Thứ Ba, 24/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Chiến thắng Ấp Bắc - trận đánh lịch sự đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân Việt Nam

Để thực hiện chiến lược này, chính quyền Mỹ đề ra kế hoạch Staley - Taylor nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng; trong đó, biện pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường xây dựng lực lượng quân ngụy, dùng lực lượng quân ngụy mạnh do cố vấn Mỹ chỉ huy, được một số đơn vị quân Mỹ yểm trợ, áp dụng chiến thuật cơ động bằng máy bay trực thăng và xe thiết giáp (chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận) để nhanh chóng đập tan lực lượng vũ trang cách mạng.

Theo Thượng tướng Trần Văn Trà, chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận nguy hiểm ở chỗ “với trực thăng chở quân được bố trí tại các căn cứ quân sự có ở khắp nơi, Mỹ có thể đưa quân ngụy tấn công vào bất cứ vùng rừng núi hiểm trở hay bưng biền, sông rạch nào trong vòng một vài tiếng đồng hồ một cách bất ngờ; với trực thăng vũ trang, Mỹ có thể bắn phá và chi viện cho quân ngụy bằng súng liên thanh và hỏa tiễn từ trên trời bất chấp địa hình và cả thời tiết; xe thiết giáp M.113 là loại xe có vỏ thép chống đạn, được trang bị mạnh, dùng chở bộ binh tấn công đột phá vào trận địa đối phương, lại chạy được trên địa hình bình thường hay lầy lội sông rạch”; trong khi đó, quân giải phóng và du kích của ta mới chỉ được trang bị súng bộ binh nhẹ và chưa có cách đánh thích hợp cũng như kinh nghiệm để đối phó với những chiến thuật “tân kỳ” của địch.

Bằng những nỗ lực chiến tranh điên cuồng, địch đã gây cho lực lượng võ trang giải phóng nhiều khó khăn và tổn thất. Do đó, việc đề ra một chiến thuật mới để đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy là một yêu cầu cấp bách và sống còn của quân dân miền Nam. Trước tình hình đó, ngày 07/09/1962 tại căn cứ Hưng Thạnh (nay thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), Đoàn cán bộ của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, do Phó Bí thư Võ Chí Công làm trưởng đoàn, đã có cuộc họp với Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn chiến trường, tại cuộc họp, sau khi phân tích tương quan lực lượng giữa ta và địch, đồng chí Võ Chí Công có kết luận chỉ đạo về việc chống địch càn quét như sau: “Địch đã chuyển sang chiến tranh đặc biệt, ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng chống chiến tranh đặc biệt của địch. Quy luật chiến tranh của địch là càn quét, ta phải chống càn quét; và chống càn quét phải theo đường lối chiến tranh nhân dân, phải kết hợp ba mũi giáp công (chính trị, vũ trang và binh vận), phải kết hợp ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích) trên thế xã chiến đấu để đánh địch. Lực lượng vũ trang tập trung phải đứng lại đánh càn tiêu diệt địch mà tồn tại, đánh cả với trực thăng và xe bọc thép, không thể tránh càn mà tồn tại. Kinh nghiệm trận Trại Lòn của đại đội 3 tiểu đoàn 261 vì rút lui không đánh mà bị thiệt hại. Do đó, các địa phương phải đề ra chủ trương cho bộ đội đứng lại đánh càn, còn đánh như thế nào thì anh em bộ đội tự tính được”.

Có được sự chỉ đạo đúng đắn của Ban Thường vụ Trung ương Cục, quân giải phóng miền Nam đã đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch, thu được những thắng lợi to lớn, tiêu biểu nhất là chiến thắng Ấp Bắc (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang).

Trận Ấp Bắc kéo dài khoảng 20 giờ. Rạng sáng ngày 02/01/1963, máy bay trinh sát L19 của địch bay lượn trên bầu trời Ấp Bắc dẫn đường cho bộ binh và cơ giới. Các lực lực lượng bộ binh, thiết giáp, tàu chiến chia làm 3 mũi bao vây, thực hành càn quét vào Ấp Bắc.

Một mũi gồm 2 đại đội bảo an từ Điền Hy theo Lộ 4, bắt đầu xung phong vào xóm Hội Đồng Vàng, xã Tân Phú. Nắm chắc thời cơ, bộ đội và du kích bất ngờ nổ súng, tiêu diệt tên sĩ quan đại đội cùng hàng chục lính bảo an. Số khác bị sa xuống hố chông, vướng bẫy, vướng mìn nổ làm cho địch hoảng loạn; lực lượng còn lại vội vã co cụm bắn loạn xạ hoặc tháo chạy.

Cùng thời gian trên, mũi khác từ Cầu Sao bí mật cơ động tiếp cận khu vực miếu Thầy Lơ, thực hiện đánh xuyên sườn phòng ngự của ta. Lực lượng ém sẵn của ta đã kịp thời tổ chức đánh chặn, tiêu diệt bộ phận đi đầu, sau đó bí mật vận động, xung phong tiêu diệt bộ phận lớn sinh lực địch vừa tháo chạy ra cánh đồng trống. Bị đánh bất ngờ, lực lượng địch còn lại tháo chạy về miếu Thầy Lơ cố thủ. Trước tình hình đó, sở chỉ huy hành quân của địch ra lệnh cho pháo binh yểm trợ lực lượng rút chạy nhưng lại bắn trúng đội hình bộ binh, gây thêm thương vong cho chúng.

Cùng hai mũi trên bộ, mũi đường thủy theo kênh Nguyễn Tấn Thành gồm 13 tàu chiến chở 2 đại đội biệt động quân đánh vu hồi vào sau đội hình của ta ở Ấp Bắc. Ta sử dụng trung đội du kích và 2 đội công binh chặn đánh quyết liệt, đánh chìm 1 tàu và đánh hỏng một số chiếc khác. Được tin 2 mũi trên bộ gặp nguy, đoàn tàu chững lại rồi tìm đường tháo lui.

Sau đợt tiến công đường bộ và đường thủy không thành, chỉ huy cuộc hành quân của địch quyết định sử dụng chiến thuật trực thăng vận, dùng 5 trực thăng vũ trang UH1A yểm trợ cho 10 trực thăng chở quân CH21 đổ 2 tiểu đoàn bộ binh xuống sau ấp, hình thành hai gọng kìm bao vây lực lượng của ta.

Dự đoán trước âm mưu, thủ đoạn của địch, nắm chắc thời cơ, quân ta bất ngờ nổ súng bắn rơi tại chỗ 1 chiếc CH21; chiếc khác trúng đạn, cố bay ra khỏi vùng trời Ấp Bắc thì bị rơi. Để cứu nguy cho bộ binh, địch dùng 5 chiếc trực thăng vũ trang UH1A và pháo binh điên cuồng bắn phá vào trận địa. Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 đã anh dũng chiến đấu bắn rơi tại chỗ 2 chiếc UH1A, bắn hỏng 1 chiếc CH21 đang đổ quân và rơi cách đó khoảng 400 mét.

Bị thất bại nặng nề trong chiến thuật trực thăng vận và qua hai đợt tiến công không thành khiến tâm lý binh lính địch hoang mang cực độ, buộc địch phải rút quân về thị xã Mỹ Tho để củng cố lực lượng và phương tiện.

Vào lúc 12 giờ 15 phút, sau khi tập kết đủ 3 tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 11, 12 của Sư đoàn 7, địch hình thành hai mũi tiến quân vào ấp Tân Thới, được hỏa lực pháo binh và trực thăng vũ trang yểm trợ tối đa, tiến vào khu vực trận địa của Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 Mỹ Tho. Đợi cho quân địch lọt hẳn vào trận địa mai phục, bộ đội và du kích bất ngờ nổ súng, tiêu diệt và làm bị thương khoảng 1 trung đội địch, số còn lại cố chạy thoát thân.

Để phối hợp với quân và dân Ấp Bắc, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban quân sự Mỹ Tho sử dụng Đại đội 2, Tiểu đoàn 514 tiến công trường bắn Tân Hiệp, kìm chân địch trên Lộ 4, dùng trinh sát khống chế sân bay Thân Cửu Nghĩa. Đại đội 211B chốt giữ Ngã ba chùa Phật Đá, sẵn sàng chi viện cho Ấp Bắc.

Sau thất bại liên tiếp của 3 đợt tấn công, chỉ huy quân địch quyết định sử dụng không quân dội bom napan, xăng đặc, bắn đạn cháy, rốckét... nhằm thiêu trụi các mục tiêu ở Ấp Bắc; sử dụng pháo binh bắn cấp tập vào các trận địa dọc hai bên lộ dẫn vào ấp. Vừa dứt hỏa lực dọn đường, 13 xe thiết giáp M113 và 1 tiểu đoàn bộ binh tổ chức đột kích chính diện Ấp Bắc. Với tinh thần “Kiên quyết bám trụ, bám trụ đến cùng”, 75 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 đã anh dũng chiến đấu, diệt 1 xe M113, bắn hỏng một số chiếc khác. Do súng đại liên bị hỏng, quân địch đã đột phá vào trận địa. Trước tình thế nguy nan, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 cùng 2 chiến sĩ đã bật khỏi công sự, dùng thủ pháo tiêu diệt 1 xe M113 và anh dũng hy sinh. Bị thương vong nhiều, địch hoang mang cực độ, buộc chỉ huy cuộc hành quân phải ra lệnh giãn đội hình, xốc lại lực lượng, phương tiện.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 02/01/1963, địch tiếp tục mở đợt tiến công mới. Chúng sử dụng 7 máy bay vận tải CH47 chở Tiểu đoàn dù số 8 thả xuống ấp Tân Thới nhưng rơi vào trận địa phục kích của ta. Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 nắm chắc thời cơ, bất ngờ nổ súng tiêu diệt quân dù ngay từ khi chúng chưa kịp xuống đất; số quân dù còn sống sót co cụm chờ ứng cứu. Cùng thời gian trên, trên hướng Đại đội 1, Tiểu đoàn 216, địch sử dụng xe M113 đột kích. Ta dùng súng phóng lựu bắn cháy 01 xe M113 và toàn bộ lính trên xe, buộc các xe khác phải dừng lại. Nhận thấy 2/3 lực lượng quân dù đổ xuống ấp Tân Thới bị thương vong nặng, lực lượng thiết giáp và bộ binh tấn công vào Ấp Bắc bị tổn thất lớn, mất sức chiến đấu; chỉ huy cuộc hành quân của địch đã cho lực lượng quân dù đổ bộ xuống khu vực Miếu Hội và lệnh cho các lực lượng rút lui.

Sau một ngày chiến đấu kiên cường, căng thẳng, quyết liệt, quân ta đã đánh bại 5 đợt tiến công của Mỹ - ngụy, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Ban Chỉ huy trận đánh đã quyết định rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Ấp Bắc, về căn cứ tỉnh ở Hưng Thạnh để bảo toàn lực lượng. Trong trận chiến đấu ác liệt này, quân và dân Ấp Bắc đã mưu trí, anh dũng, tiêu diệt và làm bị thương 450 tên địch (trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay trực thăng, bắn hư hỏng nhiều chiếc khác; phá hủy 3 xe bọc thép M113, đánh chìm 01 tàu chiến trên sông. Bộ đội và du kích chỉ sử dụng khoảng 5.000 viên đạn các loại.        

Giá trị lớn nhất, có ý nghĩa chiến lược của chiến thắng Ấp Bắc là đã cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam tại hội nghị ngày 07/09/1962 thành một cách đánh có hiệu quả của lực lượng vũ trang cách mạng trong việc đối phó với những chiến thuật “tân kỳ” mà Mỹ - ngụy thực hiện ở miền Nam Việt Nam. Đó là cách đánh không được phân tán, né tránh địch, mà trụ lại, chuẩn bị công sự vững chắc, bám chặt công sự và không được thoát ly khỏi công sự, kiên cường phòng ngự theo phương châm “phòng ngự công sự điểm tựa vòng tròn” để đánh bại địch tấn công theo lối “bủa lưới bao vây”, trên cơ sở đó, khi thời cơ thuận lợi, tích cực phản kích để giành chiến thắng; trong đó, bao gồm luôn cả việc hoàn thiện kỹ - chiến thuật, nhất là cách bắn máy bay trực thăng và xe thiết giáp, cũng như chuẩn bị tốt công tác tư tưởng chiến đấu cho bộ đội và du kích: địch “bủa lưới, phóng lao” thì ta phải “trụ lại, phá lưới, bè lao”.

Sau đó, cách đánh của bộ đội ta tại Ấp Bắc đã được nâng lên thành một kinh nghiệm vô cùng quý báu trong việc đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam: “Vào sâu, đứng lại, đánh càn, giải phóng nông thôn” hay “Bao vây, bức rút, bức hàng/Đứng lại đánh càn, giải phóng nông thôn”.

Chiến thắng Ấp Bắc đã đánh dấu sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng và báo hiệu khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe tăng, xe thiết giáp của Mỹ - ngụy; đồng thời, nêu bật sức mạnh của lực lượng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Chiến thắng Ấp Bắc đã gây một tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh cách mạng của Khu 8 nói riêng và toàn chiến trường miền Nam nói chung. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đánh giá: “Kể từ Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được”.

Chiến thắng Ấp Bắc đã làm cho lòng tin của quân ngụy vào vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại do Mỹ cung cấp và làm cố vấn bị suy sụp. Từ đó, sức chiến đấu của chúng bị giảm sút nghiêm trọng; đế quốc Mỹ cũng thấy không thể thắng cách mạng bằng quân sự. Đúng như Đảng ta nhận định: “Một điều đặc biệt quan trọng là chúng ta đang làm cho ý chí chiến thắng của địch ngày càng tan rã. Sau chiến thắng Ấp Bắc của ta, đế quốc Mỹ bắt đầu thấy rằng chúng khó thắng được ta. Trong hàng ngũ quân đội đánh thuê và chính quyền tay sai, ngay trong đám cán bộ cao cấp, tư tưởng thất bại ngày càng lan rộng”.

Chiến thắng Ấp Bắc là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam. Thượng tướng Trần Văn Trà cho biết: “Sau trận Ấp Bắc, xe thiết giáp và các loại trực thăng không còn là nỗi kinh hoàng cho mọi người, không còn là bất khả trị nữa. Từng người du kích với khẩu súng trường, từng đơn vị nhỏ với súng liên thanh dám bắn và biết bắn hạ trực thăng theo gương thực tế của các chiến sĩ Ấp Bắc. Tinh thần không sợ và kỹ thuật diệt địch đã được giải quyết trong hàng ngũ quân giải phóng miền Nam”.

Sau chiến thắng vang dội này, Trung ương Cục phát động cao trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” và được quân dân miền Nam hưởng ứng nhiệt liệt trong việc đẩy mạnh thế chiến lược tiến công, giành được những thắng lợi ngày càng to lớn trên chiến trường.

Chiến thắng Ấp Bắc đã làm cho mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Diệm ngày càng sâu sắc, dẫn đến việc Mỹ giật dây cho bọn tướng lĩnh thân Mỹ tiến hành đảo chính, giết chết anh em Diệm - Nhu vào tháng 11/1963, mở đầu cho cuộc khủng hoảng triền miên của ngụy quyền trung ương.

Chiến thắng Ấp Bắc đã mở đường cho việc quân dân ta ở miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân cả nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Ấp Bắc là một chiến công đặc biệt quan trọng không chỉ vì đó là một thắng lợi lớn về quân sự mà điều quan trọng hơn nữa là chiến công đó mở ra một cục diện mới, tạo ra một điển hình mới, đem lại lòng tin cho chiến sĩ và đồng bào miền Nam để tiến lên giành thắng lợi từng bước, đi đến thắng lợi cuối cùng ở chiến dịch Hồ Chí Minh”.

 Một số hình ảnh minh họa:

Chiến sĩ Tiểu đoàn 514 đánh trận Ấp Bắc.

Chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ.

Khẩu đại liên được dùng để bắn rơi 8 máy bay Mỹ trong trận Ấp Bắc.

 

Các chiến sĩ Tiểu đoàn Mỹ Tho đánh thắng trận Ấp Bắc được mang tên Tiểu đoàn Ấp Bắc.

Bài: Trần Thị Hà - Phòng Chính trị

Biên tập: Trần Nghĩa - Phòng HCTH.

 

 

Gửi cho bạn bè