Thứ Năm, 21/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Cần tăng nặng hình phạt để ngăn chặn “tín dụng đen”

“Tín dụng đen” hoành hành suốt nhiều năm qua gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Dù lực lượng Công an liên tục truy quét nhưng nó vẫn tồn tại dai dẳng. Nhiều người cho rằng, hình phạt hiện tại chưa đủ sức răn đe. Nên chăng cần tăng thêm hình phạt cho tội phạm hoạt động “tín dụng đen”?

Lợi nhuận từ “tín dụng đen” mang lại quá lớn khiến nhiều đối tượng bất chấp quy định của pháp luật tìm mọi cách hoạt động cho vay bất hợp pháp. Kéo theo đó là các tổ chức, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” không từ thủ đoạn để thu hồi nợ. Các đối tượng sẵn sàng thực hiện các hành vi hết sức manh động tấn công hoặc khủng bố tinh thần, đời sống của bị hại, gây hoang mang, hoảng loạn trong đời sống khu dân cư.

Lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện hàng nghìn vụ/đối tượng, đã khởi tố hàng trăm vụ án về các tội danh giết người, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, bắt, giữ, giam người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở người khác, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản, gây rối trật tự công cộng… liên quan đến “tín dụng đen”.

Cần tăng nặng hình phạt để ngăn chặn “tín dụng đen” -0
Cần tăng nặng hình phạt đối với các đối tượng phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”.

Tại Hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Tòa án nhân dân TP Hà Nội tổ chức ngày 2/12 vừa qua, đại diện Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho rằng, do tính chất nguy hiểm của loại tội phạm hoạt động “tín dụng đen” có thể gây bất ổn cho đời sống người dân, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nên cần nghiên cứu sửa đổi quy định Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng: bỏ hình phạt tiền và tăng hình phạt tù theo khoản 1 hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù; khoản 2 từ 5 năm đến 15 năm tù. Đồng thời có sự phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra ngân hàng, cơ quan quản lý thông tin truyền thông, cơ quan quản lý doanh nghiệp để xử lý kịp thời, xử phạt nặng tội phạm hoạt động tội  “tín dụng đen”.

Trao đổi với luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp, Công ty Luật Thành Công, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về vấn đề trên, luật sư cho rằng nạn “tín dụng đen” hiện nay là một vấn nạn, vẫn hoành hành, gây hệ lụy nguy hiểm cho toàn xã hội. Đặc biệt, nó có tính chất tinh vi, chuyên nghiệp, coi thường pháp luật gây bất ổn, bức xúc, hoang mang trong đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Mặc dù hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã được Quốc hội thông qua ra đời bổ sung, áp dụng điều luật đối với loại tội phạm này nhằm áp dụng phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, răn đe giáo dục loại hình tội phạm này, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước. Tuy nhiên, nạn “tín dụng đen” vẫn len lỏi, tồn tại dai dẳng, coi thường pháp luật, càng ngày càng tinh vi hơn.

“Chính vì vậy, trên cơ sở pháp luật, chúng tôi hoàn toàn đồng ý quan điểm cần phải tăng hình phạt đối với loại tội phạm này bởi hiện nay Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi áp dụng đối với loại tội phạm này với mức hình phạt cao nhất mới chỉ đến 3 năm tù. Do đó, chưa đủ sức răn đe, giáo dục, chưa đủ sức mạnh, chưa đủ thuyết phục để làm giảm loại hình tội phạm này”, luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp cho biết. 

Theo luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu kỹ các ý kiến, quan điểm pháp luật về loại hình tội phạm này để có thể áp dụng hình phạt phù hợp hơn, đủ sức răn đe, giáo dục, ngăn chặn loại hình tội phạm này. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục đến mọi người dân về ý thức tuân thủ pháp luật trong giao dịch vay mượn, thực hiện việc giao dịch vay, cho vay theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu của pháp luật, tăng cường đấu tranh, kiên quyết dẹp bỏ nạn “tín dụng đen” để góp phần làm trong sạch xã hội, góp phần bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, các nhân.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi