Thập niên 1920, sau “cú đánh kép” Thế chiến I và cúm Tây Ban Nha, thế giới vươn mình mạnh mẽ bằng những sáng tạo và thịnh vượng. Một thế kỷ sau, nhân loại tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19, trải qua cảm giác đau thương đến tận cùng. Liệu thế hệ giờ đây, sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần của thứ virus nguy hiểm ấy, có tạo nên một trạng thái bình thường mới, “bùng nổ tuổi đôi mươi” lần thứ hai trong lịch sử?
Kịch bản trái chiều
Cách đây hơn 100 năm, cúm Tây Ban Nha cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người. Giờ đây, COVID-19 là “thần chết” mới, tương đồng với thảm kịch từ thế kỷ trước, với tốc độ lây lan chóng mặt. Nơi nào phản ứng khẩn cấp sớm, cấm tập trung đông người, thì sớm hạn chế được thiệt hại. Các từ khoá cách ly, khẩu trang hay bệnh viện dã chiến xuất hiện dày đặc, với những lo sợ ngày càng tăng dần.
Bốn làn sóng kinh hoàng của cúm Tây Ban Nha đi qua, rồi tàn dư của Thế chiến I tưởng chừng đẩy cả nhân loại xuống bờ vực tuyệt vọng. Thế nhưng, “những tháng năm khác thường” sau đó lại mở ra sự thăng hoa mạnh mẽ. Tiến sĩ Agnes Arnold-Forster nhắc lại tên gọi “bùng nổ tuổi đôi mươi”, ám chỉ một giai đoạn thiết lập vị thế cường quốc thịnh vượng thông qua việc xác lập các giá trị sống mới ở Bắc Mỹ và châu Âu. Thời điểm này chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ô tô, máy bay, điện thoại và phim ảnh. Chính trường trở nên sôi động khi phụ nữ giành quyền bầu cử, bước chân vào thị trường lao động cạnh tranh với nam giới cũng như có tiếng nói quan trọng với các vấn đề chính trị.
Một số chuyên gia lý giải biến chuyển bất thường này xuất phát từ tâm lý cuộc sống mong manh và tương lai vô định. Con người bấy giờ vừa phải chịu đựng một cuộc chiến tranh toàn cầu cùng lúc với virus bệnh tật, nên họ muốn tận dụng hiện tại bằng cách chi tiêu nhiều hơn bình thường. Điều này đã thúc đẩy sự gia tăng sản xuất, từ đó kích thích nền kinh tế đang sa sút. Vậy nên, nhà nghiên cứu Adil Najam từng miêu tả thập niên 1920 tựa cái giỏ hàng: mỗi ngày một ý tưởng mới, một sản phẩm khác, một thứ lạ để mua.
Liệu điều tương tự sẽ xảy ra với chúng ta của hiện tại, sau khi COVID-19 suy yếu? Agnes Arnold-Forster tin vào những điều tích cực. Chạy đua vaccine mở ra hy vọng, và giống những năm 1920, thế giới sẽ bùng nổ thêm một lần nữa. Kỷ nguyên từ xa nở rộ khi con người làm việc tại nhà, khám bệnh qua Internet và biến mọi ý tưởng kinh doanh thành... điện tử. Tự động hóa trở nên phổ biến, robot khắp mọi nơi, thay thế dần tiếp xúc trực tiếp người với người.
Bốn làn sóng kinh hoàng của cúm Tây Ban Nha đi qua, và sau đó là “những tháng năm khác thường” thăng hoa mạnh mẽ.
Một thế hệ I Zoomed (tôi nhìn mọi người qua màn hình Zoom trực tuyến) ra đời, tạo tiền đề cho những cải cách của hệ thống giáo dục truyền thống. Adil Najam chia sẻ, kinh tế sẽ tiếp tục chuyến tàu xuyên quốc gia, tạo những vòng kết nối đáng kinh ngạc để mau chóng phục hồi. COVID đánh thức chúng ta về vai trò của môi trường - cũng quan trọng như sức khỏe vậy, để từ đó nhắc nhở mỗi quốc gia cần cam kết chống lại biến đổi khí hậu mạnh mẽ hơn trước khi quá muộn.
Tất nhiên, khoảng cách hơn 100 năm cũng hé lộ nhiều điểm khác biệt giữa hai đại dịch, làm dấy lên nỗi lo về một bức tranh toàn cảnh màu xám. Cúm Tây Ban Nha diễn ra sau Thế chiến I, dẫn tới tái cấu trúc trật tự xã hội, thay đổi các giá trị truyền thống liên quan tới vai trò của phụ nữ hay năng lực sáng tạo. Do không có chính sách phong tỏa nên kinh tế không bị tác động nặng nề vì các biện pháp dịch tễ. Thời điểm năm 2020-2021 thì ngược lại, kinh tế toàn cầu gần như chững lại, đẩy cả thế giới vào giai đoạn suy thoái.
Trải qua thập niên 1920, ai đó nhớ tới hình ảnh hộp đêm, nhạc jazz, và những cuộc chơi thâu đêm. Giờ đây, chúng ta cũng sẽ như thế, chúc mừng nhau trong mấy cuộc vui sau đại dịch. Adil Najam cảnh báo: niềm vui luôn đi kèm “hóa đơn lớn”. Nới lỏng giãn cách để quen dần với trạng thái bình thường mới không đồng nghĩa với mọi thứ đã ổn. Hậu COVID, thất nghiệp, áp lực tài chính, chênh lệch giàu nghèo cùng làn sóng phân biệt chủng tộc gia tăng, khiến chúng ta rơi vào vòng xoáy tâm lý tiêu cực, trở thành nạn nhân của nỗi sợ và trầm cảm kéo dài. Thế kỷ 21, tương lai bỗng dưng thật mong manh.
Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc kết hợp các chính sách kích thích kinh tế cùng giải pháp vaccine COVID-19 để mang lại một cuộc bùng nổ tài chính kéo dài - giống như đã từng xảy ra trong những năm 1920 sau khi đại dịch cúm kết thúc. Tuy nhiên, chưa ai dám chắc liệu chúng ta có đang đi cùng làn sóng thịnh vượng, dòng chảy của tiền bạc, và sự đổi mới. Cảm giác bất an còn đó khi nhìn vào giai đoạn “bùng nổ tuổi đôi mươi” trước đây: rốt cuộc, những năm 1920 đã kết thúc với cuộc Đại suy thoái. Dù hiện nay, kịch bản của một cuộc Đại suy thoái mới rất khó xảy ra nhưng Adil Najam thừa nhận thế giới vẫn cần chuẩn bị cho những biến động bất ngờ.
Sức mạnh sẻ chia
Nghiên cứu về đại dịch gợi lên trong tư duy của Agnes Arnold-Forster hành trình trở về của Odysseus sau chiến thắng ở thành Troy. Hình ảnh vùng đất hoang dã trong sử thi Odyssey của loài Cyclops khổng lồ thần thoại phản chiếu lối sống độc lập, tự xây dựng gia đình của những quái thú phi nhân chẳng cần chung đụng với kẻ khác. Phải chăng đó là cuộc sống con người thời COVID - buộc phải chấp nhận giãn cách đến khi dịch bệnh được đẩy lùi? Vị tiến sĩ đặt câu hỏi trước lớp, nhưng không một sinh viên nào trả lời. Màn hình trực tuyến của kỷ nguyên 4.0 chưa bao giờ trở nên nhàm chán đối với một giảng viên đại học đến vậy.
COVID-19 giống Cyclops ăn thịt người, từ từ reo rắc chết chóc khắp nơi, rồi tàn phá những thành tựu của nhân loại. Giống Odysseus, trước khi có thể chọc mù con mắt duy nhất của quái vật bằng một cái cọc phải chấp nhận hi sinh tùy tùng, chúng ta cũng gánh chịu thiệt hại về người trong khi vẫn loay hoay với vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Và tương tự, sự cô độc vì đại dịch khiến chúng ta cần nhau hơn bao giờ hết, trong khi Odysseus mới nhận ra mình thực sự là ai khi đoàn tụ với gia đình sau hành trình 10 năm đơn độc tìm về Ithaca.