Theo TS.KTS Trần Việt Anh và các cộng sự Phòng Nghiên cứu sưu tầm di sản Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Chính điện Kính Thiên nằm trong phức hợp của một quần thể kiến trúc thuộc khu vực Đại Triều.
Những cuộc khai quật khảo cổ học Chính điện Kính Thiên thời Lê đã phát hiện được nhiều di tích kiến trúc và một khối lượng lớn di vật khảo cổ. Từ các phát hiện này và nhiều tài liệu khác, nhóm đã tái hiện không gian Chính điện Kính Thiên trên phối cảnh 3D.
Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng khôi phục được công trình này là rất cao và việc tái hiện không gian Điện Kính Thiên sẽ làm nổi bật thêm giá trị của Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long trong tương lai.
Thực tế, việc tiếp cận ứng dụng công nghệ nhằm phát huy giá trị của khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được đẩy mạnh khá nhiều năm gần đây. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Chi và Thạc sĩ Phùng Văn Quỳnh, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, ngoài ứng dụng công nghệ trong trưng bày, triển lãm thì ứng dụng công nghệ thông tin còn được đề cập trong tái hiện công trình kiến trúc cung điện tại Hoàng thành Thăng Long và tiêu biểu nhất là trường hợp Điện Kính Thiên - tòa chính điện của thời Lê.
Trên kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ học nhiều năm, kết hợp với đa dạng các nguồn sử liệu, có sự đối sánh với các tòa chính điện cùng thời của các quốc gia trong khu vực, các nhóm nghiên cứu đã bắt tay trong việc dựng lên những hình ảnh đầu tiên về công trình này, tuy còn nhiều điều cần trao đổi và điều chỉnh.
Những nghi lễ, lễ hội cung đình dưới mỗi triều đại như: Lễ hội đèn Quảng Chiếu, lễ ban chiếu truyền ngôi, kỳ thi Đình; các nghi thức trong lễ, Tết… cũng có cơ hội được tái hiện, thể nghiệm từng phần dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Trước nhóm nghiên cứu và phục dựng Chính điện Kính Thiên trên nền tảng 3D, công chúng có dịp ngạc nhiên khi nhóm nghiên cứu trẻ Sen Heritage phỏng dựng VR3D - AR quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu- Một Cột và đưa các thành quả nghiên cứu đến với xã hội. Về kết quả nghiên cứu và phỏng dựng này, PGS.TS. Trần Trọng Dương, Trưởng nhóm Sen Heritage cũng từng chia sẻ, công nghệ 3D, VR3D và AR đã giúp cho các nhà khoa học có thể hiện thực hóa giả thuyết của mình như thực trong một không gian ảo.
Không gian tuy là ảo nhưng được xây dựng từ các số liệu thực, hiện vật thực… khiến cho các học giả cũng như công chúng có thể trải nghiệm và góp ý, phản biện cho việc điều chỉnh giả thuyết. Các sản phẩm này vừa là số hóa các mảnh vụn di sản rời rạc vào một hệ thống tái lập và phỏng dựng, nhằm phục vụ việc lưu trữ dữ liệu, bảo tồn văn hóa, trùng tu- phỏng dựng phế tích, quảng bá di sản văn hóa thời Lý đến với xã hội đương đại.
Các sản phẩm này có thể ứng dụng cho nhiều hoạt động khác nhau, từ nghiên cứu, diễn họa, mô phỏng giả thuyết khoa học, trưng bày bảo tàng, thuyết minh bảo tàng, đến ứng dụng cho du lịch, giáo dục và đào tạo di sản, quảng bá văn hóa truyền thống trong hệ thống giáo dục các cấp. Sản phẩm VR3D có thể sử dụng như là phim trường ảo, sản xuất phim 3D, sản xuất các phần mềm game lịch sử và có thể hướng đến phục dựng trên một không gian ngoài thực tế.
VR3D chùa Diên Hựu giúp người xem có thể ngược dòng thời gian 800 năm, để bước đi trong không gian chùa tháp hoàng gia thời Lý. Sản phẩm chính của dự án giúp các thế hệ người Việt của thế kỷ XXI có thể trải nghiệm những nét đẹp vàng son xưa cũ trong một không gian thực tế ảo với công nghệ VR và AR…
Chia sẻ về việc phục dựng kiến trúc bằng công nghệ 3D trên cơ sở kết quả nghiên cứu khảo cổ học, TS Nguyễn Văn Anh, cán bộ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, công nghệ 3D có thể giúp các nhà nghiên cứu trình bày cũng như chuyển tải một cách đầy đủ và dễ dàng hơn kết quả nghiên cứu của mình đến công chúng.
Vì thế, công chúng cũng tiếp nhận và thấu hiểu kết quả nghiên cứu khảo cổ một cách đầy đủ, nhanh chóng và dễ dàng hơn. Trên thế giới, việc áp dụng 3D trong nghiên cứu và phục dựng các công trình kiến trúc trên cơ sở kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã được triển khai từ lâu và thu được những thành quả rất tốt. 3D tái hiện kết quả nghiên cứu và đồng thời cũng phản biện lại kết quả nghiên cứu, từ đó điều chỉnh và đưa ra phục dựng thực tế.
Nguồn: Báo CAND