Thứ Hai, 2/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Văn hóa Việt lan tỏa trên không gian số

Với sự phát triển mạnh của công nghệ, mạng xã hội… thay vì chọn hướng đi “giật gân câu view” để có được lượt xem cao, kiếm tiền bất chấp nội dung, vẫn có những người Việt trẻ đã xây dựng lên kênh riêng với bản sắc riêng, trước tiên là chia sẻ cuộc sống xa xứ, sau đó là giới thiệu, quảng bá nét đẹp, tinh thần Việt.

Họ mang theo trong mình những nét văn hóa truyền thống sẵn có, cùng với kênh vlog mà họ tạo ra, là cây cầu kết nối văn hóa để tạo nên bức tranh đầy màu sắc.

Vẻ đẹp Việt – tinh thần Việt từ những vlog đời thường

Trong khi nhiều bạn trẻ cùng trang lứa tìm chọn đến những nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc hay những quốc gia châu Âu, chàng trai trẻ Quang Linh (sinh năm 1997, Nghệ An), chủ nhân kênh Quang Linh Vlog – Cuộc sống ở Châu Phi, lại chọn điểm dừng chân của mình là Angola – một quốc gia chưa thực sự phát triển.

Văn hóa Việt lan tỏa trên không gian số -0
Team Quang Linh Vlog - Cuộc sống ở châu Phi quảng bá văn hóa, tinh thần Việt qua những hoạt động thiện nguyện

Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, chàng trai xứ Nghệ đến Angola theo diện xuất khẩu lao động với công việc chính là làm ở xưởng đá lạnh, cung cấp đá cho ngư dân gần thủ đô Luanda ướp cá. Năm 2019, Quang Linh bắt đầu quay những clip đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt trở thành youtuber. Ban đầu, clip của chàng trai trẻ chỉ là ghi lại chân thực, phản ánh cuộc sống hàng ngày của bản thân và những bạn bè người Việt nơi đất khách quê người. Sau đó, chàng trai 9X ghi lại những buổi hoạt động thiện nguyện của mình và các cộng sự tại đây. Đó là clip ghi lại cảnh phát gạo cho người dân Angola, tặng thực phẩm, quần áo, xây dựng nhà mới, lắp đặt hệ thống điện cho bản làng, mang nước sạch về cho người dân bản địa… Sự mộc mạc, chân thật trong từng thước phim của Quang Linh tạo nên nét đặc sắc riêng thu hút sự tò mò, xen lẫn tự hào về chàng trai Việt trẻ tại xứ người.

Đi cùng hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người dân Angola là sự nỗ lực quảng bá văn hóa Việt tại quốc gia này của team Quang Linh, qua các hoạt động thiết thực trong cuộc sống như nấu các món ăn Việt, đến trường học dạy trẻ nói, hát các ca khúc Việt… Khó có thể tin ở một quốc gia cách Việt Nam hàng chục nghìn km lại liên tục vang lên những ca khúc Việt đầy hào hùng, những đứa trẻ Angola thuộc lòng những bài hát thiếu nhi của trẻ em Việt. Chưa hết, chàng trai 9X và các cộng sự còn tổ chức Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, đám cưới kiểu Việt cho người dân bản địa… những nét văn hóa đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, sự hào sảng của con người Việt Nam ở khắp các bản làng mà nhóm giúp đỡ.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, chỉ sau 4 năm phát triển kênh Youtube Quang Linh Vlog – Cuộc sống ở Châu Phi đã có 2,5 triệu lượt đăng ký, thu hút hàng triệu lượt xem đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Nếu như Quang Linh “đốn” đổ người xem bằng sự mộc mạc, chân thực, đậm chất Việt Nam ở Angola, một số kênh vlog khác của người Việt tại nước ngoài lại chọn cách lan tỏa nét đẹp Việt, bản sắc Việt qua văn hóa ẩm thực. Đó là các món ăn quê hương, là mâm cơm đượm vị quê, là hương vị bánh tét, bánh chưng, món mứt gừng, chè lam… những vlog đó như một cách giúp những người con xa quê vỗ về bản thân, vơi bớt nỗi nhớ quê hương đang cồn cào da thịt.

Phạm Thị Kiều Tiên – chủ nhân kênh Yewon TV là một trong những người truyền tải tinh thần, ẩm thực, con người Việt qua vlog rất đỗi đời thường. Ở những clip đầu tiên đăng tải lên mạng xã hội, Kiều Tiên chỉ đơn giản là chia sẻ cuộc sống làm dâu xứ người, những món ăn, phong tục tập quán của người Hàn Quốc. Không dừng lại ở cuộc sống Hàn, Kiều Tiên cũng thường xuyên cho ra lò những clip mang đậm bản sắc Việt, những món ăn quê hương miền Tây như lẩu mắm, cá sặc, bún phở, những loại trái cây Việt như chôm chôm, măng cụt lần lượt được cô đưa lên sóng.

Một điểm cộng của nàng dâu Việt này là biết lôi kéo “dụ dỗ” các thành viên trong gia đình như bố mẹ chồng, chồng, người thân gia đình chồng thưởng thức những món ăn đậm vị Việt Nam. Thậm chí, theo Kiều Tiên chia sẻ, chồng cô ăn được hầu hết các món ăn Việt Nam, không khác gì một chàng trai Việt thực thụ. Mới đây nhất, vlog một mâm toàn đặc sản V iệt như xoài xanh, me khô, mít khô, bánh Tét… được nàng dâu Việt bày ra đãi bố mẹ chồng người Hàn Quốc. Tập vlog này của cô thu hút hơn 175.000 lượt xem sau 3 ngày lên sóng. Nét mộc mạc, giản dị trong lời nói, hình ảnh của Kiều Tiên đã giúp cô có lượng theo dõi và ủng hộ đông đảo.

Văn hóa Việt lan tỏa trên không gian số -0
Phạm Thị Kiều Tiên đãi bố mẹ chồng người Hàn Quốc những đặc sản của Việt Nam

Hay nàng dâu Việt Ngô Thị Ngoan cũng có nhiều clip chiêu đãi chồng món ăn đậm hương vị quê nhà như rau luộc chấm kho quẹt, bún bò Huế… Kiều Tiên và Ngoan là hai trong số nhiều nàng dâu Việt tại nước ngoài làm vlog. Trên kênh của mình, họ ghi lại khoảnh khắc sinh hoạt hàng ngày của bản thân với gia đình, con cái, người thân trong gia đình chồng. Đó là những bữa quây quần bên nhau cùng nhau ăn uống, cùng nhau trò chuyện về sự kiện thời sự của Việt Nam hay chỉ đơn giản là giới thiệu cho mọi người nghe về nền ẩm thực Việt, dạy một vài câu nói tiếng Việt… những câu chuyện tưởng chừng nhỏ bé trong gia đình đa văn hóa nhưng lại có sức lan tỏa lớn về giá trị gia đình Việt.

Truyền thông tự nhiệm

“Không gian mạng nối kết toàn bộ thế giới. Sử dụng mạng xã hội tạo nên một loại hình "truyền thông nhân dân" vô cùng rộng lớn, tốc độ lan tỏa nhanh chóng, người tiếp nhận thông tin phong phú. Mỗi người có thể là một chủ thể truyền thông và cũng là một chủ thể tiếp nhận. Chỉ cần lập một trang cá nhân lên một mạng như Facebook là đã có thể tác nghiệp, giao lưu, trao đổi. Những hình ảnh muôn màu của cuộc sống sẽ được phản ánh cho cả thế giới xem”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định.

Không chỉ có những người Việt ở nước ngoài, giờ đây cũng có nhiều người trẻ trong nước là chủ nhân của kênh vlog có nội dung đậm chất thôn quê, gợi nét văn hóa xưa… như một cách quảng bá con người Việt cho bạn bè quốc tế, và hơn hết là kết nối cảm xúc cho người Việt trong và ngoài nước.

Văn hóa Việt lan tỏa trên không gian số -0
Vlogger An Đen với những cánh đồng quê Việt

Youtuber An Đen – cô gái trẻ sinh năm 1991 sở hữu kênh youtube không quá nhiều người theo dõi nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Những thước phim của cô chỉ đơn giản là cây cối, chó mèo, khung cảnh đồng quê… Ban đầu clip chỉ dành mục đích chia sẻ cho bạn bè về cuộc sống ở quê như thế nào, sau đó dưới sự động viên của mọi người, An Đen tiếp tục làm thêm những video khác thi vị hơn. Không chỉ tái hiện góc nhỏ làng quê với ngôi nhà gạch cũ, căn bếp vương khói, đồng lúa trải dài… An Đen còn là cầu nối của những câu chuyện về những người neo đơn gặp khó khăn trên nương rẫy, từ đó sẻ chia thông điệp nhân văn cùng cộng đồng.

Vlogger An Đen cũng từng được trang web du lịch The Smart Local của Singapore đưa vào danh sách 10 kênh nấu ăn của Việt Nam giúp người xem trở thành đầu bếp tại gia, đồng thời đề cao việc đưa hình ảnh làng quê tươi đẹp vào các sản phẩm video của mình. “Trong số người xem của An có một cô sống tại Mỹ hơn 30 năm. Cô nói với An rằng xem những video của An, cô mới nhận ra đất nước có những khung cảnh bình yên như vậy. Trước khi qua Mỹ sống, cô không có cơ hội đi nhiều nơi để ngắm nhìn Việt Nam nhiều hơn”, An Đen chia sẻ.

“Lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt Nam bằng chính cuộc sống từng người, của các di sản văn hóa truyền thống, của các phong tục tập quán có giá trị, của cả các hành vi văn hóa đặc biệt... là một phong cách truyền thông đầy tự nhiệm của những người yêu văn hóa dân tộc, yêu cái chân, cái thiện, cái mỹ của cuộc sống còn phức tạp này. Dù cách nhau vạn dặm, gửi cho nhau một truyện ngắn, một bài đàn, một cách nấu món ăn quê kiểng... là đem đến cho nhau một niềm vui, một kinh nghiệm, một nỗi nhớ nhung khôn tả. Cuộc sống như đang được chắt lọc những khoảnh khắc thú vị, lên hương cho từng người. Cuộc sống dù khó khăn nhưng trong đó cái dòng chảy có giá trị vẫn trong tâm khảm mọi người. Nó chứng minh cho những điều tốt lành mang tính người đó đồng thời cũng chứng minh sức sống văn hóa của Việt Nam”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ. 

PGS.TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung: Xu hướng tích cực

Nhiều người Việt làm vlog lan tỏa nét đẹp, văn hóa Việt là xu hướng tích cực, mong muốn đẩy lùi tiêu cực, xuyên tạc bóp méo của những tổ chức phản động nước ngoài. Ngoài việc kịp thời đập tan luận điệu sai của thế lực phản động trong và ngoài nước thì còn truyền bá, tuyên truyền thành tựu, tốt đẹp của văn hóa – kinh tế - xã hội Việt Nam ra thế giới để bạn bè quốc tế và Việt kiều hiểu thêm phần nào hoạt động, thành tựu mà Việt Nam đã đạt được. Dù đó chỉ là những cá nhân làm theo kiểu tự phát nhưng cũng có ý nghĩa, giá trị đặc trưng khác nhau, rất đáng hoan nghênh.

Trong thế giới đa cực ngày nay, có thể thấy rằng hội nhập quốc tế rất đa dạng, sâu rộng trên cả lĩnh vực chính trị - tư tưởng - kinh tế - xã hội – văn hóa và kênh truyền dẫn lan tỏa nhanh nhất là liên quan tới mạng xã hội, nền tảng kỹ thuật số, số hóa. Thông qua trao đổi đó, mọi thứ được chia sẻ để gần gũi nhau hơn. Đặc biệt, họ hướng tới tìm hiểu, suy nghĩ, nghiên cứu xây dựng nội dung chia sẻ trên mạng xã hội, làm cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài có một nguồn thông tin chính xác, cụ thể, tự nhiên và gần gũi hơn với giới trẻ.

Không chỉ người Việt trong nước tự hào về văn hóa, truyền thống Việt Nam mà người Việt khắp thế giới còn hơn thế. Khi ở nước ngoài, họ sẽ luôn khát khao với thông tin trong nước, khát khao với truyền thống văn hóa Việt Nam, đó là động lực, làm điểm tựa tinh thần để họ có thêm hy vọng, phấn đấu.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi