Thứ Bảy, 20/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Vay “tín đụng đen”: Thế nào là tội phạm cho vay nặng lãi?

Theo Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cần xác định rõ thế nào là tội phạm cho vay nặng lãi?. "Nặng" đối với bản thân người vay hay "nặng" khi đối chiếu theo quy định pháp luật hiện hành.

Một vòng luẩn quẩn

Ông Nguyễn Văn Tư (ở thôn Xuân An, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) là nạn nhân điển hình của “tín dụng đen”. Ông Tư chia sẻ, cuối tháng 11/2020, do cần tiền để làm ăn nên ông “mượn” của ông Tr.T.T. (ở huyện Tuy Phước) số tiền 200 triệu đồng. Điều kiện để được “mượn” tiền là ông Tư làm hợp đồng chuyển nhượng thửa đất số 457, tờ bản đồ số 11 (diện tích 193,2 m².) và tài sản trên đất là căn nhà cấp 4 (diện tích xây dựng 40 m².) cho ông T. với số tiền 230 triệu đồng.

Vì quá cần tiền nên ông Tư đồng ý lập hợp đồng chuyển nhượng theo điều kiện ông T. đưa ra. Đồng thời, hai bên còn lập “hợp đồng giao giữ sổ đỏ” để tạo niềm tin cho nhau. Theo nội dung hợp đồng thì ông Tư giao cho ông T. sổ đỏ có thửa đất số 457, tờ bản đồ số 11 và căn nhà cấp 4 trên đó. Trong vòng 30 ngày, ông Tư trả tiền cho ông T. và lấy lại sổ đỏ; trong thời gian này, ông T. không được sang nhượng cho người thứ 2 và không được sử dụng sổ đỏ để vay ngân hàng. Khi ông Tư trả tiền thì ông T. có trách nhiệm thực hiện thủ tục sang nhượng lại sổ đỏ. Đến cuối tháng 12/2020, ông T. yêu cầu ông Tư trả 30 triệu đồng là số tiền lãi của khoản tiền 200 triệu đồng đã “mượn” (lãi suất 15%/tháng). Tuy nhiên, ông Tư không đủ tiền nên chuyển trả trước ông T. 10 triệu đồng. Sau đó, vào tháng 2/2021, ông T. cho người tới căn nhà của ông Tư ở thôn Xuân An phá cửa, chiếm dụng với lý do sổ đỏ của ông Tư đã sang tên cho ông T.

Thực tế hiện nay, tại nhiều vùng nông thôn, xuất hiện nhan nhản những tờ rơi, mẫu giấy quảng cáo cho vay trả góp với nội dung hấp dẫn như: Thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày, không thế chấp, không phụ phí. Thế nhưng, sự thật không như vậy, bởi người vay thường chịu mức lãi suất rất cao, khó có thể trả hết nợ. Để ngăn chặn tình trạng này, các cấp chính quyền của Bình Định đã chỉ đạo các ngành chức năng triệt phá nhiều ổ nhóm cho vay nặng lãi.

Vay “tín đụng đen”: Thế nào là tội phạm cho vay nặng lãi? -0
Tờ rơi quảng cáo “tín dụng đen” xuất hiện nhan nhản ở nhiều vùng nông thôn.

Có gan vay thì có gan trả

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cho rằng, cần xác định rõ thế nào là tội phạm cho vay nặng lãi?. "Nặng" đối với bản thân người vay hay "nặng" khi đối chiếu theo quy định pháp luật hiện hành.

Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên cho hay, giao dịch vay - mượn được luật dân sự cho phép, điều kiện là không vượt quá 20 lần so với lãi suất ngân hàng. Các đối tượng cho vay chỉ áp dụng lãi suất cao hơn 10 lần thì không thể bắt về tội cho vay lãi nặng. Hơn nữa, người vay nặng lãi đa số dính đến cờ bạc, ma túy, trộm cắp…; còn số người thực chất vay để làm ăn thì rất ít, bởi thường chỉ những người cùng quẫn lắm mới phải đi vay nặng lãi. "Đi vay lãi nặng mà hi vọng ngày mai đánh lô đề kiếm tiền trả nợ chứ người làm ăn bình thường vay để làm ăn, kiếm tiền trả lãi suất vay thì không bao giờ làm được. Nhiều trường hợp, bản thân người đi vay ý thức được họ không thể trả được", Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên nói.

Theo Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, khi nào hoạt động cho vay vượt quá khuôn khổ pháp luật cho phép thì mới là tội phạm. Trường hợp người vay cam kết nhưng không trả nợ được thì người cho vay có quyền khởi kiện ra tòa về mặt dân sự. "Tuy nhiên, khi đưa ra tòa phải nộp án phí 5% tương ứng với số tiền cho vay nên không ai gửi đơn lên tòa mà lợi dụng cơ quan công an để đi đòi nợ miễn phí cho họ. Cơ quan công an không phải là người đi đòi nợ thuê. Việc này, Bộ Công an không cho phép. Trong trường hợp này chúng tôi hướng dẫn họ gửi đơn lên tòa án", ông Nguyên nói.

Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên thông tin thêm, trong 5 vụ bắt giữ người trái pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2021, có đến 4 vụ liên quan đến việc không trả lãi vay đúng hạn. "Quan điểm của chúng tôi là phải đánh mạnh vào tội phạm cờ bạc, ma túy thì may ra mới hết tình trạng này. Lực lượng Công an không bảo vệ số người hoạt động trái pháp luật dẫn đến nợ nần. Có gan vay thì phải có gan trả, không được đòi hỏi, mong chờ Nhà nước, pháp luật giúp mình khỏi trả nợ, "quỵt nợ". Có trường hợp cá độ đá banh, một đêm thua cả tỷ đồng, không có tiền trả nợ nên bị bắt viết giấy nợ chứ bản chất không phải do vay nặng lãi, hoặc một số trường hợp vay nặng lãi để đáo hạn ngân hàng", Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên cho hay.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi