Thứ Sáu, 22/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bán xe cũng cần phải khai báo với Cơ quan đăng ký phương tiện

Phương tiện đã bán chưa sang tên đổi chủ gây tai nạn giao thông, việc thông báo chuyển nhượng giúp tránh trách nhiệm liên đới của người bán xe

Thiếu tá Phạm Quang Huy cho biết - Giấy báo bán, cho, tặng, điều chuyển xe có thể gửi qua đường bưu điện hoặc trực tiếp cho cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký xe”.

Từ ngày 1/6, khi bán hoặc cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo ngay bằng văn bản đến cơ quan đã cấp đăng ký xe để theo dõi, nếu không sẽ bị liên đới và xử lý hành chính khi chiếc xe đã chuyển quyền sử dụng gây tai nạn...

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 15/2014/TT-BCA từ ngày 1/6, “ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản theo Mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe”.

Các phương tiện áp dụng gồm xe ôtô, máy kéo, rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe máy chuyên dùng của Công an sử dụng vào mục đích an ninh.

Thông tư này thay thế Thông tư 36/2010/TT-BCA trước đó.

Bán xe không có nghĩa là hết trách nhiệm

Anh Nguyễn Tuấn (quận Ba Đình, Hà Nội) phân vân cho rằng, khi thực hiện chuyển quyền sở hữu phương tiện, hai bên mua - bán thực hiện hợp đồng công chứng. Đây là loại giấy tờ có giá trị pháp lý chứng minh giao dịch đã được hoàn tất, là cơ sở cho bên mua thực hiện quy trình đăng ký sang tên đổi chủ sau đó. “Hợp đồng công chứng cũng là giấy tờ có giá trị pháp lý chứng minh rằng tôi đã bán xe, hà cớ gì tôi lại phải làm thêm một thủ tục thông báo tới cơ quan đăng ký phương tiện nữa”, anh Tuấn nói.

Thực tế, không phải trường hợp nào đã mua - bán xe cũng được người mua nhanh chóng thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ. Trao đổi với Pháp luật Việt Nam về vấn đề này, Thiếu tá Phạm Quang Huy - Trưởng phòng Hướng dẫn luật lệ và điều tra, xử lý tai nạn giao thông đường bộ - đường sắt (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Bộ Công an) giải thích, theo quy định tại Khoản2, Điều 439 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì:  “Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó”.

Ông Huy cho biết, tại Khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Như vậy, khi người bán và người mua xe đã thực hiện hợp đồng mua bán mà người mua xe chưa đến làm thủ tục đăng ký sang tên mình thì xe đó vẫn thuộc quyền sở hữu của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và quyền sở hữu chưa được chuyển cho người mua xe.

Hơn nữa, pháp luật hiện hành quy định, trong một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chủ xe chịu trách nhiệm liên đới về mặt dân sự, hành chính hoặc hình sự. Ví dụ, tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra…”.

“Như vậy, Thông tư số 15/2014/TT-BCA chỉ nhắc lại các quy định của pháp luật về trách nhiệm của chủ phương tiện. Việc chủ xe thông báo ngay bằng văn bản việc bán, cho, tặng, điều chuyển xe đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, vừa thể hiện trách nhiệm công dân - ông Huy phân tích - Ví dụ, nếu chiếc xe được điều chuyển, cho, tặng gây tai nạn hoặc làm phương tiện phạm tội thì việc thông báo của chủ xe giúp cho cơ quan chức năng nhanh chóng tìm được người đang sử dụng chiếc xe đó và giúp giảm trừ trách nhiệm liên đới của chủ xe”.

Có thể thông báo bằng bản viết tay, gửi qua bưu điện

Quy định nói trên là một trong những nội dung mới liên quan đến hoạt động đăng ký xe. Ngay cả đối với những ý kiến đánh giá quy định này không chỉ thuận lợi cho cơ quan quản lý mà còn đảm bảo quyền lợi của người dân thì việc thông báo như thế nào để giản tiện nhất, thuận lợi nhất cho người dân cũng được nhiều người quan tâm. “Người bán phải thông báo tới cơ quan đã cấp đăng ký phương tiện, nhưng nếu tôi thực hiện bán xe ở Đà Nẵng, xe của tôi mang biển số Hà Nội thì liệu tôi có phải về Hà Nội để thông báo việc bán xe không?” -  anh Tuấn đặt câu hỏi.

Theo quan điểm của cơ quan Công an, thông báo bằng văn bản được hiểu là thông báo đó phải theo mẫu và đấy là Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BCA. “Tổ chức, cá nhân bán, điều chuyển, cho, tặng xe có thể tự viết theo mẫu giấy báo bán, cho, tặng, điều chuyển xe hoặc in mẫu Giấy báo bán, cho, tặng, điều chuyển xe từ mạng Internet trên website csgt.vn hoặc lấy từ cơ quan đăng ký xe phát miễn phí để kê khai -Thiếu tá Phạm Quang Huy cho biết – Giấy báo bán, cho, tặng, điều chuyển xe có thể gửi qua đường bưu điện hoặc trực tiếp cho cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký xe”.

Biên tập: Hồng Thắm - Trung tâm  TTKH & TLGK
Trích nguồn: Pháp Luật online

Gửi cho bạn bè