Thứ Hai, 2/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tìm hiểu học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm trong khoa học luật hình sự

Tiếp theo bài viết “Tìm hiểu thêm về học thuyết trách nhiệm thay thế trong khoa học luật hình sự” được đăng tải trên chuyên mục “Nghiên cứu – trao đổi” Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, trong bài viết này tác giả xin tổng hợp, phân tích và giới thiệu đến đọc giả về một trong những học thuyết nền tảng khi xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đó là “Học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm” (identification liability) để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong khoa học pháp lý hiện nay.

 

Tư tưởng của học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm xuất hiện từ rất sớm. Lịch sử khoa học pháp lý ghi nhận từ gần một thế kỷ nay các toà án Anh đã xây dựng trách nhiệm hình sự của pháp nhân trên nền tảng lý thuyết đồng nhất hoá. Học thuyết này tìm thấy nguồn gốc của nó trong phán quyết trong vụ án điển hình (leading case)“lennard’s carrying company ltd. v. Asiatic petroleum company ltd” năm 1915 của Viện nguyên lão Anh (house of lords). Sau phán quyết này thì học thuyết này được áp dụng khá phổ biến. Ban đầu nó chủ yếu được áp dụng trong lĩnh vực hằng hải. Trong lĩnh vực hình sự, sau một thời gian dài, trên cơ sở lý thuyết của sự đồng nhất, các tòa án Anh đã nhất trí là trách nhiệm hình sự của pháp nhân có thể áp dụng cho các loại tội phạm khác, các tội cần thỏa mãn các dấu hiệu khách quan và chủ quan chứ không chỉ đối với các tội theo chế độ trách nhiệm khách quan không cần có bằng chứng về lỗi.

Theo phán quyết của Viện nguyên lão trong khi xử lý vụ án trên đã cho rằng một số người chủ yếu có quyền quyết định trong pháp nhân được đồng nhất hoá với pháp nhân tới mức các hành vi mà họ thực hiện vì lợi ích của pháp nhân luôn luôn được đánh giá như là các hành vi của pháp nhân. Toàn bộ yếu tố lỗi thuộc về những người này cũng được coi là của pháp nhân.

Trong một vụ án khá nổi tiếng khác đó là vụ H.L. Bolton company Ltd. v TJ. Graham & Son Ltd. năm 1957, trong phần nhận định về vụ án, Lord Denning (thành viên của tòa phúc thẩm) đã so sánh công ty với cá nhân như sau: “Một công ty, có thể, với nhiều danh nghĩa, được so sánh với con người. Nó có bộ não, có trung tâm thần kinh, kiểm tra những gì nó làm. Nó cũng có tay để cầm công cụ và hành động theo các mệnh lệnh của hệ thần kinh trung ương”. Nhận định này đã được nhắc lại hoặc vận dụng nhiều trong khoa học pháp lý khi luận giải về đồng nhất hóa trách nhiệm.

Tư tưởng chính của học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm thể hiện cơ bản ở chỗ học thuyết này coi hành vi và lỗi của những người quản lý (chỉ đạo, điều hành) pháp nhân như chính là hành vi, lỗi của pháp nhân (đồng nhất cá nhân với pháp nhân). Hay nói cách khác, hành vi, lỗi của pháp nhân được đánh giá thông qua hành vi, lỗi của cá nhân những người chỉ huy, quản lý, điều hành pháp nhân đó. Ví dụ, Điều 47 Luật công ty của Israel năm 1999 quy định: "Những hành vi và những ý định của một cơ quan hoặc cá nhân quản lý cũng chính là hành vi, ý định của công ty". Vì vậy, khi nhân viên quản lý của công ty thực hiện hành vi phạm tội thì đồng thời, ngay lập tức và một cách trực tiếp, hành vi đó được coi là hành vi phạm tội của công ty.

Học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm đặt ra các điều kiện cần và đủ để truy cứutrách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là: Thứ nhất - Hành vi phạm tội do người chỉ huy, quản lý, chỉ đạo, điều hành pháp nhân đó thực hiện; Thứ hai - Người chỉ huy, quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện hành vi phạm tội nhân danh, thay mặt hoặc đại diện cho pháp nhân; Thứ ba - Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân.

Lý thuyết đồng nhất hóa được áp dụng thống nhất trong luật hình sự  Anh từ năm 1971, kể từ khi có quyết định của Lord Reid trong vụ án “Tesco Supermarkets Ltd. v. Nattrass” (Tesco Supermarkets Ltd. v. Nattrass). Trong phán quyết này, Lord Reid đã giải thích thuyết đồng nhất hoá trong việc phân biệt sự khác nhau giữa các cá nhân - những người có tinh thần và có tay để thực hiện ý định của mình và các pháp nhân không có những khả năng đó. Sau đó, Lord Reid giải thích là trong một số vụ án, có thể nói rằng cá nhân là sự hóa thân của công ty. Công ty nghe, nói qua cá nhân của công ty, trong khuôn khổ thẩm quyền của nó, và tinh thần của nó là tinh thần của công ty. Nếu là tinh thần tội lỗi thì lỗi này thuộc về công ty.

Học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm đơn giản hóa nhận thức và thủ tục truy cứutrách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Để truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân, người ta chỉ cần chứng minh: Hành vi phạm tội, lỗi của các cá nhân; Các cá nhân đó có chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành pháp nhân;  Người quản lý, chỉ đạo, điều hành pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội nhân danh, thay mặt hoặc đại diện cho pháp nhân và Cá nhân đó thực hiện hành vi vì lợi ích của pháp nhân.

Có lẽ vấn đề quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất của học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm trong quá trình xây dựng luật thực định cũng như vận dụng vào thực tiễn chính là xác định phạm vi, vị trí của người quản lý, chỉ đạo, điều hành pháp nhân để có thể đồng nhất hành vi cũng như trách nhiệm của những người đó với hành vi, trách nhiệm của chính pháp nhân, công ty. Trong thế giới hiện đại, có rất nhiều loại hình pháp nhân với hình thức hoạt động, kinh doanh rất khác nhau, việc có được một tiêu chuẩn “cứng” để xác định các chủ thể này là điều rất khó khăn mà phải chấp nhận sự suy xét, đánh giá chủ quan. Dự thảo luật của một số quốc gia đã cố gắng đưa ra các tiêu chuẩn mang tính nguyên tắc chung để xác định chủ thể này. Ví dụ, Điều 2.07 Bộ luật hình sự mẫu Hoa Kỳ quy định người làm đại lý cho công ty là đại lý quản trị cao cấp được đồng nhất với pháp nhân khi họ được giao "những nhiệm vụ mà với những nhiệm vụ đó, hành vi của họ chắc chắn được coi là hành vi thể hiện chính sách của công ty". Thông thường, đây là những người có chức vụ, vị trí cao trong pháp nhân, nhưng cao như thế nào thì vẫn không thể xác định được rõ ràng, cụ thể trong các trường hợp phạm tội khác nhau. Điều này có thể dễ dẫn đến sự tùy tiện trong quá trình áp dụng pháp luật do nó phụ thuộc quá nhiều vào nhận định, đánh giá chủ quan của các chủ thể áp dụng pháp luật. Theo chúng tôi, đây chính là điểm hạn chế cơ bản nhất của học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm này.

Ngoài ra, so sánh với thuyết trách nhiệm thay thế (được cho là phạm vi trách nhiệm hình sự pháp nhân quá rộng), thì thuyết đồng nhất hóa lại thu quá hẹp phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân, khi chỉ coi hành vi của các nhà quản lý, điều hành, chỉ huy (tức nhân viên cao cấp) của pháp nhân mới bị truy cứu trách nhiệm hình sựcho pháp nhân đó. Trong khi đó có không ít trường hợp người tuy không phải là lãnh đạo, nhân viên cao cấp của pháp nhân, công ty, thực hiện hành vi phạm tội đại diện cho pháp nhân, công ty và hoàn toàn vì lợi ích của pháp nhân, công ty, như trường hợp chuyên viên thường được cử đi biệt phái hay được cử đi để thực hiện một công việc nhất định. Khi đó nếu họ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự nhưng theo cách luận giải trên thì trách nhiệm của họ không được đồng nhất với trách nhiệm pháp nhân vì người đó không có chức vụ được quy định. Điều này dẫn đến bỏ lọt tội phạm của pháp nhân. Ở đây theo quan điểm của chúng tôi cần phải xác định cụ thể giới hạn phạm vi trách nhiệm, chức trách nhiệm vụ của từng vị trí công tác để xác định hành vi của cá nhân có đồng nhất hóa với hành vi của pháp nhân hay không.

Tác giả: Ths. Vũ Hoài Nam – NXBTP – Bộ Tư pháp

Tài liệu tham khảo

1, Phạm vi và điều kiện áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong luật hình sự của Anh – TS. Trịnh Quốc Toản – Tạp chí khoa học ĐHQGHN, kinh tế, luật – Số 3 – Năm 2002.

2, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn – TSKH Lê Cảm - Tạp chí Toà án nhân dân số 4/2000.

3, GS-TSKH. Đào Trí Úc, Nhận thức đúng đắn hơn nữa các nguyên tắc về trách nhiệm cá nhân và lỗi trong việc xử lý TNHS, Tạp chí Nhà nư­ớc và pháp luật, số 9/1999;

4, PGS-TS. Phạm Hồng Hải, Pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm hay không?;

5, Hoàng Thị Tuệ Phương, Trách nhiệm hình sự pháp nhân, Luận văn Thạc sỹ luật học, Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh, 2006.

6, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhìn từ dấu hiệu hành vi – Ths. Vũ Hoài Nam – Nghiên cứu trao đổi/Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

7, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhìn từ dấu hiệu lỗi – Ths. Vũ Hoài Nam – Nghiên cứu trao đổi/Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

8, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhìn từ dấu hiệu hình phạt – Ths. Vũ Hoài Nam – Nghiên cứu trao đổi/Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

9, Đề tài: Nghiên cứu so sánh cơ sở lý luận và thực tiễn của việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với tổ chức – Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp – Chủ nhiệm ĐT Cao Thị Oanh.

10, I. H. Leigh, The criminal liability of corporations in English law (1969).

11, Tesco Supermarkets Ltd. v. Nattrass 1972) A.C. 705; Lennard’s carrying company ltd. v. Asiatic petroleum company ltd.[(1915) a.c.705].

Trích nguồn: Bộ tư pháp

Gửi cho bạn bè