Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nâng cao hiệu quả dạy học thực hành cho học viên chuyên ngành Cảnh sát giao thông

Trong giai đoạn hiện nay, với sự gia tăng mạnh số lượng phương tiện giao thông cá nhân, trong đó số lượng xe ô tô tăng nhanh hơn so với trước đây, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn chưa đồng bộ, cùng với một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông thiếu ý thức về pháp luật giao thông đã và đang làm cho tình hình trật tự an toàn giao thông nước ta hiện nay và trong những năm tới còn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, trong thời đại đang diễn ra cuộc cách mạng 4.0, sự lan truyền các video có hình ảnh Cảnh sát giao thông, nhất là các video phản ánh những sai phạm của Cảnh sát giao thông trên mạng xã hội đã và đang có những tác động xấu đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng, của lực lượng Công an nhân dân nói chung, từ đó đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng học viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo Cảnh sát giao thông trong lực lượng CAND, trong đó có Trường Cao đẳng CSND I.

Với số lượng trong chương trình đào tạo chuyên ngành Cảnh sát giao thông trình độ Trung cấp là 10 môn học thì có 06 môn học được phân bổ giảng dạy, hướng dẫn thực hành trong đó tập trung vào các môn học sau: tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; lái xe mô tô, ô tô, xuồng máy Công an nhân dân; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và dẫn đoàn; đăng ký, quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông; giao tiếp, ứng xử với nhân dân của lực lượng Cảnh sát giao thông. Đây là các môn học trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng để thực hiện các mặt công tác cơ bản của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Trong các môn học có nội dung thực hành thì khâu thực hành chiếm 54,57%. Như vậy, số tiết dành cho khâu thực hành chiếm tỉ lệ cao gần gấp đôi số tiết lý thuyết và gấp đôi số tiết dành cho các khâu khác, việc tăng thêm thời gian cho khâu thực hành giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học thực hành, trong đó giáo viên có đủ thời gian để tổ chức thực hiện các nội dung thực hành, học viên có đủ thời gian để rèn luyện kỹ năng thực hành như: kỹ năng nói (giao tiếp), kỹ năng viết và kỹ năng thực hiện các công việc chuyên môn.

Khoa CSGT phối hợp Đội CSGT - TT, Công an huyện Sóc Sơn - Công an TP Hà Nội hướng dẫn thực hành khám nghiệm hiện trường TNGT cho học viên.

Các nội dung được giáo viên tổ chức thực hành trong các môn học có khâu thực hành tương đối đa dạng về các hoạt động (gồm có quan sát, làm, viết, thuyết trình…) qua đó giúp hình thành và rèn luyện kỹ năng làm việc, kỹ năng nói, kỹ năng viết cho học viên.

Trong những năm học vừa qua, Khoa Cảnh sát giao thông đã luôn nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đăng ký, các nhiệm vụ được giao. Kết quả từ việc triển khai thực hiện các hoạt động giảng dạy, biên soạn tài liệu, nghiên cứu khoa học, thực tế của giáo viên đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Riêng đối với hoạt động dạy thực hành bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện ở các mặt sau đây:

Thứ nhất, tất cả giáo viên đều thống nhất nhận thức việc dạy thực hành là một khâu rất cần thiết, đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành kỹ năng, giúp học viên thực hiện tốt nhiệm vụ sau khi ra trường. Quá trình chuẩn bị cho dạy thực hành được giáo viên chuẩn bị chu đáo, đã khai thác tối đa số lượng, chủng loại các trang thiết bị, phương tiện đã được trang bị để phục vụ dạy học.

Thứ hai, trong xây dựng chương trình môn học, Khoa đã chủ động đề xuất dành thời lượng hợp lý cho hoạt động thực hành. Ở các môn học liên quan đến các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông, thời lượng dành cho thực hành được nâng lên đáng kể, đảm bảo đủ thời gian để học viên rèn luyện kỹ năng.

Thứ ba, nội dung thực hành trong từng môn học đã bám sát mục tiêu đào tạo, đảm bảo đạt được chuẩn đầu ra, gắn với các công việc thường được tiến hành trong các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Thứ tư, kế hoạch hướng dẫn thực hành được giáo viên xây dựng một cách cụ thể, khoa học, trong đó xác định rõ mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ học viên đạt được sau khi học, xác định nội dung dạy học và phương pháp dạy học để hình thành cho học viên các kỹ năng đó, xác định công cụ, phương tiện, địa điểm luyện tập, hình thức tổ chức luyện tập…

Thứ năm, giáo viên tuân thủ đúng quy trình dạy thực hành để phù hợp với nội dung. Giáo viên đã sử dụng đa dạng các phương pháp để tổ chức thực hành thông qua 03 bước là: bước chuẩn bị, bước thực hiện, bước kết thúc. Ngoài ra, giáo viên còn linh hoạt sử dụng các hoạt động bổ trợ cho dạy thực hành như xây dựng tình huống giả định, dựng hiện trường giả định, bảo hiểm tay lái, phân công vai diễn, qua đó phát huy được tính tích cực, tự giác của học viên, nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Với rất nhiều nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên Khoa Cảnh sát giao thông, năng lực thực hành của học viên chuyên ngành Cảnh sát giao thông trong những năm qua đã được cải thiện, nâng cao đáng kể; học viên sau khi ra trường đã tiếp cận nhanh với công tác chuyên môn của lực lượng Cảnh sát giao thông, được nhiều địa phương đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, ưu điểm đã đạt được, hoạt động dạy thực hành cho chuyên ngành Cảnh sát giao thông vẫn còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại sau đây: (1) Chưa có sự thống nhất về các chủ điểm được lựa chọn tổ chức thực hành giữa các giáo viên dạy thực hành khác nhau; (2) Chưa đánh giá được chính xác mức độ hình thành kỹ năng của học viên sau khi học thực hành cũng như mức độ đạt được chuẩn đầu ra liên quan đến năng lực thực hành của học viên. Ngoại trừ kỹ năng lái xe ô ô, mô tô, các kỹ năng liên quan đến các mặt công tác của Cảnh sát giao thông như: mức độ hoàn thiện của động tác, sự đầy đủ và đúng trình tự các bước thực hiện quy trình công tác, mức độ hoàn thiện về nội dung, hình thức của sản phẩm thu được từ hoạt động thực hành … chưa được đánh giá toàn diện.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động thực hành cho học viên chuyên ngành Cảnh sát giao thông, cần làm tốt một số nội dung sau đây:

Một là, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy thực hành vì đội ngũ giáo viên được coi là chìa khoá để nâng cao chất lượng giảng dạy. Để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nghiệp vụ sư phạm cũng như tay nghề thực hành cho đội ngũ giáo viên Khoa Cảnh sát giao thông cần xây dựng kế hoạch và cử giáo viên tham gia học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; cử giáo viên tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học và dạy thực hành; cử giáo viên tham gia tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ do Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tổ chức.

Hai là, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, chất lượng dạy học nói chung và dạy thực hành nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học học viên sẽ có nguồn tài liệu để tham khảo, tự học. Hoàn thiện nội dung dạy thực hành vì nội dung dạy thực hành được xem như “nguồn nguyên liệu” để giáo viên “khai thác” trên cơ sở sử dụng hợp lý các phương pháp dạy thực hành nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể về kiến thức, kỹ năng, thái độ trong dạy thực hành.


Giáo viên Khoa Cảnh sát giao thông hướng dẫn học viên thực hành lái xe ô tô 

Ba là, đổi mới phương pháp giảng dạy thực hành vì phương pháp dạy thực hành có ý nghĩa trong việc biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của học viên trong việc lĩnh hội kiến thức và luyện tập để hình thành kỹ năng thực hiện công việc chuyên môn.

Bốn là, đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá trong khâu dạy thực hành, kết quả của kiểm tra, đánh giá còn là sự phản ánh hiệu quả của nội dung, phương pháp dạy thực hành của giáo viên, giúp giáo viên phát hiện được những mặt mạnh, cũng như những hạn chế, thiếu sót trong quá trình dạy thực hành. Để đánh giá được đúng năng lực thực hành của học viên, từ đó có sự nhìn nhận về hiệu quả dạy thực hành của giáo viên nhằm có biện pháp điều chỉnh cho hợp lý.

Năm là, chủ động đề xuất trang bị, nâng cấp các phương tiện cần thiết cho dạy thực hành, đồng thời có thể huy động học viên cùng chuẩn bị một số dụng cụ, phương tiện để thực hành. Thông qua hoạt động này, vừa giúp học viên tích cực, chủ động tham gia vào quá trình dạy thực hành của giáo viên, vừa giúp có thêm được các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy./.

Bài: Khoa Cảnh sát giao thông

Biên tập: Trần Nghĩa - Phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi