Biển Đông tiếp tục là chủ đề được báo chí Mỹ tích cực phản ánh trong những ngày qua.Trên tạp chí National Interests (Mỹ) có bài phân tích viết: Năm 2014, cạnh tranh chiến lược ở châu Á trở nên nóng bỏng. Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; cùng lúc phái các tàu ngăn cản đường tiếp tế của Philippines tại bãi cạn tranh chấp giữa hai bên, không chấp nhận việc Manila khởi kiện ra Tòa án quốc tế. Trên hướng bắc, máy bay chiến đấu của Nhật Bản, Trung Quốc chút nữa đã có va chạm tại vùng nhận diện phòng không chồng lấn, trong khi Nga và Trung Quốc có các cuộc tập trận ngay ở biển Hoa Đông.
Có thể thấy một bức tranh cho môi trường an ninh châu Á: Đó là cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Trung Quốc và hệ thống liên minh của Mỹ, hoặc là dẫn đến xung đột quy mô, hoặc là sự thoái lui của Mỹ tạo điều kiện để Trung Quốc giữ vị thế áp đảo trong trật tự tại châu Á- Thái Bình Dương, khu vực nổi lên là trung tâm của thịnh vượng toàn cầu.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang cố gắng tranh đấu với những thực tế địa chiến lược lãnh hải ở châu Á mà nước này chưa thấy hài lòng. Đó là lý do mà Bắc Kinh nỗ lực đánh bật Mỹ, các đồng minh hiện tại và đồng minh tiềm năng ở khu vực, thông qua việc phô trương vai trò lãnh đạo và sự tự tin. Có vẻ như Trung Quốc đã lựa chọn thời điểm phù hợp cho hành động của mình. Cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine đã làm dấy lên những nghi ngờ về quyền lực lãnh đạo của Mỹ, cũng như mức độ sẵn lòng can dự của Washington trong các vấn đề chưa phải là lợi ích trực tiếp, quyết định.
Sự thật thì có thể sẽ không đơn giản vậy. Trật tự chiến lược tại châu Á tựa như một vở kịch mà ở đó “vai diễn chính” của Mỹ đang bị nghi ngờ. Tuy nhiên, đây là một trò chơi phức tạp, nhiều lớp. Nếu Trung Quốc vội vàng phản kháng Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản, Philippines… thì có thể đó sẽ là toan tính sai lầm. Về dài hạn, sự phô trương sức mạnh quá sớm như Trung Quốc từng thể hiện gần đây sẽ làm tổn hại lợi ích của nước này.
Hãy xem vụ việc Trung Quốc triển khai giàn khoan tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Với bước đi này, hẳn là Bắc Kinh muốn tạo tiền lệ ở Biển Đông, thay đổi nguyên trạng trên thực địa, đồng thời muốn chứng tỏ “giới hạn” của Mỹ khi tạo lập các quan hệ đối tác mới trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á. Thế nhưng hiệu ứng ngược cũng đã rõ. Các bên có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp với Trung Quốc giờ không còn ảo tưởng về việc một Trung Hoa hùng mạnh hơn sẽ cư xử một cách đúng mực. Điều này sẽ khuyến khích các nước tăng cường sợi dây an ninh với Mỹ, Nhật Bản, củng cố tiềm lực quốc phòng, để buộc Bắc Kinh phải nhìn nhận quan điểm. Đó là lý do Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines đang thúc đẩy hợp tác hải quân với Mỹ.
Ngay cả đến tuyên bố của Trung Quốc về cấu trúc ngoại giao cho châu Á để quản lý “cùng thắng” những vấn đề an ninh tại châu lục mà Trung Quốc đưa ra cũng còn nhiều lỗ hổng. Ý định của ông Tập Cận Bình khi đưa ra tuyên bố về định hướng này tại CICA vừa qua đã lộ rõ: Các cường quốc châu Á phải là người xử lý thách thức của châu Á, hay nói cách khác “châu Á là của người châu Á”. Vấn đề cần làm rõ: Châu Á này là châu Á nào và thách thức kia là thách thức gì? Nhìn vào thành viên diễn đàn CICA, có thể thấy phạm vi của tổ chức đa phương này là quá rộng, không giới hạn ở châu Á - Thái Bình Dương, với sự hiện diện của cả Ai Cập, Iraq và Iran nhưng lại không có Nhật Bản, Philippines hay Indonesia - những nước mới chỉ là quan sát viên.
Không có gì là bí mật. Về bản chất, CICA là sáng kiến được Kazakhstan đưa ra hồi những năm 1990, nằm trong một nghị trình khiêm tốn thời hậu Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, nó đã có chút biến đổi và được Trung Quốc tiếp sức sau khi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra “mất kiên nhẫn” với những thiết chế thiên về ngoại giao ở châu Á - Thái Bình Dương được hình thành trong nhiều thập kỉ qua. Đó là Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS); Diễn đàn An ninh khu vực (AFR), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Dù có mức chuyển đổi chậm rãi, nhưng nó vẫn là trụ cột của trật tự khu vực đa phương, mà ở đó nguyên tắc không đe dọa, tôn trọng luật pháp được chia sẻ và công nhận. Thế nên, thế thượng phong của Trung Quốc ở CICA chỉ là cách nước này tự “đánh bóng” vai trò của mình, là cách thể hiện sách lược “gây thiện cảm” mà chắc hẳn các nước đều cảnh giác trước ý định "xây dựng lòng tin" của Bắc Kinh.
Mỹ kết liễu sự mập mờ của Trung Quốc về đường 9 đoạn
Bài “The U.S. and China’s Nine-Dash Line: Ending the Ambiguity” đăng trên trang mạng Brookings.edu thuộc Viện Brookings (Mỹ), của tác giả Jeffrey A.Bader, Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Á trong Hội đồng an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đồng thời là cựu Đại sứ Mỹ tại Namibia cho rằng Mỹ đã kết liễu sự mập mờ của Trung Quốc về “đường 9 đoạn”, còn gọi là “đường lưỡi bò”.
Bài báo viết: Lần đầu tiên Mỹ bày tỏ một cách rõ ràng, rằng “đường 9 đoạn” do Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế. Tất cả những tuyên bố chủ quyền từ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc mà không dựa trên các quyền chủ quyền trên đất liền đều trái với luật pháp quốc tế. Cộng đồng thế giới yêu cầu Trung Quốc phải giải thích, nếu không thì phải điều chỉnh những tuyên bố chủ quyền dựa trên đường 9 đoạn, để tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
Trung Quốc thừa hưởng ý tưởng về “đường 9 đoạn” từ chính quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, đó là một đường vẽ mập mờ bao quanh tất cả hòn đảo ở Biển Đông, mà vùng nước trong đó Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Dựa theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), các quốc gia ven biển được yêu sách quyền độc quyền khai thác các nguồn tài nguyên ngư nghiệp và khoáng sản trong “vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ). Đó là vùng nước rộng 200 hải lý tính từ bờ biển hay xung quanh các hòn đảo có người ở. Không có điều luật nào trong UNCLOS cho phép đòi hỏi quyền chủ quyền mà không dựa vào nguyên tắc tính từ đất liền này.
Dựa trên nguyên tắc này của UNCLOS, Mỹ xem các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà không dựa trên các hòn đảo có người sinh sống là hoàn toàn vô giá trị. Tuyên bố của trợ lý ngoại trưởng Russel đã làm rõ luận điểm này của Mỹ.
Có thể thấy rõ sự quan tâm của Mỹ thời Tổng thống Barack Obama về tình hình Biển Đông. Dấu hiệu đầu tiên của sự quan tâm đó là tuyên bố được biết đến rộng rãi của Ngoại trưởng Hillary Clinton, tại một hội nghị quốc tế ở Hà Nội vào năm 2010. Trong đó, bà nêu ra các nguyên tắc trong chính sách của Mỹ về Biển Đông: Tôn trọng tự do hàng hải, giải quyết các bất đồng một cách hòa bình, tự do thương mại, thương lượng để tiến tới thành lập một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) nhằm giải quyết các bất đồng. Và vấn đề liên quan ở đây là các đòi hỏi chủ quyền ở các vùng biển phải dựa trên các chủ quyền hợp pháp trên đất liền.
Trong khi các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei nhiệt liệt ủng hộ, tuyên bố này làm Trung Quốc rất tức giận.
Ngoại trưởng Clinton đã đưa ra tuyên bố này để phản hồi cho những bất an ngày một gia tăng giữa các nước láng giềng của Trung Quốc, về việc nước này đang ngày càng hung hăng, ngang ngược trong các đòi hỏi chủ quyền, thông qua các biện pháp chính trị và quân sự, trong một môi trường thiếu vắng các cơ chế ngoại giao để làm giảm thiểu căng thẳng.
Trong khoảng giữa năm 1994-1995, đã có một giai đoạn căng thẳng tương tự, khi Trung Quốc tiến hành xây dựng các công trình ở rặng san hô Mischief nằm trong quần đảo Trường Sa.
Những đổ vỡ mang tính hệ quả trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã làm cho các lãnh đạo Trung Quốc khi ấy, phải thương thảo với các nước ASEAN một bản Tuyên bố Ứng xử (DOC) và một cam kết rằng các bên sẽ không có những hành động làm thay đổi nguyên trạng.
Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, đã có những lo ngại gia tăng trong vùng và ngay tại Mỹ, Trung Quốc đã không còn thích thú với các giải pháp ngoại giao nữa, mà nay quay sang sử dụng các phương cách quân sự để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Các tuyên bố nhắm vào giới ngoại giao Mỹ là Trung Quốc xem Biển Đông như một “quyền lợi cốt lõi”, Trung Quốc sẽ không chấp nhận sự can thiệp làm tăng căng thẳng từ bên ngoài. Trong năm 2012, Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi ngư trường truyền thống của họ nằm xung quanh bãi cạn Scarborough, nằm cách các đảo lớn của Philippines chưa tới 125 hải lý, rồi từ đó cho cảnh sát biển liên tục kiểm soát.
Cũng trong năm 2012, Trung Quốc thiết lập một đơn vị hành chính và quân sự bao gồm nhiều phần của quần đảo Hoàng Sa. Ngay khi vừa thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông vào cuối năm 2013, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ý định thành lập một ADIZ tương tự ở Biển Đông, chắc chắn sẽ chồng lấn với ít nhất vài khu vực đã được thiết lập bởi các nước khác.
Biển Đông là một vấn đề phức tạp đối với Mỹ. Chúng ta không có đòi hỏi nào trong vùng đó. Chúng ta đã không và sẽ không nên ngả theo phe nào trong các tuyên bố chủ quyền. Cho dù bất kỳ nước nào thiết lập được khả năng phát huy sức mạnh từ các đảo ở Biển Đông cũng sẽ khó lòng mà đe dọa được tàu bè và quân đội Mỹ hoạt động trong vùng. Dù có những đánh giá về tiềm năng dầu hỏa và khí đốt, khả năng khai thác thương mại là không thể trong tương lai gần.
Tuy nhiên, Mỹ có các mối quan tâm trọng yếu ở Biển Đông. Đó là:
• Để bảo đảm tự do hàng hải, không phải vì quyền lợi của bất cứ nước nào, đó là một quyền quốc tế quan trọng trong một khu vực mà 50% các tàu chở dầu phải đi qua, một hải lộ lớn của kinh tế thế giới, là nơi mà các tàu hải quân Mỹ được gửi đến và hoạt động thường xuyên theo luật pháp quốc tế.
• Để ngăn chặn việc sử dụng sức mạnh hay áp bức để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hay hàng hải.
• Để bảo vệ cho việc tuân thủ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề như vậy.
• Để bảo đảm tất cả các quốc gia, bao gồm Mỹ, được quyền khai thác các nguồn lợi ngư nghiệp và khoáng sản bên ngoài các vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp.
• Để giúp một đồng minh của Mỹ là Philippines khỏi bị bắt nạt hay bị tấn công bằng sức mạnh.
• Để đảm bảo rằng quyền lợi của tất cả các quốc gia, chứ không phải chỉ có nước lớn, phải được tôn trọng.
Có những áp lực giữa các yếu tố khác nhau trong quyền lợi của Mỹ.
Sự thách thức từ các đòi hỏi của Trung Quốc, nếu không tuân theo các thông lệ quốc tế và phù hợp với các nguyên tắc của Mỹ, có thể kích thích chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và sự hoài nghi nhắm vào chủ đích của Mỹ, thậm chí kích thích các hành xử hung bạo hơn của Trung Quốc nhắm vào các bên tranh chấp khác trong vùng, nếu như Mỹ không có những đáp trả hiệu quả.
Mặt khác, một nước Mỹ thụ động sẽ làm lu mờ các quan tâm kể trên, sẽ làm cho các bên tranh chấp khác tin rằng Mỹ bỏ rơi họ và cả những nguyên tắc của mình, qua đó có thể làm cho chính sách “xoay trục về châu Á” của chính quyền Obama trở thành trò hề, làm mất đi sự đón nhận của khu vực đối với sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ.
Qua việc công khai không chấp nhận “đường 9 đoạn”, trợ lý Ngoại trưởng Russel và chính quyền Obama đã vạch ra một sự giới hạn đúng chỗ. Họ đã làm rõ là những phản đối của chúng ta dựa trên nguyên tắc, dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không phải chỉ để nhắm vào Trung Quốc.
Nếu cách tiếp cận của chúng ta với vấn đề Biển Đông vẫn tiếp tục dựa trên nền tảng của nguyên tắc và luật pháp quốc tế, Mỹ có thể đạt được những mục tiêu đề ra, bảo vệ quyền lợi của các bên tranh chấp mà không phải đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền.
Những việc gì khác mà Mỹ nên làm? Rất nhiều thứ:
• Mỹ nên đảm bảo rằng cách tiếp cận của mình không bị xem là đơn phương. Chính quyền Mỹ nên làm rõ với các bên tranh chấp khác, cũng như các nước ASEAN khác như Singapore và Thái Lan, là chúng ta kỳ vọng ở họ một sự phản đối công khai đối với “đường 9 đoạn” theo luật pháp quốc tế.
• Mỹ nên tiếp tục nỗ lực ủng hộ việc đàm phán để tạo ra COC giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, như chúng ta đã và đang làm từ lúc Ngoại trưởng Hilary Clinton thông báo về mục tiêu đó ở Hà Nội. Thực tế là, quyết định gần đây của Trung Quốc và các nước ASEAN trong việc bắt đầu các cuộc đối thoại về COC là một thắng lợi từ tuyên bố của Ngoại trưởng Hilary Clinton.
• Mỹ nên khuyến cáo Trung Quốc không thành lập bất cứ một vùng nhận dạng phòng không mới nào trên Biển Đông. Dù việc làm rõ quan điểm về vấn đề này một cách công khai là cần thiết, các cuộc đối thoại ngoại giao kín dường như có tác dụng ảnh hưởng hơn với Bắc Kinh.
• Mỹ nên thảo luận với tất cả các bên tranh chấp về những đồng thuận khả thi trong việc khai thác khoáng sản và ngư nghiệp mà không liên quan đến chủ quyền, bao gồm việc hợp tác đầu tư giữa các công ty.
• Thượng viện Mỹ nên chuẩn thuận UNCLOS. Điều đó sẽ cho phép Mỹ có thêm tính chính danh khi tham gia một cách chủ động và hiệu quả vào các quyết định về tương lai Biển Đông. Tất cả các Ngoại trưởng tiền nhiệm của Mỹ đều ủng hộ một quyết định như vậy.
Biên tập: Mai Loan- Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ