Sang kì học thứ hai, Charlie và tôi đã cùng nhau thực hiện một nghiên cứu độc lập về những tác phẩm của nhà thơ Walt Whitman (nhà thơ, nhà tiểu luận và nhà báo có tầm ảnh hưởng lớn trong thế kỉ 19 ở Mỹ). Một buổi sáng Chủ nhật, chúng tôi đã gặp nhau ở nhà Charlie. Trong lúc Charlie và tôi cố gắng giải đáp bí ẩn quanh những vần thơ của Whitman, thì Helen, vợ Charlie – một nhà thiết kế và Jean, cô vợ họa sĩ của tôi, chuẩn bị bữa trưa cuối tuần cho cả hai gia đình.
Quá nửa buổi, mùi thơm từ bếp lan tỏa khắp nhà, len vào phòng làm việc của Charlie và chúng tôi không thể ngừng đồ đoán xem những người phụ nữ đang nấu món gì rồi hào hứng cùng nhau nhận xét những mùi hương. Charlie thậm chí còn phân tích về cách phân tách các lớp hương vị trong không khí, tất nhiên là nếu bạn đủ tập trung. Bữa trưa luôn là dịp vui và tôi thấy may mắn được dùng bữa với một trong những nhà thơ xuất sắc nhất thế giới và gia đình anh. Chúng tôi đã ăn uống. Chúng tôi đã hát và đọc thơ cho nhau nghe. Đến tận chiều muộn, đám trẻ cũng hát theo và diễn trò, đó là Niki, con gái Charlie và con trai anh, Phillip, dù cậu mới chập chững biết đi.
Tôi đã sống như thế vào năm 1975?. Đó cũng là lúc chứng Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) mãn tính của tôi trở nên trầm trọng hơn. Chính phủ và ngành khoa học y tế đã mất rất nhiều thời gian mới thấu hiểu rằng họ đã gây tổn thương thế nào cho một thế hệ người Mỹ bằng cách đưa công dân của mình tới một cuộc chiến không thể giành chiến thắng….
Từ thời điểm trở về nhà sau chiến tranh rồi xuất ngũ, tôi đã trở thành một nhà hoạt động phản chiến. Năm 1972, tôi cùng đoàn Cựu binh Việt Nam Chống chiến tranh đã tuần hành ở thủ đô Wasshington D. C., còn (Tổng thống Mỹ) Nixon thì đứng trên ban công Nhà Trắng vẫy tay với chúng tôi như một gã hề.
Tôi từng chia sẻ với bạn bè sinh viên về cảm xúc của mình về những gì được thấy từ cuộc chiến hoàn toàn phi nghĩa ở Việt Nam. Một vài trong số họ đồng tình, nhưng cũng có những người do dự hành động bởi họ nghĩ điều đó có thể phản bội đất nước. Trên thực tế, nước Mỹ đã bị lừa dối về những gì đã thực sự xảy ra ở Việt Nam và phải đến khi biết rằng, gần 60.000 người Mỹ và gần 5 triệu người Việt Nam đã thiệt mạng, họ mới bắt đầu hô lớn khẩu hiệu phản chiến. Có lẽ, chính sự thay đổi thái độ của người dân Mỹ với những gì mà họ cho là chính sách đối ngoại sai lầm của Mỹ (ở Việt Nam) là yếu tố then chốt đến sự kết thúc nhanh chóng của cuộc chiến này.
Hôm ấy (30/4) năm 1975, tại Sảnh sinh viên Đại học New Hampshire, nơi các bạn học viên và giảng viên thường tụ họp uống cà phê hoặc ăn trưa quanh những màn hình tivi cỡ lớn được bố trí khắp các góc phòng, không ai trông ngóng thêm bất cứ tin tức mới nào về cuộc chiến ở Việt Nam. Bước vào sảnh trong giờ nghỉ giữa tiết, tôi đã thấy một nhóm sinh viên đang xem thứ gì đó rất chăm chú. Họ im lặng còn tôi không thể hiểu họ đang làm gì. Tôi quyết định tiến đến tìm hiểu.
Và ngay khi ập mắt vào màn hình, tôi hiểu mình đang xem truyền hình trực tiếp thời khắc Sài Gòn thất thủ, cùng những hình ảnh một chiếc xe tăng lăn bánh qua cổng Dinh Tổng thống ở miền Nam Việt Nam.
Tôi rất bất ngờ, không thể kìm được tiếng reo lớn hứng khởi rồi vô thức giơ nắm đấm lên không trung ăn mừng khi biết rằng cuộc cách mạng của người Việt Nam cuối cùng đã thành công và họ giành lại đất nước mình từ quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Tôi đã quên mất mình là ai và ở đâu. Mọi cảm xúc đều tự nhiên bộc phát. Tôi đã rất vui và muốn tiếp tục hò reo cho tới khi nhận ra những người cùng xem tivi đã đều ngồi lại ghế rồi chăm chú theo dõi màn ăn mừng nhỏ của tôi. Họ nhìn chằm chằm đầy bối rối. Một trong những sinh viên quyết định đứng dậy và hỏi.
"Này, cậu sao vậy?", cậu ấy hỏi. Những người xung quanh cũng đồng tình với thắc mắc đó. "Cậu là một gã cộng sản ư?", một ai đó khác nói lớn. Tôi không đủ hiểu chuyện để giữ im lặng vào lúc ấy.
"Tôi không phải người cộng sản, nhưng tôi đã tham gia cuộc chiến đó. Tôi hiểu những điều khủng khiếp mà chúng ta đã gây ra cho người dân Việt Nam và đất nước xinh đẹp của họ", tôi nói. "Và tôi vui vì cuối cùng họ đã đánh đuổi được kẻ thù của mình".
Tôi đã nói với đám đông mà không rời mắt khỏi màn hình tivi, bởi tôi muốn ghi lại những điều đang diễn ra, đó là sự kết thúc của chết chóc và khổ đau. Và tôi cũng thấy trên khuôn mặt của những người đã quay ghế chỉ để nhìn tôi. Một vài trong số họ còn bối rối, cố gắng tìm lý do tại sao một cựu binh lại đi cổ vũ "kẻ thù". Nhưng tôi tin những người khác đã thay đổi, tôi thấy chân lý đến với họ như ánh sáng mặt trời và tôi cảm nhận được sự đồng cảm. Tất nhiên, tôi không đơn độc trong cảm xúc hân hoan của một người phản đối chiến tranh, nhưng rất khó để ngay cả những người đối lập nhiệt thành nhất, có thể ăn mừng chiến thắng của Việt Nam.
Nhiều người cảm thấy sẽ là một sự phản bội với 85.000 người Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh. Nhưng đó quả thực không phải sự phản bội! Phần lớn đồng đội của tôi tham chiến tại Việt Nam đều hiểu rằng quân đội Mỹ chưa bao giờ nên xuất hiện ở đó và giống như tôi, họ hy vọng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ nhanh chóng kết thúc. Khi trở về từ Việt Nam, chính những cựu chiến binh này đã dành hết tâm huyết để thuyết phục người Mỹ về sự thật của cuộc chiến và cương quyết phản đối nó.
Tôi sẽ luôn tự hào về họ, những người cựu chiến binh, bởi họ đã dấn thân vào vị thế chẳng hề dễ dàng và thoải mái.
Họ cho tôi sự can đảm cần thiết vào ngày hôm ấy để bày tỏ niềm vui sướng trước sự giải phóng (của đất nước Việt Nam) ngay giữa những người bạn Mỹ mà không phải sợ hãi. Giữa Sảnh sinh viên, khi tôi bước ra ngoài, không ít người đã vỗ vai hoặc bắt tay tôi để ủng hộ "cử chỉ có vẻ không giống người Mỹ" ngày hôm ấy. Thật ấm áp khi biết rằng, ít nhất đã có những người nhìn mọi thứ giống tôi. Họ hiểu khoảnh khắc xe tăng của Quân đội nhân dân Việt Nam cán qua cổng Dinh Tổng thống không phải khoảnh khắc đau buồn mà là khoảnh khắc để ăn mừng!
Nguồn: Báo CAND