Thứ Sáu, 22/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thống nhất 3 lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở

Sáng 11/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp.

 

Góp ý dự thảo Luật, các ý kiến đều cho rằng, cần thiết phải thống nhất các lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở để bảo đảm an ninh, trật tự ở các địa phương; triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới nhân dân.

 

Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề tại sao luật chỉ điều chỉnh 3 lực lượng mà chưa đề cập các mô hình tổ chức tự quản của quần chúng trong bảo đảm an ninh trật tự như “hiệp sĩ đường phố”, công nhân tự quản... mà thực tế cho thấy có hiệu quả. Luật này cần phải đặt ra mối liên hệ với các tổ tự quản đã có, phát huy hiệu quả để đúng với mục tiêu và tên gọi của dự luật là Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.  

“Dự thảo đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ và thực chất đều là nhiệm vụ của công an xã. Do đó, phải xác định rõ hơn tính chất phối hợp, hỗ trợ của lực lượng này với công an xã chính quy để không chồng lấn, làm thay nhiệm vụ của lực lượng công an mà chắc chắn là không làm thanh được” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp

 Chủ tịch Quốc hội đề nghị  nên nghiên cứu  bố trí chỗ làm việc chung cho lực lượng này ở đình làng, nhà văn hoá. “Rất cần thiết có lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở. Cơ sở không yên an thì chỉ cần ngọn lửa nhỏ sẽ bùng lên phức tạp”. – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Tô Lâm thay mặt Ban Soạn thảo giải trình các ý kiến đại biểu nêu. Cụ thể, về thời gian trình và thông qua Luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý có lịch trình bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2020. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an thực hiện đúng tiến trình, quy trình xây dựng pháp luật.

 

Về sự cần thiết phải ban hành Luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay, lực lượng bảo về ANTT ở cơ sở đang tồn tại, nếu không có quy định được ban hành sớm để quản lý và tổ chức hoạt động thì sẽ rất khó khăn trong việc bảo vệ ANTT, triển khai đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.

 

“Chúng tôi học tập rất nhiều ở Luật Dân quân tự vệ đã được Quốc hội thông qua như tuyển chọn con người, chế độ chính sách, phạm vi hoạt động...đều bám theo Luật Dân quân tự vệ để có tương thích” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

 

Trả lời câu hỏi vì sao Luật chỉ điều chỉnh 3 lực lượng là Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng, mà không đưa các lực lượng khác như hiệp sỹ đường phố, tự quản...vào Luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đây là 3 lực lượng có lịch sử ra đời rất lâu, trên phạm vi toàn quốc, hiện nay đang được tồn tại. 

Cụ thể, Công an xã bán chuyên trách được thành lập ngay sau khi Các mạng tháng Tám thành công; lực lượng Bảo vệ dân phố  được thànnh lập sau sau chiến thắng Điện Biên Phủ; lực lượng Dân phòng được thành lập từ những năm 1960. Các lực lượng này có quan hệ chặt chẽ,cơ cấu tổ chức bộ máy và đều do UBND cấp xã thành lập, được nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động, trên thực tế đang phát huy được vai trò tích cực trong bảo vệ ANTT ở cơ sở, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá, đủ cơ sở để quy định trong Luật.  Việc không đưa các lực lượng khác cở cơ sở vào dự án Luật, đó là các lực lượng này chỉ tồn tại nhỏ lẻ ở các địa phương, không bao trùm, phổ biến trong toàn quốc. 

“Chính vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện, có thể bổ sung sau” – Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ và cho biết  nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở được quy định rất rõ, được nhiều lực lượng tham gia, được phân công, phân cấp rất cụ thể. 

 

Các đại biểu tại phiên họp

Về mối quan hệ giữa Công an chính quy và lực lương bảo vệ ANTT ở cơ sở, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thực hiện Luật CAND, Bộ Công an đã xây dựng Nghị định trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định hoạt động lực lượng Công an xã chính quy. Nghị định sẽ quy định hoạt động của Công an xã chính quy với lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở.

 

Về kinh phí, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đã bám sát quy định của lực lượng Dân quân tự vệ. Hiện nay, cả nước có gần hơn 180 nghìn thôn, bản, làng ấp... 

Nếu theo quy định của pháp luật về PCCC thì mỗi thôn phải quy định 1 đội dân phòng, trung bình khoảng 10 người. Nếu thành lập được hết ở các thôn thì có khoảng 1,8 triệu người.  Cùng với đó, có 72 nghìn người bảo vệ dân phố ở các đô thị, hơn 126 nghìn người là Công an xã bán chuyên trách đã hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, hiện có hơn 2 triệu người trong các lực lương này. Trung bình, mỗi người được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng thì mỗi tỉnh phải trả 10 tỷ đồng/tháng cho các lực lượng này.  

“Theo dự thảo Luật, quy định hỗ trợ hàng tháng sau khi nhập 3 lực lượng thì mỗi thôn có 1 tổ bảo vệ ANTT từ 7-10 người, toàn quốc có hơn 180 nghìn thôn, tức là có khoảng 1,5 triệu người, giảm khoảng 500 nghìn người so với hiện nay.  Với mức hỗ trợ 300.000đ/người/tháng thì sẽ giảm được 150 tỷ chi trả từ ngân sách.” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

 

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm, hiện nay, trên thế giới chỉ có mình nước ta có phong trào toàn dân bảo vệ ANTT, huy động được sức mạnh nhân dân bảo đảm ANTT. 

“Chúng tôi đã khảo sát, trao đổi với nhiều nước trên thế giới, các nước rất ngạc nhiên về tính nhân dân trong công tác bảo vệ ANTT, nhiều nước đặt vấn đề học Việt Nam trong tổ chức lực lượng Công an ở cơ sở. Ví dụ như ở Nhật, họ đã nghiên cứu học tập chúng ta về tổ chức CSKV và tổ chức, thực hiện rất tốt, thậm chí tốt hơn chúng ta hiện nay. Chúng tôi cũng xác định biện pháp quần chúng là một trong những biện pháp quan trọng nhất của lực lượng Công an.  Đây cũng là biện pháp Bác Hồ cũng đã dạy CAND, rất phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng ta hiện nay” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Trích nguồn: Báo CAND


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi