Thứ Năm, 25/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Truyền thông dự thảo chính sách pháp luật cho người Việt ở nước ngoài

Bà Cao Thị Mai Phương, Tổng biên tập Tạp chí Luật Việt Nam và Diễn đàn Pháp lý (Vietnam Law and Legal Forum) cho biết, hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong nhiều năm qua, truyền thông chính sách, pháp luật góp phần quan trọng giúp đồng bào ta ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chủ trương, chính sách về công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

Theo bà Phạm Thị Thu Hương - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), các quy định pháp luật có liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, do nhiều bộ, ngành khác nhau phụ trách.

Việc xác định cơ quan nào là cơ quan chủ quản phụ trách vấn đề liên quan để phối hợp thông tin, tuyên truyền đôi khi gặp khó khăn, nhất là đối với những vấn đề mang tính liên ngành. Mặt khác, người Việt Nam ở nước ngoài xuất phát từ các quốc gia khác nhau, sử dụng các ngôn ngữ khác nhau, không phải cá nhân nào cũng biết tiếng Việt, do đó thường gặp rào cản khi tiếp cận dự thảo chính sách, pháp luật bằng ngôn ngữ tiếng Việt.

Cùng đó, đại diện Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ, trong một số hoàn cảnh đặc biệt, một bộ phận bà con kiều bào không có điều kiện tiếp cận nguồn thông tin chính thống, thiếu thông tin dẫn đến bị lôi kéo, kích động, gây chia rẽ nên còn hiểu sai lệch hoặc cố tình xuyên tạc về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta.

Song, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc thực hiện phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật chủ yếu được thực hiện đối với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Hoạt động truyền thông dự thảo chính sách chưa được chú trọng triển khai đồng bộ và hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số cơ quan chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông và cung cấp thông tin cho báo chí, chủ yếu coi công tác tuyền thông là nhiệm vụ của báo chí chưa xác định rõ đây chính là nhiệm vụ, là chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, báo chí và các loại hình truyền thông khác là một trong những phương thức quan trọng để thực hiện công tác truyền thông chính sách.

Vì vây, một số chủ trương, chính sách khi được triển khai thực hiện đã gây hoang mang trong dư luận hoặc nảy sinh ý kiến trái chiều dẫn đến khủng hoảng truyền thông một phần có liên quan đến việc thiếu chủ động cung cấp thông tin, phương thức truyền thông được thực hiện chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Ngoài ra, một thực tế tồn tại hiện nay đó là nội dung thông tin, tuyên truyền chưa tiếp cận được với nhiều nhóm đối tượng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các thế hệ trẻ kiều bào, thế hệ thứ hai, thứ ba; chưa chủ động nghiên cứu, khảo sát, cung cấp thông tin mà kiều bào ta quan tâm. Do vậy, các chủ trương, chính sách khi được triển khai chưa thực sự phát huy được vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Trước những khó khăn, bất cập nêu trên, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, thời gian tới cơ quan soạn thảo chính sách cần chủ động công tác truyền thông ngay từ khâu xây dựng dự thảo.

Đồng thời cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo chính sách cần chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí phục vụ công tác thông tin đối ngoại và chủ động đăng tải trên các cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, đia phương… để lan toả thông tin được dễ dàng, rộng rãi hơn đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi