Thứ Sáu, 22/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Trường hợp nào bị can được đọc, sao chép tài liệu vụ án?

Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) sửa đổi bổ sung nhiều điểm mới và những vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau tại phiên họp UBTV Quốc hội chiều 7/4.

Bổ sung cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng

Điểm mới được quy định trong dự thảo luật là các biện pháp chống bức cung, nhục hình; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động tố tụng hình sự. Những quy định này được Ban soạn thảo giải thích là nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013.

Dự thảo quy định: Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng để họ tham dự.

Bổ sung các quy định để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; bắt buộc kiểm sát viên phải hỏi cung khi bị can kêu oan hoặc khi phát hiện hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Quy định trách nhiệm của cơ quan tố tụng cấp trên phải kiểm tra hoạt động tố tụng của cơ quan cấp dưới.

Đặc biệt, dự luật bổ sung cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng; bảo đảm sự kiểm soát giữa các khâu trong tiến trình tố tụng, khâu sau giám sát kết quả tố tụng của khâu trước, hủy bỏ những chứng cứ do khâu trước thu thập bằng biện pháp trái luật.

Bị can được đọc, chép tài liệu hồ sơ vụ án khi nào?

Về quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án (Điều 42), có ý kiến đề nghị, để thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, trong trường hợp bị can không có người bào chữa thì phải được quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc buộc tội họ. Trong khi đó, nhiều ý kiến đề nghị không quy định quyền này cho bị can vì quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với bị can đang bị tạm giam, nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của hồ sơ vụ án.

Về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 174), một số ý kiến đề nghị, để chống bức cung, nhục hình, mớm cung, bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động tố tụng hình sự, cần quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.

Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cho rằng, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, quy định như trên sẽ rất khó bảo đảm. Vì vậy, đề nghị tiếp tục kế thừa quy định hiện hành cần bắt buộc phải lập biên bản khi tiến hành hỏi cung, trường hợp xét thấy cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình hoạt động này.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, đây là bộ luật hết sức quan trọng tác động đến quyền con người, quyền công dân. Việc quy định như thế nào vừa đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền con người và tính đến yếu tố khả thi. Về việc người bị tạm giam, tạm giữ có quyền tự do đưa ra lời khai, không đưa ra chứng cứ để buộc tội mình, theo Thượng tướng, nếu ghi như thế rõ ràng hơn.

Quy định người bị tạm giam, tạm giữ có quyền đọc hồ sơ vụ án, điều này khó khả thi vì án tài liệu rất lớn, nhất là án kinh tế thường có đến mấy tạ giấy tờ. “Vậy thì chỉ nên quy định chỉ được đọc một số bản phô tô tài liệu về phần buộc tội mình thôi chứ không phải đọc hết, tránh trường hợp tiêu huỷ, xé bỏ tài liệu” – Thứ trưởng đề nghị.

Về việc bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình trong hoạt động hỏi cung, Thứ trưởng Lê Quý Vương ghi nhận quy định này vì nếu thực hiện được sẽ rất tốt, giúp chống bức cung, nhục hình và những vụ án lớn cũng đã thực hiện. Tuy nhiên, kinh phí để thực hiện ra sao sẽ là vấn đề rất lớn cũng cần được tính đến.

Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay, theo quy định hiện hành, trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, bị can đã được biết lý do khởi tố, được giải thích quyền và nghĩa vụ; có quyền trình bày lời khai, được đọc lại trước khi ký bản cung; được nhận tất cả các quyết định tố tụng liên quan đến việc buộc tội, kể cả bản kết luận điều tra tổng hợp đầy đủ các chứng cứ vụ án.

Các thông tin, căn cứ buộc tội bị can về cơ bản đã được cung cấp kịp thời để bị can thực hiện quyền bào chữa, đưa ra yêu cầu, khiếu nại việc thu thập chứng cứ mà không phải đọc hồ sơ khi kết thúc điều tra mới biết. “Việc quy định bị can được quyền đọc, sao chép các tài liệu hồ sơ là khó khả thi trong điều kiện nước ta hiện nay (khác với một số nước có điều kiện số hóa hồ sơ cho phép bị can tiếp cận hồ sơ qua máy vi tính để bảo đảm an toàn hồ sơ)” – ông Hiện nêu.

Tuy nhiên, để bị can thực hiện tốt hơn quyền tự bào chữa trong trường hợp không có người bào chữa và khi bị can có yêu cầu thì việc quy định cho bị can được đọc, ghi chép một số bản sao tài liệu quan trọng trực tiếp liên quan đến việc buộc tội họ (như bản sao biên bản khám nghiệm hiện trường, bản sao kết luận giám định, bản cung của bị can khác trong vụ án….) là cần thiết và khả thi.

Theo đó, cần quy định theo hướng: sau khi kết thúc điều tra, nếu bị can không có người bào chữa và khi bị can yêu cầu thì bị can có quyền đọc, ghi chép một số bản sao tài liệu quan trọng trực tiếp buộc tội đối với họ. Ông cũng cho rằng, dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can” trong mọi trường hợp là không cần thiết, không khả thi.

Tính toán kỹ việc luật hóa biện pháp điều tra đặc biệt

Đây là vấn đề gây nhiều tranh luận. Cơ quan thẩm tra cho rằng, biện pháp điều tra đặc biệt là vấn đề rất phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự, đến bí mật điều tra khám phá vụ án, đến quyền con người, quyền công dân, nhưng cần phân biệt rõ biện pháp điều tra đặc biệt với tư cách biện pháp điều tra tố tụng công khai là khác với các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, an ninh, tình báo. Luật an ninh quốc gia, Luật phòng chống ma túy, Luật chống khủng bố, Luật Hải quan, Luật phòng, chống rửa tiền mới chỉ ghi nhận một số biện pháp, còn một số luật giao cho Chính phủ quy định.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, chương 19 quy định các biện pháp điều tra đặc biệt có 5 điểm nhưng quan trọng nhất là biện pháp gì và trường hợp nào được áp dụng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, đã gọi điều tra đặc biệt thì các biện pháp liên quan đến quyền con người, do đó phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.

Đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh

Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.

Đồng thời, dự thảo Bộ luật tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 của BLHS hiện hành) thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè