Thứ Ba, 16/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giá trị văn hóa trong Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

1. Bối cảnh ra đời Sáu điều Bác Hồ dạy

Đầu tháng 3/1948, đồng chí Hoàng Mai, lúc đó là Giám đốc Sở Công an Khu XII, gửi biếu Bác Hồ tờ báo Bạn dân số Tết, kèm lá thư nêu nguyện vọng được Bác chỉ bảo cải tiến nội dung, hình thức để tăng tính hấp dẫn người đọc. Sau khi đọc kỹ nội dung tờ báo, Bác đã viết thư trả lời với những nhận xét và góp ý rất cụ thể: “Bác đã nhận được thư và báo cháu gửi tặng Bác. Bác thấy có sự cố gắng đáng hoan nghênh. Nhưng tờ báo theo cháu nói từ 24 đến 32 trang thì dài quá. Cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thiết thực, mọi người đọc đều có thể hiểu và làm được. Như thế mới có thể đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh thi đua. Trên báo, cần làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”.

Như vậy ở đoạn đầu, Bác chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ chung của tờ báo công an; trên cơ sở đó, Bác hướng dẫn đề tài trọng tâm của báo là nhắc nhở anh em rèn luyện đạo đức, tư cách của người công an cách mạng với sáu nội dung cụ thể; đồng thời Bác gợi ý cách làm để Sáu điều dạy này nhanh chóng đi vào hiện thực cuộc sống (như viết thành ca dao, viết thành khẩu hiệu dán ở bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ; cách dạy dân quân, tự vệ cách điều tra xét giấy, phòng gian…).

DB trang 5: Giá trị văn hóa trong Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân -0

Cảnh sát  Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Quảng Nam giải cứu 23 người bị mắc kẹt tại khu vực suối Tiên do nước lũ dâng cao, ngày 6/8/2022. Ảnh: CTV

Có thể nói, thư Bác nêu trên như là “Đề cương bài giảng” về nhiệm vụ người làm báo. Vì vậy, ta càng hiểu ý nghĩa chính trị về chủ trương của Bác trong năm 1948 mở lớp dạy viết báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng đặt tại thôn Bờ Rạ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, mà giảng viên của lớp này là các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi…

Theo đồng chí Trần Kiên, nguyên Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Nhân Dân - một trong những học viên của lớp viết báo kể lại rằng, Bác nói rõ chủ trương mở lớp dạy viết báo nhằm đào tạo những cán bộ, phóng viên có trình độ tư tưởng, nghiệp vụ cao để thông tin nhanh chóng và rộng rãi cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong giai đoạn chuyển từ cầm cự sang phản công. Trong thư, Bác căn dặn, việc học nghiệp vụ viết báo cần đi đôi với rèn luyện tư cách, đạo đức người làm báo cách mạng. Đặt trong bối cảnh cụ thể đó, chúng ta càng thấm thía ý nghĩa sâu xa về những lời Bác đề cập trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai.

2. Giá trị văn hóa trong Sáu điều Bác dạy

Trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, sau khi dặn dò cách tuyên truyền trên báo, Bác viết: “Trên tờ báo phải luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người công an cách mệnh là:

Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.

Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc phải tận tụy.

Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”.

Thiết nghĩ, để hiểu hết chiều sâu ý nghĩa Sáu điều dạy này, chúng tôi thấy cần làm rõ nội hàm của cụm từ tư cách. Theo Từ điển tiếng Việt, Tư cách gồm 3 mặt: 1/ Cách ăn ở, cư xử, biểu hiện phẩm chất đạo đức của một người. 2/ Toàn bộ nói chung những điều yêu cầu đối với một cá nhân để có thể được công nhận ở một vị trí, thực hiện một chức năng xã hội nào đó. 3/ Một mặt nào đó trong các chức năng cương vị, vị trí của một người, một sự vật.

Soi chiếu vào nội dung Sáu điều dạy của Bác, ta có thể nêu khái quát những nhân tố văn hóa cần thiết tạo nên tư cách người công an cách mạng là: lối sống trong sáng (cần, kiệm, liêm, chính); mối quan hệ gắn bó, hòa đồng với đồng nghiệp (thân ái, giúp đỡ); thái độ và bản lĩnh sống trước yêu cầu của Chính phủ (phải tuyệt đối trung thành); cách ứng xử với nhân dân (phải kính trọng, lễ phép); thái độ, trách nhiệm với công việc (phải tận tụy); dũng khí trong tác chiến với địch (phải cương quyết, khôn khéo). Nếu quy chiếu 6 nội dung này, ta có thể diễn đạt vắn tắt, nếu muốn có tư cách của người công an cách mạng cần giải quyết thật tốt 3 mối quan hệ: cá nhân với cá nhân; cá nhân với tập thể; cá nhân với kẻ thù. 3 mối quan hệ cơ bản này có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại, nếu không thực hiện hài hòa, sẽ không thể có hình ảnh người công an cách mạng. Đây chính là bản chất văn hóa trong Sáu điều dạy của Bác, có sức sống trường tồn cho đến hôm nay.

DB trang 5: Giá trị văn hóa trong Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân -0

Công an tỉnh Bắc Giang giúp dân thu hoạch vải trong thời gian cao điểm dịch COVID-19. Ảnh: CTV

75 năm qua, Sáu điều dạy của Bác Hồ vẫn vẹn nguyên giá trị đối với việc xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại trong bối cảnh đất nước đang triển khai toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, thực hiện tốt Sáu điều dạy của Bác Hồ, lực lượng CAND ta trên thực chất đang tăng cường việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đã có nhiều phong trào thi đua; đã xuất hiện hàng vạn điển hình tập thể, cá nhân thể hiện ý chí tu dưỡng, rèn luyện vượt qua mọi khó khăn, thử thách nghiệt ngã do đặc thù công tác và điều kiện thiên tai nghiệt ngã; tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong công tác và chiến đấu. Đặc biệt, trong hai năm đại dịch COVID -19 vừa qua, nhân dân được chứng kiến những tấm gương cao đẹp của các cán bộ, chiến sĩ tình nguyện đi vào tâm dịch, không sợ bị lây nhiễm hiểm nguy, bình tĩnh, sáng tạo tìm cách cứu chữa hàng ngàn bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Khi bão mưa, lũ quét ập đến, lực lượng Công an lại sát cánh cùng Quân đội ngày đêm trèo đèo, lội suối tới nơi đào bới cứu người bị đất lấp vùi; sẻ cơm, nhường áo giúp dân thoát cảnh màn trời chiếu đất, nhanh chóng ổn định đời sống, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ngã xuống trong các cuộc chiến đấu với dịch bệnh, thiên tai, những hành động hung bạo, dã man của các loại tội phạm xã hội… Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi ơn các chị, các anh đã hy sinh vì nghĩa lớn, để lại những tấm gương cao đẹp, có tác dụng giáo dục, cổ vũ toàn lực lượng sống và chiến đấu theo Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đấy là kết quả tất yếu của quá trình thực hiện văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử trong hàng loạt hành động liên thông nhằm thực hiện mục tiêu cách mạng cao đẹp của lực lượng CAND. Thực tiễn ấy là minh chứng sinh động của chủ trương xây dựng và thực hiện văn hóa trong CAND, đã được Đảng ủy Công an Trung ương tổng kết và nhân rộng cách đây nhiều năm. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác văn hóa trong giai đoạn hiện nay là xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam gắn liền với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Không có môi trường lành mạnh, không thể có con người mang phẩm chất yêu nước, trung thực, nghĩa tình, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Ngược lại, không có con người với những phẩm chất nêu trên thì không thể có môi trường xã hội trong sạch, bình yên, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Có thể nói, dưới góc nhìn văn hóa, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là sự tổng kết lý luận - thực tiễn sâu sắc về văn hóa trong CAND, có sức sống lâu bền, luôn là kim chỉ nam cho suốt quá trình 75 năm xây dựng và phát triển lực lượng CAND - những người đã và đang tâm niệm và làm theo lời hứa thiêng liêng: “còn Đảng thì còn mình!” - như lời tổng kết của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Tháng 3/2023

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi