Thứ Năm, 21/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đại biểu Thủ đô khẳng định tính khoa học các dự luật Bộ Công an soạn thảo

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; các đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành TP Hà Nội và lãnh đạo chủ chốt Công an các phòng chức năng, các quận, huyện và một số xã trọng điểm của TP Hà Nội.

img-2255.jpg -0
Trung tướng Nguyễn Hải Trung phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định: Hội thảo nhằm trao đổi về các luận cứ khoa học, thực tiễn của việc xây dựng 3 dự án Luật: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Luật TTATGT đường bộ và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật CAND năm 2018.

Hội thảo đã tập trung phân tích, thảo luận, làm rõ cơ sở thực tiễn, bài học kinh nghiệm và những vấn đề quan trọng cần được quan tâm. Đề ra những phương hướng, giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập từ thực tiễn tại địa bàn Thủ đô, đòi hỏi cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện bổ sung 3 dự án Luật quan trọng nói trên. Đa số các đại biểu phát biểu tham luận đồng tình với quy định mới về việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn, đặc biệt là bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu, công tác và cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND. Theo ông Vũ Tiến Lộc và ông Hoàng Văn Cường, 2 đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, điều này thể hiện sự ghi nhận động viên của Đảng, Nhà nước, tạo động lực để CBCS phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

bà thủy.jpg -0
Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Đồng tình về việc cần nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với ngành CAND, theo quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc: Khi Luật Lao động mới đã sửa đổi, nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động thì cũng phải xem xét đến các Luật khác có liên quan, trong đó có Luật CAND năm 2018. Vì vậy, Luật CAND cũng cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Lao động mới, điều này đảm bảo sự công bằng so với các ngành nghề khác, cũng là để tránh sự lãng phí về nguồn nhân lực.

img-2320.jpg -0
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Đối với Luật Lực lượng đảm bảo ANTT ở cơ sở, tất cả các ý kiến tham luận tại Hội thảo đều khẳng định, việc xây dựng và ban hành Dự án Luật này là đúng đắn và rất cần thiết, phù hợp với quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là phải dựa vào sức dân, phát huy vai trò của lực lượng quần chúng trong công tác đảm bảo ANTT.

Đối với dự án Luật TTATGT đường bộ, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn hiện nay, đa số các đại biểu tại Hội thảo đều đồng tình với việc nên tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 Luật riêng biệt. Theo ông Trương Xuân Cừ, Luật Giao thông đường bộ hiện nay khiến công tác quản lý, chỉ đạo rất khó, khập khiễng nên cần xây dựng Luật mới tách rõ chức năng, trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải. 

ô cừ.jpg -0
Ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu quan điểm tại Hội thảo.

Đồng quan điểm với ông Trương Xuân Cừ về việc cần tách Luật Giao thông đường bộ để xây dựng và ban hành riêng Luật TTATGT đường bộ, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh tới tầm quan trọng của vấn đề TTATGT hiện nay và việc cần xây dựng luật riêng để quy định, điều chỉnh chuyên sâu hơn về vấn đề này. Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông cao so với thế giới, vì vậy rất cần có một luật riêng để điều chỉnh, tập trung xử lý vi phạm liên quan TTATGT một cách thấu đáo, quy định càng chi tiết càng tốt. Ông Lộc cho rằng nếu TTATGT không được đảm bảo tốt, không chỉ gây thiệt hại về người, về tài sản, tính mạng cho người dân và xã hội, mà còn gây tác động xấu, làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

img-2268.jpg -0
Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Bên cạnh ý kiến các đại biểu quốc hội, đại biểu các sở, ban ngành của TP Hà Nội, Hội thảo cũng được nghe ý kiến đóng góp từ thực tiễn công tác, chiến đấu, phân công, phân cấp, quan hệ phối hợp của các đơn vị trong Công an TP Hà Nội về công tác đảm bảo ANTT, bảo đảm trật tự ở cơ sở, các vấn đề về an toàn giao thông và phân tích, làm rõ cơ sở thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm cùng với những vấn đề trọng tâm cần được quan tâm; phương hướng xây dựng và hoàn thiện 3 dự án Luật và mong muốn 3 dự án Luật sớm đi vào cuộc sống.

img-2277.jpg -0
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Công an TP Hà Nội phát biểu tham luận Hội thảo.

Kết thúc Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Hải Trung ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, nội dung phát biểu của các đại biểu để báo cáo Bộ Công an. Qua Hội thảo, Bộ Công an và Công an TP Hà Nội rất mong những chủ trương, quan điểm của ngành Công an nói chung, Công an TP Hà Nội nói riêng luôn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ và sự đồng thuận của Thành ủy, UBND thành phố, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và các sở, ban, ngành, địa phương.

Đồng chí Giám đốc mong rằng, sau Hội thảo, các đại biểu sẽ tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, có góc nhìn khách quan, toàn diện về sự cần thiết xây dựng, ban hành của 3 dự án Luật nêu trên, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ để lực lượng CAND nói chung, Công an TP Hà Nội nói riêng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi