazeta.ru của Nga có bài viết mang tựa đề “Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận” của nhà báo Vladimir Koryagin, trong đó đưa ra một số chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ yêu sách chủ quyền phi căn cứ của Trung Quốc và cung cấp cho đọc giả thông tin khái quát về diễn biến tranh chấp xung quanh quần đảo này.

Biên tập: Mai Loan - Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online

Gửi cho bạn bè