Thứ Tư, 4/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có 01 văn bản là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2024 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Nghị định số 13/2023/NĐ-CP) đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân, chưa có văn bản Luật nào quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Nghị định chưa bao quát hết các lĩnh vực, quan hệ của đời sống, xã hội, chưa tương thích với các quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được nêu trong Hiến pháp năm 2013, cùng các quy định liên quan tới “thông tin cá nhân”, “thông tin riêng”, “thông tin số”; “thông tin cá nhân trên môi trường mạng”; “thông tin bí mật đời tư”... được nêu trong một số văn bản Luật hiện hành.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, chỉ có văn bản luật được quyền quy định các nội dung liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân. Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân dự kiến quy định một số trường hợp liên quan tới tiết lộ, xử lý dữ liệu cá nhân khi chưa được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, có khả năng ảnh hưởng tới quyền con người. Mặc dù đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định một số trường hợp tại Điều 17. Tuy nhiên, về mặt pháp lý và để bảo đảm quy phạm đầy đủ các trường hợp khác trong thực tiễn, cần ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để quy định các nội dung nêu trên.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 

Theo đó, dự thảo Luật gồm 07 chương, 68 điều; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo luật này áp dụng đối với Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động tại nước ngoài; Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân của người nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dự thảo luật đã quy định cụ thể các nội dung về nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân; quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân; sử dụng dữ liệu cá nhân trong hoạt động kinh doanh; biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Toàn văn dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến của nhân dân trong thời gian 60 ngày, chi tiết tại đây.

Nguồn: Cổng TTĐT BCA

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi